Videos 11. Kinh Baraca | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2016

 

 

Kinh Baraca 

Zatila 2016

Hôm nay, Ngài thiền sư sẽ thuyết pháp dựa vào bài kinh có tên Baraca Sutta. Baraca là tên của một vị tỉnh trưởng, vị này có sự ứng xử, đối xử với mọi người trong tỉnh của mình một cách tốt đẹp nên ông được mọi người gọi tên là Baraca, như là một vị tỉnh trưởng tài giỏi và đức độ. Bara nghĩa là tốt, thiện. 

Vị tỉnh trưởng Baraca tốt lành này đã đến Đức Phật và vị ấy đã đặt câu hỏi, chính vì vậy mà tên tựa kinh này có tên của ông là Baraca. 

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú ngụ ở giữa thành phố Uruvella (Pali, 1:07), tại một thị trấn của dân chúng (Pali, 1:17), bấy giờ vị tỉnh trưởng Baraca đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi sang một bên, sau khi ngồi xuống một bên vị tỉnh trưởng này mới Bạch Đức Thế Tôn câu hỏi rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy thuyết pháp và chỉ dạy cho chúng con nguyên nhân của sự khổ đau, do nguyên nhân gì mà chúng con bị khổ đau và hãy dạy cho chúng con sự chấm dứt khổ đau, bằng cách nào để chúng con không còn khổ đau.

Bấy Giờ Đức Thế Tôn nhận lời thuyết pháp thoại cho vị tỉnh trưởng này và với câu hỏi của ông đặt ra “Bạch Thế Tôn hãy giải thích và chỉ dạy cho con vì sao chúng con bị khổ đau, nguyên nhân gì và làm thế nào để chấm dứt mọi khổ đau”. 

Và Đức Thế Tôn dạy rằng:

– “Này tỉnh trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ ta thuyết cho ông nguyên nhân của khổ đau và sự chấm dứt khổ đau, thì như vậy, với những gì xảy ra trong quá khứ, nếu ta nói thì ông sẽ phân vân và bối rối, ông sẽ sanh nghi ngờ. Này tỉnh trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai mà ta thuyết giảng cho ông nguyên nhân của đau khổ và sự chấm dứt của đau khổ thì như vậy trong tương lai ông sẽ bị phân vân và có nghi ngờ. Nhưng chính tại nơi đây, ta đang ngồi đây và ông cũng đang ở đây, ông đang ngồi ngay đây, trong hiện tại này ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe nguyên nhân và sự tập khởi của khổ đau, sự chấm dứt của khổ đau. Ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ thuyết giảng.’’

 Và Đức Phật hỏi lại vị tỉnh trưởng rằng:

– Này tỉnh trưởng, ông nghĩ như thế nào nếu tỉnh này ở tại thành Uruvella (Pali, 3:45) này có những người nào bị giết chết, họ bị tù đày, họ bị đánh đập, họ bị thiệt hại, họ bị chỉ trích thì ông có khởi lên sự sầu muộn, khổ đau, u phiền, khổ não hay không?

 Tỉnh trưởng trả lời:

– Thưa thế Tôn, nếu có người trong thành Uruvella này, người ấy bị người khác giết hại, người ấy bị tù đày, người ấy bị thiệt hại, bị đau khổ, bị chỉ trích thì con sẽ khởi lên sự sầu muộn, sầu bi, khổ não, u não nơi con.

Và Đức Phật hỏi tiếp vị tỉnh trưởng:

– Này tỉnh trưởng, nếu có người nào đó bị người khác giết, bị chết, bị thất bại trong kinh doanh, bị tù đày, bị hãm hại, bị chỉ trích thì ông có khởi lên sầu muộn, u khổ hay không?

Tỉnh trưởng trả lời rằng:

– Bạch Thế Tôn, những người ấy thỉnh thoảng con khởi lên sự sầu muộn, khổ đau khi nghe tin họ bị giết, bị chết hoặc bị tù đày, bị thiệt hại bị chỉ trích, bị thất bại trong kinh doanh.

– Tức là có người thì ông khởi lên sự buồn rầu, có người thì ông không khởi lên sự buồn rầu.

Và Đức Phật nói 

– Này tỉnh trưởng tại sao có người trong tỉnh này bị giết, bị tù đày, bị thất bại trong kinh doanh, bị chỉ trích, bị thiệt hại thì có người ông khởi sự sầu muộn, khổ đau, bi lụy, còn một số người thì ông không khởi lên sự đau khổ, buồn rầu, khổ não. Vì sao?

Ông tỉnh trưởng trả lời:

– Bởi vì những người đó con thương yêu, những người đó có mối liên hệ chặt chẽ với con như là vợ con, anh em con, cha mẹ con, bà con của con, bạn bè thân thiết của con. Khi nghe tin họ bị thất bại, họ bị hãm hại, giết chết, họ bị chỉ trích, họ bị thiệt hại, đau khổ và họ bị thất bại trong kinh doanh thì con khởi lên sầu muộn khổ đau, sầu bi, u não, vì họ là những người con yêu thương. 

Bạch Thế Tôn con không bị đau khổ khi nghe tin những người ấy bị chết, bị thiệt hại, bị thất bại trong kinh doanh, bị chỉ trích, mặc dù họ rất đau khổ nhưng con cảm thấy không bị đau khổ. Vì sao? Vì những người ấy con không có liên quan gì, không không quen biết gì. Họ không phải là những người con thương yêu. Họ không phải là những người bà con thân thích của con. Họ không phải là vợ con, không phải là con của con hay anh em, bà con ruột thịt của con, không phải là những người bạn thân thiết của con. Do đó, khi nghe tin những người ấy bị chết, bị tù đày, bị thiệt hại, bị thất bại trong kinh doanh, họ đau khổ nhưng đối với con, con không cảm thấy đau khổ, vì rằng họ không liên quan gì với con.”

Đức Phật mới dạy rằng:

–  Này tỉnh trưởng, chính ông đã trả lời câu mà ông đã hỏi vì sao người ta bị đau khổ. Vì sao người ta bị sầu muộn, khổ đau. Nguyên nhân là vì họ dính mắc, họ tham ái với những người họ thân, những gì họ tham ái dính mắc, mất mát, thiệt hại thì khởi lên trong họ sự đau khổ tột cùng. Nguyên nhân của của sự đau khổ là do dính mắc và tham ái. Trong quá khứ người ta đau khổ là vì dính mắc, nguyên nhân của đau khổ là vì tham ái và trong tương lai ở đâu có tham ái dính mắc thì ở đó có khổ đau và trong hiện tại đây ông cũng đã thấy rồi, những người liên hệ với ông, sự dính mắc của ông là do những người ấy ông thương yêu. Khi nghe những người ấy đau khổ, thiệt hại thì ông cũng đau khổ, thiệt hại. Chính vì đó là tham ái, dính mắc là nguyên nhân của đau khổ.”

Và vị tỉnh trưởng mới nói rằng:

– Bạch Thế Tôn thật là tuyệt vời, thật là đúng, chính xác! Tất cả những đau khổ ở đời, nguyên nhân là do sự dính mắc, sự tham ái, không có tham ái thì không có sự dính mắc, không có tham ái, không có dính mắc thì không có sự khổ đau. Thật là một bài pháp thoại ngắn cho con, thật là vi diệu. Bài pháp thoại rất là đúng, và tuyệt vời. Nguyên nhân của khổ đau chính là sự dính mắc và tham ái Bạch Thế Tôn.

Và vị tính trưởng mới nói rằng:

– Thật chân thật, vi diệu, lời dạy của ngài quá tuyệt vời và đúng đắn. Bản thân con có một người con trai yêu dấu và người con trai ấy sống chung với con, mỗi khi người con trai ấy đi đâu trở về không đúng giờ giấc thì con liền hỏi mọi người “đã thấy con trai của ta về chưa, có nghe tin tức gì về con trai của ta không”. Con khởi lên vô số lo lắng, phiền muộn, không biết có chuyện gì xảy ra cho đứa con trai yêu của con không, không biết có vấn đề gì trên đường đi hoặc nó có việc gì mà giờ này đã đến giờ về rồi con vẫn chưa thấy đứa con trai của con.

Và Đức Phật hỏi:

– Này tỉnh trưởng, khi nghe tin con trai của ông bị tai nạn hoặc con trai của ông bị người nào đó giết chết hoặc bị những rủi ro gì hoặc bị người nào hãm hại thì ông nghĩ như thế nào? Ông có khởi lên sự đau khổ, sầu muộn, khổ não hay không? 

Và vì tỉnh trưởng trả lời rằng:

– Bạch Thế Tôn, nếu con nghe tin được đứa con trai yêu dấu của con bị tai nạn, bị rủi ro, bị người nào đó giết chết, hoặc bị một tai nạn gì đó, bị người nào hãm hại nó thì con thật sự đau khổ, khổ não tột cùng và con có thể chết khi nghe tin đó.

 Và Đức Phật nói:

– Này tỉnh trưởng, bằng cách này ông đã thấy rồi đó, ông đã biết rồi đó, tất cả những khổ đau, nguyên nhân là do sự dính mắc, nguyên nhân là do sự tham ái

Và đức Phật hỏi rằng:

– Này tỉnh trưởng, ông nghĩ như thế nào, ông có thương vợ ông không? 

– Dạ, con rất thương người vợ yêu dấu của con.

– Vậy trước khi gặp cô ta thì ông có thương cô ấy không?

– Bạch Thế Tôn chưa gặp cô ấy thì con không có tình thương và sự dính mắc nơi cô ấy.

Và Đức Phật hỏi:

– Này tỉnh trưởng, ông nghĩ như thế nào khi ông nghe tin rằng vợ ông bị một người nào đó giết chết, vợ ông bị tai nạn, bị rủi do, vợ ông bị một người đó nào hãm hại thì ông có đau khổ sầu muộn không?

– Bạch Thế Tôn Khi con nghe tin vợ con bị một người nào giết chết hay bị tai nạn rủi ro, hay bị người nào hãm hại thì con đau khổ, con rất là đau khổ, sầu muộn khổ não, thậm chí con có thể chết. Và như vậy do sự dính mắc, do sự tham ái mà con người có nhiều khổ đau.

Như vậy, nguyên nhân của tất cả mọi khổ đau là do sự dính mắc, sự tham ái. Người nào biết giảm sự dính mắc, sự tham ái thì vị ấy sẽ bớt khổ đau. Tất cả chúng ta ai cũng có khổ đau, ít hoặc nhiều, tất cả còn là một con người, chưa phải là một bậc thánh thì chúng ta còn nhiều khổ đau.

Vì sao? Tâm của chúng ta còn dính mắc nhiều thứ, dính mắc vào con cái, vợ chồng, nhà cửa, tiền của, địa vị, chúng ta dính mắc càng nhiều thì khổ đau càng nhiều. Ngay cả những người thành công, những người giàu có họ cũng nhiều khổ đau. Vì sao? Sự dính mắc của họ đối với tiền của công danh, địa vị, v.v…nên nguyên nhân của khổ đau là sự dính mắc và sự tham ái. Chúng ta thấy rằng nhiều người khổ đau hơn là khi họ không được may mắn gặp những người vợ hoặc người chồng tốt bụng hoặc họ không được thành tựu trong nghề nghiệp, thành tựu trong kinh doanh, họ bị nhiều cái thất bại trong cuộc đời, do đó họ càng nhiều khổ đau. 

Thậm chí những người thành công thì sao? Những người thành công họ cũng khổ đau. Họ khổ đau khi tuổi già đến, họ khổ đau khi bệnh đến và khổ đau khi chấm dứt cuộc đời, tức là cái chết đến. Tất cả con người ai cũng khổ đau, hoặc ít hoặc nhiều, người đó đều phải khổ đau. Và như vậy nếu không tu tập thì trong cõi đời này ai cũng khổ đau, hoặc khổ nhiều hoặc khổ ít, khổ vì không được như ý, khổ vì tuổi già đến, khổ vì bệnh hoạn, khổ vì sanh tử, khổ vì chết.

Đức Phật dạy muốn hết khổ đau, chấm dứt mọi khổ đau thì chúng ta phải như thế nào? Dù là địa vị cao sang, thành tựu mỹ mãn trong cuộc đời thì người đó cũng có ngày già đi, bệnh đi và chết đi. Do đó, chúng ta hãy cố gắng tu tập và Đức Phật đưa ra phương pháp, Đức Phật đã dạy rất rõ ràng trong Tứ Diệu Đế, tức là cuộc đời là khổ, chân lý cuộc đời là khổ và nguyên nhân của khổ là tham ái, là sự dính mắc, tức là lobba – tham. Và để chấm dứt sự khổ đau đó, chúng ta phải đi theo con đường tu tập Bát Chánh Đạo hay còn gọi là tu tập thiền Tứ niệm xứ. Và khi tu tập thiền Tứ niệm xứ, chúng ta sẽ chấm dứt khổ đau và thành tựu Niết bàn, chứng đắc Niết bàn, chấm dứt mọi khổ đau và được giải thoát Niết bàn. 

Chúng ta là những hành giả đang dự khóa thiền và đang tu tập thiền quán minh sát. Chúng ta ghi nhận chánh niệm quán sát thân tâm mình và khi có chánh niệm đầy đủ, liên tục, với sự tinh tấn, tâm định tĩnh thì chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi của thân tâm, sự sanh diệt của thân tâm và chúng ta không thể điều khiển thân và tâm theo ý của mình được. Chúng ta không muốn nó già, không muốn nó thay đổi nhưng nó vẫn xảy ra theo định luật của các pháp. Do đó chúng ta không thể điều khiển hay mong muốn như ý mình được. Và Ngài nói rằng đẹp như một hoa hậu, giàu có như một vị tỷ phú, hay là một bà chủ với nhiều người thợ, người làm công, lãnh đạo một công ty thì vị ấy cũng phải chịu những đau khổ trong cuộc đời. Sự đau khổ đến với mọi người một cách bình đẳng, nếu người ấy không biết tu tập, người ấy không biết huấn luyện tâm mình, không biết tu tập và vị ấy phải chịu nhiều đau khổ khi sự bất như ý, sự không hài lòng trong cuộc sống.

Vì sao? Vị ấy dính mắc vào những gì vị ấy đang có? Khi một người biết tu tập, biết hành thiền thì tâm vị ấy có chánh niệm, vị ấy thấy được sự sanh diệt của thân tâm, thấy được sự thật các pháp với trí tuệ, vị ấy khởi tâm từ bi với tất cả những bà con, những người thân của mình cũng như những người xung quanh mình, tình thương của tâm từ bi khác với tình thương của sự dính mắc, tham ái, tham luyến. Tâm từ bi là tình thương nhưng không bị khổ đau, không có sự dính mắc. Khi chúng ta thấy một người qua đời, một người chết, một người hàng xóm hay một người đi đường thấy một đám ma, 1 người chết thì chúng ta quán sát là sự chết sẽ đến với chính mình, sự chết sẽ đến với tất cả những người thân của mình, một ngày nào đó ta cũng sẽ chết và một ngày ta phải ra đi và kết thúc, vĩnh biệt cuộc đời. Do đó, đối với những người thân hay những người không thân, đối với những bà con, người ta yêu thương như vợ chồng, con cái, anh em, cha mẹ hoặc những người không thân với ta, khi có tâm từ và thấy được sự thật của các pháp thì chúng ta sẽ khởi tâm từ với tất cả mọi người và do trí tuệ thấy được các pháp, vị ấy không còn dính mắc quá nhiều nơi những sở hữu của mình.

Và vị ấy do sự tu tập vị ấy thấy được giáo pháp, thấy được sự thật và vị ấy chấp nhận tất cả những gì đến và đi. Nếu mọi người đều phải chịu quy luật của sanh lão bệnh tử, không ai có thể thoát được, không thể trốn trong rừng hoặc trong biển cả hoặc bay lên trời thì cũng không thoát khỏi tử thần.

Và tất cả chúng ta là những vị xuất gia tỳ kheo, tỳ kheo, sadi hoặc là tất cả những hành giả đang tu tập đây hãy cố gắng, hãy tinh tấn tu tập để phát huy sự chánh niệm, thực tập một cách tinh tấn để thấy rõ sự thật của các pháp với trí tuệ. Khi thấy rõ được sự thật của các pháp với tính chất như thật của nó, tức là nó sanh diệt, nó thay đổi mang tính vô thường, nó bất toại nguyện, mang tính khổ đau và nó mang tính vô ngã vì chúng ta không điều khiển được nó.

Như vậy, với sự duy trì chánh niệm, đây là những cơ hội, những khóa thiền như thế này là cơ hội để chúng ta rèn luyện tâm, để chúng ta tu tập, chánh niệm liên tục. Trong lúc ngồi thiền quán niệm phồng xẹp nơi bụng, đi kinh hành ghi nhận giở bước đạp trên bước chân và trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cũng cố gắng chánh niệm. Khi làm gì chúng ta ghi nhận và chánh niệm hay biết để chánh niệm của chúng ta mạnh mẽ và khi chánh niệm mạnh mẽ, tâm của chúng ta cũng mạnh mẽ và chúng ta sẽ bớt đi những ô nhiễm trong tâm, bớt đi những phiền não và do bớt đi những phiền não, ô nhiễm cuộc sống, sự khổ đau của chúng ta trong cuộc đời cũng sẽ giảm đi. Và ngài hy vọng rằng sau khóa thiền ngắn ngày thì chúng ta trở về nhà cũng cố gắng duy trì chánh niệm, tu tập mỗi ngày 2 lần sáng tối, ngồi thiền và chánh niệm trong sinh hoạt để chúng ta có được một cái tâm mạnh mẽ, một cái tâm có chánh niệm tỉnh giác.

Như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ an tịnh hơn, sẽ bớt đi những đau khổ, phiền não và chúng ta sẽ có tâm từ bi, tâm hỷ xả và tâm thương mọi người hơn, thông cảm với mọi người hơn. Chúng ta dễ dàng chấp nhận tất cả những gì đến và đi trong cuộc đời của mình và cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và bớt khổ đau.

Ngài chúc tất cả những hành giả trong khóa thiền này luôn tinh tấn và để tu tập, để thấy được giáo pháp và ngài kết thúc bài pháp thoại tối hôm nay.

(Bản text do Đinh Huế đánh máy)

 

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA NĂM 2016 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app