Videos 3. Kinh Gopaka Moggallana (1) | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2016

 

 

Kinh Ganaka Moggallàna

Tại sao kinh này có tên là Ganaka Moggallàna vì tên Ganaka Moggallana là tên của một vị Bà La Môn tu theo phương pháp đếm hơi thở, Vị này khi đến đãnh lễ Đức Phật và hỏi giáo pháp, hỏi những câu hỏi và dựa vào đó Đức Phật thuyết giảng bài kinh này. Do đó bài kinh này có tên của vị Bà La Môn, tên là Gopaka Moggallana. 

Vị Bà la môn Ganaka Moggallana đến bạch Đức Thế Tôn  những câu hỏi và Đức Thế Tôn đã trả lời những câu hỏi liên quan đến việc tu tập hành thiền. Do đó, tối hôm nay Ngài Thiền Sư chọn bài kinh này, bài kinh này chính kim khẩu của Đức Thế Tôn giảng dạy và qua bài kinh thì này tất cả chúng ta đây những hành giả đang hành thiền tại Thiền Viện Phước Sơn sẽ hiểu rõ về lời dạy của Đức Phật theo tuần tự, theo thứ lớp tu tập đầy đủ và hoàn hảo.

Tối hôm nay Ngài chọn bài kinh này vì nó có liên quan đến việc tu tập của chúng ta, Ngài chọn bài kinh này vì bài này là chánh văn của Đức Phật, không phải là chú giải hay sớ giải. 

Như chúng ta đã biết trong 45 năm thuyết Pháp của Đức Phật,  tất cả những lời dạy của Đức Phật đã được tôn giả Ananda và Upali đã nhớ lại đọc trùng tuyên lại trong kỳ kết tập lần thứ nhất, tất cả Chánh văn của Đức Phật đã được  đọc lại một cách chính xác rõ ràng. Sau đó tất cả những lời dạy của Ngài trong 45 năm được ghi lại trên lá bối và sau đó nữa được khắc trên đá và hiên nay những lời dạy của Đức Phật đã được in ra thành những bản kinh trên giấy.

Các vị Thánh đệ tử đã học và ghi nhớ  chính xác những lời Chánh văn của Đức Phật và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác cho các đệ tử của Ngài. Vì những lời dạy đó có lợi ích rất lớn cho việc tu tập cho các đệ tử của Ngài. 

Tất cả những lời dạy đó đã được gom lại trong 5 bộ Nikaya

  1. Trường Bộ kinh (pi. dīgha-nikāya): gồm 3 phẩm (vagga) với 34 bài kinh có nội dung khá dài
  2. Trung Bộ kinh (pi. majjhima-nikāya): gồm 152 kinh cỡ vừa
  3. Tương ưng Bộ kinh (pi. saṃyutta-nikāya): là một tập hợp các bài kinh dài ngắn không đều,
  4. Tăng chi Bộ kinh (pi. aṅguttara-nikāya): là bộ kinh được sắp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành 11 chương (nipàtas).
  5. Tiểu Bộ kinh (pi. khuddaka-nikāya): là một hợp tuyển nhiều đề tài kinh, kệ, luận thư,… 

Các bài kinh tạng Pali là kim khẩu của Đức Phật nên Ngài Thiền Sư đã học Pháp học Pali và nghiên cứu Pali trong 5 bộ kinh Nikaya này hơn 10 năm. và hôm nay Ngài dạy bài kinh này vì bài kinh này có lợi ích cho việc hành thiền của chúng ta.

Evaṁ me sutaṁ—ekaṁ samayaṁ bhagavā sāvatthiyaṁ viharati pubbārāme migāramātupāsāde. (MN 107)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở SāvatthiPubbārāma, nơi lâu đài của Migaramatu (Ðông Viên Lộc Mẫu Giảng đường). Rồi Bà-la-môn tên là Ganaka Moggallāna đi đến gặp Thế Tôn,

Khi Bà La Môn gặp Đức Thế Tôn ở Migaramatu (Migaramatu là giảng đường được cúng dường bởi bà Visaka). Rồi Bà La Môn sau khi đãnh lễ và nói lên những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi sang một bên, Bà-la-môn Ganaka Moggallāna bạch Thế Tôn những câu hỏi.

Có một số vị không phải là đệ tử của Đức Phật, khi gặp Đức Phật lần đầu thì cách chào hỏi xưng hô của vị ấy đối với Đức Phật là Bho Gotama tức là Này Tôn giả Gotama 

Còn những đệ tử hay học trò của Đức Phật tức là người theo đạo Phật khi xưng hô với Thế Tôn gọi là Bhante 

Trong bài kinh này gọi là Bho ( Bho là Tôn Giả hay hiền giả)

Ngài  Ganaka Moggallāna  nói:  

-Để xây một ngôi nhà hay xây một ngôi chùa thì không thể làm trong một ngày mà xong, chúng ta cần nhiều giai đoạn, nhiều ngày thì mới xây hoàn tất một ngôi nhà. Tức là chúng ta cần vẽ trước hết, cần một sơ đồ, bản đồ một căn nhà. Sau đó dọn dẹp rồi làm móng chắc chắn, rồi từng bước, từng bước xây căn nhà một cách chắc chắn hoàn hảo.

Như một người đi học thì bắt đầu học A,B,C rồi lên lớp 1, lớp 2 rồi dần dần tiến lên

Một vd khác như một người muốn học bắn cung tên thì vị đó phải  học từng bước một, cách cầm cung tên, cách nhắm, các bắn cung tên sao cho chính xác và thiện xảo trong việc bắn cung tên, họ phải học từng bước, không thể học trong một ngày mà thiện xảo trong việc bắn cung tên

Bà La Môn Ganaka Moggallāna thưa với Đức Phật rằng: 

– Tôi là một vị thầy toán, tức là một vị toán số thì tôi cũng học từ số 1,số 2, học lên cho đến khi trở thành thầy toán số.Và khi tôi dạy đệ tử, tôi cũng dạy họ đếm 1,2,3.4 cho đến 100. 

Vị Bà La Môn Ganaka Moggallāna hỏi Đức Thế rằng: 

– Thưa Ngài, cũng giống như vây trong giáo Pháp của Ngài thì Ngài dạy cho một học trò mới vào Đạo thì Ngài có dạy một cách có hệ thống hay không? Có dạy từng bước từ thấp lên cao hay không? Trong giáo Pháp của Ngài một người tu tập thì phải được huấn luyện như thế nào? Học trò của Ngài có được giảng dạy và Ngài hướng dẫn những đệ tử của Ngài có theo hệ thống từng bước hay không?

Đó là câu hỏi của vị Bà la Môn Ganaka Moggallāna đến Đức Phật 

-Này Bà La Môn Ganaka Moggallāna, dĩ nhiên Như Lai cũng dạy các học trò, các đệ tử của ta có hệ thống, có thứ lớp có tuần tự từ thấp lên cao. Như Lai dạy một người mới vào đạo, một người mới tu tập có tuần tự.

Ngài ví dụ như dạy, huấn luyện một con ngựa quý, một con tuấn mã thì lúc đầu ta cũng biết cách làm dây cương, huấn luyện con ngựa một cách thuần thục thì trong Giáo Pháp của Như Lai những vị Tỳ kheo, Tỳ Kheo ni, những Sa di, …, mới vào đạo Ngài cũng chỉ dạy giữ gìn giới Patimokkha, giữ gìn luật Vinaya một cách nghiêm túc, một cách trong sạch. 

Ngài dạy rằng: 

-Này các Tỳ Kheo, hãy giữ giới hạnh một cách trong sạch, hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, phải đầy đủ oai nghi chánh hạnh, phải thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhất, phải thọ trì, học tập các giới bổn Patimokkha của người xuất gia. 

Ngài Thiền Sư giải thích rằng người đời vì không có giới luật, không thọ giới, họ chỉ giữ năm giới, họ có thể ăn bất cứ giờ nào khi họ muốn. họ có thể ngủ, họ có thể nói theo ý muốn của mình. Khác với người tại gia, một người xuất gia thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thọ giới Sa di, thọ giới Tu Nữ, thì tùy theo giới của mình thọ mà phải giữ gìn cho được trong sạch.

Người xuất gia phải có oai nghi, phải có tế hạnh tức là khi đi, khi đứng phải nghiêm trang, khi nhìn không quá xa, không ngó lơ, không nhìn qua, nhìn lại giống như một người thế tục. Đó là hạnh người tu phải có oai nghi, vì chúng ta mặc chiếc y, chiếc áo của Đức Phật. Và người xuất gia phải có những hành động tế nhị, oai nghi, những việc làm của mình phải có tâm từ không như người thế tục. Và việc nói năng, cử chỉ của người xuất gia cũng phải khác với người thế tục.

-Này Bà la môn Ganaka Moggallāna, sau khi đã chỉ dạy hướng dẫn vị Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ni, Sadi, Sadi ni, ……., những người xuất gia đã giữ gìn giới hạnh, chế ngự các giới hạnh, các Patimokkha, với sự chế ngự các giới bổn Vinaya. Sau khi đã giữ gìn trong sạch các giới bổn Patimokkha, đầy đủ các oai nghi tế hạnh của người xuất gia. Sau khi đã thấy những sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, sau khi đã thọ trì và học tập các giới bổn một cách trong sạch. Bấy giờ, tiếp theo Như Lai sẽ huấn luyện và chỉ dạy cho vị ấy thêm:

-Này Tỳ Kheo, hãy hộ trì các căn ( tức là 6 căn), khi mắt thấy sắc chớ nắm giữ những tướng chung, chớ nắm giữ những tướng riêng vì nguyên nhân gì? Vì khi nhãn căn không được chế ngự, thì tham ái sẽ phát sanh, sầu bi, khổ não, sân hận sẽ phát sanh, các ác bất thiện pháp sẽ khởi lên. Như vậy các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Sadi các vị xuất gia sau khi giữ tròn giới hạnh Patimokkha một cách trong sạch. Thì tiếp đến phải chế ngự 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần, phải biết chánh niệm khi nhìn cảnh nhất là khi nhìn cảnh đẹp. Chúng ta phải chánh niệm ghi nhận thấy thấy, với chánh niệm để không bị dính mắc, không sanh tâm tham đắm. Khi 6 căn: tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và Pháp. Nếu chúng ta không chánh niệm thì tâm ô nhiễm, tâm tham ái, tâm sân hận sẽ khởi lên. 

-Này Bà la môn Ganaka Moggallāna, sau khi những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sadi, Sadi ni, những người xuất gia mới vào đạo, sau khi Như Lai đã dạy họ cách giữ giới Patimokkha một cách thanh tịnh, trong sạch, biết chế ngự, biết hộ trì các 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần, với chánh niệm, tỉnh giác để ngăn ngừa ô nhiễm tâm, những tham tâm, ái tâm, sân hận khởi lên. Và tiếp theo Như Lai sẽ chỉ dạy thêm:

– Này các Tỳ kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, hãy chân chánh, quán tưởng khi thọ dụng những món ăn. Phải quán tưởng rằng, không phải để vui đùa, không phải để  mê đắm, tham đắm, dùng thức ăn không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp thân thể mình. Mục đích dùng những thực phẩm này chỉ để thân thể duy trì thọ mạng, để bảo dưỡng, không để tổn hại bệnh tật, dùng thức ăn này để tu tập phạm hạnh. Nhờ như vậy ta sẽ tiêu diệt được những cảm thọ cũ và không bị khởi lên những cảm thọ mới, không bị những lồi lầm và luôn được sống an lạc. Những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Sadi, những người mới vào đạo, Như Lai luôn chỉ dạy họ có thứ lớp. giữ gìn giới bổn thanh tịnh Patimokkha, giữ gìn chế ngự 6 căn với chánh niệm, và  khi ăn phải biết tiết độ trong ăn uống không tham đăm. Người thế tục, người đời, họ không phải giữ giới luật xuất gia nên họ có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, bất cứ lúc nào họ đói, họ cũng có thể dùng, và có thể ăn được. Nhưng với người xuất gia, thì giờ giấc ăn có giới hạn. Và chúng ta không được ăn sau quá ngọ (tức là 12 giờ trưa). Và chúng ta trong lúc ăn phải biết quán tưởng, với chánh niệm để ngăn ngừa tham đắm trong việc ăn uống.

Như vậy, trong lúc ăn tất cả hành giả phải luôn quán tưởng, với chánh niệm. Mục đích của việc ăn này là để chánh niệm, tinh tấn tu tập cầu sự giác ngộ trong giáo pháp. 

Và này Bà la môn Ganaka Moggallāna, sau khi vị Tỳ kheo được ta chỉ dạy đã biết giữ gìn giới bổn Patimokkha, sau khi đã biết hộ trì 6 căn với chánh niệm, tỉnh giác, sau khi đã biết tiết chế trong việc ăn uống. Như Lai tiếp tục chỉ dạy cho những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Sadi, Sadi ni, những người mới vào đạo, những người mới xuất gia, hãy  tinh tấn nổ lực trong việc tu tập thiền, nổ lực ngày lẫn đêm trong việc tu tập hành thiền. 

Ngài nói rằng: Này các Tỳ kheo, hãy chú tâm, chánh niệm, tỉnh giác ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi thiền. Hãy gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại các ác pháp. Ban đêm trong canh đầu, trong khi đi kinh hành, trong khi ngồi thiền, hãy gột sạch, làm cho tâm trong sạch với chánh niệm tỉnh giác. Ban đêm trong canh giữa, khi nằm hãy nằm và chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy. Và ban đêm trong canh cuối đến đầu buổi sáng sớm hôm sau, khoảng 3h – 4h sáng hôm sau (sau 1 tối đã ngủ) thì hãy ngồi dậy hoặc đi kinh hành, thực hành với chánh niệm tỉnh giác một cách tinh tấn để loại trừ 5 triền cái đó là tham ái, sân hận, hôn trầm, dã dượi, buồn ngủ, trạo hối và nghi ngờ ra khỏi tâm mình với chánh niệm tỉnh giác. 

Và này Bà la môn Ganaka Moggallāna, Thế Tôn dạy rằng: 

Sau khi những vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sadi, Sadi ni, những người xuất gia mới vào đạo, sau khi ta đã dạy họ biết cách giữ giới bổn Patimokkha một cách thanh tịnh, trong sạch, sau khi đã biết chế ngự, biết hộ trì các 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần với chánh niệm, tỉnh giác, sau khi biết tiết chế trong ăn uống. Sau khi đã biết các phương pháp ngồi thiền, đi kinh hành vào đầu giờ, giữa giờ và cuối buổi đêm.  Và sau đó Như Lai tiếp tục dạy họ biết chánh niệm một cách chi tiết trong các sinh hoạt hàng ngày. Và Ngài dạy rằng, sau khi các vị Tỳ Kheo đã biết chú tâm, chánh niệm, tỉnh giác thì Như Lai dạy họ thêm nữa rằng: 

-Này Tỳ Kheo hãy thành tựu chánh niệm, tỉnh giác khi đi tới, khi đi lui đều phải chánh niệm tỉnh giác. Khi nhìn thẳng, nhìn quanh đều phải chánh niệm, tỉnh giác. Khi co tay, khi duỗi tay đều phải chánh niệm tỉnh giác. Khi mang y, mang dép hoặc khi mang bình bát, hoặc khi đắp y, đắp thượng y…đều phải chánh niệm, tỉnh giác. Khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nuốt, đều phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi đại tiện, khi đi tiểu tiện đều phải chánh niệm tỉnh giác. Khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng đều phải chánh niệm tỉnh giác. Và như vậy Ngài nói rằng: hàng ngày chúng ta ngoài những oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, khi bước tới, bước lui, khi dơ tay, duỗi tay, khi đưa tay, đặt tay xuống, khi mặc áo, khi mang bát, khi nhận thực phẩm, khi ăn thực phẩm, khi nhai nuốt, khi đi toilet. Tất cả những cử chỉ hành động dù nhỏ nhặt chúng ta cũng phải chánh niệm, tỉnh giác, cẩn thận một cách chi tiết trong sinh hoạt hàng ngày của hành giả.

Và Đức Phật qua bài kinh này, Ngài đã trả lời cho Bà la môn Ganaka Moggallāna các câu hỏi và các thứ tự, tuần tự, phương pháp tu tập. Một số vị không hiểu đã nói rằng, phương pháp thiền Vipassanna, là phương pháp của cố Hòa thượng Mahasi nhưng sự thật chúng ta thấy bài pháp này Đức Phật đã dạy cho các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, những Sadi, Sadi ni, những người xuất gia, những người tại gia, các vị đệ tử Phật, các phương pháp tu tập chánh niệm, tỉnh giác chi tiết từ việc giữ giới, chế ngự 6 căn, quán tưởng trong việc ăn uống, chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, trong khi đại tiện, tiểu tiện, khi nói, khi im lặng…..Như vậy, chúng ta thấy đây là phương pháp mà chúng ta đang thực hành đây không phải là phương pháp của Ngài cố Đại lão Hòa thượng Mahasi chỉ dạy mà là chính là lời của Đức Phật đã chỉ dạy.

Do đó trong cuộc sống hàng ngày chúng ta phải chánh niệm, bất cứ việc gì trong lúc đi tới lui, ăn uống,,…, đó là những sinh hoạt hàng ngày. Và khi ngồi thiền chúng ta quán niệm hơi thở với phồng xẹp và khi đi kinh hành chúng ta ghi nhận những bước chân dỡ, bước, đạp. Trong sinh hoạt hàng ngày cũng phải duy trì chánh niệm, tỉnh giác và phát triển chánh niệm tốt đẹp và tin rằng đây chính là lời Đức Phật dạy để đức tin chúng ta mạnh mẽ và tinh tấn trong việc tu tập chánh niệm.

Bài pháp thoại kết thúc.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

(Bản text do Tôn Tâm đánh máy)

 

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA NĂM 2016 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app