Tội Ngũ Trần – Mahā Kancana Kumāra (sợ Tội Ngũ Trần)

Mahā Kancana Kumāra (sợ tội ngũ trần)

Thuở Đức vua Barhmadatta trị vì trong xứ Baranasi (Ba-La-Nại) Ấn-Độ lúc ấy tiền thân Bồ-tát (Sĩ-Đạt-Ta) sanh làm con một vị đại phú hộ có 800 triệu bạc, Ngài tên là Mahā Kancana Kumāra kế thân phụ Ngài sanh luôn cả bảy người con, em Ngài theo thứ tự và chỉ em út của Ngài là gái tên là Kancanadevi mà thôi.

Bồ-tát Mahā Kancana Kumāra được cho đi học các môn nghệ thuật và triết học tại xứ Takkasilā một thời gian được hòa tất nên trở về xứ. Song thân Ngài muốn cho Ngài lập gia đình mới nói với Bồ-tát rằng “Con ơi! Cha mẹ muốn kiếm một người phụ nữ đồng một dòng như chúng ta để làm lễ thành hôn và giao cho con cai quản gia đình. Bồ-tát bèn thưa rằng: “Thưa cha mẹ, con không muốn lập gia đình, vì con thấy tam giới hãi hùng kinh sợ, ví như nhà đang bị lửa cháy như dây cột trời giam người tội trong ngục tù, là nơi đáng nhờm gớm lắm, ví như chỗ người để tích trữ đồ dơ bẩn thúi tha các em con còn nhiều vậy cha mẹ nên lập gia đình cho chúng nó”. Song thân nói thế nào Bồ-tát cũng không chịu, nên yêu cầu bạn bè khuyên nhủ, Bồ-tát nhất định cũng không nghe theo, các bạn thấy vậy mới hỏi Mahā Kancana Kumāra rằng “Bạn nghĩ thế nào mà không lập gia đình?” Bồ-tát mới ngỏ ý định cho các bạn biết là ý định xuất gia. Khi cha mẹ

Ngài biết như vậy không ép buộc mới khuyên lơn mấy con kế đó, nhưng rất lạ là sáu người em luôn cả người em gái út cũng không chịu lập gia đình và muốn xuất gia như Bồ-tát hết.

Sau một thời gian cha mẹ đều qua đời, khi lo tang xong thì Ngài mới lấy ra 800 triệu làm phước cho các bậc sa-môn, bà-la-môn và bố thí cho tất cả người hàn vi, thân cô thế quả, hành khất xin ăn, xong mới dẫn bảy người em, một người bạn, một người tớ trai và một người tớ gái cả thảy mười một người vào Tuyết Lãnh sơn xuất gia. Khi vào đến núi tìm một hố sen rất thích hợp, làm chỗ ngụ xong đều xuất gia làm đạo sĩ (isi) và sống bằng các loại khoai củ và trái cây, các đạo sĩ ấy khi vào rừng đi chung với nhau để kiếm vật thực, khi vị nào thấy trái cây, hoặc củ chi thì kêu nhau tiếp đào, bẻ. Bồ-tát mới nghĩ rằng: “Chúng ta đã bỏ của 800 triệu đi xuất gia mà còn kéo nhau đi cả đoàn đi kiếm vật thực lộn xộn, om xòm như thế này thì cũng không hay gì. Nghĩ như vậy, khi về đến chỗ ngụ, chiều lại họp các vị khác mà dạy rằng: “Các vị cứ lo tu hành thiền định để tôi đi kiếm trái cây làm vật thực cho mấy vị”. Khi ấy các vị đạo sĩ khác kính cẩn thưa rằng: “Thưa sư huynh, vậy chúng tôi yêu cầu sư huynh, em gái út và cô tớ gái cứ ở tại cốc lo hành thiền để chúng tôi thay phiên nhau kiếm trái cây về chia nhau độ nhựt, các vị khỏi phải bận rộn thay phiên, để chúng tôi lo hộ độ”. Bồ-tát nghe vậy cũng chấp thuận. Kể từ ngày đó, mấy vị đạo sĩ kia thay phiên nhau đi kiếm vật thực về chia nhau cho đồng đều hết thảy, mỗi người lãnh một phần thọ thực xong đều lo tham thiền.

Một thời gian trôi qua, các vị ấy lại được ngó sen làm vật thực nên mỗi người có sức khỏe, đều cố gắng niệm đề mục (kāsina). Do oai lực giới đức và thiền định của các vị đạo sĩ ấy, làm cho nóng nảy đến đức trời Đế Thích, Ngài mới suy nghĩ rằng: “Các vị đạo sĩ này là người có thật tâm xa lánh tình dục ngũ trần hay không? Vậy ta đi xuống thử mấy vị ấy mới biết”. Nghĩ xong liền dùng thần lực, dấu phần ngó sen để dành cho các vị đạo sĩ Mahā Kancana Kumāra luôn ba ngày. Trong ngày thứ nhất, không thấy ngó sen để phần mình (Bồ-tát) Mahā Kancana Kumāra mới nghĩ rằng “Có lẽ họ quên để phần cho mình”. Qua ngày thứ nhì nghĩ rằng mình có lỗi chi nên họ không để phần cho mình. Qua ngày thứ ba Ngài nghĩ rằng “Do nguyên nhân nào mà họ không để vật thực cho mình, thật ta có lỗi thì sám hối với họ, nghĩ tới nghĩ lui không thấy có lỗi chi nên không dứt khoát ra sao”. Đến buổi chiều, Ngài mới đánh kẻng báo hiệu cho các vị tu hội lại, Ngài mới hỏi rằng: “Ngày thứ ba ai đem vật thực tới cho tôi?” Một vị đạo sĩ đứng dậy kính cẩn bạch rằng: “Đến phiên tôi đem lại”. Bồ-tát hỏi kỹ lại: “Ông thiệt có đem một phần chia cho tôi không?” Vị kia bạch: “Thưa Ngài, phần của Ngài là phần quan trọng nhất, tôi đã chia và để dành cho Ngài tại chỗ rồi”. Kế hai vị thứ nhất và thứ nhì trả lời y như nhau. Bồ-tát liền nói rằng: “Này các ông, đã ba ngày rồi tôi không có phần vật thực nào, tôi nghĩ rằng có lẽ tôi có lỗi chi nên tôi định đánh kiểng nhóm quý vị đến để sám hối”. Bây giờ ngày nói rằng: “Đã có chia phần vật thực cho tôi, nhưng tôi không thấy một phần nào. Vậy chúng ta nên kiếm cho ra người ăn cắp. Vì chúng ta đã bỏ ngũ trần đi xuất gia, thì sự ăn cắp vật thực nhỏ nhen như ngó sen thật không đáng cho chúng ta chút nào”. Mấy vị đạo sĩ nghe như vậy đều hoảng hồn kinh sợ và nghĩ rằng “đây là sự làm xấu xa của ai”.

Trong khi đó, có một vị mộc thần ở gần tịnh xá được biết chuyện không hay xảy ra như thế cũng xuống đứng trong nhóm đạo sĩ ấy. Một con voi vì chủ cho làm việc quá sức chịu không nổi, bỏ xiềng chạy vô rừng và thường hay đến đảnh lễ các vị đạo sĩ ấy cũng đến đó. Một con khỉ bị thầy phù thủy bắt tập hát với con rắn, chán nản sút dây cũng chạy lại làm lễ các vị đạo sĩ rồi ngồi lại gần đó. Lúc ấy, đức trời Đế Thích cũng xuống tại đó nhưng không cho thấy hình. Trong lúc ấy đạo sĩ Upakancana là bào đệ thứ nhì của Bồ-tát đứng dậy kính cẩn đảnh lễ xong, và tỏ sự khiêm tốn với các vị kia rồi nói rằng: “Thưa sư huynh tôi xin tỏ sự trong sạch của tôi chớ không cần người khác giúp thanh minh”. Bồ-tát nói tốt lắm. Vị đạo sĩ thứ nhất đứng giữa các vị đạo sĩ khác mà nói rằng: “Nếu tôi mà thiệt ăn cắp ngó sen của Ngài tôi xin thề rằng ‘Ai mà ăn cắp ngó sen thì sự ăn cắp ấy làm nguyên nhân làm cho người ấy mê thích theo ngũ trần như là được vàng, bạc, ngựa, bò, và có gia đình ở với vợ con đi’”. Các vị đạo sĩ nghe thầy cứng rắn như thế ấy thì ai cũng bụm lỗ tai không dám nghe và cho lời thề ấy nặng lắm. Bồ-tát cũng nói: “Lời thề của ông em thẳng thắn lắm, tôi tin ông không có ăn cắp đâu, xin ông em ngồi xuống đi”. Kế vị đạo sĩ thứ hai đứng dậy thề rằng: “Thưa các ngài, ai mà ăn cắp ngó sen xin cho người ấy phải bị mê sa trong ngũ trần và phiền não dục, được đeo tràng hoa, mặc đồ nhung lụa, và có nhiều con”. Kế đến vị thứ ba thề rằng: “Thưa các ngài, ai mà ăn cắp ngó sen, xin cho người ấy trở lại làm người thế tục và có nhiều của cải: lúa, thóc, đậu, mè, con cái đông hưởng lạc phú của ngũ trần quên tuổi thọ của mình cho đến già không được xuất gia, làm người cho đến chết”. Vị đạo sĩ thứ tư thề rằng: “Thưa Ngài, ai mà ăn cắp ngó sen, xin cho người ấy làm một vị đại vương có nhiều lực lượng và quyền thế ưa thích trong sự chinh chiến tàn sát quân địch và trị vì trong bốn châu thiên hạ”. Vị đạo sĩ thứ năm xin thề rằng: “Thưa các ngài ai mà ăn cắp ngó sen, xin cho người ấy trở thành một vị bà-la-môn làm quân sư rất thông thạo các môn quỷ thuật và chiêm tinh được các vị vua ban thưởng trọng dụng có danh vọng nhất trong xứ”. Vị đạo sĩ thứ sáu thề rằng: “Thưa các ngài, ai mà ăn cắp ngó sen, xin cho người ấy trở thành người chăm lo học các bộ kinh Phệ-đà và các môn quỷ thuật, là người có quyền thế tất cả dân chúng kính mến và lễ bái cúng dường người ấy”. Vị đạo sĩ là bạn tốt của Bồ-tát thề rằng: “Thưa các ngài, ai mà ăn cắp ngó sen xin cho người ấy cai trị một địa phận do đức vua ban cho, địa phận ấy rất phong phú, đầy đủ những thức ăn, vật uống đất đai rất phì nhiêu, đông đầy những người và súc vật, ví như cõi mà Đức Trời Đế thích ban cho, và phải bị mê sa, quên mình theo ngũ trần cũng như các loài thú nhất là con heo và giữ gìn ngũ trần cho đến suốt đời”. Vị đạo sĩ (làm tôi cho Bồ-tát trước kia) thề rằng: “Ai mà ăn cắp ngó sen, xin cho người ấy là người hướng đạo trong xứ lớn, có tâm vui thích trong cuộc hát xướng giữa các bè bạn và không có gặp một sự tai hại nào nhất là kinh sợ”. Cô Kancanadevi -nữ đạo sĩ- em gái út thề rằng: “Thưa các ngài, ai mà ăn cắp ngó sen xin cho người ấy làm một vị hoàng hậu cao sang hơn tất cả mười sáu ngàn cung phi mỹ nữ của đức vua Chuyển luân thánh vương trị vì tất cả các vị đế vương trên hoàn cầu này”. Cô đạo sĩ (trước kia làm tớ gái cho Bồ-tát) thề rằng: “Ai mà ăn cắp ngó sen, xin cho người ấy khi có mặt các vị đạo sĩ cu hội lại rồi mà tâm không biết hổ thẹn, run sợ rút lui, vẫn mê ăn uống vật thực ngọt ngon và đi khoe khoan chọc ghẹo người khác, dụ dỗ họ để gây được nhiều uy tín và vật lễ bái cúng dường phát sanh lên cho họ”. Trong lúc ấy cũng có mặt vị Mộc thần nghe mấy vị đạo sĩ thề như vậy, cũng xin thề để thanh minh sự trong sạch của mình, vị Mộc thần thề rằng: “Ai mà ăn cắp ngó sen của Bồ-tát xin cho người ấy sẽ là một vị Đại đức, hay một vị trụ trì bị những công việc tạo tác mới ràng buộc như lo sửa sang các ngôi chùa bị sụp đổ, lo làm cửa nẻo và trồng cây cối cho đến suốt ngày”. Theo chú giải thì vị Thiên này tiền kiếp đã từng làm một vị Đại đức trụ trì cai quản một ngôi chùa đang sụp đổ trong xứ Kajangala, lo sửa sang, kiến thiết ngôi chùa ấy lại phải cực nhọc khổ sở suốt ngày nên mới thề như vậy. Khi tất cả những người ấy đều thề độc như thế Bồ-tát mới nghĩ rằng “sợ mấy vị họ nghi rằng” đồ không mất mà mình cho là mất nên cũng thề rằng: “Này các vị đạo sĩ, người xuất gia nào không mất đồ mà tri hô là mất hoặc nghi ngờ cho ai ăn cắp, xin cho người xuất gia ấy không vui thích trong sự xuất gia và hoàn tục hưởng những lạc thú của ngũ trần và chết trong nhà người thế”.

Khi nghe các vị đạo sĩ thề như vậy, Đức Trời Đế Thích kinh tâm giật mình mà nghĩ rằng “Ta có ý giấu ngó sen để thử các vị đạo sĩ này, trái lại họ thề rất độc và tỏ ra khinh bỉ, nhàm chán ngũ trần, như vậy để ta hỏi lý do nào mà các ngài khinh bỉ ngũ trần”. Đức Trời Đế Thích hiện mình rõ rệt và chấp tay mà thưa rằng: “Bạch Ngài, tất cả chúng sanh dẫu cho Chư Thiên và nhân loại đều cố gắng tìm tòi lạc thú của ngũ trần bằng đủ mọi phương cách như làm ruộng rẫy, chăn nuôi gia súc như dê, bò để mong mỏi cho được lạc thú của ngũ trần, nhưng tại sao các ngài lại không tán dương khen ngợi, trái lại khinh bỉ”. Đức Bồ-tát mới trả lời như vầy: “Vì con người sở dĩ hãm hại nhau bằng nhiều hình phạt, như còng trói, xiềng xích, hoặc những sự khổ não kinh sợ cũng đều do nơi ngũ trần cả. Vì chúng sanh dể duôi say đắm nheo ngũ trần nên mới tạo bao nhiêu nghiệp hèn hạ, xấu xa đầy tội lỗi, và sau khi chết phải thọ sanh trong cảnh khổ nhất là địa ngục. Vì chúng tôi thấy ngũ trần có nhiều tội lỗi như thế, nên chúng tôi không tán dương khen ngợi”.

Khi Trời Đế Thích nghe giảng như vậy lấy làm kinh tân ghê sợ, mới thú nhận rằng: “Chính tôi đã ăn cắp giấu ngó sen trong ba ngày để cố ý thử các ngài coi có thật là người chán nản ngũ trần hay không?” Khi Bồ-tát nghe Đức Trời Đế Thích thú nhận như vậy, Ngài bèn quở trách rằng: “Này vị có thiên nhãn, chúng tôi không phải những người để cho ngài làm trò chơi giỡn thử thách, cũng không phải là thân quyến bạn bè của ngài, tại sao ngài dám đến khi dể, thử thách chúng tôi như thế?” Khi ấy Đức Trời Đế Thích mới nói: “Xin sám hối các tội lỗi mà vì vô ý thức mà không nhận được trí tuệ của Ngài sâu dày như mặt đất, đầy đủ sự nhẫn nại, không sân hận đối với một kẻ nào, xin các ngài hoan hỷ xá tội lỗi lầm lạc lần đầu tiên ấy cho tôi”.

Bồ-tát và các vị đạo sĩ đồng cùng hoan hỉ thứ cho, Đức Trời Đế Thích liền đảnh lễ các vị đạo sĩ rồi trở về cõi trời. Phần các vị đạo sĩ ráng tham thiền đều đắc thần thông đến khi mãn tuổi thọ đều được sanh vào cõi trời Phạm Thiên hết thảy.

Soạn xong tại Phổ Minh Tự mùa hạ năm Giáp Thìn

– CHUNG –

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app