Nội Dung Chính
LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT
Lịch Sử Đức Phật Tissa
- Sau (đức Phật) Siddhattha, bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Tissa là không ai sánh bằng, không người đối địch, có oai lực vô biên, có danh vọng vô lường.
- Sau khi đã xua tan bóng đen tăm tối và chiếu sáng thế gian luôn cả các cõi trời, vị có lòng thương xót, đấng Đại Hùng, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi ở thế gian.
- Cũng có thần thông vô song, giới và định vô song, sau khi đạt đến sự toàn hảo về mọi phương diện, vị ấy đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
- Đức Phật ấy đã công bố lời diễn thuyết thanh tịnh ở trong mười ngàn thế giới. Hàng trăm koṭi vị đã lãnh hội trong cuộc thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhất.
- Lần thứ nhì là của chín mươi ngàn koṭi vị. Lần thứ ba là của sáu mươi ngàn koṭi vị. Khi ấy, Ngài đã giúp cho nhân loại và chư thiên đã tề tựu lại được giải thoát khỏi các sự trói buộc.
- Bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Tissa cũng đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
- Đã có cuộc hội tụ thứ nhất của một trăm ngàn bậc Lậu Tận. Đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín chục trăm ngàn (chín triệu) vị.
- Đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám chục trăm ngàn (tám triệu) bậc Lậu Tận, không còn ô nhiễm, đã nở hoa trong sự giải thoát.
- Vào lúc bấy giờ, ta là vị Sát-đế-lỵ tên Sujāta. Sau khi buông bỏ tài sản lớn lao, ta đã xuất gia làm ẩn sĩ.
- Khi ta đã xuất gia, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã xuất hiện. Sau khi nghe được tiếng nói rằng: “Đức Phật!” khi ấy phỉ lạc đã phát khởi ở ta.
- Sau khi nắm lấy hoa Mạn-đà-la, hoa sen, hoa san hô của cõi trời bằng cả hai tay, ta đã vội vã đi đến.
- Ta đã cầm lấy bông hoa ấy và đặt lên đỉnh đầu của đấng Chiến Thắng, bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Tissa đang được vây quanh bởi bốn thành phần.[11]
- Khi ấy, ngồi giữa mọi người đức Phật ấy cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong chín mươi hai kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
- Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
- Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
- Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy thọ thực món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
- Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề, bậc Vô Thượng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
- Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
- Kolita và Upatissa sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng ấy.
- Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’
- Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) nam thí chủ hộ độ hàng đầu. Uttarā và Nandamātā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
- Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại vui mừng (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
- Họ thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, và nở nụ cười. Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên chắp tay cúi lạy (nói rằng):
- “Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
- Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
- Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
- Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
- Thành phố có tên là Khemaka, vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên là Janasandha, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Tissa tên là Padumā.
- Vị ấy đã sống ở giữa gia đình bảy ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Guhā, Selanāri, Nisabhā.
- Có đầy đủ ba mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Subhaddā. Con trai tên là Ānanda.
- Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
- Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Tissa, đấng Đại Hùng đã chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) ở khu rừng tuyệt vời Yasavatī.
- Brahmadeva và Udaya đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Tissa tên là Samaṅga.
- Phussā và luôn cả Sudattā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Asana.”
- Sambala và luôn cả Sirīsẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Kīsāgotamī và Upasenā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
- Cao sáu mươi ratana (15 mét), đức Phật, đấng Chiến Thắng ấy, không có vị tương đương, không có ai sánh bằng, được nhìn thấy như là núi Hy-mã-lạp.
- Tuổi thọ của vị có oai lực vô song ấy là tối thắng.[12] Bậc Hữu Nhãn đã tồn tại ở thế gian một trăm ngàn năm.
- Sau khi đã thọ hưởng danh vọng lớn lao, tối thượng, cao quý, nhất hạng, vị ấy đã rực cháy như là khối lửa rồi đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.
- Tương tợ như đám mây (biến mất) bởi làn gió, như là làn sương (biến mất) bởi mặt trời, như là bóng tối (biến mất) bởi ngọn đèn, vị ấy cùng với các Thinh Văn đã Niết Bàn.
- Đức Phật, đấng Chiến Thắng cao quý Tissa đã Niết Bàn tại tu viện Nanda. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên cao ba do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Lịch sử đức Phật Tissa là phần thứ mười bảy.
–ooOoo–
[1] Ý nói đến quả vị Phật, BvA. 165.
[2] Tòa lâu đài bay lên không trung đưa vị Bồ Tát đến gần cội cây Bồ Đề để thực hành khổ hạnh và sau đó chứng đắc quả vị Toàn Giác, BvA. 166-7.
[3] Nghĩa là chưa đạt đến sự thấu triệt Chân Lý, BvA. 171.
[4] Mười bốn trí tuệ của vị Phật gồm có 8 trí về Đạo Quả và sáu trí không phổ thông đến các Thinh Văn là: trí biết được khuynh hướng ngũ ngầm của chúng sanh (āsayānusayañāṇaṃ), trí biết được năng lực của người khác (indriyaparopariya-ñāṇaṃ), trí thị hiện song thông (yamakapāṭihāriyañāṇaṃ), trí thể nhập đại bi (mahākaruṇā-samāpattiñāṇaṃ), trí toàn tri (sabbaññutaññāṇaṃ), trí không chướng ngại (anāvaraṇañāṇaṃ) (BvA. 185).
[5] Đức Phật Padumuttara sanh vào sārakappa (kiếp chỉ có một vị Phật), nhưng có tánh chất như là maṇḍakappa (kiếp có hai vị Phật) vì thành tựu nhiều đức hạnh; đo đó được gọi là maṇḍakappa, BvA. 191.
Sự phân loại của kappa (kiếp): Có hai loại kappa (kiếp):
1/ Suñña-kappa (kiếp trống không) tức là kiếp không có đức Phật Toàn Giác, đức Phật Độc Giác, hoặc vị Chuyển Luân Vương xuất hiện, nghĩa là kiếp không có những nhân vật có đức hạnh sanh lên.
2/ Và a-suñña-kappa (kiếp không trống không) là có năm hạng: sāra-kappa (có một vị Phật Toàn Giác xuất hiện), maṇḍa-kappa (có hai …), vara-kappa (có ba …), sāramaṇḍa-kappa (có bốn …), và bhadda-kappa (có năm vị Phật Toàn Giác xuất hiện); nhiều vị Phật hơn nữa trong một kiếp là không có.
[6] Chú Giải ghi như sau: ussannakusalāti upacitapuññā = “vô cùng tốt lành” nghĩa là “đã tích lũy được nhiều phước báu,” BvA. 191.
[7] Nghĩa là hào quang từ cơ thể của vị ấy tỏa sáng khoảng không gian có bán kính là một do-tuần ở chung quanh, BvA. 201-2.
[8] Kiếp Maṇḍa (maṇḍakappa) là kiếp có hai vị Phật xuất hiện. Trường hợp này là đức Phật Sumedha và đức Phật Sujāta, BvA. 202.
[9] Maṇḍakappa là kiếp có hai vị Phật xuất hiện. Kiếp này có đến ba vị Phật xuất hiện là Piyadassī, Atthadassī, và Dhammadassī lẽ ra phải gọi là varakappa; điều này đã được đề cập ở phần Chú Giải Lịch Sử Đức Phật Padumuttara, BvA. 216.
[10] Trái Jambu là trái mận đỏ, đào đỏ (ND).
[11] Bốn thành phần là Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, gia chủ, và Sa-môn, BvA. 236.
[12] Tuổi thọ là một trăm ngàn năm, không quá dài và không quá ngắn, BvA. 231.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda