Thiền Vipassana là gì?

Vipassana – nghĩa là thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất để thanh lọc tâm, diệt trừ các bất tịnh (tham – sân – si – ngã mạn), giúp phát triển trí tuệ, để giải thoát khỏi khổ đau, được an vui thực sự, hạnh phúc thực sự. Phương pháp thiền Vipassana được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm dưới Đại Cội Bồ Đề Mahabodhi (nay thuộc Bodhgaya, Ấn Độ); và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại – một Nghệ Thuật Sống. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát.

Thiền Sư S.N. Goenka
Thiền Sư Vipassana S.N. Goenka

Vipassana là con đường tự thay đổi bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền này chú trọng đến tương quan mật thiết giữa tâm và thân. Mối tương quan này có thể kinh nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm thận trọng đến những cảm giác thực sự trên thân, những cảm giác luôn luôn đan xen và tạo ra các khuôn mẫu cho tâm. Hành trình quan sát và tự khám phá này đi vào cái gốc rễ chung của tâm và thân, từ đó xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, mang đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.

Vipassana

Những định luật khoa học vốn chi phối ý nghĩ, cảm xúc, sự phán xét, và cảm giác của con người trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Thông qua những trải nghiệm trực tiếp, ta hiểu được sự tiến bộ hay thụt lùi của bản thân diễn ra như thế nào, việc bản thân tạo ra những khổ đau hay việc tự giải thoát mình khỏi khổ đau diễn ra ra sao. Cuộc sống của ta gia tăng hiểu biết, không còn ảo tưởng, tràn ngập tự chủ và an lạc.

 

Bối cảnh lịch sử

Vipassana là một trong những kỹ thuật thiền cổ xưa nhất xuất hiện tại Ấn Độ. Kỹ thuật này đã được tái khám phá khoảng hơn 2600 năm trước bởi Đức Phật Gotama, và là phương pháp cốt lõi và xuyên suốt những gì Ngài đã thực hành và giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm năm (45 năm). Trong thời Đức Phật, một số lượng lớn người dân ở Ấn Độ đã được giải thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau bằng việc thực hành Vipassana, cho phép họ đạt được trình độ nhận thức cao ở mọi khía cạnh của đời sống. Theo thời gian, kỹ thuật này đã được lưu truyền sang các quốc gia láng giềng như Myanmar (Miến Điện), Sri Lanka, Thái Lan và các nước khác, những nơi này đều có chung những kết quả thiện lành.

Năm thế kỷ sau thời Đức Phật, di sản cao quý của Vipassana đã biến mất khỏi Ấn Độ. Sự tinh khiết của những bài giảng cũng bị mất đi ở những nơi khác. Tuy nhiên, ở đất nước Myanmar, phương pháp này được bảo tồn bởi một dòng truyền của những vị thầy tu tận tụy. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua hơn hai nghìn năm, họ đã truyền tải kỹ thuật này trong sự tinh khiết nguyên sơ của nó. Thiền Sư Ledi Sayadaw đã truyền dạy lại kỹ thuật thiền Vipassana cho các cư sĩ, vốn trước đây chỉ dành cho các nhà sư. Ngài truyền dạy cho Saya Thetgyi, một cư sĩ, người đã truyền dạy lại cho Sayagyi U Ba Khin.

Trong thời đại của chúng ta, Vipassana đã được tái thiết lập tại Ấn Độ, cũng như cho những công dân từ hơn 80 quốc gia khác bởi Thiền Sư S.N. Goenka. Ngài được ủy quyền để dạy Vipassana bởi người thầy Vipassana nổi tiếng người Miến Điện, Sayagyi U Ba Khin. Trước khi qua đời năm 1971, Sayagyi đã được chứng kiến giấc mơ ấp ủ nhất của Ngài trở thành hiện thực. Ngài có một mong muốn mạnh mẽ rằng Vipassana sẽ được phát triển tại Ấn Độ, vùng đất nguyên thủy của nó, để giúp Ấn Độ thoát khỏi những vấn đề phức tạp. Ông cảm nhận được rằng, Vipassana sẽ lan rộng khắp thế giới khởi đầu từ Ấn Độ, vì lợi ích của toàn nhân loại.

Trong quá khứ, Ấn Độ có vinh dự khi được xem là Bậc thầy của Thế giới. Ngày nay, Dòng sông Hằng Dhamma một lần nữa được tuôn chảy từ đất nước Ấn Độ tới những thế giới đầy khốn khổ.

Truyền thống

Vipasssana được lưu truyền cho tới ngày nay thông qua các thế hệ thiền sư nối tiếp nhau
Vipasssana được lưu truyền cho tới ngày nay thông qua các thế hệ thiền sư nối tiếp nhau

Từ thời của Đức Phật, Vipasssana được lưu truyền cho tới ngày nay thông qua các thế hệ thiền sư nối tiếp nhau. Mặc dù là người Ấn Độ, vị Thiền Sư hiện nay, ngài S.N. Goenka, sinh trưởng và lớn lên tại Miến Điện. Trong thời gian sống tại đây, Thiền Sư có diễm phúc được học Vipassana từ Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin, lúc đó là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Sau khi tu tập với thầy được mười bốn năm, Thiền Sư Goenka trở về cư ngụ tại Ấn Độ và bắt đầu truyền dạy Vipassana vào năm 1969. Từ đó Thiền Sư đã giảng dạy cho hàng chục ngàn thiền sinh thuộc mọi chủng tộc, mọi tôn giáo ở cả phương Đông và phương Tây. Năm 1982, Thiền Sư bắt đầu bổ nhiệm các Thiền Sư Phụ tá, nhằm giúp ngài phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các khóa Vipassana.

Thực hành thiền Vipassana

Thực hành thiền Vipassana nghĩa là tuân theo các quy luật của Dhamma (Pháp), quy luật tự nhiên phổ quát. Đó là hành trình đi theo Con Đường Cao Quý Có 8 Phần (Bát Chánh Đạo), được phân thành Sila (Giới), Samadhi (Định) và Pañña (Tuệ).

Để học thiền Vipassana theo phương pháp Ngài Goenka giảng dạy, thiền sinh cần phải tham gia một khóa thiền mười ngày dưới sự hướng dẫn của một Thiền Sư. Các khóa thiền được tổ chức tại các Trung tâm Vipassana chính thức và không chính thức (non-center). Trong toàn bộ thời gian khóa thiền, thiền sinh phải lưu trú trong khu vực trung tâm mà không có liên hệ với thế giới bên ngoài. Họ không được đọc và viết, ngưng tất cả các hoạt động tôn giáo hoặc phương pháp khác.

Trong suốt khóa thiền, những thiền sinh phải tuân theo Nội quy của trung tâm. Họ phải giữ im lặng thánh thiện (Noble Silence) bằng việc không giao tiếp với các thiền sinh khác; tuy nhiên, họ có thể tự do thảo luận các câu hỏi liên quan với thiền sư và các vấn đề nhu yếu với Ban quản lý.

Các bước để thực hành thiền

Đầu tiên, thiền sinh thực hành Sila (Giới) – tránh những hành động gây hại. Họ giữ năm giới luật, tránh xa sự giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối và sử dụng chất gây say/gây nghiện. Việc áp dụng những giới luật này cho phép tâm trí đủ tĩnh lặng để tiến xa hơn trong việc hành thiền.

Thứ hai, trong ba ngày rưỡi đầu tiên, thiền sinh thực hành thiền Anapana, tập trung sự chú tâm vào hơi thở. Điều này giúp phát triển Samadhi (Định) và làm chủ cái tâm hoang dại. Hai bước đầu tiên cho sống một cuộc sống lành mạnh và một tâm trí thánh thiện là điều cần thiết và hữu ích, nhưng vẫn chưa đủ nếu không có được bước thứ ba đó là: thanh lọc tâm trí nơi chứa đầy những bất tịnh tiềm tàng. 

Bước thứ ba được thực hiện trong sáu ngày rưỡi cuối, đó là Vipassana: thâm nhập vào toàn bộ cấu trúc thân và tâm dưới nền tảng của Panna (Tuệ).

Thiền sinh được hướng dẫn thiền một cách có hệ thống một vài lần trong ngày và mỗi ngày, tiến trình này được giải thích trong những bài pháp thoại buổi tối dưới lời giảng của thiền sư S.N. Goenka đã được ghi âm sẵn. Sự im lặng hoàn toàn được tuân thủ trong chín ngày đầu tiên. Vào ngày thứ mười, thiền sinh được nói chuyện, để việc quay trở lại với cuộc sống đời thường trở nên dễ dàng hơn. Khóa thiền kết thúc vào sáng ngày thứ mười một. Khóa thiền khép lại với việc thực hành thiền Metta-bhavana (san sẻ lòng từ bi hay thiện ý tới tất cả mọi người), một kỹ thuật thiền, trong đó, các thiền sinh san sẻ sự thánh thiện tới tất cả các chúng sinh.

Các khóa thiền Vipassana

Phương pháp thiền được giảng dạy trong những khóa thiền nội trú mười ngày, trong đó, người tham dự tuân theo Nội Quy của Khóa Thiền, học hỏi những căn bản của phương pháp này, và thực tập nghiêm chỉnh để đạt được kết quả hữu ích.

Khóa Thiền

Khóa thiền đòi hỏi sự thực tập chuyên cần, nghiêm túc. Sự thực tập gồm có ba bước. Bước thứ nhất, trong suốt khóa thiền, tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hay dùng chất gây say, gây nghiện. Điều lệ giản dị về đạo đức này giúp tâm được an bình. Ngược lại, tâm sẽ dao động và không thể thực hiện nhiệm vụ tự quan sát. Giai đoạn kế tiếp là phát triển việc làm chủ được tâm bằng cách tập trung sự chú ý vào một thực tế tự nhiên và không ngừng thay đổi. Đó chính là hơi thở vào và ra nơi cánh mũi. Vào ngày thứ tư, tâm được an tĩnh và chăm chú hơn, để có thể thực tập Vipassana một cách dễ dàng hơn. Lúc này, ta tập quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác, và phát triển được sự quân bình bằng cách học để không phản ứng lại cảm giác. Sau hết, trong suốt ngày cuối cùng, thiền sinh học phương pháp thiền từ tâm và thiện ý với mọi người, nhờ đó sự thanh tịnh phát triển trong suốt khóa thiền được san sẻ tới mọi chúng sinh.

Thiền Sư S.N. Goenka
Thiền Sư Vipassana S.N. Goenka

Toàn thể phương pháp thực ra là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng giống như tập thể dục để trau dồi thể lực, Vipassana có thể dùng để phát triển một tâm hồn lành mạnh.

Bởi vì phương pháp này được công nhận là mang lại lợi lạc thực sự, nên việc gìn giữ phương pháp theo đúng đường lối đích thực và nguyên bản rất được chú trọng. Nó không được giảng dạy theo hướng thương mại, mà hoàn toàn miễn phí. Không một ai tham gia vào việc giảng dạy nhận bất cứ thù lao vật chất nào. Khóa thiền hoàn toàn miễn phí – ngay cả với chi phí về thực phẩm và chỗ ở. Mọi phí tổn đều đến từ sự đóng góp của những người đã tham dự một khóa thiền và hưởng được những lợi lạc từ Vipassana, muốn cho những người khác cũng có cơ hội hưởng được lợi lạc tương tự.

Dĩ nhiên, thành quả đến từ từ qua việc thực tập liên tục. Kì vọng mọi vấn đề được giải quyết trong mười ngày là điều không thực tế. Tuy nhiên, khoảng thời gian này giúp ta học được nhưng điều căn bản của Vipassana để rồi có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Càng thực tập phương pháp này, ta càng được giải thoát khỏi bất hạnh và tới gần hơn đích cuối cùng của việc hoàn toàn giải thoát. Thậm chí mười ngày cũng đủ tạo ra những kết quả cụ thể và lợi lạc rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày.

Thien Chung
Bất kỳ ai chân thành đều được chấp thuận để tham dự một khóa Vipassana

Bất kỳ ai chân thành đều được chấp thuận để tham dự một khóa Vipassana, để tự mình thấy được phương pháp thiền này hoạt động ra sao và có lợi lạc như thế nào. Bất kỳ ai thử qua đều sẽ nhận thấy Vipassana là một công cụ vô giá giúp ta đạt được và chia sẻ hạnh phúc thực sự với người khác.

Môi trường thế giới ngày nay

Sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong giao thông vận tải, truyền thông, nông nghiệp và y học, đã cách mạng hóa cuộc sống của con người ở cấp độ vật chất. Nhưng, trong thực tế, sự tiến bộ này chỉ là bề ngoài, còn sâu thẳm bên trong, đàn ông và phụ nữ hiện đại đang sống trong điều kiện căng thẳng về tinh thần và cảm xúc, ngay cả ở các nước phát triển và giàu có.

Các vấn đề và xung đột phát sinh từ định kiến chủng tộc, sắc tộc, giáo phái và đẳng cấp ảnh hưởng đến công dân của mọi quốc gia. Nghèo đói, chiến tranh, vũ khí hủy diệt hàng loạt, bệnh tật, nghiện ma túy, mối đe dọa khủng bố, dịch bệnh, tàn phá môi trường và sự suy giảm chung của các giá trị đạo đức, tất cả đã phủ bóng đen lên tương lai của nền văn minh. Người ta chỉ cần lướt đọc trang nhất của một tờ báo hàng ngày để được nhắc nhở về sự đau khổ kịch liệt và sự tuyệt vọng sâu sắc đang hành hạ dân chúng trên hành tinh của chúng ta.

Có cách nào để thoát khỏi những vấn đề dường như không thể giải quyết này? Câu trả lời dứt khoát, có. Trên toàn thế giới ngày nay, những làn gió của sự thay đổi là dễ thấy. Mọi người ở khắp mọi nơi đều mong muốn tìm ra một phương pháp có thể mang lại hòa bình và hòa hợp; lấy lại niềm tin về những phẩm chất tốt đẹp của con người; và tạo ra một môi trường tự do và an toàn khỏi mọi hình thức bóc lột xã hội, tôn giáo và kinh tế. Vipassana có thể là một phương pháp như vậy.

Vipassana và những thay đổi trong xã hội

Kỹ thuật Vipassana là một con đường dẫn đến sự giải thoát khỏi mọi đau khổ; Vipassna xóa bỏ tham ái, ác cảm và vô minh – gốc rễ của những đau khổ trong chúng ta. Những người thực hành sẽ loại bỏ, từng chút một, nguyên nhân gốc rễ của đau khổ và dần dần bước ra khỏi bóng tối của những căng thẳng trước đây để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc, hữu ích. Có nhiều ví dụ minh chứng cho thực tế này.

Một số thử nghiệm đã được tiến hành tại các nhà tù ở Ấn Độ. Năm 1975, Ngài S.N. Goenka đã thực hiện một khóa thiền lịch sử cho 120 tù nhân tại Nhà tù Trung tâm ở Jaipur, thử nghiệm đầu tiên trong lịch sử hình sự Ấn Độ. Khóa thiền kiểu này được tiếp nối vào năm 1976, dành cho các sĩ quan cấp cao tại Học viện Cảnh sát Chính phủ ở Jaipur. Năm 1977, khóa thứ hai đã được tổ chức tại nhà tù trung tâm Jaipur. Các khóa thiền này là đề tài của một số nghiên cứu xã hội học được thực hiện bởi Đại học Rajasthan. Năm 1990, một khóa thiền khác được tổ chức tại nhà tù trung tâm Jaipur, trong đó bốn mươi người bị kết án chung thân và mười quan chức nhà tù tham gia với kết quả rất tích cực.

Năm 1991, một khóa thiền dành cho các tù nhân chung thân đã được tổ chức tại nhà tù trung tâm Sabarmati, thành phố Ahmedabad và là đề tài của một dự án nghiên cứu của Bộ Giáo dục, Gujarat Vidyapeeth. Các nghiên cứu của Rajasthan và Gujarat chỉ ra những thay đổi tích cực nhất định về thái độ và hành vi ở những người tham gia, và chứng minh Vipassana là một biện pháp cải cách tích cực cho phép tội phạm trở lại thành công dân lành mạnh của xã hội.

Năm 1995, một khóa thiền lớn đã được tổ chức cho 1000 tù nhân ở nhà tù Tihar với sức ảnh hưởng sâu rộng. Vipassana được thông qua như một kỹ thuật cải tạo nhà tù trong các nhà tù lớn nhất của Ấn Độ. Một báo cáo chi tiết về các nghiên cứu khoa học được thực hiện để đánh giá tác động của thiền Vipassana đối với sức khỏe tinh thần của tù nhân chứng minh rằng Vipassana có khả năng biến tội phạm thành những con người tốt hơn.

Sự nghiệp công vụ của Ngài Sayagyi U Ba Khin – người thầy của S.N. Goenka, là một ví dụ về tác động chuyển đổi của Vipassana đối với chính quyền. Sayagyi là người đứng đầu một số cơ quan chính phủ. Ngài đã thành công trong việc thấm nhuần ý thức bổn phận, kỷ luật và đạo đức cho các viên chức dưới quyền ông bằng cách dạy họ thiền Vipassana. Kết quả là, hiệu quả tăng lên đáng kể, và tham nhũng đã được loại bỏ. Tương tự, tại Bộ Nội vụ của Chính phủ Rajasthan, sau khi một số quan chức chủ chốt tham dự các khóa học Vipassana, việc ra quyết định và xử lý các vụ việc được đẩy nhanh, và quan hệ nhân viên được cải thiện.

Viện nghiên cứu Vipassana đã ghi nhận các ví dụ khác về tác động tích cực của Vipassana trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, ma túy, chính phủ, nhà tù và quản trị kinh doanh.

Những thí nghiệm này nhấn mạnh quan điểm thay đổi xã hội phải bắt đầu từ cá nhân. Thay đổi xã hội không thể đạt được thông qua các thuyết giáo đơn thuần; kỷ luật và hành vi đạo đức không thể được thấm nhuần trong học sinh chỉ đơn giản thông qua các bài giảng trong sách giáo khoa. Tội phạm sẽ không trở thành công dân tốt khi sợ bị trừng phạt; không thể loại bỏ đẳng cấp và bất hòa giáo phái bằng các biện pháp trừng phạt. Lịch sử đầy những thất bại với những nỗ lực như vậy.

 

Cá nhân là chìa khóa: Một người phải được đối xử bằng tình yêu và lòng trắc ẩn; anh ta phải được huấn luyện để phát triển bản thân – không phải bằng những lời hô hào để tuân theo giới luật đạo đức, mà bằng cách thấm nhuần mong muốn đích thực để thay đổi. Anh ta phải được dạy để khám phá bản thân, để bắt đầu một quá trình có thể mang lại sự chuyển đổi và dẫn đến sự thanh lọc tâm trí. Đây là thay đổi duy nhất sẽ kéo dài. Vipassana có khả năng chuyển đổi tâm và tính cách con người. Đó là một cơ hội đang chờ đợi tất cả những người chân thành mong muốn nỗ lực.

Thiền Vipassana: Khoa học về Tâm & Thân

Trong bài giảng này, Ngài S.N. Goenka giải thích thiền Vipassana là một môn khoa học về tâm và thân, bản chất phổ quát không tông phái của nó và sự liên quan của nó với xã hội.

 

Thiền Vipassana – Nghệ thuật sống

Video này mô tả bối cảnh lịch sử của thiền Vipassana, cấu trúc khóa học và kinh nghiệm của thiền sinh. Nó cũng chứa các bài giảng của Ngài Goenka giải thích thiền Vipassana là gì và câu chuyện cuộc đời của chính mình, tiếp theo là loạt câu hỏi và câu trả lời.

 

(Bài viết tổng hợp từ Dhamma.org – Trung tâm thiền Vipassana do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy theo truyền thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin)

Để hiểu hơn về thiền Anapana và Vipassana, quý vị có thể tham khảo tại đây:

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app