KINH TRUNG BỘ
KINH VÍ DỤ CÁI CƯA – Kakacūpama Sutta
Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika(Cấp Cô Ðộc).
Lúc bấy giờ, Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo ni một cách quá độ. Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni như sau: Nếu có Tỷ-kheo nào, trước mặt Tôn giả Moliya Phagguna nói xấu các Tỷ-kheo-ni ấy, Tôn giả Moliya Phagguna liền phẫn nộ, bất mãn, vấn tội ngay; nếu có Tỷ-kheo nào, trước mặt các Tỷ-kheo ni ấy, nói xấu Tôn giả Moliya Phagguna, các Tỷ-kheo ni ấy liền phẫn nộ, bất mãn, vấn tội ngay. Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni như vậy.
Có một Tỷ-kheo khác đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn
—Bạch Thế Tôn, Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo ni một cách quá độ. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni như sau: Nếu có Tỷ-kheo nào, trước mặt Tôn giả Moliya Phagguna nói xấu các Tỷ-kheo-ni ấy, Tôn giả Moliya Phagguna liền phẫn nộ, bất mãn và vấn tội ngay; nếu có Tỷ-kheo nào, trước mặt các Tỷ-kheo ni ấy, nói xấu Tôn giả Moliya Phagguna, các Tỷ-kheo-ni ấy liền phẫn nộ, bất mãn và vấn tội ngay. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni một cách quá độ như vậy.
Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo khác và bảo
—Này Tỷ-kheo, hãy đi, nhân danh Ta, cho gọi Tỷ-kheo Moliya Phagguna: “Hiền giả Phagguna, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả”.
—Bạch Thế Tôn, vâng!
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến chỗ Tôn giả Moliya Phagguna, khi đến xong, liền thưa Tôn giả Moliya Phagguna
—Hiền giả Moliya Phagguna, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả.
—Vâng, Hiền giả.
Tỷ-kheo Moliya Phagguna vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đến chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Moliya Phagguna đang ngồi xuống một bên
—Này Phagguna, có đúng sự thật không, như lời người ta đồn là Ông sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni một cách quá độ. Người ta đồn Ông sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni như sau: “Nếu Tỷ-kheo nào, trước mặt Ông nói xấu các Tỷ-kheo-ni ấy, Ông liền phẫn nộ, bất mãn, vấn tội ngay; nếu Tỷ-kheo nào, trước mặt các Tỷ-kheo-ni ấy, nói xấu Ông, các Tỷ-kheo-ni ấy liền phẫn nộ, bất mãn, vấn tội ngay”. Này Phagguna, có phải Ông sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni như vậy?
—Bạch Thế Tôn, có như vậy.
—Này Phagguna, có phải Ông là Thiện nam tử, vì lòng tin, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
—Này Phagguna, thật không xứng đáng cho Ông, một Thiện nam tử, vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, mà sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni một cách quá độ như vậy. Do vậy, này Phagguna, nếu có ai trước mặt Ông, nói xấu các Tỷ-kheo-ni ấy, này Phagguna, Ông phải từ bỏ những dục liên hệ đến thế tục, những tư duy liên hệ đến thế tục. Này Phagguna, Ông phải học tập như sau: “Mong rằng tâm của ta sẽ không bi biến nhiễm! Mong rằng ta sẽ không nói những lời ác ngữ! Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận!” Này Phagguna, Ông phải học tập như vậy.
Do vậy, này Phagguna, nếu có ai trước mặt Ông, lấy tay đánh những Tỷ-kheo-ni ấy, lấy đất ném, lấy gậy đập, lấy gươm đánh, này Phagguna, Ông phải từ bỏ những dục … không ôm lòng sân hận. Này Phagguna, Ông phải học tập như vậy. Do vậy, này Phagguna, nếu có ai trước mặt Ông nói xấu (ai), này Phagguna, Ông phải từ bỏ những dục … không ôm lòng sân hận. Này Phagguna, Ông phải học tập như vậy. Do vậy, này Phagguna, nếu có ai trước mặt Ông lấy tay đánh, lấy đất ném, lấy gậy đập, lấy gươm đánh, này Phagguna, Ông phải từ bỏ những dục liên hệ đến thế tục, những tư duy liên hệ đến thế tục. Này Phagguna, Ông phải học tập như sau: “Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm! Mong rằng ta sẽ không nói những lời ác ngữ! Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận!” Này Phagguna, Ông phải học tập như vậy.
Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo
—Này các Tỷ-kheo, một thời các Tỷ-kheo của Ta có tâm rất thuần thục hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Ta bảo các Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, Ta theo hạnh nhất tọa thực. Chư Tỷ-kheo, sống theo hạnh nhất tọa thực, Ta cảm thấy không bệnh tật, không ốm đau, nhẹ nhàng, khang kiện và sảng khoái. Chư Tỷ-kheo, các Ngươi hãy sống theo hạnh nhất tọa thực. Chư Tỷ-kheo, các Ngươi theo hạnh nhất tọa thực thời các Ngươi sẽ cảm thấy không bệnh tật, không ốm đau, nhẹ nhàng, khang kiện và sảng khoái. Chư Tỷ-kheo, Ta không cần phải giảng dạy gì cho các Tỷ-kheo ấy; chư Tỷ-kheo, Ta chỉ cần khơi dậy ức niệm nơi các Tỷ-kheo ấy. Chư Tỷ-kheo, ví như trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có một chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa hay, có roi ngựa đặt ngang sẵn sàng. Có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui, tại chỗ nào và như thế nào, theo ý mình muốn. Cũng vậy chư Tỷ-kheo, Ta không cần phải giảng dạy gì cho các Tỷ-kheo ấy; chư Tỷ-kheo, Ta chỉ cần khơi dậy ức niệm nơi các Tỷ-kheo ấy.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các Ngươi mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Chư Tỷ-kheo, cũng như gần một thôn làng hay thị trấn nhỏ, có ngôi rừng cây tala lớn, ngôi rừng bị các cây leo y lan bao phủ. Có một người đến khu rừng này, muốn lợi ích cho ngôi rừng, muốn hạnh phúc, muốn an ổn khỏi các ách phược cho ngôi rừng. Người ấy chặt đứt các nhành cây cong thiếu hẳn sinh lực, vất chúng ra khỏi ngôi rừng, dọn dẹp trong rừng sạch sẽ. Người ấy săn sóc kỹ lưỡng các nhánh cây tala thẳng thắn, khéo mọc. Chư Tỷ-kheo, sau một thời gian, ngôi rừng như vậy được trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các Ngươi mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.
Chư Tỷ-kheo, thuở xưa, tại thành Sāvatthi này có nữ gia chủ tên là Vedehika. Chư Tỷ-kheo, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được khởi lên về nữ gia chủ Vedehika: “Nữ gia chủ Vedehika là hiền thục, nữ gia chủ Vedehika là nhu thuận; nữ gia chủ Vedehika là ôn hòa”. Chư Tỷ-kheo, nữ gia chủ Vedehika có người nữ tỳ tên là Kālī, người này khéo tay, siêng năng, và làm việc cẩn thận chu toàn. Chư Tỷ-kheo, nữ tỳ Kālī khởi lên ý nghĩ: “Chủ của ta được tiếng đồn tốt đẹp khởi lên như sau: “Nữ gia chủ Vedehika là hiền thục; nữ gia chủ Vedehika là nhu thuận; nữ gia chủ Vedehika là ôn hòa”. Không biết nữ chủ của ta có nội sân mà không tỏ lộ hay không có nội sân, hay vì công việc ta làm cẩn thận chu toàn nên nữ chủ ta có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy ta hãy thử nữ chủ của ta!”
Chư Tỷ-kheo, rồi nữ tỳ Kālī sáng ngày sau dậy thật trễ. Chư Tỷ-kheo, nữ gia chủ Vedehika nói với nữ tỳ Kālī
—Này Kālī!
—Thưa Nữ chủ, có việc gì?
—Sao hôm nay Ngươi dậy trễ vậy?
—Thưa nữ chủ, có việc gì đâu?
—Thật sự không có việc gì à? Ác nữ tỳ kia, hôm nay Ngươi dậy trễ!”
Và nữ chủ phẫn nộ, bất mãn, trừng mắt.
Chư Tỷ-kheo, nữ tỳ Kālī suy nghĩ: “Nữ chủ của ta thật sự có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vì những công việc ta làm cẩn thận chu toàn, nên nữ chủ của ta tuy có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy Ta hãy thử thêm nữa nữ chủ của ta!”
Chư Tỷ-kheo, rồi nữ tỳ Kālī ngày sau lại dậy trễ hơn nữa. Chư Tỷ-kheo, nữ chủ Vedehika nói với nữ tỳ Kālī
—Này Kālī!
—Thưa Nữ chủ, có việc gì?
—Sao hôm nay Ngươi dậy trễ vậy?
—Thưa Nữ chủ, có việc gì đâu?
—Thật sự không có việc gì à? Ác nữ tỳ kia, hôm nay Ngươi dậy trễ!
Và nữ chủ phẫn nộ, bất mãn, thốt lên những lời bất mãn.
Chư Tỷ-kheo, nữ tỳ Kālī suy nghĩ: “Nữ chủ của ta thật sự có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vì những công việc ta làm cẩn thận chu toàn nên nữ chủ của ta tuy có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy ta hãy thử thêm nữa nữ chủ của ta!”
Chư Tỷ-kheo, rồi nữ tỳ Kālī sáng hôm sau lại dậy trễ hơn nữa. Chư Tỷ-kheo, nữ chủ Vedehika nói với nữ tỳ Kālī
—Này Kālī!
—Thưa Nữ chủ, có việc gì?
—Sao hôm nay Ngươi dậy trễ vậy?
—Thưa Nữ chủ, có việc gì đâu?
—Thật sự không có việc gì à? Ác nữ tỳ kia, hôm nay Ngươi dậy trễ!
Rồi phẫn nộ, không hoan hỷ, nàng cầm cái then gài cửa, đánh một cú trên đầu nữ tỳ khiến bể đầu.
Chư Tỷ-kheo, nữ tỳ Kālī, với đầu bể máu chảy, liền đi kể lể với các nhà láng giềng
—Hãy xem việc làm của nữ chủ hiền thục! Hãy xem việc làm của nữ chủ nhu thuận! Hãy xem việc làm của nữ chủ ôn hòa! Sao nữ chủ nói với nữ tỳ độc nhất: “Hôm nay Ngươi dậy trễ”, rồi phẫn nộ, bất mãn, nàng cầm then gài cửa, đánh tôi một cú trên đầu khiến bể đầu”.
Chư Tỷ-kheo, sau một thời gian, tiếng đồn xấu sau đây được khởi lên về nữ chủ Vedehika: “Nữ chủ Vedehika là độc ác! Nữ chủ Vedehika là không nhu thuận! Nữ chủ Vedehika là không ôn hòa!”
Cũng vậy chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa trong khi chưa bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm. Và chư Tỷ-kheo, chỉ khi nào Tỷ-kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa. Chư Tỷ-kheo, Ta không gọi một Tỷ-kheo là dễ nói, khi vị ấy dễ nói về các vật dụng như y áo, món ăn, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, khi vị ấy thành tựu được tánh dễ nói. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy khi không được các vật dụng như y áo, thức ăn, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, không còn là dễ nói, không còn thành tựu tánh dễ nói. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, sùng kính Pháp trở thành dễ nói, thành tựu tánh dễ nói, vị ấy Ta mới gọi là dễ nói. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy suy nghĩ: “Chỉ vì tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, sùng kính Pháp chúng ta sẽ trở thành dễ nói, thành tựu tánh dễ nói”. Chư Tỷ-kheo, các Ngươi phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Ngươi có thể dùng khi nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời nhu nhuyến hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các Ngươi cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng địa vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, như vậy các Ngươi cần phải học tập.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người đến, cầm xẻng và thúng, nói như sau: “Tôi sẽ làm cho đất lớn này không thành đất nữa”, và người ấy đào chỗ này chỗ kia, rải đất chỗ này chỗ kia, nhổ nước miếng chỗ này chỗ kia, đi tiểu tiện chỗ này chỗ kia, với ý nghĩ: “Ngươi trở thành không phải đất, Ngươi trở thành không phải đất”. Chư Tỷ-kheo, nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho đất lớn này trở thành không phải đất chăng?
—Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Vì đất lớn này thâm sâu và vô lượng, không dễ gì khiến cho đất lớn này trở thành không phải đất, trước khi người ấy bị mệt nhoài và bị thất bại.
—Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ này mà các Ông có thể nói với người khác: “Ðúng thời hay phi thời … hay với sân tâm”. Các Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói: “Ðúng thời … hay với sân tâm”. Các Tỷ-kheo, ở tại đây, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận; chúng ta sẽ sống biến mãn người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới, với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người đến, cầm màu sơn, màu vàng, màu xanh sẫm hay màu đỏ tía; người ấy có thể nói như sau: “Ta sẽ viết các hình sắc trên hư không này. Ta sẽ làm cho các hình sắc hiển hiện”. Các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể viết các hình sắc trên hư không và làm cho các hình sắc hiển hiện được không?
—Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, hư không là vô sắc, không thể thấy được. Ở đây, không dễ gì viết các hình sắc và làm hình sắc hiển hiện, trước khi người ấy bị mệt nhoài và bị thất bại.
—Cũng vậy, này Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ này mà các Ông có thể nói với người khác: “Ðúng thời hay phi thời … hay với sân tâm … (như trên) … Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người đến, cầm một bó cỏ khô đang cháy và nói như sau: “Ta với bó cỏ khô đang cháy này sẽ hâm nóng và đun sôi sông Hằng này. Chư Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy, với bỏ cỏ khô đang cháy có thể hâm nóng và đun sôi sông Hằng được không?
—Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì sông Hằng thâm sâu và vô lượng, không dễ gì với bó cỏ khô đang cháy có thể hâm nóng và đun sôi sông Hằng được, trước khi người ấy mệt nhoài và bị thất bại.
—Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ này mà các Ông có thể nói với các người khác: “Ðúng thời hay phi thời … hay với sân tâm”. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói: “Ðúng thời … hay với sân tâm … (như trên) … Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
—Chư Tỷ-kheo, ví như một cái bị bằng da mèo, đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyến, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, và một người đến, cầm gậy hay cầm mẻ sành và nói như sau: “Ta sẽ lấy cái gậy hay với cái mẻ sành làm cho cái bị bằng da mèo này, đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyễn, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, phát ra tiếng xì, tiếng xọp”. Chư Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể, với cái gậy hay với cái mẻ sành làm cho cái bị bằng da mèo này đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyễn, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, phát ra tiếng xì, tiếng xọp được không?
—Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, cái bị bằng da mèo này đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyễn, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, không dễ gì làm cho cái bị ấy phát ra tiếng xì, tiếng xọp được, trước khi người ấy bị mệt nhoài và bị thất bại.
—Cũng vậy, chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Ông có thể dùng khi nói với các người khác: “Ðúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyễn hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm”. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói lời nhu nhuyễn hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống biến mãn người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân” Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỷ-kheo các Ông phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
Và này chư Tỷ-kheo, nếu các Ông luôn luôn suy tư lời dạy ví dụ cái cưa này, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo mà các Ông không kham nhẫn được chăng?
—Bạch Thế Tôn, không.
—Chư Tỷ-kheo, do vậy, hãy luôn luôn suy tư lời dạy ví như cái cưa này, và các Ông sẽ được hạnh phúc an lạc lâu ngày.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda