GIẢI VỀ CHÁNH TRI KIẾN
Sammādiṭṭhi nghĩa là tri kiến chơn chánh, tri kiến đúng đắn, tri kiến cao quí. Chánh tri kiến có hai là: Chánh tri kiến hiệp thế và Chánh tri kiến siêu thế.
Trong hai loại Chánh tri kiến ấy, kammassakatāñāṇa là trí hiểu biết mỗi chúng sanh có nghiệp riêng và saccānulomikañāṇa là trí thuận dòng để tỏ ngộ Thánh đế, gọi là Chánh tri kiến hiệp thế. Còn tuệ tương ưng với Thánh đạo, Thánh quả, gọi là Chánh tri kiến siêu thế.
Có ba hạng người có Chánh tri kiến là: Phàm phu, bậc Hữu học và bậc vô học.
Trong ba hạng người ấy hạng Phàm phu có hai là: bāhirakajana người ngoài Giáo pháp và sāsanikajana người trong giáo pháp.
Trong hai hạng Phàm phu ấy, hạng phàm phu ngoài Giáo pháp nghĩa là người có Chánh tri kiến về nghiệp tức thấy được rằng mỗi chúng sanh có nghiệp riêng, nhưng không thấy đến tầng saccānulomañāṇa – trí thuận thứ đế. Còn hạng Phàm phu trong Giáo pháp cũng được gọi là hạng phàm phu có Chánh tri kiến nhưng người nầy có đủ cả hai loại trí là trí về nghiệp báo và trí thuận thứ.
Bậc Hữu học được gọi là có Chánh tri kiến vì đã tỏ ngộ được tam tướng. Còn bậc Vô học được gọi là có Chánh tri kiến vì việc cần phải làm xong.
Trong phần nầy, chỉ muốn lấy Chánh tri kiến thiện siêu thế tức pháp đưa chúng sanh thoát khỏi khổ đau.
Do nhân đó, Trưởng lão Sāriputta mới nói rằng: có lòng tin bất động trong pháp và thành tựu Diệu pháp nầy.
Chánh tri kiến siêu thế có nghĩa là sự thấy đúng, thấy chánh trực, không bị vướng vào hai cực đoan, chặt đứt được mọi sự lòng vòng, hư ngụy của tà pháp, có một niềm tin bất động trong chín pháp siêu thế. Với người nào khi đã dứt bỏ được mọi kiến chấp, đoạn trừ mọi phiền não, thoát khỏi vòng sanh tử, việc nên làm đã làm xong Ngài gọi người ấy là người thành tựu Diệu pháp, tức thành tựu Níp Bàn, đạt đến pháp bất tử bằng Thánh đạo.
Akusalañca pajānāti nghĩa là biết rõ bất thiện, biết rõ thập ác nghiệp tức thấu triệt rằng đây là đau khổ bằng phận sự trí – kiccañāṇa. Gọi là biết rõ bất thiện, do biết rõ diệt – nirodha là đối tượng.
Akusalamūlañca pajānāti nghĩa là biết rõ căn gốc cội rễ, duyên của bất thiện tức khi thấu triệt rằng đây là nhân sanh khổ bằng trí tuệ, đây gọi là biết rõ căn bất thiện.
GIẢI VỀ PĀṆĀTIPĀTA – SÁT SANH
Pāṇātipātā nghĩa là việc giết chúng sanh có sinh mạng (thức tánh). Pānā theo chế định có nghĩa là chúng sanh, theo chơn đế là mạng quyền. Khi biết rằng chúng sanh có thức tánh, có tác ý muốn giết, có sự cố gắng để cắt đứt mạng quyền bằng thân môn hoặc bằng khẩu môn như vậy gọi là sát sanh.
Việc sát sanh có tội ít do chúng sanh có tuổi thọ ngắn, thân nhỏ. Sẽ có tội nhiều khi chúng sanh có tuổi thọ dài, thân lớn.
Vì sao? Vì (đầu tư) phương cách nhiều. Nếu phương cách giống nhau thì việc sát sanh có tội nhiều do thân thể lớn. Đối với chúng sanh có phước ít thì việc sát sanh sẽ có tội ít, đối với chúng sanh có phước nhiều thì việc sát sanh sẽ có tội nhiều. Nhưng khi thân thể và phước đức bằng nhau thì việc sát sanh được xem là có tội ít do phiền não và sự cố gắng yếu, sẽ có tội nhiều do phiền não và sự cố gắng mạnh.
Việc sát sanh có năm chi là:
– Chúng sanh có thức tánh.
– Biết chúng sanh có thức tánh.
– Có tác ý giết.
– Có sự cố gắng (giết).
– Chúng sanh chết do sự cố gắng ấy.
Có sáu cách giết là:
– Sāhatthikapayoga: tự tay mình giết.
– Āṇattikapayoga: khiến người khác giết.
– Nissaggiyapayoga: giết bằng vũ khí phóng hoặc bắn ra.
– Thāvarapayoga: giết bằng việc đặt bẩy.
– Vijjāmayapayoga: giết bằng bùa chú.
– Iddhimayapayoga: giết bằng thần lực.
GIẢI VỀ ADINNĀDĀNA – TRỘM CẮP
Lấy đồ vật chưa cho gọi là Adinnādāna, lấy những đồ vật của người khác gọi là theyya – hành động trộm cắp.
Adinnaṃ nghĩa là những đồ vật yêu thích hay những vật dụng bình thường. Khi có tác ý muốn lấy và cố gắng để lấy những vật ấy thì gọi là trộm cắp.
Sự trộm cắp sẽ có tội ít khi đồ vật có giá trị thấp và sẽ có tội nhiều khi đồ vật có giá trị cao.
Nếu như đồ vật giống nhau khi lấy của người có đức lớn thì tội nhiều, lấy của người đức kém thì tội ít.
Trộm cắp có năm chi là:
– Vật người khác yêu thích.
– Biết vật người khác yêu thích.
– Có tác ý lấy.
– Cố gắng lấy.
– Lấy được do sự cố gắng ấy.
Về phương cách lấy cắp cũng có sáu như: sāhatthikapayoga – tự mình lấy… các phương cách nầy sẽ được tiến hành do khả năng lấy cắp – avahāra, là:
– Theyyāvahāra: lấy bằng cách trộm.
– Pasayhāvahāra: lấy bằng cách hăm dọa.
– Paṭichannāvahāra: lấy bằng cách che dấu.
– Parikappāvahāra: lấy bằng cách xác định đồ vật hoặc thời gian.
– Kusāvahāra: lấy bằng cách đánh tráo.
GIẢI VỀ HẠNH TRONG DỤC (TÀ DÂM)
Kāmesumicchācāra: nghĩa là hành động dâm dục sái quấy tức quan hệ với những hạng phụ nữ không nên quan hệ hay với những hạng phụ nữ được bảo hộ. Có 10 hạng phụ nữ không nên quan hệ là:
– Phụ nữ được mẹ bảo hộ.
– Phụ nữ được cha bảo hộ.
– Phụ nữ được mẹ cha bảo hộ.
– Phụ nữ được anh trai bảo hộ.
– Phụ nữ được chị bảo hộ.
– Phụ nữ được quyến thuộc bảo hộ.
– Phụ nữ được dòng tộc bảo hộ.
– Phụ nữ được pháp bảo hộ.
– Phụ nữ có hôn ước.
– Phụ nữ đang thụ án (tội hình).
Và 10 hạng vợ là:
– Mãi đắc thê tức mua về bằng tiền rồi tác thành.
– Lạc trụ thê tức yêu nhau rồi tác thành.
– Cố trụ thê tức cho tài sản rồi tác thành.
– Y vật đắc thê tức cho y phục rồi tác thành.
– Thủy đắc thê tức chạm vào bát nước rồi tác thành.
– Triều đầu thê tức lấy khăn trùm đầu xuống rồi tác thành.
– Nô bộc thê tức vừa là nữ tớ vừa là vợ.
– Công nhân thê tức vừa là công nhân vừa là vợ.
– Tù binh thê tức nữ tù binh.
– Lâm thời thê tức đến với nhau trong chốc lát.
Lại nữa, người nam không nên giao du với 12 hạng phụ nữ là:
– Hạng phụ nữ có hôn ước, phụ nữ bị tội hình và 10 hạng vợ.
Việc tà dâm được xem là có tội ít đối với người không có giới đức, sẽ có tội nhiều với người có đầy đủ giới đức.
Việc tà dâm có bốn chi là:
– Người nên kiêng tránh.
– Có ý dâm dục với người nên kiêng tránh.
– Rán sức tà dâm.
– Đã tà dâm.
Về cách thức chỉ có một là tự mình làm.
GIẢI VỀ MUSĀVĀDA – NỐI DỐI
Người muốn nói sai bằng thân hoặc bằng khẩu khiến mất lợi ích người khác gọi là musā. Với ý muốn cho người khác hiểu sai bằng thân hoặc bằng khẩu gọi là musāvāda.
Lại nữa, chuyện không thật, không đúng, gọi là musā (chuyện dối). Với ý cho người khác hiểu lầm chuyện dối là chuyện thật bằng khẩu biểu tri, gọi là musāvāda.
Việc nối dối được xem có tội ít do sự tác hại ít, sẽ có tội nhiều do tác hại nhiều. Dù là lời nói dối nhưng nói với ý không hại người nói chỉ để vui cười thì có tội ít, còn khi nói với ý muốn cho người khác hiểu lầm và gây tác hại cho người như vậy sẽ có tội nhiều.
Nói dối có bốn chi là:
– Điều không thật.
– Có tác ý nối dối.
– Rán sức nói.
– Người khácđã tin lời ấy.
Phần nầy chỉ có một cách là tự mình làm. Việc khiến người khác hiểu lầm nầy được biểu hiện bằng hai cách là thân biểu tri và khẩu biểu tri. Nếu người khác hiểu ý nghĩa bằng sự biểu tri nào thì sự biểu tri ấy gọi là liên quan với nghiệp nói dối – Musāvādakamma.
GIẢI VỀ PISUṆĀVĀCĀ – NÓI ĐÂM THỌC.
Lời nói nào khiến cho người nghe thương mình và ghét người khác gọi là Pisuṇāvācā. Lời nói nào gây sự hiểu lầm, gây sự chia rẽ, gây sự bất hòa, gây sự hiềm khích giữa hai người gọi là Pisuṇāvācā – lưỡng thiệt.
Lời nói nào không dịu dàng, không êm tai, không mát lòng, thô lỗ, tục tàng, khiến người nghe khó chịu gọi là Pharusavācā – ác ngữ.
Lời nói nào phù phiếm, linh tinh nhảm nhí không lợi ích gọi là samphappalāpa – ý ngữ. Tác ý hay nhân sanh của ác ngữ vá ý ngữ cũng được xem là Pisuṇāvācā. Ở đây mục đích láy tác ý ấy.
Người nào với tâm uế nhiễm, làm duyên cho thân hànhhoặc khẩu hành để làm hại người, lợi mình gọi là Pisuṇāvācā – lưỡng thiệt nầy được xem có tội ít do đối tượng bị hại kém giới đức, sẽ có tội nhiều khi đối tượng bị hại là bậc có giới đức.
Lưỡng thiệt có bốn chi là:
– Người bị tổn hại chia rẽ.
– Có tác ý muốn gây chia rẽ người khác hoặc muốn người khác quí mến mình.
– Sự rán sức với tác ý ấy.
– Người khác hiểu được ý nghĩa ấy.
GIẢI VỀ PHARUSAVĀCĀ – ÁC NGỮ.
Với tác ý thô ác làm duyên cho thân hành và khẩu hành gây mất lòng, mất tình và ác cảm với người khác gọi là ác ngữ nầy. Có câu chuyện sau đây:
Được biết có một đứa trẻ thường hay cải lời mẹ trốn vào rừng chơi, những lúc tìm không được, người mẹ bực tức rủa rằng: “vái cho trâu rừng rượt mầy”. Một hôm, lúc cậu bé đang lang thang trong rừng bị một con trâu hung dữ rượt đuổi. Đứa bé hốt hoảng khấn rằng: “những lời nào mẹ tôi nói xin chớ thành tựu, mà hãy thành tựu như tâm ý của bà”. Lúc bấy giờ, con trâu rừng tự dưng đứng ngay lại giống như bị cột vậy.
Có những lời nói khi thoáng nghe qua cứ tưởng là ác ngữ, nhưng thật ra thì không phải vì lời nói ấy không xuất phát từ sự nóng giận, bực tức hay ghét bỏ mà có thể là do thói quen như cha mẹ mắng con, thầy mắng trò, bạn thân mắng nhau.
Ác ngữ nầy được xem là có tội ít do đối tượng là người kém giới đức, sẽ có tội nhiều khi đối tượng là bậc có giới đức.
Ác ngữ có ba chi là:
– Đối tượng bị mắng chưỡi.
– Tâm nóng giận bực tức.
– Lời mắng chưỡi.
GIẢI VỀ SAMPHAPALĀPA. – Ỷ NGỮ.
Với tâm bất thiện làm duyên cho thân hành và khẩu hành khiến người khác hiểu được lời nói vô ích, vô bổ thì gọi là ỷ ngữ.
Những lời nói phù phiếm, những câu chuyện linh tinh, những lời tán gẫu không nhằm mục đích, không có lợi ích được xem là ỷ ngữ.
Ỷ ngữ nầy được xem là có tội ít do ít thân cận, sẽ có tội nhiều do thân cận nhiều.
Ỷ ngữ có hai chi là:
– Hướng tâm nói những lời vô ích.
– Đã nói những lời ấy.
GIẢI VỀ ABHIJJĀ – THAM LAM
Chăm chú nhìn vào đồ vật của người khác và muốn nó thuộc về mình gọi là tham lam.
Tham lam có tướng trạng là nhìn chăm chú vào đồ vật của người khác và muốn nó thuộc về mình. Tội ít và tội nhiều của tham lam cũng giống như trộm cắp.
Tham lam có hai chi là:
– Đồ vật của người khác.
– Muốn nó thuộc về mình.
GIẢI VỀ BYĀPĀDA – SÂN HẬN.
Gọi là sân hận do hủy hoại sự lợi ích an lạc của người khác.
Sân hận có tướng trạng là hủy hoại người khác. Tội ít và tội nhiều của sân hận giống như ác ngữ.
Sân hận có hai chi là:
– Chúng sanh.
– Có tâm hủy diệt.
GIẢI VỀ MICCHĀ DIṬṬHI – TÀ KIẾN.
Tà kiến nghĩa là sự thấy sai, thấy không đúng theo chơn lý. Tà kiến có tướng trạng là thấy sai như cho rằng bố thí không có quả báu. Tội nhiều và tội ít của tà kiến cũng giống như ỷ ngữ. Lại nữa, tà kiến nhẹ có tội ít, tà kiến nặng có tội nhiều.
Tà kiến có hai chi là:
– Chấp thủ sai lệch.
– Hiện bày sự sai lệch ấy.
PHÂN TÍCH THEO NĂM PHÁP
Nên biết sự phân tích 10 bất thiện nghiệp đạo nầy theo năm pháp:
1) Dhammato.
2) Koṭṭhāsato.
3) Ārammaṇato.
4) Vedanāto.
5) Mūlato.
Theo Dhammato có nghĩa là trong 10 nghiệp đạo ấy. 7 nghiệp đạo đầu là (ba thân nghiệp và bốn khẩu nghiệp).
Thuộc về thân: ba nghiệp đạo còn lại thuộc về tâm.
Theo Koṭṭhāsato nghĩa là bảy nghiệp đạo đầu và tà kiến, tám nghiệp đạo nầy là bất thiện nhưng không thuộc căn bất thiện, còn tham lam và sân hận hai nghiệp đạo nầy là căn bất thiện đó là căn tham và căn sân.
Theo Ārammaṇato có nghĩa là sự sát sanh có hành tức mạng quyền làm đối tượng; trộm cắp có chúng sanh và hành làm đối tượng; tà dâm có hành làm đối tượng do mảnh lực của xúc. Một số Ngài Giáo thọ cho rằng: cũng có chúng sanh làm đối tượng. Nói dối có chúng sanh và hành làm đối tượng. Nói đâm thọc và nói thô ác có duy nhất chúng sanh làm đối tượng. Nói phiếm có chúng sanh làm đối tượng do hệ quả của sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp đã cảm nhận; tham lam cũng tương tự; sân hận lấy duy nhất chúng sanh làm đối tượng; còn tà kiến lấy hành làm đối tượng do mảnh lực của các pháp diễn tiến trong ba cõi.
Theo Vedanāto có nghĩa là việc sát sanh có một thọ là thọ khổ. Trộm cắp có đủ ba thọ. Tà dâm có hai thọ là lạc thọ và xả thọ. Nói dối có ba thọ. Nói đâm thọc cũng vậy. Nói thô ác chỉ có một là thọ khổ. Nói phiếm có ba thọ. Tham lam có hai thọ là thọ lạc và thọ xả. Tà kiến cũng vậy. Nhưng sân hận chỉ có một là thọ khổ.
GIẢI VỀ BẤT THIỆN CĂN
Theo Mūlato có nghĩa là việc sát sanh có hai căn bất thiện là sân và si. Trộm cắp có hai căn bất thiện là sân và si hoặc tham và si. Tà dâm có hai căn bất thiện là tham và si. Nói dối có hai căn là sân và si hoặc tham và si. Nói đâm thọc và nói phiếm cũng giống như nói dối. Nói thô ác có hai căn là sân và si. Sân hận cũng vậy. Tà kiến có hai căn là tham và si.
Căn bất thiện nào được gọi là tham do sự ham muốn, được gọi là sân do sự nóng nảy, được gọi là do sự mê mờ.
Tham được gọi là căn bất thiện vì bản thân nó vừa là bất thiện, có tội lỗi, có quả khổ và vừa là căn gốc của các pháp bất thiện.
GIẢI VỀ BA VIRATI – KIÊNG TRÁNH
Có ba sự kiêng tránh:
1) Sampattavirati: kiêng tránh do đối đầu tức khi đối diện với điều xấu do suy xét đến danh dự bản thân danh dự gia tộc hay quả báo của nó nên không làm điều ác xấu. Câu chuyện liên quan với sự kiêng tránh do đối đầu.
Tương truyền rằng: khi Cakkana còn bé, mẹ của cậu bịnh bịnh, thầy thuốc bảo rằng hãy tìm một con thỏ còn sống mang về làm thuốc mới khỏi bệnh. Người anh bảo Cakkana rằng: “Nầy Cakkana, em hãy ra rẫy tìm bắt thỏ mang về”.
Vâng lời anh, Cakkana đi đến rẫy. Lúc bấy giờ, có một con thỏ đang gậm cỏ non, nhìn thấy cậu bé, nó vội chạy trốn, nhưng bị vướng phải dây leo, bèn cất tiếng kêu la. Lakkana lần theo tiếng kêu ấy, bắt được thỏ nghĩ rằng sẽ mang về làm thuốc cho mẹ, nhưng bất chợt cậu suy nghĩ rằng: “thật không thích hợp cho ta, khi phải giết hại một sinh mạng để đổi lấy sự sống cho mẹ ta”. Rồi tự nói với thỏ rằng: “hãy đi ăn cỏ, uống nước với các bạn của ngươi trong rừng đi”. Cậu bé vừa nói vừa thả thỏ đi.
Khi trở về nhà, Cakkana bị anh hỏi rằng “em có bắt được thỏ chăng?”. Cậu bé bèn kể lại sự việc xẩy ra, người anh liền mắng nhiếc cậu bé, Cakkana đi vào chỗ mẹ, đứng bên cạnh cậu bé nguyện rằng: “từ khi tôi sanh ra đến giờ, tôi không từng giết hại một con vật nào, do lời chơn thật nầy xin cho mẹ tôi hết bịnh”. Liền lúc ấy, mẹ của cậu bé được khỏi bệnh.
2) Samādānavirati: kiêng tránh do thọ trì tức là do thọ trì học giới, do tác ý trước nên ngăn không làm điều ác xấu, như sự kiêng tránh của vị thiện nam.
Câu chuyện về sự kiêng tránh do thọ trì:
Tương truyền rằng: vị thiện nam nầy sau khi thọ trì học giới nơi Trưởng lão Piṅgalabuddharakkhita tại Tịnh xá Ambariya xong, ông ta ra đồng cày ruộng. Trong lúc nghỉ mệt, ông ta thả cho bò ăn cỏ, một lúc lơ đểnh con bò của ông ta đi mất, lần theo dấu chân, ông thiện nam đi lên núi Uttaravaḍḍhamāna. Mãi ê tìm kiếm không cẩn thận, thình lình một con trăn lớn quấn chặt lấy ông ta.
Ông thiện nam suy nghĩ rằng “ta sẽ lấy dao bén nầy mổ bụng nó”. Liền lúc ấy, ông cũng khởi lên tư tưởng rằng: “ta đã thọ trì học giới từ nơi một vị thầy khả kính, thật không thích hợp cho ta giết hại con trăn nầy”. Sau khi do dự với tư tưởng ấy đến ba lần, ông ta mới quyết tâm rằng: “dù ta phải từ bỏ xác thân nầy, ta cũng không chấp nhận từ bỏ học giới, rồi ném con dao ra xa. Liền lúc ấy, con trăn bổng nhiên thả ông ta ra và bò đi vào rừng.
3) Samucchedavirati: kiêng tránh do đoạn trừ còn được gọi là kiêng tránh do nhổ bỏ – Setughātavirati: tức sự ngăn trừ ác hạnh của bậc đã chứng Thánh đạo. Các vị ấy đã đoạn trừ tuyệt các điều ác bứng gốc phiền não, nên không còn điều ác xấu nữa.
Phân Tích Thiện Nghiệp Đạo Theo Năm Pháp.
Thập thiện nghiệp đạo sẽ được phân tích theo năm pháp đó là: 1- Theo Dhammato, 2- Theo Koṭṭhāsato, 3- Theo Ārammaṇato, 4- Theo Vedanāto, – 5- Theo Mūlato.
1) Theo Dhammato – pháp: nghĩa là bảy nghiệp đạo là tác ý, chỉ có ba nghiệp đạo cuối (ba ý nghiệp) là pháp tương ưng với tác ý.
2) Theo Koṭṭhāsato: nghĩa là bảy thiện nghiệp đầu là pháp thiện nhưng không phải căn thiện. Ba thiện nghiệp cuối là pháp thiện cũng vừa là căn thiện. Tức không tham lam là căn vô tham, không sân hận là căn vô sân, Chánh kiến là căn vô si.
3) Theo Ārammaṇato – Cảnh: nghĩa là các cảnh như sát sanh là đối tượng của sự kiêng tránh vì rằng sự kiêng tránh sẽ xẩy ra bằng cách đối đầu với một vật cần phải vượt qua ví như Thánh đạo phải có Níp Bàn làm cảnh mới đoạn trừ phiền não như thế nào các thiện nghiệp đạo như sát sanh cũng vậy phải có mạng quyền làm cảnh mới kiêng tránh sát sanh được.
4) Theo Vedanāto – Thọ: nghĩa là các thiện nghiệp đạo nầy chỉ có hai thọ là lạc thọ và xả thọ vì thiện không có khổ thọ.
5) Theo Mūlato – Căn: nghĩa là bảy thiện đầu sẽ có đủ ba căn vô tham, vô sân, vô si nếu thiện nghiệp đó tương ưng trí. Chỉ có hai căn nếu làm với tâm ly trí. Không tham lam sẽ có hai căn nếu làm với tâm tương ưng trí; chỉ có một căn nếu làm với tâm ly trí.
Nhưng vô tham – Alobha tự nó không thể là căn của mình được, không sân hận cũng tương tự.
Chánh kiến có hai căn giống như vô tham và vô sân vậy.
Giải Về Thánh Đế Theo Nghiệp Đạo.
Mười bất thiện và mười thiện nghiệp đạo trừ tham Ngài gọi là Khổ đế, còn hai pháp abhijjhā tham lam và căn tham Ngài gọi là Tập đế trực tiếp. Tất cả thiện nghiệp đạo Ngài gọi là Khổ đế gián tiếp. Căn thiện và căn bất thiện Ngài gọi là Tập đế. Ngoài căn thiện và căn bất thiện Ngài gọi là Diệt đế. Khi biến tri khổ, đoạn trừ tập, tác chứng diệt thánh đạo Ngài gọi là Đạo đế. Diệt đế và Đạo đế nên biết rằng sẽ không lập lại.
GIẢI VỀ PHẦN VẬT THỰC – ĀHĀRA.
Trước hết nói về ý nghĩa của từ bhūta và sambhavesī.
Chúng sanh nào đã được sanh ra gọi là bhūta.
Chúng sanh nào đang tìm kiếm để được sanh lên gọi là sambhavesī.
Chúng sanh thuộc noãn sanh và thấp sanh, cho đến chừng nào chưa phá vỡ lớp võ trứng và màng bọc, cho đến chừng ấy vẫn còn gọi là sambhavesī. Đến khi phá vỡ trứng và màng bọc chui ra ngoài mới gọi là bhūta.
Còn chúng sanh thuộc thai sanh và hóa sanh, ngay sát na đầu tiên tâm tái tục gọi là sambhavesī, từ sát na thứ hai trở đi gọi là bhūta.
Lại nữa, dù chúng sanh sẽ sanh ra trong oai nghi nào, cho đến khi nào chưa thay đổi oai nghi khác, cho đến khi ấy gọi là sambhavesī, kế tiếp oai nghi ấy mới gọi là bhūta.
Lại nữa, các chúng sanh đã sanh ra, đã sanh lên, đã thành tựu gọi là bhūta, dựa vào ý nghĩa nầy nên bậc Lậu Tận được gọi là bhūta.
Chúng sanh nào đang còn tái sinh thì chúng sanh ấy gọi là sambhavesī. Sambhavesī ở đây chỉ cho bậc Thánh Hữu học và hạng phàm phu còn tái sinh vì chưa đoạn tận hết các kiết sử.
GIẢI VỀ ĐOÀN THỰC.
Vật thực nào phải làm cho thành từng miếng rồi nhai nuốt vật thực ấy gọi là đoàn thực. Đoàn thực tức chỉ cho những bổ dưỡng từ cơm, bánh, sữa…
Oḷāriko nghĩa là vật thực thô theo vatthu – vật, sukhumo là vật thực tế theo vatthu.
Theo thực tính đoàn thực nầy được xem là vi tế vì nó thuộc sắc tế. Dù vật thực ấy là thô hay tế theo vatthu – vật, nhưng cần phải biết là do sắc thủ. Sự thật, vật thực của loài công được xem vi tế hơn vật thực của cá sấu. Cá sấu dù ăn phải những vật thô cứng cũng tiêu hóa được còn loài công chỉ ăn côn trùng bò sát. Những vật thực của linh cẩu được xem vi tế hơn vật thực của loài công, được biết loài linh cẩu ăn thịt và xương thú, những thịt và xương ấy vừa thấm vào nước bọt của nó cũng sẽ mềm đi giống như ăn khoai củ vậy. Vật thực của loài voi được xem là vi tế hơn vật thực của linh cầu, vì voi thường chỉ ăn cành lá. Vật thực của ngựa nai được xem là vi tế hơn vật thực voi, loài nầy chỉ ăn lá cỏ mềm. Vật thực của loài bò được xem là vi tế hơn loài ngựa nai. Vật thực của thỏ vi tế hơn vật thực loài bò. Vật thực của loài chim vi tế hơn vật thực của loài thỏ. Vật thực của dân thôn quê biên địa vi tế hơn vật thực của loài chim. Vật thực của dân thành thị vi tế hơn ở thôn quê biên địa. Vật thực của vua quan vi tế hơn vật thực dân thành thị. Vật thực của Chuyển Luân Vương vi tế hơn những hạng người khác. Vật thực của Chư thiên địa cầu vi tế hơn Chuyển Luân Vương. Vật thực của Tứ Đại Thiên Vương vi tế hơn vật thực của Chư thiên địa cầu. Tuần tự như thế cho đến Chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại. Vật thực của Chư thiên ở cõi ấy được xem là vi tế nhất. Lại nữa, vật thô sẽ có ít chất bổ, vật tế sẽ nhiều chất bổ. Thật vậy, với người ăn một bát cháo đầy, không lâu sau cũng thấy đói, muốn ăn nữa. Còn với người chỉ ăn một chén súp có thể sẽ no cả ngày. Trong hai loại vatthu và Ojā. Vatthu (thực phẩm thô) làm tan biến cơn đói, nhưng không thể bảo dưỡng sinh mạng. Còn Ojā (chất bổ tinh túy) bảo dưỡng được sinh mạng, nhưng không làm dứt cơn đói. Cả hai loại nầy kết hợp lại vừa làm dứt cơn đói và cũng vừa bảo dưỡng được sinh mạng nầy.
GIẢI VỀ XÚC THỰC – TƯ NIỆM THỰC – THỨC THỰC.
Phasso dutiyo nghĩa là cả sáu loại xúc như: nhãn xúc… ý xúc là vật thực thứ hai của tứ thực.
Chính tác ý – cetanā Ngài gọi là Tư niệm – manosañcetanā.
Mỗi mỗi tâm gọi là thức.
Về vấn đề nầy Ngài Xá Lợi Phất nói như sau: “nếu hỏi rằng, chúng sanh duy tồn nhờ (paccaya) duyên vật thực. Nếu vậy về sao paccaya của chúng sanh duyên (vật thực) vẫn còn hiện hữu, Ngài lại thuyết bốn loại vật thực nầy nữa”.
Tôi sẽ đáp rằng: Ngài thuyết vì là duyên (paccaya) đặc biệt của sự kế tục (santati) bên trong.
Giải rằng đoàn thực là loại Paccaya đặc biệt của cơ thể chúng sanh. Xúc thực là paccaya đặc biệt của thọ trong danh uẩn. Tư niệm thực là paccaya đặc biệt của thức. Thức thực là paccaya đặc biệt của danh uẩn. Như D9ức Thế Tôn thuyết rằng: “Nầy chư Tỳ khưu, thân thể nầy nương vào vật thực mới duy tồn được, không có vật thực thì không thể tồn tại. Giống như thọ sanh do duyên xúc, thức sanh do duyên hành, danh sắc sanh do duyên thức vậy.
Vấn: Trong Tứ thực nầy, mỗi loại vật thực duyên cho cái gì?
Đáp: Đoàn thực duyên cho tám bất ly (avinibbhogarūpa); xúc thực duyên cho ba thọ; Tư niệm thực duyên cho ba cõi’ Thức thực duyên cho danh sắc tái tục.
Làm duyên như thế nào?
Làm duyên như vầy, khi thọ dụng thực phẩm như cơm, bánh… các loại thực phẩm đó được tiêu hóa tạo thành chất bổ dưỡng (oja) các chất bổ nầy nuôi dưỡng và duy trì các sắc pháp như tám sắc bất ly.
Do sự hội họp giữa ba pháp: căn, cảnh và thức khiến xúc phát sanh, từ xúc nầy khiến phát sanh thọ như khi có mắt tốt, có cảnh sắc rõ, có nhãn thức sẽ phát sanh nhãn xúc, từ nhãn xúc nầy sẽ duyên cho những cảm giác, những cảm thọ khổ, lạc, xã phát sanh. Như vậy gọi là xúc duyên thọ.
Tư niệm thực tức sở hữu tư hay nghiệp làm duyên cho sự tái sanh. Như nghiệp tương ưng với Dục giới, sẽ làm duyên tái sanh trong cõi dục, nghiệp tương ưng với Sắc giới và Vô sắc giới sẽ làm duyên tái sanh trong cõi sắc và cõi Vô sắc.
Thức thực làm duyên cho ba uẩn tương ưng thức và sắc uẩn tái tục trong sát na tục sinh bằng câu sanh duyên. Như vậy gọi là thức thực duyên cho danh sắc trong sát na tục sinh.
Lại nữa, trong phần vật thực nầy tư thiện và tư bất thiện hiệp thế Ngài gọi là Tư niệm thực duyên cho ba cõi. Chính thức tái tục Ngài nói rằng là thức duyên cho danh sắc trong sát na tái tục. Ba loại thực nầy không tách rời nhau vì duyên cho pháp tương ưng với thức và pháp nhân sanh của thức.
Lại nữa, trong tứ thực nầy đoàn thực làm phận sự duy trì và phát triển sắc pháp hay duyên cho sắc pháp. Xúc làm phận sự duyên cho thọ. Tư niệm làm phận sự duyên cho ba cõi. Thức làm phận sự duyên cho danh sắc trong sát na tái tục.
Sự thật, đoàn thực nuôi dưỡng và duy trì mạng sống luôn cả tấm thân nầy. Tuy tấm thân nầy do nghiệp tác tạo nhưng nếu không có đoàn thực nuôi dưỡng thì không thể tồn tại. Ví như đứa bé được sanh ra bởi người mẹ, nhưng nếu không được bà vú nuôi dưỡng cho bú thì không thể trưởng thành.
Như đoạn kinh rằng: “Thưa Đại vương! Khi nhà sắp đổ, người ta hợp sức lấy cây khác chống đỡ, ngôi nhà ấy được những cây cột khác chống đỡ nên được tồn tại, không bị ngã đổ như thế nào, cái thân nầy cũng dường thế ấy thưa Đại Vương duy tồn được do nhờ vật thực”. Khi đoàn thực chống đỡ được cái thân nầy như thế được gọi là thành tựu phận sự duy trì và phát triển sắc pháp hay còn gọi là duyên cho sắc pháp, duyên cho sắc có vật thực làm nhân sanh và sắc thủ.
HIỂM HỌA CỦA TỨ THỰC.
– Hiểm họa của đoàn thực là sự ham muốn.
– Hiểm họa của xúc thực là sự dính mắc.
– Hiểm họa của Tư niệm thực là sự huân tập.
– Hiểm họa của thức thực là sự tái sanh.
– Hiểm họa như thế nào? Nghĩa là khi chúng sanh có nhu cầu trong thực phẩm nói riêng, trong vật dụng nói chung, thì chúng sanh phải đi tìm kiếm mới có được, sự tìm kiếm để có được những thứ ấy thật không dễ dàng, loài người phải làm việc cựa nhọc vất vả, đôi khi làm việc bất chánh mới có được. loài thú đôi khi phải đổ máu, bán mạng mới có được. Đây gọi là sự ham muốn trong đoàn thức là mối hiểm họa.
– Như thế nào gọi là sự dính mắc trong xúc là mối hiểm họa?
Khi chúng sanh tham đắm dính mắc trong xúc đã là khổ, từ sự tham đắm dính mắc nầy khiến chúng sanh phải khổ sở, vất vả, từ sự tham đắm dính mắc nầy khiến chúng sanh phải bị tù tội, phải bị hành hình vì vi phạm tội ác, khiến cho họ đời nầy cũng đau khổ, đời sau cũng đau khổ hơn do nhân ác ấy. Do vậy sự tham đắm dính mắc trong xúc được xem là một hiểm họa.
– Như thế nào gọi huân tập trong tư niệm thực là một hiểm họa?
Khi chúng sanh huân tập những nghiệp thiện, những nghiệp bất thiện hữu lậu, sẽ khiến chúng sanh lăn trôi sanh tử trong ba cõi; nếu với nghiệp bất thiện, chúng sanh sẽ bị đọa vào khổ cảnh càng nguy hiểm hơn; còn nếu với nghiệp thiện sanh vào nhàn cảnh tuy là nhàn cảnh nhưng cho đến khi nào còn mang tấm thân ngũ uẩn, còn bị sanh lão bệnh tử chi phối, còn bị bức bách bởi sự sanh diệt thì cho đến khi ấy chưa thật sự được an lạc, sự huân tập là đồng nghĩa với đau khổ. Thế nên, sự huân tập trong tư niệm thực được xem là một hiểm họa.
Còn thức thực tái sanh khi làm duyên cho danh sắc trong sát na tái tục, điều nầy đồng nghĩa với sự xuất hiện, với sự ra đời của một hữu tình. Từ sự xuất hiện, sự ra đời nầy khiến phát sanh sự già, sự bệnh, sự chết, sự sầu, bi, khổ, ưu não và toàn bộ sự đau khổ cũng lần lượt phát sanh theo, tất cả sự đau khổ đó đều dựa vào sự tài tục làm nền tảng, làm căn gốc; do vậy sự tái tục mới được gọi là hiểm họa của thức.
Để chế ngự sự ham muốn trong Đoàn thực, Đức Thế Tôn có ví dụ như cha mẹ ăn thịt con.
Để chế ngự sự ham muốn trong Xúc thực, Đức Thế Tôn có ví dụ như con bò bị lột da.
Để chế ngự sự ham muốn trong Tu niệm thực, Đức Thế Tôn có ví dụ như hầm lửa.
Để chế ngự sự ham muốn trong Thức thực, Đức Thế Tôn có ví dụ như 300 ngọn giáo.
SO SÁNH CHA MẸ ĂN THỊT CON.
Tương truyền rằng: Có hai vợ chồng bế đứa con đi lánh nạn, họ phải vượt qua một quãng đường dài 100 do tuần với lương thực ít ỏi. Khi đi được 50 do tuần thì lương thực hết.
Hai vợ chồng quá mệt mõi vì sự đói khát, nên cùng nhau ngồi dưới tàng cây. Trong khi nghĩ mệt người chồng nói với vợ rằng: “em ơi! 50 do tuần còn lại, không có làng mạc nhà cửa, mà anh thì không làm được gì để giúp cho em, vậy em hãy giết anh, ăn một phần để lại sức, phần còn lại làm tư lương mang theo để vượt qua đoạn đường nguy hiểm nầy đi”.
Người vợ cũng nói với chồng rằng: “Nầy anh! Bây giờ em không thể làm được gì cho anh, vậy anh hãy giết em, ăn một phần cho lại sức phần còn mang theo cùng với con vượt qua đoạn đường nguy hiểm nầy đi”.
Khi không ai chấp nhận người bạn đời hy sinh cho mình, người chồng mới nói với vợ rằng: “Em ơi! Em không thể chết được, nếu em chết hai cha con anh cũng chết theo vì đức trẻ thiếu mẹ thì không thể sống nỗi. Nhưng nếu hai ta còn sống, thì ta có thể sanh con nữa, vậy ta hãy giết đứa trẻ nầy ăn thịt và vượt qua đoạn đường nguy hiểm”.
Bấy giờ, người mẹ nói với đức con rằng: “con ơi! Con hãy bò lại cha đi”. Đứa nhỏ liền bò lại cha. Người cha nói rằng: “anh đã phải vất vả làm ruộng nuôi bò với ước mong rằng sẽ nuôi con khôn lớn, cho nên anh không thể giết con được, vậy em hãy giết nó đi”. Rồi bảo đức bé rằng: “Con ơi! Hãy bò lại mẹ đi”. Đức bé cũng bò lại mẹ. Người vợ nói với người chồng rằng: “Tôi khi muốn có đức con nầy, đã phải chịu khổ rất nhiều, phải sống hạnh con bò, phải sống hạnh con chó để cầu khẩn van xin Chư thiên, chưa nói đến việc chăm sóc bào thai. Thế nên làm sao tôi giết con được”, rồi bà nói với đứa bé rằng: “Con ơi! Con hãy bò lại cha đi”. Đức bé khi bò đến khoảng giữa cha và mẹ, nó đã gục chết.
Hai vợ chồng thấy đức con gục chết khóc than thảm thiết, rồi cũng đành gạt nước mắt, ăn thịt đức con yêu dấu xong lên đường. Như vậy đôi vợ chồng ấy khi ăn thịt đức con của mình không phải để chơi đùa, không phải vì đam mê, không phải để trang điểm, không phải để làm đẹp, chỉ với mục đích duy nhất để dứt khổ đói và để vượt qua đoạn đường nguy hiểm, đồng thời là loại thịt đáng nhờm gớm.
Chín loại thịt đáng nhờm gớm là:
1. Thịt của bản thân mình.
2. Thịt của quyến thuộc.
3. Thịt của con.
4. Thịt của người yêu quí.
5. Thịt của trẻ nhỏ.
6. Thịt sống.
7. Thịt không phải để ăn.
8. Không được bỏ mứa (phải ăn khi không muốn).
9. Không được nướng.
Do vậy, khi vị Tỳ khưu quán thấy đoàn thực như thịt đức con, thì sẽ chế ngự được sự ham muốn trong đoàn thực.
SO SÁNH NHƯ BÒ BỊ LỘT DA.
Có một con bò bị người ta lột da từ cổ xuống tốc móng chân rồi quăng ra ngoài, nó bị các loài côn trùng cắn đốt vào lớp thịt non khiến nó vô cùng đau đớn, sự đau đsớn do duyên xúc này còn tốt hơn những cảnh xúc do duyên tham ái sẽ khiến chúng sanh đọa vào khổ cảnh, đau khổ cùng cực hơn.
Do vậy, khi vị Tỳ khưu quán thấy xúc thực như bò bị lột da, thì sẽ chế ngự được ham muốn trong xúc thực.
SO SÁNH NHƯ HẦM LỬA.
Tam giới như hầm lửa vì rằng tam giới nầy được hình thành bởi nhiều chất lửa, nhiều chất nóng như lửa tham, lửa sân, lửa si, sầu bi, khổ, ưu não, sự sanh, sự già, bệnh tật, chết…; tư niệm giống như hai người nắm tay kéo xuống hầm lửa ấy vì rằng tư niệm nầy dẫn đến tái sanh trong ba cõi.
Do vậy, khi vị Tỳ khưu quán thấy tư niệm thực như hầm lửa thì sẽ chế ngự được ham muốn trong tư niệm thực.
SO SÁNH NHƯ NGỌN GIÁO ĐÂM.
Có một tội nhân bị hành hình giáo đâm. Vào buổi sáng tội nhân nầy bị đâm với một trăm ngọn giáo, với một trăm ngọn giáo đâm vào thân thể để lại 100 vết thương đầy máu khiến tội nhân đau đớn vô cùng. Vào buổi trưa, cũng bị đâm với 100 ngọn giáo; vào buổi chiều cũng bị đâm với 100 ngọn giáo chỉ với một vết thương cũng khiến phải đau đớn nhức nhói lắm rồi, huống hồ là đến 300 ngọn giáo với 300 vết thương thì sự đau đớn khốc liệt vô cùng.
Sự tái tục giống như lúc bị ngọn giáo đâm vào, sự hiện khởi của Danh – sắc giống như sự hiện khởi của vết thương, những sự đau khổ sai biệt phát sanh từ Danh – sắc ấy giống như những sự thấy khổ phát sanh từ các vết thương.
Do vậy, khi vị Tỳ khưu quán thấy thức thực như bị ngọn giáo đâm, thì sẽ chế ngự được sự ham muốn trong thức thực.
Như Đức Thế Tôn thuyết rằng:
“Nầy chư Tỳ khưu, khi vị Tỳ khưu liễu tri đoàn thực, thì sẽ liễu tri được tham trong ngũ dục, khi đã liễu tri tham trong ngũ dục, thì sẽ đoạn trừ được tham dục triền, là nhân cho bậc Thánh Thinh văn không trở lại thế gian nầy nữa.
Nầy chư Tỳ khưu, khi vị Tỳ khưu liễu tri xúc thực, thì cũng liễu tri được ba thọ. Khi đã liễu tri được ba thọ, Như Lai nói rằng bậc thánh Thinh văn không còn việc gì phải làm thêm nữa.
Nầy chư Tỳ khưu, khi Vị Tỳ khưu liễu tri tư niệm thực, thì cũng liễu tri được ba ái. Khi đã liễu tri ba ái, Như Lai nói rằng bậc Thánh Thinh văn không còn việc gì phải làm thêm nữa.
Nầy chư Tỳ khưu, khi Vị Tỳ khưu liễu tri thức thực, thì cũng liễu tri được Danh – sắc. Khi đã liễu tri ba ái, Như Lai nói rằng bậc Thánh Thinh văn không còn việc gì phải làm thêm nữa.
VẬT THỰC SANH TỪ ÁI.
Taṇhāsamudayā āhārasamudayo: có nghĩa là tập khởi vật thực sanh từ ái, tức sự sanh lên của vật thực trong lúc tái tục.
Vì trong sát na tái tục, ba bọn sắc tái tục kể từ giai đoạn thừa kế, trong đó có sắc vật thực bất ly do nghiệp thủ chấp trước tạo nên, mà có ái là tập khởi. Như vậy, gọi là đoàn thực do ái tập khởi.
Còn xúc thực, tư niệm thực và thức thực chỗ thành pháp bị thủ tức xúc và tư tương ưng với tâm tái tục và thức tái tục sanh lên do ái làm duyên.
Trong phần vật thực nầy, Ngài Xá Lợi Phất nói đủ cả hai loại vật thực. Vật thực bị nghiệp thủ và vật thực không bị nghiệp thủ. Phần vật thực bị nghiệp thủ đã trình bày rồi; bây giờ sẽ trình bày tiếp phần vật thực không bị nghiệp thủ.
Khi các bọn sắc có sắc vật thực bất ly sanh lên câu hành với tham tức đoàn thực không bị nghiệp thủ sanh lên do ái câu hành làm duyên. Còn xúc, tư tương ưng với tâm câu hành tham và bản thân thức, tức xúc thực, tư niệm thực và thức thực không bị nghiệp thủ sanh lên do ái làm duyên.
VẬT THỰC DO ÁI DIỆT.
Taṇhānorodha āhāranorodha: nghĩa là vật thực diệt do ái diệt, cả chỗ bị nghiệp thủ và không bị nghiệp thủ. Cũng tương tự như phần vật thực sanh do ái sanh.
GIẢI VỀ PHẦN GIÀ VÀ CHẾT.
Jarā trong câu jarā jīraṇatā: là muốn ám chỉ đến thực tính pháp của già tức sự biến đổi già cổi của sắc pháp.
Jīraṇatā là muốn nói đến trạng thái già như mắt mờ, tai điếc, lưng còm, má hóp.
Khandicca… muốn nói đến phận sự của già là thời gian cứ trôi đi đưa đến sự hư hoại.
Jīraṇatā ở đây Ngài trình bày theo trạng thái, vì vậy từ nầy là trình bày đến những trạng thái của già.
Khaṇḍiccaṃ nầy Ngài trình bày phận sự của già là làm cho biến đổi sự hoại như rặng rụng.
Pāliccaṃ nầy Ngài trình bày tính chất biến dạng của lông tóc trở thành bạc.
Valittacatā nầy Ngài trình bày tính chất biến đổi của da từ trơn láng căn mịn sang nhăn nheo chảy sệ. Cả ba từ nầy nói về phận sự của già khi năm tháng qua đi và Ngài trình bày sự hiện bày của già mà mắt thấy được hoặc cảm nhận được.
Như khi con người sống đến 60 – 70 tuổi những gì mắt thấy được, tâm cảm nhận được là tóc bạc, da nhăn, răng rụng, thể lực suy giảm, tay chân run rẫy, bước chân lụm khụm, tâm trí chậm chạp hay quên. Đó là những trạng thái của già.
Ví như đường đi của nước hiện bày cho thấy là cuốn cây cỏ đổ rạp xuống hoặc đường đi của lửa hiện bày cho thấy là cây cỏ cháy rụi như thế nào, đường đi của già cũng dường thế ấy, hiện bày cho thấy những chi phần trong thân thể suy giảm hư hoại như mắt mờ, da nhăn, răng rụng… Con đường đi của già theo thực tính pháp là sự hư hoại già cỏi bên trong không thể biết được bắng mắt, chỉ có trí tuệ mới biết được.
Āyuno saṃhāni indriyānaṃ paripāko: nghĩa là Ngài trình bày cái già theo tự nhiên vì sự cạn dần của tuổi thọ, sự hư mòn của các căn do năm tháng qua đi.
Hai trạng thái nầy trình bày cái già tự nhiên. Tuổi thọ và các căn, khi tuổi thọ tăng lên; cao lên được xem là già, cho nên Ngài nói rằng: già là cái gần với chết. Vì lúc còn trẻ các căn nhạy bén trong sáng khi đến tuổi già mắt mờ tai điếc các căn hư hoại cho nên Ngài nói rằng già là đi đến sự hư hoại của các căn.
HAI LOẠI GIÀ.
1) Pākaṭajarā: già hiện bày.
2) Paṭicchannejarā: già che đậy.
Trong hai loại già nầy, sự già 2trong các sắc pháp gọi là già hiện bày vì hiển thị sựs biến dạng trong các chi thể như tóc bạc, da nhăn, răng rụng… Còn cái già trong pháp vô sắc gọi là già che đậy vì không hiển thị cho thấy những sự biến dạng.
Có hai loại già nữa là:
– Avīcijarā: già không có dấu vết cho thấy.
– Savīcijarā: già có dấu vết cho thấy.
Sự già của ngọc, vàng, bạc, mặt trăng, mặt trời gọi là Avīcijarā già không có dấu vết tức không có giai đoạn để thấy, vì thật khó nhận biết sự biến đổi của màu sắc qua từng giai đoạn. Giống như sự biến đổi màu sắc của các hữu tình trong thời niên thiếu và giống như biến đổi màu sắc trong từng khoảng của các vật vô tri như cây cối, hoa quả. Nhưng cái già trong những thứ khác ngoài ra đây gọi là Savīcijarā vì dễ dàng biết được sự biến đổi màu sắc của chúng trong từng giai đoạn.
Cuti trong câu cuti cavanatā… Ngài nói do sự chuyển đổi của chúng sanh.
Cuti nầy là lời nói chung cho các chúng sanh nhất uẩn, tứ uẩn và ngũ uẩn.
Cuvanatā là lời nói ám chỉ đến tướng trạng của uẩn do sự chuyển đổi
Bhedo là lời ám chỉ đến sự diệt và sự sanh của các uẩn.
Antaradhānaṃ là lời ám chỉ đến tính chất (bhāva) chuyển đổi vị trí bằng bất luận cách nào của các uẩn (diệt) giống như cái nồi bể vậy, sự chết gọi là maccumaraṇa.
Maccumaraṇa nầy Ngài phủ nhận cách (samucchedamaraṇa) chết dứt tuyệt tức sự tịch diệt Níp Bàn của bậc Tứ quả.
Maccurāja nghĩa là khiến cho chấm dứt
Kāla nghĩa là thời đã đến.
Kālakiriyā nầy Ngài ám chỉ đến sự chết chế định của thế gian. Để trình bày sự chết theo chơn đế Ngài nói rằng Khandhānaṃ bhedo…
Theo chơn đế các uẩn diệt không phải như chúng sanh nầy, chúng sanh kia chết, khi các uẩn đang diệt cũng được xem là đang chết, khi diệt rồi cũng được xem là chết rồi; vì sự diệt của các uẩn chỉ có trong cõi tứ danh uẩn hay cõi Phạm thiên vô sắc thôi, tại cõi nầy khi hết tuổi thọ thì các danh uẩn diệt do không có sắc nên không để lại gì cả. Còn việc bỏ xác xẩy ra trong hai cõi là cõi nhất uẩn hay cõi Phạm thiên vô tưởng và cõi ngũ uẩn. Về lý thì như vậy, tuy nhiên đối với Chư thiên ở các tầng trời Dục giới và các Phạm thiên sắc giới từ cõi Tứ Đại Thiên Vương trở lên khi các uẩn diệt hay khi hết tuổi thọ mạng, cũng không để lại gì cả; tuy rằng các Ngài có sắc, nhưng sắc pháp của hàng Chư thiên và Phạm thiên là loại sắc tế không phải sắc thô như cõi người, cho nên cũng không có gì để bỏ lại cả. Do vậy, việc bỏ xác khi mạng chung chỉ xẩy ra trong cõi nhân loại.
GIẢI VỀ PHẦN SANH.
Gọi là jāti do ý nghĩa rằng (mới) sanh, chưa đủ các xứ. Tức chưa có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Gọi là sañjāti do ý nghĩa rằng sanh đầy đủ, tức đầy đủ các xứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Gọi là Okkanti do ý nghĩa rằng nói đế bước vào (nhập thai). Okkanti nầy (liên hệ với) noãn sanh và thai sanh.
Gọi là Abhinibbatti do ý nghĩa rằng hóa sanh. Abhinibbatti nầy (liên hệ với) nói đế thấp sanh và hóa sanh. Đây là việc sanh theo chế định. Còn việc sanh theo chơn đế nghĩa là các uẩn hiện khởi, không phải chúng sanh hiện bày.
Từ Khandhānaṃ ám chỉ đến nhứt uẩn trong cõi vô tưởng, tứ uẩn trong cõi vô sắc và ngũ uẩn trong cõi hữu sắc hữu tưởng.
Sanh gọi là Pātubhāvo (hiện ra) hay sự kết hợp của các xứ đang sanh khởi trong các cõi.
Sự hiện khởi trong giai đoạn kế tục gọi là Pāṭipābho tức các xứ sanh lên.
GIẢI VỀ PHẦN HỮU – BHAVA.
Nghiệp hữu và sanh hữu gọi là dục hữu. Cả hai loại hữu ấy, nghiệp làm duyên cho tái sanh vào dục hữu gọi là nghiệp hữu. chính nghiệp ấy Ngài gọi là hữu do quả của nó dẫn đi tái sanh, giống như sự ra đời của Chư Phật là nhân đem đến an lạc, việc tạo trữ điều ác là nhân dẫn đến đau khổ. Cùng thế ấy, do nghiệp hữu là nhân của sanh hữu. Ngũ uẩn nào do ái và kiến chấp trước sanh lên, nghiệp ấy gọi là sanh hữu và ngũ uẩn ấy Ngài xem là hữu vì ngụ ý là chỗ sanh của tâm tái tục.
Do vậy cả hai nghiệp hữu và sanh hữu nầy Ngài gọi chung là dục hữu. Trong cõi sắc và cõi vô sắc cũng tương tự. Còn thủ làm duyên cho nghiệp hữu bất thiện bằng thường cận y duyên hoặc bằng câu sanh duyên. Nhưng khi làm duyên cho sanh hữu, cho nghiệp hữu cả thiện và bất thiện thì bằng thường cận y duyên.
GIẢI VỀ PHẦN THỦ – UPĀDĀNA.
Gọi là dục thủ do là nhân chấp thủ vật dục hoặc sự chấp thủ vật dục.
Sự bám chấp vào sắc, thinh, hương, khí, vị, xúc gọi là dục thủ – kāmupādāna.
Dục thủ nầy là tên của loại tham ái trong ngũ dục.
Dục thủ là gì? Là sự khả ý do lòng tham muốn trong các dục.
Diṭṭhupādāna – kiến thủ: nghĩa là sự bám chấp vào những tri kiến sai lầm, những tri kiến lệch lạc, những tri kiến đưa đến phiền não như chấp không có nhân quả, chấp thế gian là thường hằng.
Kiến thủ nầy là tên của các loại tà kiến trừ giới cấm thủ và ngã chấp thủ.
Gọi là giới cấm thủ – sīlabbattupādāna: do bám chấp vào những giới những hạnh sai lệch; những giới những hạnh không đưa đến thanh tịnh, không đưa đến diệt khổ như chấp vào hạnh lõa thể, chấp hạnh của con bò hay chấp vào những tập tục truyền thống không đưa đến lợi ích.
Attavādupādāna – ngã chấp thủ: nghĩa là sự bám chấp vào bản ngã (cái ta), những gì thuộc về ta, những quan điểm luận thuyết của ta. Ngã chấp thủ nầy, là tên của các loại thân kiến.
GIẢI VỀ ÁI – TAṆHĀ.
Taṇhā – ái nghĩa là sự tham luyến sự dính mắc, sự vui thích, ái có ba là:
Ái nào có sắc làm đối tượng thì gọi là ái sắc; sắc thinh, khí, vị, xúc nầy thuộc cõi dục; nên ái nào tương ưng với dục gọi là dục ái.
Sự khát vọng mong muốn sanh hữu mới, sự thỏa thích trong thiền lạc và sự ước muốn tương ưng với hữu kiến hoặc thường kiến gọi là hữu ái – bhavataṇhā.
Sự mong mỏi bản thân hủy diệt, sự ước muốn tiêu hoại, sự hoan hỷ tương ưng với phi hữu kiến hoặc đoạn kiến gọi là phi hữu ái – vibhavataṇhā.
Ái duyên theo sáu cảnh, nhân cho ba loại ái thành 18 loại ái; nhân cho nội phần và ngoại phần thành 36 ái. Nhân cho quá khứ, hiện tại, vị lai thành 108 ái.
Khi nói về thọ duyên ái Ngài đề cặp đến thọ thuộc quả.
Có câu hỏi rằng: thọ ấy duyên cho ái theo sáu môn như thế nào?
Đáp: những cảm thọ nào khả hỷ, khả lạc những cảm thọ ấy làm duyên cho ái tức nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ và ý thọ khả hỷ, khả lạc thì những thọ ấy duyên cho ái hay khi những cảm giác khả hỷ, những cảm thọ khả lạc được khởi lên do duyên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khiến phát sanh sự luyến ái, sự dính mắc như vậy gọi là nhãn thọ duyên ái.
GIẢI VỀ THỌ – VEDANĀ.
Câu Cakkhunsamphassajā vedanā …
Manosamphassajā vedanā đây là tên của thọ thuộc thiện, bất thiện và vô ký đi qua nhãn môn, nhĩ môn… theo vật giống như tên của con () nương theo tên mẹ chẳng hạn ()
Sāriputta (con của nàng Sārī).
Mantānīputta (con của nàng Mantānī).
Theo bộ phân tích – vibhaṅga thọ sanh từ xúc thiện cũng có, bất thiện cũng có, vô ký cũng có.
Cakkhunsamphassajā vedanā có nghĩa là thọ sanh từ nhãn xúc, gọi là nhãn xúc thọ; tương tự thọ sanh từ nhĩ xúc, gọi là nhĩ xúc thọ.
Nên lưu ý thọ tương ưng với các pháp sau: trong nhãn môn (quả) có hai tâm nhãn thức, hai tâm ý giới, ba tâm ý thức giới. Trong nhĩ môn cũng tương tự. Còn trong ý môn nên hiểu rằng là thọ tương ưng với ý thức giới.
Phassasamudayā nầy nên hiểu rằng thọ nương năm vật sanh khởi do xúc câu sanh; như nhãn thọ nương nhãn vật sanh khởi do nhãn xúc câu sanh. Nhãn xúc làm duyên cho các thọ còn lại bằng thường cận y duyên. Thọ trong sát na na cảnh của ý môn và thọ trong sát na tái tục, sát na hữu phần và sát na tử trong sáu môn sanh lên do ý xúc câu sanh.
GIẢI VỀ XÚC – PHASSA.
Xúc từ nhãn gọi là nhãn xúc. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân cũng tương tự. Các loại xúc nầy nương năm vật có quả thiện và quả bất thiện.
Còn ý xúc Ngài nói rằng là xúc tương ưng với 22 tâm quả hiệp thế còn lại.
Salāyatanasamudayā nghĩa là do duyêh có sáu xứ, sáu xúc mới phát sanh.
GIẢI VỀ LỤC NHẬP – SAḷĀYATANA.
Phần lục nhập nhầy đã được trình bày trong Uẩn Xiển minh – Khandhaka niddesa và āyatananiddesa – xứ xiển minh của Thanh Tịnh Đạo rồi.
Câu nāmarupasamudayā nầy học giả nên hiểu rằng sự sanh lên của lục nhập do danh sắc tập khởi như đã trình bày trong phần xiển minh thập nhị duyên khởi của Visuddhimagga do khả năng của xứ có sắc làm duyên, có danh làm duyên, có danh sắc làm duyên.
GIẢI VỀ DANH SẮC – NĀMARŪPA.
Danh có tướng trạng là hướng đi, diễn tiến, sắc có tướng trạng tan rã, hư hoại.
Trong phần giảng giải về danh sắc nầy, nên biết rằng thọ là thọ uẩn, tưởng là tưởng uẩn; tư, xúc, tác ý là hành uẩn. Dù các pháp khác kết hợp với hành uẩn, nhưng ba pháp nầy có năng lực kém trong mỗi tâm; cho nên trong phần danh sắc Ngài trình bày hành uẩn với ba pháp nầy.
Mahābhūtāni là tên của đất, nước, lửa, gió. Nguyên nhân gọi bốn sắc ấy là mahābhūta – đại hiển và những lý giải về danh sắc nầy, đã được trình bày trong phần xiển minh sắc uẩn của bộ Visuddhimagga.
Upādāya nghĩa là bám lấy, chấp thủ. Một số vị Giáo thọ sư cho là Nissāya – nương thay cho upādāya (trong câu) Satuññañca mahābhūtānaṃ upādāyā.
Vattamānaṃ nầy được dùng trong ý nghĩa tập hợp, nên cần phải hiểu rằng các sắc nương sự tập hợp của bốn sắc đại hiển diễn tiến.
Như vậy có bốn sắc đại hiển và các sắc nương đại hiển như nhãn xứ… đều gọi là sắc.
Viññāṇasamudayā nầy nghĩa là thức làm duyên cho danh, làm duyên cho sắc, làm duyên cho cả danh sắc, học giả nên biết rằng sự sanh lên của danh sắc do thức tập khởi đã được trình bày rồi trong phần xiển minh Thập Nhị Duyên khởi của bộ Visuddhimagga.
GIẢI VỀ THỨC – VIÑÑĀṆA.
Thức duyên theo mắt gọi là nhãn thức. Lại nữa, thức sanh lên từ mắt gọi là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức cũng tương tự. Thức nầy chính là ý vì vậy gọi là ý thức. Ý thức nầy là tên của các tâm quả (trừ ngũ song thức) diễn tiến trong ba cõi.
Câu Saṅkhārasamudayā nầy nên biết rằng việc sanh lên của thức do hành tập khởi, đã được trình bày trong bộ Visuddhimagga với chi hành duyên thức.
GIẢI VỀ HÀNH – SAṄKHĀRA.
Hành có sự tạo tác là tướng trạng.
Trong phần phân tích của hành. Hành nương theo thân gọi là thân hành.
Thân hành – kāyasaṅkhāra nầy là tên của 20 loại tư – sañcetanā, 8 tâm thiện dục giới và 12 tâm bất thiện diễn tiến qua thân môn.
Khẩu hành – Vacīsaṅkhāra là tên của 20 loại tư, giống như thân hành diễn tiến qua khẩu môn.
Tâm hành – cittasaṅkhāra nầy là tên của 19 loại tư quả hiệp thế thiện và bất thiện.
Câu Anujjāsamudayā nầy nên biết rằng vô minh duyên cho phúc hành bằng thường cận y duyên; duyên cho phi phúc hành bằng câu sanh duyên.
GIẢI VỀ VÔ MINH – AVIJJĀ.
Sự bất tri khổ đế gọi là vô minh. Câu dukkhe aññānaṃ nầy là tên của si. Có bốn nguyên nhân của sự bất tri khổ:
– Lùi vào bên trong.
– Sở y.
– Cảnh.
– Che đậy.
Thật vậy, việc bất tri khổ gọi là lùi vào bên trong khổ do liên quan, hệ lụy trong khổ đế.
– Gọi là sở y do là y chỉ duyên của bất tri khổ.
– Gọi là cảnh do là cảnh duyên của bất tri khổ.
– Và khổ đế che đậy bất tri khổ ấy.
Sự bất tri khổ tập có ba nguyên nhân:
– Sở y.
– Cảnh.
– Sự che đậy.
Khổ tập nầy ngăn chận sự thấu triệt thánh đế, ngăn chận sự thấu triệt tam tướng và không để cho tuệ diễn tiến.
Sự bất tri khổ diệt và sự bất tri đạo, nên biết chỉ có một nguyên nhân duy nhất là sự che đậy. Che đậy đối với khổ diệt, nghĩa là không cho tác chứng Níp Bàn, che đậy không cho tuệ diễn tiến trong khổ diệt.
Che đậy đối với đạo nghĩa là che đậy không cho đạo phát sanh, che đậy không cho tuệ diễn tiến trong đạo đế.
Āsavasamudayā – lậu tập khởi nầy là duyên của vô minh bằng câu sanh duyên. Vô minh lậu nên biết rằng chính là vô minh đã sanh trước (trợ) bằng thường cận y duyên và vô minh lậu nầy sẽ trợ cho vô minh tiếp theo bằng thường cận y duyên.
GIẢI VỀ LẬU – ĀSAVA.
Avijjāsamudayā- vô minh tập khởi nầy trợ cho dục lậu và hữu lậu bằng câu sanh duyên; trợ cho vô minh lậu bằng thường cận y duyên; cho nên vô minh sanh lên sau chính là vô minh lậu và chính vô minh sanh lên trước sẽ là thường cận y duyên của vô minh lậu sanh lên sau.
Như vậy, qua phần trình bày nầy duyên của vô minh là mấu chốt, là mắc xích chính của vòng luần liên quan tương sinh, của vòng luân hồi sanh tử mà hạng phàm phu không được thấu hiểu.
Vấn: Không thấu hiểu cái gì?
Đáp: không thấu hiểu rằng trong sự sanh khởi của vô minh có sự sanh khởi của lậu hoặc; trong sự sanh khởi của lậu hoặc cũng có sự sanh khởi của vô minh; lậu hoặc là duyên của vô minh và vô minh cũng là duyên của lậu hoặc. Như vậy, khởi điểm, mắc xích đầu tiên của vòng luân hồi không hiển lộ. Và cho đến khi nào mắc xích ấy chưa được thấu hiểu, cho đến khi ấy vòng luân hồi vẫn cứ xoay mãi.
-ooOoo-