Phật Sử – Lịch Sử Đức Phật – 9: Lịch Sử Đức Phật Piyadassī

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

Lịch Sử Đức Phật Piyadassī

  1. Sau (đức Phật) Sujāta, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Piyadassī là vị tự mình chứng ngộ, khó thể đạt đến, tương đương với các vị không thể sánh bằng, có danh tiếng vĩ đại.
  1. Có danh tiếng vô hạn, đức Phật ấy cũng chiếu sáng tợ như mặt trời. Sau khi hủy diệt tất cả bóng tối, Ngài đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
  1. Đối với vị có oai lực vô song ấy, cũng đã có ba sự lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
  1. Thiên Vương Sudassana đã thuận theo tà kiến. Trong khi xua tan tà kiến của vị ấy, bậc Đạo Sư đã thuyết giảng Chánh Pháp.
  1. Cuộc tụ hội của các hạng chúng sanh là vô song. Khi ấy, đám đông đã tụ hội lại. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín mươi ngàn koṭi vị.
  1. Vào lúc bậc Điều Khiển nhân loại huấn luyện con voi Doṇamukha, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám mươi ngàn koṭi vị.
  1. Vị Piyadassī ấy cũng đã có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
  1. Sau đó vào lúc khác, chín mươi koṭi vị hiền triết đã hội họp chung lại với nhau. Ở cuộc hội tụ thứ ba, đã có tám mươi koṭi vị.
  1. Vào lúc bấy giờ, ta là người thanh niên Bà-la-môn tên Kassapa, là vị trì tụng, nắm vững chú thuật, thành thạo ba bộ Vệ Đà.
  1. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, ta đã sanh khởi niềm tin. Với một trăm ngàn koṭi (đồng tiền) ta đã tạo lập tu viện cho hội chúng.
  1. Sau khi dâng cúng tu viện đến vị ấy, ta trở nên mừng rỡ, có tâm trí phấn chấn, đã tạo lập sự vững chãi trong việc nương nhờ và đã thọ trì năm giới.
  1. Đức Phật ấy, ngồi giữa hội chúng, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong mười tám trăm (một ngàn tám trăm) kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
  1. Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
  1. Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
  1. Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy thọ thực món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
  1. Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề, bậc Vô Thượng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
  1. Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
  1. Kolita và Upatissa sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng ấy.
  1. Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’
  1. Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) nam thí chủ hộ độ hàng đầu. Uttarā và Nandamātā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
  1. Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại vui mừng (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
  1. Họ thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, và nở nụ cười. Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên chắp tay cúi lạy (nói rằng):
  1. Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
  1. Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
  1. Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
  1. Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
  1. Thành phố có tên là Sudhañña, vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên là Sudatta, người mẹ của đấng Đạo Sư Piyadassī tên là Sucandā.
  1. Vị ấy đã sống ở giữa gia đình trong chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Sunimmala, Vimala, và Giribrahā.
  1. Có ba mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Vimalā. Con trai là Kañcanāvela.
  1. Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, bậc Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng phương tiện xe và đã thực hành sự nỗ lực sáu tháng.
  1. Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Đại Hiền Triết, đấng Đại Hùng Piyadassī đã chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) tại công viên Usabha xinh đẹp.
  1. Pālita và Sabbadassī đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của đấng Đạo Sư Piyadassī tên là Sobhita.
  1. Sujātā và Dhammadinnā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Kakudha.”
  1. Sandhaka và Dhammaka đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Visākhā và Dhammadinnā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
  1. Có danh tiếng vô hạn, với ba mươi hai tướng trạng cao quý, và chiều cao tám mươi cánh tay (80 x 0.5 = 40 m), đức Phật ấy được nhìn thấy như là cây Sālā chúa.
  1. Không có ánh sáng của ngọn lửa, của mặt trăng hay mặt trời, tương tợ như hào quang của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng ấy.
  1. Tuổi thọ của vị ấy cũng dài như là (tuổi thọ) của các hàng thiên nhân. Bậc Hữu Nhãn đã tồn tại ở thế gian chín mươi ngàn năm.
  1. Đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, luôn cả các đức hạnh vô song ấy, tất cả đều hoàn toàn biết mất; phải chăng tất cả các hành là trống không?
  1. Đấng Hiền Triết cao quý Piyadassī ấy đã Niết Bàn tại tu viện Assattha. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên cao ba do-tuần ở ngay tại nơi ấy.

Lịch sử đức Phật Piyadassī là phần thứ mười ba.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc PHẬT SỬ - TIỂU BỘ - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app