Vườn Thiền Là Gì và Vì Sao Việc Tinh Tấn Thực Hành Thiền Là Vô Cùng Quan Trọng

Vườn Thiền Là Gì

Hiện nay việc tu thiền đang khá phổ biến và là nhu cầu rất thiết thực với những ai tìm kiếm sự bình an và cân bằng thực sự trong cuộc sống, đặc biệt phương pháp thiền định và thiền quán Vipassana theo Phật giáo đang được nhiều tầng lớp trong xã hội quan tâm, tìm hiểu và thực hành.

Để thực hành phương pháp thiền định và thiền quán Vipassana một cách đúng đắn theo đúng Chánh Pháp và có hiệu quả, thông thường các hành giả (yogi) cần học và thực hành một cách tinh tấn, liên tục và chính xác theo Kinh điển dưới sự hướng dẫn của các Thiền Sư, các vị Thầy có đủ khả năng, hoặc đến tham dự các khoá thiền tích cực tại một số trung tâm thiền có uy tín,.. hoặc 1 số ít có thể vào rừng và tự tu tập miên mật.

Sau khi tham dự các khoá thiền tích cực hoặc tìm được người Thầy giỏi hướng dẫn, hành giả học và nắm rõ được kỹ thuật thiền, việc của các hành giả cần làm tinh tấn thực hành thường xuyên ở những nơi phù hợp..

Tuong Phat Vuon Thien Ninh Binh

Đến 1 số chùa có thể sẽ nhiều nghi lễ, nhiều công việc nhộn nhịp, đến các trung tâm thiền thường sẽ phải theo “phương pháp riêng” nào đó, ở nhà đôi khi sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều công việc và các đối tượng bên ngoài,.. tất nhiên vẫn tu được nhưng nếu tìm được những nơi thanh vắng phù hợp để miên mật chuyên tâm tu tập có thể sẽ thuận lợi hơn.

Hiểu được nhu cầu này, chúng con đã phát triển một số nơi tu tập đơn xơ, và tạm gọi là Vườn Thiền, để tạo duyên lành cho các hành giả hữu duyên có nơi tu tập thuận lợi. Gọi là Vườn Thiền vì những nơi này không phải trung tâm thiền hay tu viện, cũng không phải những nơi tổ chức các nghi lễ hay hoạt động tôn giáo tín ngưỡng nào đó,.. mà chỉ là những khu vườn với cơ sở vật chất đơn giản, thanh tịnh, để hành giả về sinh hoạt và cùng nhau tu tập, tách biệt khỏi thế giới nhộn nhịp tấp nập bên ngoài, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, hạn chế tiếp xúc với các cộng đồng hay môi trường không phù hợp, có thời gian gần gũi với cây cối thiên nhiên hơn, tập trung vào việc thực hành thiền, thanh tịnh thân khẩu ý..

Vì Sao Việc Tinh Tấn Thực Hành Thiền Theo Đúng Chánh Pháp Là Vô Cùng Quan Trọng?

“Ngay lúc khởi sự tu tập, một mức độ Chánh Kiến tối thiểu đòi hỏi phải có, bởi vì một sự hiểu biết nhất định nào đó về những sự thật của khổ, về nhân sanh của khổ, sự diệt của khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ, là rất cần thiết để cung cấp những lý lẽ thuyết phục, và một khích lệ cho việc thực hành đạo lộ một cách chuyên cần.

Một chừng mực chánh kiến nào đó cũng đòi hỏi phải có để giúp cho những chi đạo khác hoàn thành nhiệm vụ riêng của chúng một cách thông minh và hiệu quả trong công việc giải thoát chung.

Vì lý do đó, và để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố đó, Chánh kiến đã được đặt vào vị trí đầu tiên trong Bát Thánh Đạo. Tuy nhiên, sự hiểu biết tiên khởi về Pháp này vẫn phải được phát triển dần dần với sự trợ giúp của các yếu tố khác.” Trích từ cuốn Thiền Định do Dr. Mehm Tin Mon biên soạn, Sư Pháp Thông dịch Việt.

Con nhớ có bài giảng của 1 vị Thiền Sư đáng kính; ý Ngài khuyên nhủ rằng:

Khi chúng ta thực hành thâm sâu hơn nữa trong Chánh Pháp, trên con đường Đạo, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn nữa về những điều Đức Phật chỉ dạy. Càng thực hành, cái hiểu càng sâu. Đôi khi cần có sự điều chỉnh tâm, điều hướng cho tâm để nó làm đúng và thực hành đúng. Điều hướng đúng ở một điểm thôi thì chúng ta sẽ nhận ra rằng những điểm khác trong Pháp có sự liên kết chặt chẽ với nhau, nhận ra rằng “Ồ, mỗi lời dạy của Đức Phật đều là Kim Ngôn Pháp Bảo”.

Mỗi lời Phật dạy đều rất đặc biệt, không dư thừa, Đức Phật không biện minh câu chữ “Ồ, ta đã nói thế, bởi vì…” Không có, mỗi lời Ngài nói ra đều có lý do và sự liên kết chặt chẽ của nó với toàn bộ tổng thể.

….

Dĩ nhiên hầu hết chúng ta đều bận; hàng cận sự nam cận sự nữ đôi khi phải làm việc, phải có trách nhiệm chăm sóc gia đình, những trách nhiệm xã hội hay các thiện pháp hộ độ.. nhưng mặt khác, chúng ta cũng nên dành thời gian và nỗ lực hành thiền; luôn nhớ nghĩ và tự trải nghiệm rằng: khi hành thiền theo Chánh Pháp ngày càng nhiều hơn, năng lực thiền sẽ mạnh hơn, tâm trở nên mạnh mẽ, trải nghiệm thực chứng trở nên rõ ràng, minh bạch hơn, và điều đó thật tuyệt vời.

Hiểu điều này rất quan trọng vì chúng ta vốn nghĩ mình có nhiều việc phải làm; và đúng vậy.. còn là cư sĩ, có thể còn phải làm việc, còn phải chăm sóc gia đình, con cái.. Đó là trách nhiệm của hàng cư sĩ tại gia đối với người khác. Nhưng thực hành Chánh Pháp cũng là trách nhiệm của hàng cận sự nam, cận sự nữ, để có sự tiến bộ, để có trí tuệ thực chứng, để bảo vệ chính mình, để giải thoát và mang lại bình an cho chính bản thân mình và lợi lạc cho nhiều người khác.. Vì vậy, hãy nhớ đến trách nhiệm với bản thân mình – tinh tấn thực hành thiền theo đúng Chánh Pháp – vì hạnh phúc, an lạc của chính mình và vì lợi lạc cho nhiều người.

Khi chúng ta duy trì thực hành thiền miên mật, lâu dài, liên tục 1 cách đúng đắn, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong Dhamma, tâm sẽ tự biết việc gì là quan trọng cần phải làm, tâm sẽ trở nên vững vàng, mạnh mẽ và ngày càng được thanh tịnh hơn! Và để tâm phát triển được định lực, phát triển trí tuệ, nền tảng giới là hết sức quan trọng! Khi chúng ta hiểu được điều này, hiểu được Giáo Pháp quý báu nhường nào, hiểu được sự chứng nghiệm Pháp cao quý nhường nào, chúng ta sẽ không dễ đánh đổi bằng bất kỳ tài sản danh lợi thế gian nào; hiểu về lý do tại sao việc thấu hiểu chiều sâu của việc thực hành thực chứng là điều rất quan trọng, chúng ta cần kết nối mọi thứ trong Chánh Pháp với lòng tôn kính mức độ thâm sâu vi diệu của Chánh Pháp.. Khi làm được như thế, chúng ta có thể hiểu rằng nguy cơ mắc sai lầm của chúng ta giảm đi; Cơ hội thực hành đúng của chúng ta tăng lên.

Khi chúng ta có thêm thông tin đúng, thái độ đúng, tư duy đúng, những kiến thức đúng, và tiếp tục thực hành đúng theo Chánh Pháp, nỗ lực của chúng ta sẽ tự động tăng lên, chánh niệm sẽ tăng trưởng, định lực cũng sẽ tăng trưởng, và trí tuệ cũng sẽ tăng trưởng, cùng với đó là đức tin đúng đắn vào Chánh Pháp, tín tăng trưởng. Khi tất cả những căn quyền (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) tăng trưởng, năng lực hành thiền sẽ tăng trưởng. Khi năng lực hành thiền tăng lên, hành giả có thể tiến bộ nhanh hơn, tấn hóa nhanh hơn và có thể hiểu Chánh Pháp mỗi ngày một nhiều và sâu sắc hơn!

IMG 9325

Nguyện nơi đây sẽ là nhân duyên để ai đó đến tu tập, phát triển tâm, phát triển trí tuệ và chứng nghiệm Dhamma vi diệu mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy! Nguyện Phật giáo trường tồn!

Trong tâm từ,

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app