PHẦN HAI
- PHẦN VỀ NHƯ LAI
A: Như vậy sau khi cho thấy tiến trình nhận thức của bậc thánh vô lậu về các cơ sở như đất v.v.., với những lời ‘Này các tỳ kheo, Như Lai,’ tiếp theo Thế Tôn có bắt đầu chỉ dạy tiến trình nhận thức của bản thân ngài
Nơi đây, ‘Như Lai’: Thế Tôn được gọi là Như Lai vì tám lý do: bởi vì ngài đã ‘đến như vậy’ (tathā āgata); bởi vì ngài đã ‘đi như vậy’ (tathā gata); bởi vì ngài đã đến như thực tướng (tathalakkhanaṃ āgata); bởi vì ngài đã giác ngộ như thực pháp y theo chơn lý (tathadhamme yāthāvato abhisambuddha); bởi vì ngài là người thấy như thực (tathadassitāya); bởi vì ngài là người nói như thực (tathāvāditāya); bởi vì ngài thực hành theo lời ngài dạy (tathākāritāya) và Ngài là Như Lai theo nghĩa tối thắng (abhibhavanaṭṭhena). [1]
Ngài là một ‘arahat’ (A la hán) vì những lý do sau đây: (i) bởi vì Ngài đã viễn ly các phiền não (āraka); (ii) bởi vì những kẻ thù (ari) và (iii) các căm xe đã bị diệt (hata); (iv) bởi vì ngài xứng đáng (araha) nhận các vật cúng dường; (v) bởi vì ngài đã lìa xa các ác hạnh khuất lấp (rahābhāva) và ngài là bậc Toàn giác (sammāsambuddha) bởi vì ngài đã được hoàn toàn (sammā) và tự ngài (sāmaṃ) giác ngộ (buddha) đối với tất cả pháp. Đây là phần tóm lược; về phần nghiên cứu chi tiết hai từ này, hãy tham khảo Visuddhimagga, chương nói về Tùy niệm Đức Phật.[2]
BỞI VÌ NHƯ LAI ĐÃ HIỂU RÕ NÓ MỘT CÁCH TOÀN TRIỆT (pariññātantaṃ tathāgatassa).
A: Ở đây, cơ sở của tưởng tượng Như Lai đã hiểu rõ. Nó được ‘hiểu rõ một cách toàn triệt’: có nghĩa là Như Lai đã hiểu rõ đến cùng tận, đã hiểu rõ đến cực biên, đã hiểu rõ không có mảy may dư tàn nào. Vì mặc dù không có sai biệt giữa chư Phật và các thanh văn về phương diện từ bỏ các phiền não do nhờ bốn đạo, cũng có nét riêng về phạm vi hiểu rõ của cả hai. Chư thanh văn có thể chứng Niết Bàn sau khi quán chỉ một phần trong bốn đại. Nhưng đối với chư Phật không có pháp hành vi tế nào mà không được thấy, ước lượng, quán sát và thực chứng với quán trí.
BỞI VÌ NGÀI ĐÃ HIỂU RẰNG HỶ LẠC LÀ CĂN BẢN CỦA ĐAU KHỔ (nandī dukkhassa mūlaṃ)VÀ DO DUYÊN HỮU CÓ SANH. ĐỐI VỚI CÁI GÌ ĐÃ SINH THÀNH LÀ CÓ GIÀ VÀ CHẾT.
A: ‘Hỷ lạc’ là ái dục trước (purimataṇhā), ‘đau khổ’ là ngũ uẩn (pañcakkhandhā), ‘căn bản’ là khởi đầu (ādi). ‘Đã hiểu’: Ngài đã biết rằng hỷ lạc (phát sinh) trong đời trước là căn bản của đau khổ hiện tại. ‘Hữu’= nghiệp hữu. ‘Sanh’= những uẩn dị thục. Vì những ai sinh ra được gọi là ‘sanh,’ Đây là ý nghĩa: ngài đã biết rằng có nghiệp hữu (làm duyên) sanh hữu khởi lên. ‘Cái gì đã sinh thành’ (bhūta) = một chúng sanh (satta). Ý câu này là: ngài đã biết rằng già và chết tấn công các uẩn của chúng sanh nào đã sinh thành qua sanh hữu.
Đến phạm vi này, khi cho thấy nguyên nhân để loại trừ các tưởng tượng của ngài là sự thâm nhập lý duyên khởi vào lúc ngài chứng nhất thiết chủng trí sau khi nội quán các hành trong thế ngồi bất khả lay chuyển dưới cội cây Bồ đề, ngài chỉ dạy lý duyên khởi với bốn bộ phận (catusaṅkhepa), ba liên kết (tisandhi), ba thời (tiyaddha) và hai mươi hành tướng (vīsat’ākāra).[3]
Tất cả điều này được chỉ dẫn như thế nào? Ở đây, hỷ lạc là một bộ phận. Đau khổ là bộ phận thứ hai, hữu là bộ phận thứ ba, sanh, già và chết là bộ phận thứ tư. Như vậy bốn bộ phận nên được hiểu.[4] Giữa ái (= hỷ lạc) và đau khổ có một liên kết, giữa đau khổ và hữu có một liên kết thứ hai và giữa hữu và sanh có một liên kết thứ ba. Như vậy, giống như có ba liên kết giữa bốn ngón tay, cũng có ba liên kết giữa bốn nhóm. Hỷ lạc thuộc về thời quá khứ, sanh, già và chết thuộc về thời vị lai, đau khổ và hữu thuộc về thời hiện tại. Như vậy, ba thời nên được hiểu.
Trong quá khứ có năm hành tướng, trong đó riêng ái mang tên ‘hỷ lạc’. Nhưng mặc dù kinh văn không đề cập đến, vô minh, hành, thủ và hữu được bao gồm cùng với ái, vì chúng đều dự phần vào đặc tính làm các duyên. Cụm từ ‘sanh, lão và tử’ chỉ định các uẩn lệ thuộc sanh, già và chết, như vậy thức tương lai, danh – sắc, sáu xứ, xúc và thọ được bao hàm.[5] Hai mươi hành tướng này có những đặc tính được diễn tả như sau: ‘Trong nghiệp hữu quá khứ, vô minh có tướng si, các hành có tướng tích tập, ái có tướng dính mắc, thủ có tướng thâu tóm và hữu có tướng cố ý- năm pháp này trong nghiệp hữu quá khứ là các duyên cho tục sinh ở đời này. Ở đây, thức có đặc tính tục sinh, danh sắc có đặc tính đi xuống, sáu xứ có đặc tính nhạy cảm, xúc có đặc tính va chạm và thọ có đặc tính cảm giác- năm pháp này trong sanh hữu ở đời này do nghiệp đã làm trong quá khứ trợ duyên. Với quá trình già dặn của các xứ đời này, vô minh có đặc tính si, các hành có đặc tính tích tập, ái có đặc tính dính mắc, thủ có đặc tính thâu tóm, hữu có đặc tính cố ý- năm pháp này trong nghiệp hữu hiện tại là các duyên cho tục sinh tương lai. Trong tương lai, thức có đặc tính tục sinh, danh sắc có đặc tính đi xuống, các xứ có đặc tính nhạy cảm, xúc có đặc tính va chạm và thọ có đặc tính cảm giác- năm pháp này trong sanh hữu tương lai do nghiệp đã tạo trong đời này trợ duyên.'[6]
Như vậy theo phát biểu: ‘Ngài đã biết rằng hỷ lạc là căn bản của đau khổ và do duyên hữu có sanh, đối với cái gì đã sinh thành là có già và chết,’ toàn thể lý duyên khởi này với bốn bộ phận, ba liên kết, ba thời và hai mươi hành tướng đã được chỉ rõ.
Kế đến Thế Tôn dạy:
DO VẬY, NÀY CÁC TỲ KHEO! TA TUYÊN BỐ, NHỜ DIỆT TẬN TẤT CẢ ÁI, SỰ LY THAM, TỊCH LẶNG, TỪ KHƯỚC VÀ LY THOÁT TẤT CẢ ÁI, NHƯ LAI ĐÃ TỰ MÌNH GIÁC NGỘ HOÀN TOÀN VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG GIÁC
(TASMĀ TIHA BHIKKHAVE TATHĀGATO SABBASO TAṆHĀNAṂ KHAYĀ VIRĀGĀ NIRODHĀ CĀGĀ PAṬINISSAGGĀ ANUTTARAṂ SAMMĀSAMBODHIṂ ABHISAMBUDDHO TI VADĀMI)
A: Ở đây ‘tất cả ái’ tương tự như hỷ lạc ‘sự diệt tận’ (khaya) là sự diệt trừ tối hậu bằng siêu thế đạo. Những từ tiếp theo cũng đồng nghĩa với từ diệt tận. Đối với những ái bị diệt thì cũng có ly tham, tịch lặng, từ khước, ly thoát các ái đó. Hoặc ‘sự diệt tận’ có thể được lý giải như là chức năng chung cho bốn đạo, ‘sự ly tham’ (virāga) là cho ‘sơ đạo’, ‘sự tịch lặng’ (nirodha) là cho nhị đạo, ‘sự từ khước’ (cāga) là cho ‘tam đạo’ và ‘sự ly thoát’ (paṭinissagga) là cho ‘tứ đạo’.[7] Hoặc là: qua ‘sự diệt tận’ ngài diệt những loại ái mà khiến ngài có thể tưởng tri đất là đất; qua ‘sự ly tham’ ngài ly tham những ái mà khiến ngài có thể tưởng tượng đất; qua ‘sự tịch lặng’ ngài tịch lặng những ái mà khiến ngài có thể tưởng tượng trong đất; qua ‘sự từ khước’ ngài từ khước những ái mà khiến ngài có thể tưởng tượng từ đất và qua ‘sự ly thoát’ ngài ly thoát những ái mà khiến ngài có thể tưởng tượng ‘đất là của ta’. Hoặc là: qua ‘sự diệt tận’ ngài diệt tận những ái mà khiến ngài có thể tưởng tượng đất v.v… cho đến qua ‘sự ly thoát’ ngài ly thoát những ái mà khiến ngài có thể hoan hỷ trong đất. Những lý giải này đều có thể chấp nhận; không có điều gì bị loại trừ.
‘Vô thượng chánh đẳng giác’ (anuttara sammāsambuddha): sự giác ngộ hoàn toàn và tự mình giác ngộ (sammā sāmañca bodhi) không ai sánh bằng, toàn hảo giữa mọi loài. Từ bodhi được dùng trong các kinh văn để chỉ một loại cây, đạo, nhất thiết chủng trí (sabbaññutañāṇa) [8] và niết bàn. Trong những đoạn văn: ‘lần đầu tiên được giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề’ và ‘giữa Bodhi và Gayā’ (Vin.III.I), đó là loại cây gọi là bodhi.[9] Trong đoạn văn: ‘trí của bốn đạo được gọi là bodhi,’ (C.Nd,p.213), đó là đạo.[10] Trong đoạn văn: ‘Ngài đã chứng Bodhi trong trí tuệ thậm thâm thù thắng’ (D.30), đó là nhất thiết chủng trí. Trong đoạn văn sau đây Bodhi chỉ cho niết bàn: Sau khi đã thành đạt bodhi, sự bất tử, vô vi’ (không để lại dấu vết). Ở đây Bodhi có ý nói A la hán đạo trí của Thế Tôn. Những người khác cũng nói là nhất thiết chủng trí.
A hán đạo mà các thanh văn đã chứng có phải là vô thượng giác ngộ không? Không phải thế. Tại sao? Bởi vì trí này không mang lại tất cả thánh đức (guṇa).Đối với một số đệ tử, A la hán đạo chỉ mang lại A la hán quả; đối với một số vị đạo trí mang lại ba minh; đối với một số vị đạo trí mang lại lục thông (abhiññā); đối với một số vị đạo trí mang lại tứ vô ngại giải (paṭisambhidā); đối với một số vị A la hán đạo mang lại các ba la mật (pāramī) trí của hàng thanh văn. Đối với chư phật độc giác (paccekabuddhas) đạo trí chỉ mang lại tuệ giác của vị phật độc giác. Nhưng đối với chư Phật toàn giác đạo trí mang lại khả năng đặc thù gồm tất cả thánh đức, y như vị vua đã đăng quang tỏa vương quyền khắp quốc độ. Vì vậy bất cứ trình độ giác ngộ nào khác không phải là vô thượng giác ngộ.
‘Đã giác ngộ’ (abhisambuddho): Đã thắng tri, đã thâm nhập, đã chứng ngộ, đã thành tựu. ‘Ta tuyên bố’ (iti vadāmi): Ta giải thích, Ta giáo giới, Ta tuyên thuyết, Ta xác lập, Ta khai thị, Ta phân tích, Ta hiển lộ. Nơi đây, cách lý giải thế này:- Này các tỳ kheo, Như Lai không tưởng tượng (chính mình là) đất… không hoan hỷ trong đất. Do duyên cớ nào? Bởi vì ngài đã hiểu rằng hỷ lạc là căn bản của đau khổ và với hữu (làm duyên) có sanh, đối với cái gì có sinh thành là có lão và tử? … Hơn nữa: vì ngài đã hiểu lý duyên khởi như vầy, ái dục được gọi là ‘hỷ lạc’ đã được Như Lai từ bỏ mọi mặt. Qua sự diệt tận tất cả ái, Như Lai đã hoàn toàn giác ngộ vô thượng chánh đẳng giác; vì vậy ngài không tưởng tượng (chính Ngài là) đất… không hoan hỷ trong đất.’ Phần này có nghĩa là: Do nhân duyên giác ngộ ngài không tưởng tượng và không hoan hỷ.’
Hoặc là: ‘Vì các ái dục đã đến chung cuộc qua việc hiểu lý duyên khởi theo phương pháp ‘Hỷ lạc là căn bản của đau khổ,’ do vậy, này các tỳ kheo , ta tuyên bố qua sự diệt tận tất cả ái, Như Lai đã hoàn toàn giác ngộ vô thượng chánh đẳng giác. Do nhân duyên giác ngộ, ngài không tưởng tượng đất … không hoan hỷ trong đất.’
‘Thế Tôn đã giảng như vậy’: Thế Tôn đã giảng toàn thể kinh này, từ lời mở đầu đến những lời ‘Ta tuyên bố đã hoàn toàn giác ngộ vô thượng chánh đẳng giác.’ Cho thấy nhất thiết chủng trí thậm thâm của Ngài và trí ấy không có một trí giả nào len vào được.
Kinh này gồm có hai phần tụng và tám phần giải thích chính:
Phàm phu (1)
Hữu học (1)
A-la-hán (4)
Như Lai (2)
Từng phần chính bao hàm hai mươi bốn phần nhỏ, lần lượt từ đất cho đến Niết Bàn.
(Bổn sanh 500 tỳ kheo)
Nhưng mặc dù Thế Tôn thuyết kinh ‘Căn bản pháp môn’ bằng nhiều phương pháp phong phú và lời dạy trang nhã, pháp âm của Ngài vi diệu như Phạm thiên, thanh tao như tiếng hót của chim Ca lăng tần già, làm êm tai, đưa thẳng vào tâm người có trí với vị bất tử, ‘các tỳ kheo đó không hoan hỷ trong lời dạy của Thế Tôn.’ Tại sao không hoan hỷ? Bởi vì chư vị không hiểu lời dạy. Vì không hiểu ý nghĩa của kinh này, chư vị không hân hoan trong đó. Mặc dù vào lúc Thế Tôn thuyết kinh này có nhiều phương pháp phong phú và lời dạy trang nhã, như thức ăn ngon đặt trước miệng một người bị miếng vải dày và rộng buộc chặt.
Nhưng phải chăng Thế Tôn đã tròn đủ pháp độ trong bốn A tăng kỳ và trăm ngàn đại kiếp, Ngài đã đạt đến nhất thiết chủng trí tất cả vì mục đích thuyết pháp cho quần sanh bằng một phương cách mà họ có thể hiểu được? Nếu thế, tại sao các tỳ kheo kia không hiểu lời ngài chỉ dạy? Lý do đã được nêu ra trong phần giải thích về những cơ sở để thuyết kinh này: ‘ngài khai thị giáo lý này vì mục đích đập tan kiêu mạn của chúng tỳ kheo đó.’ Do vậy, nơi đây không cần lập lại đoạn này. Sau khi nghe giảng dạy, các tỳ kheo này suy nghĩ: ‘ngài nói, kẻ lý thuyết tưởng tượng đất. Hữu học, A la hán và Như Lai thắng tri đất. Đây nghĩa là gì? Đây là thế nào? Trước đây chúng ta có thể hiểu chớp nhoáng bất cứ điều gì Thế Tôn đã dạy. Nhưng bây giờ chúng ta không thể hiểu ất giáp gì về ‘kinh căn bản pháp môn’ này’ Ôi! Chư Phật vô lượng và vô nghì thay!” Như vậy các tỳ kheo này trở nên khiêm tốn, như những con rắn bị nhỗ hết răng nọc, chư vị cung kính đến hầu hạ Đức Phật và lắng nghe pháp.
Sau đó không lâu một số tỳ kheo, khi cùng nhau ngồi trong pháp đường, bắt đầu câu chuyện sau đây: ” Ôi, Phật lực thật cao cả! Các tỳ kheo dòng bà la môn kia quá kiêu mạn, nhưng lời dạy của bậc Đạo sư về pháp môn căn bản đã làm cho chư vị khiêm tốn.’ Đây là lời bàn tán tiếp tục trong số các tỳ kheo này. Lúc đó Thế Tôn ra khỏi hương thất, đến pháp đường đang diễn ra những lời thán phục về trường hợp đó và ngồi xuống chỗ đặc biệt dành riêng cho ngài. Thế Tôn nới với các Tỳ kheo ‘Này chư tỳ kheo,vừa rồi các ngươi đang bàn chuyện gì?’ Các vị này tường thuật vấn đề lên bậc đạo sư. Ngài nói: ‘Này chư tỳ kheo, không phải chỉ nay, nhưng trong quá khứ cũng vậy ta đã làm cho các người này biết nhún nhường trong khi chúng quá kiêu mạn’. Rồi Thế Tôn kể lại câu chuyện sau đây trong quá khứ, đối chiếu với sự việc hiện tại:-
Này chư tỳ kheo, thuở xưa, một Bà la môn trứ danh đang sống ở Bénares – một giáo sư về tam Phệ Đà, hiểu biết ngữ nguyên và văn cảnh Itihāsa, phần thứ năm trong những tài liệu bà la môn đáng tin cậy, với những chú thuật, nghi lễ và phân tích từ ngữ, vị ấy thông suốt khoa học tự nhiên và các tướng của bậc đại nhân. Vị ấy dạy Mantras cho 500 thanh niên Bà la môn. Những thanh niên đó, thông minh, rất trí thức, nắm vững bài học và không quên những gì đã học. Vị bà la môn không dấu nghề như một số giáo sư, nhưng dạy chúng mỗi ngành kiến thức như thể rót nước vào cái chai, bảo chúng: ‘Ngành kiến thức này dẫn đến nhiều lợi ích như thế trong đời này và đời sau.’ Đúng lúc các thanh niên bà la môn phát sanh kiêu mạn: ‘Bất cứ điều gì thầy của chúng ta biết, điều đó chúng ta cũng biết. Bây giờ chúng ta cũng làm thầy được rồi’. Từ đó chúng tỏ ra bất kính với thầy của mình và xao lãng các bổn phận. Biết tình trạng đó, vị giáo sư suy nghĩ: ‘Ta sẽ cắt đứt kiêu mạn của chúng.’ Một hôm, khi các thanh niên đến phụng sự thầy. Sau khi chúng thi lễ và kiếm chỗ ngồi, vị giáo sư nói: ‘Này các con, ta sẽ cho các con một câu đố. Hãy giải ra nếu các con có thể.’ ‘Hãy đố đi, thưa thầy! Hãy đố đi!’. Chúng hăm hở đáp, chúng quá mê cuồng vì lòng tự hào trong sở học của mình. Vị giáo sư ra câu đố: [11]
‘Thời gian nuốt hữu tình
Nuốt luôn cả chính nó
Ai nuốt được thời gian
Kẻ diệt hữu tình diệt.’ (Jāt.v.190)
Này các con, hãy trả lời câu đố đi. Nhưng mặc dù các thanh niên này suy nghĩ nhiều lần chúng không sao hình dung ra ý nghĩa, tất cả ngồi nín lặng. Vị giáo sư đuổi chúng đi ‘Hôm nay đủ rồi! Hãy đi đi! Ngày mai các ngươi sẽ có thể giải đáp câu đố.’
‘Nhưng dù chia ra nhiều nhóm cùng nhau cố gắng giải nó, các thanh niên này vẫn mù tịt. Hôm sau chúng đến vị giáo sư và thưa ‘Chúng con không sao hiểu nghĩa của câu đố này.’ Để cắt đứt kiêu mạn của chúng, vị giáo sư ngâm bài kệ :
Nhiều kẻ non nớt quá cao ngạo,
Nhưng người trí làm cho chúng nhún nhường.’ (Jāt.v.191)
Khi nghe câu này, các thanh niên đó trở nên im lặng, xấu hổ, thụt vai, cúi xuống, cào đất với các ngón tay. Kế đó khi thấy rằng chúng đã hổ thẹn, vị giáo sư nói: ‘Này các con, hãy học đáp án cho câu đố này’. Rồi giáo sư giải thích:
‘Thời gian’ là phần trước ngày và phần sau ngày. ‘Hữu tình’ là chúng sanh. ‘Thời gian nuốt hữu tình’. Thời gian không ăn da và thịt của chúng sanh, nhưng nuốt vào và ăn sống chúng bằng sự cướp đi của chúng sanh về mạng sống, sắc đẹp và sức mạnh, bằng sự chinh phục tuổi trẻ và tiêu diệt sức khỏe của chúng. ‘Nuốt luôn cả chính nó’ như vậy ăn sống chúng, nó không bỏ sót bất cứ cái gì nhưng ăn sống tất cả. Nó không những ăn sống tất cả chúng sanh, mà còn ăn sống chính nó. Vì phần trước ngày không còn khi phần sau đến và phần sau ngày không còn khi ngày kế tiếp đến. ‘Ai nuốt được thời gian’- đây là vị A la hán, bậc thánh vô lậu. Vị ấy được gọi là người ‘nuốt chửng thời gian’, bởi vì ngài đã ‘ăn sạch’ thời gian bằng sự bít nẻo tái sanh trong tương lai. ‘Kẻ diệt hữu tình diệt’: Chính là ái dục thiêu đốt chúng sanh trong những cảnh giới đau khổ. Vị A La Hán đã thiêu hủy ái dục bằng lửa bát nhã và tiêu diệt nó không còn chút dư tàn nào. Do đó vị A la hán được nói là thiêu đốt kẻ thiêu đốt chúng sanh’.
‘Khi vị giáo sư giải thích xong, các thanh niên đó thông suốt ý nghĩa của câu đố như những chỗ phẳng và lồi lõm trên đường đi được soi tỏ vào ban đêm nhờ ánh sáng của một ngàn ngọn đèn. Cả bọn đồng thề ‘Chừng nào mạng sống còn, chúng tôi sẽ sống dưới sự chỉ dạy của thầy chúng tôi.’ Các bậc thầy này thực sự cao cả thay! Chúng ta quá kiêu mạn vì sở học đến nổi chúng ta không biết ngay cả ý nghĩa của một câu kệ bốn dòng’. Từ đó chúng biết khiêm tốn và thực hành bổn phận thích đáng đối với thầy như chúng đã làm trước đây và được sanh thiên giới trong đời sau.’Này chư tỳ kheo, vào lúc đó, ta là vị giáo sư và những tỳ kheo kia là các thanh niên bà la môn. Như vậy trong quá khứ ta cũng làm cho những vị này khiêm tốn khi họ khởi sanh lòng kiêu mạn.’
Sau khi nghe câu chuyện quá khứ, các tỳ kheo đó suy nghĩ ‘trong quá khứ chúng ta cũng đã gục ngã vì lòng kiêu mạn,’ chư vị trở nên khiêm tốn và chăm chú nhiều hơn vào các đề tài thiền quán của mình.
Về sau khi du hóa qua miền quê, đến Vesāli, nơi đó Thế Tôn trú tại điện Gotamaka. Biết rằng tuệ của năm trăm tỳ kheo đó đã được thuần thục, ngài dạy họ kinh Gotamaka (Gotamaka Sutta – A.III.13.3): ‘Này chư tỳ kheo, qua thắng trí (abhiññāya), Ta dạy Pháp, không phải không có thắng trí. Ta dạy Pháp có căn cứ vững chắc với những nền móng vững chắc (sanidāna), không phải không có căn cứ. Ta dạy Pháp làm cho tín phục (sappāṭihāriya), không phải không tín phục. Vì Ta dạy Pháp qua thắng trí, v.v…, sự khích lệ và lời hướng dẫn của ta các ngươi nên thọ trì. Này chư tỳ kheo, đó là đủ cho các ngươi để hài lòng, hoan hỷ, hân hoan: ‘Thế Tôn là bậc Toàn giác, Pháp khéo giải thích, Tăng đang thực hành thiện đạo.’ Thế Tôn đã dạy như vậy. Trong khi pháp môn này được giảng thì mười ngàn thế giới rung động.
Sau khi nghe kinh này, năm trăm tỳ kheo kia đều chứng A la hán cùng với bốn tuệ phân tích (paṭisambhidā) ngay tại chỗ ngồi. Như vậy trong trường hợp này lời dạy hiện tại (tức là kinh căn bản pháp môn) đã tròn đủ ý nghĩa.
Dứt chú giải kinh căn bản pháp môn
TÁM NGHĨA NHƯ LAI
(dịch thêm từ “The discourse on the all embracing net of views” by Bhikkhu Bodhi )
NHƯ LAI LÀ GÌ?
- Thế Tôn được gọi là Như Lai do tám nguyên do:
1) Ngài đã đến như vậy (Tathā āgato)
2) Ngài đã đi như vậy (Tathā gato)
3) Ngài đã đến với như thực tướng (của các pháp) (Tathalakkhanaṃ āgato)
4) Ngài đã giác ngộ như thực pháp y theo chân lý (Tathadhamme yāthāvato abhisambuddho)
5) Ngài là người thấy như thực (Tathadassitāya)
6) Ngài là người nói như thực (Tathavāditāya)
7) Ngài thực hành những gì Ngài dạy (Tathakāritāya)
8) Ngài là Như Lai theo nghĩa chiến thắng hoặc tối thắng (Abhibhavanaṭṭhera)
- ĐÃ ĐẾN NHƯ VẬY
A[12] : Thế Tôn đã đến y như thể thức mà chư Phật toàn giác quá khứ đã đến. Thế Tôn của chúng ta đã thành tựu nguyện vọng như chư Phật quá khứ, đã thành tựu ba mươi pháp độ, năm pháp đại thí, đã thành tựu ba mươi bảy phẩm trợ đạo y như các Thế Tôn quá khứ.
Ṭī [13] : Đề cập nguyện vọng là chỉ con đường đi đến. Đề cập các Ba la mật là chỉ trung đạo và đề cập ba mươi phẩm trợ đạo là chỉ sự hoàn thành.
- ĐÃ ĐI NHƯ VẬY
A: Thế Tôn đã đi như thế nào? Thế Tôn đã đi như chư Phật quá khứ đã đi. Như có lời rằng ‘Ngay khi sanh ra Bồ Tát đứng vững trên đất và quay về phương Bắc bước bảy bước. Có cây lọng trắng che cho Ngài. Sau khi quan sát các phương Ngài thốt lên lời như con ngưu vương “Aggo’haṃ asmi lokassa…” Khi Bồ Tát đứng vững trên đất báo trước rằng Ngài sẽ đạt đến tứ như ý túc. Ngài đi về hướng Bắc báo trước rằng Ngài sẽ là bậc tối thượng trong tất cả thế giới. Đi bảy bước báo trước sự thành đạt bảy báu là thất giác chi. Cây lọng trắng che cho Ngài báo trước Ngài sẽ được thanh tịnh không tỳ vết qua sự giải thoát của vô lậu quả. Quan sát các phương báo trước sự thành đạt toàn giác huệ. Thốt ra lời như con ngưu vương báo trước Ngài sẽ quay bánh xe pháp cao thượng và không một ai đảo ngược được.
Y như các Thế Tôn quá khứ đã đi như vậy, Thế Tôn hiện tại cũng đi tương tự, Ngài đã đi bằng cách phá hủy các phiền não đồng sanh với tà kiến nhờ dự lưu đạo. Từ bỏ các phiền não thô nhờ tư đà hàm đạo. Đào bứng các phiền não tế nhờ A na hàm đạo và tận diệt tất cả phiền não nhờ A la hán đạo.
III. ĐẾN VỚI NHƯ THỰC TƯỚNG
A: Sáu nguyên tố: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức. Năm uẩn. Năm chi thiền. Ngũ căn. Ngũ lực. Thất giác chi. Bát chánh đạo. Thập nhị nhân duyên. Tất cả các pháp này có tướng riêng và những tướng này là thật, không phải hư nguỵ. Qua tiến trình trí tuệ, Ngài đã đi đến thực tướng của các pháp. Do vậy, Ngài được gọi là Như Lai.
- GIÁC NGỘ NHƯ THỰC PHÁP
Tứ diệu đế được gọi là như thực pháp. Như có lời rằng: ‘Này các tỳ kheo, tứ diệu đế là như thực: Đây là khổ v.v… Thế Tôn đã giác ngộ những chân lý đó. Lại nữa, già và chết có sanh làm duyên là như thực. Hành có vô minh làm duyên. Hành làm duyên cho thức… Sanh làm duyên cho lão tử là thật. Tất cả những pháp đó Thế Tôn đã giác ngộ nên gọi là Như Lai.”
Ṭī: Tứ đế là thật bởi vì chúng có đặc tính không bị bóp méo và không bị thay đổi.
- THẤY NHƯ THỰC
A: Thế Tôn thấy với Phật tuệ, Ngài thấy các pháp theo thực tính của chúng và phân tích các pháp bằng nhiều tên gọi như các loại tâm, các loại sắc v.v…
Ṭī: Các pháp được phân loại dưới nhiều tên gọi, nhiều thành phần như tìm thấy trong pháp tụ. Đây là thật vì không thể bác bỏ sở kiến của Thế Tôn và tính cách bất hủ trong lời dạy của Ngài. Thế Tôn đã thấy và biết các pháp theo cách chúng hiện khởi cùng với những đặc điểm của chúng. Do vậy Ngài đựơc gọi là Như Lai.
- NÓI NHƯ THỰC
Trong bốn mươi lăm năm giữa đêm Thế Tôn chiến thắng Ma Vương và giác ngộ vô thượng chánh giác, cho đến đêm Thế Tôn chứng Bát Niết Bàn trong khi nằm giữa cội song thọ. Bất cứ điều gì Thế Tôn nói ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối như khế kinh, ứng tụng v.v… Tất cả đều không thể chê trách được về ý nghĩa và về văn tự, dù một khuyết điểm nhỏ như sợi tóc cũng không có… Lời dạy của Thế Tôn là như nhất, chẳng khác nào đuợc đóng với một con dấu. Suốt từ đầu đến cuối tất cả là sự thật, không sai khác, do vậy Ngài được gọi là Như Lai.
VII. THỰC HÀNH NHỮNG GÌ NGÀI DẠY
Thân hành của Thế Tôn thích ứng với lời nói của Ngài và lời nói của Ngài thích ứng với thân hành của Ngài. Vì vậy Ngài là người thực hành điều gì Ngài dạy và dạy điều gì Ngài thực hành như có lời nói rằng: Như Lai nói sao, làm vậy; Như Lai làm sao, nói vậy. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai.
VIII. THEO NGHĨA CHIẾN THẮNG HOẶC TỐI THẮNG
Khắp vô số thế giới, Như Lai vượt xa tất cả chúng sanh về phương diện giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Không có ai ngang hàng hoặc sánh bằng Thế Tôn. Ngài là bậc vô tỷ lượng, là vua của các vua, chư Thiên của các chư Thiên, Đế Thích của các Đế Thích, Phạm Thiên trên các Phạm Thiên. Thế Tôn được gọi là Như Lai bởi vì Ngài đã đạt đến chân lý nhờ hiểu biết toàn thể thế giới qua việc quán về ba tướng vô thường, khổ, vô ngã. Ngài là Như Lai vì đã sang bờ giác ngộ nhờ hiểu biết thấu đáo thế giới qua việc từ bỏ nguồn gốc của nó. Ngài là Như Lai bởi vì Ngài thâm nhập thực tại nhờ chứng nghiệm thế giới diệt tận. Ngài là Như Lai vì đã thực hành con đường dẫn đến thế giới diệt tận. Do đó, Thế Tôn có dạy: ‘Thế giới đã được Như Lai giác ngộ. Như Lai đã từ bỏ thế giới. Nguồn gốc của thế giới đã được Như Lai giác ngộ, Như Lai đã từ bỏ nguồn gốc của thế giới. Sự diệt thế giới đã được Như Lai giác ngộ. Như Lai đã chứng nghiệm sự diệt của thế giới. Như Lai đã phát triển con đường dẫn đến sự diệt thế giới. Bất cứ gì hiện hữu trong thế giới này cùng với các chư thiên v.v… Tất cả đã được Như Lai giác ngộ’. Do vậy, Ngài được gọi là Như Lai.
—–*—–
[1] Lời người dịch: Tối thắng nghĩa là vượt lên trên tất cả.
[2] Vism VII. 4-29, pp.206-212.
[3] Về cách giải thích những loại này hãy xem Vism XVII.287-297, pp.669-672. Lời người dịch: Hành tướng (ākāra) nghĩa là cách thức, trạng thái, tính cách.
[4] Trong bốn bộ phận này, hỷ lạc = bộ phận tạo nhân quá khứ; đau khổ = bộ phận kết quả hiện tại; hữu = bộ phận tạo nhân hiện tại; sanh, già và chết = bộ phận kết quả tương lai.
[5] Quả hiện tại (đau khổ) bao gồm năm pháp bắt đầu với thức; nhân hiện tại (hữu) bao gồm năm pháp bắt đầu với vô minh.
[6] Hãy xem Pts. I.1.4.
[7] Bốn đạo là dự lưu đạo, nhất lai đao, bất lai đạo và A la hán đạo.
[8] Xem giải thích ở trang 78
[9] Tức là cây Bodhi nổi tiếng, Assattha Banyan, Đức Phật đã chứng tuệ giác dưới cội cây này.
[10] Bốn đạo siêu thế.
[11] Kālo ghasati bhūtāni / Sabbā’eva sah’attanā / Yo ca kālaghaso bhūto / Sa bhūtapacaniṃ paci ti //
[12] A: Aṭṭhakathā (chú giải)
[13] Ṭīkā (chú giải phụ)
-ooOoo-