Videos 10. Kinh Bhikkhu | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2016

 

 

Kinh Bhikkhu

Hôm nay ngài Thiền sư sẽ thuyết pháp dựa vào bài kinh Bhikkhu Sutta, bài kinh này có nghĩa là Kinh Tỳ Kheo. Kinh này thuộc trong bộ Saṃyutta Nikāya – tức là Tương Ưng Bộ Kinh. Bài kinh này xuất phát là vì có một vị tỳ kheo đến bạch hỏi Đức thế Tôn những câu hỏi và nhân đó Đức Phật thuyết bài kinh này. Do đó tựa của bài kinh có tên là Bhikkhu Sutta, nghĩa là Kinh Tỳ Kheo. 

Các pháp thoại mà Đức Phật đã thuyết giảng trong khi Ngài còn tại thế cho các hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, được chư Tăng gọi là (Pali, 0:52). Đây là những vị xuất gia gồm có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, tất cả đều được gọi là Chư Tăng, là những đệ tử của Đức Phật. Phần lớn các vị là những thánh đệ tử A La Hán đã thuộc lòng tất cả những lời dạy của Đức Phật thuyết giảng trong 45 năm và tất cả những lời dạy đó đã được kiết tập Tam Tạng lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập Niết bàn hơn ba tháng. 

Sau hơn ba tháng thì đợt kiếp tập lần thứ nhất gồm có 500 thánh A La Hán và tiếp theo là lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ 3 tất cả những lời dạy đó được ghi trên lá bối, còn hai lần trước chỉ đọc tụng, ghi nhớ bởi các vị thánh tăng A La Hán. Các ngài, những bậc thánh tăng A La Hán, tất cả lậu hoặc đã đoạn tận và trí nhớ rất là tuyệt vời, không còn các ô nhiễm, do đó các ngài đã thuộc lòng, nhớ không sót tất cả những lời dạy của Đức Phật trong 45 năm.

 Vì nghĩ về tương lai cũng như thương tưởng, có lòng từ bi mẫn đối với hàng chư Tăng cũng như đệ tử nhiều thế hệ về sau, nhớ và biết được những lời dạy của Đức Phật, các ngài đã đọc tụng và kiết tập Kinh tạng và lần thứ ba đã được ghi vào lá bối. Do đó, ngày nay chúng ta mới có kinh và những bài pháp của Đức Phật thuyết giảng cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm

(Pali, 2:43) Bấy giờ vào thời Đức Thế Tôn, Ngài đang cư trú tại Thành Vương Xá, tức là Savasthi, tại Tịnh xá Kỳ Viên do ông Cấp Cô Độc, vị thương gia giàu có cúng dường, vị thương gia đó tên Pali là (Pali, 3:39)

Vị thương gia tên Cấp Cô Độc đã cúng dường Đức Phật Kỳ Viên tịnh xá. Thì bấy giờ có một vị tỳ kheo đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi vị tỳ kheo ấy ngồi xuống một bên, khi ngồi một bên vị tỳ kheo ấy bạch Đức Thế Tôn rằng “ Bạch ngài, Bạch Thế Tôn và vị ấy hỏi câu hỏi của mình”, nhân đó Đức Phật đã thuyết bài kinh này. 

Vị tỳ kheo ấy đã thưa lên Thế Tôn và xin ngài như sau:

– Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy thuyết pháp cho con, xin ngài hãy chỉ dạy cho con phương pháp tu tập để con sống một mình, an tịnh, không bị phóng dật, con sẽ nhiệt tâm, tinh tấn và quyết tâm mạnh mẽ. Xin ngài hãy thuyết pháp và dạy con phương pháp tu tập. 

Và khi vị tỳ kheo cầu xin Đức Phật giảng dạy, tóm tắt phương pháp để tu tập thiền để thanh lọc tâm và Đức Phật từ chối. 

Đức Phật nói rằng:

  • “Ta đã dạy rất nhiều tỷ kheo cũng như những người đệ tử, nhưng có một số thì hành thiền sau khi nghe giảng và thực tập. còn một số thì sau khi nghe rồi không thực tập. Do đó ngài đã từ chối khi vị tỳ kheo thỉnh ngài lần thứ nhất.”

 Và lần thứ hai vị tỳ kheo kính cẩn xin ngài:

  •  “Bạch Đức Thế Tôn hãy dạy con tóm tắt về phương pháp tu tập thiền, bạch ngài xin hãy chỉ cho con phương pháp để sống, tu tập thiền, để đem lại nhiều lợi ích cho con. Sau khi con đã nghe Pháp và lắng nghe lời chỉ dạy của ngài, con sẽ thông hiểu và con sẽ thực hành theo và nhờ vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích cho con trong việc tu tập để loại trừ những ô nhiễm, những phiền não trong tâm của con, xin ngài hãy chỉ dạy cho con”.

Đức Phật dạy vị tỳ kheo ấy rằng: 

  • “Nếu con muốn tu tập và thực hành phương pháp tu thiền đạt kết quả tốt đẹp thì có hai việc con phải hoàn thành thì việc tu tập của con sẽ được tốt đẹp như con hằng mong ước.”
  • “Thứ nhất là con phải có giới trong sạch, giới con thọ lãnh thì con phải giữ cho trong sạch. Thứ hai con phải có sự hiểu biết đúng đắn, tức là con phải tin vào nghiệp và quả của nghiệp, tức là vị ấy phải tin vào nhân quả, nghiệp báo, tin vào tội Phước và biết được những gì nên làm và những gì không nên làm theo định luật của nghiệp và nghiệp báo, định luật nhân quả. Nếu con thực hành được hai điều này thì sau đó con phải thực tập thiền theo phương pháp tứ niệm xứ.” (theo Kinh (Pali – 7:02) thân thọ tâm pháp mà ngài sẽ hướng dẫn).

Hôm nay qua bài mà Đức Phật đã dạy cho vị tỳ kheo này, chúng ta sẽ hiểu phương pháp tu tập của mình một cách rõ ràng. Vì sao? Có một số không hiểu rõ nên nhầm lẫn trong việc tu tập thiền định Samantha và thiền Vipassana. Thiền Samantha là thiền an chỉ hay còn gọi là thiền định, làm cho tâm lắng dịu xuống và tạm thời ngăn ngừa các phiền não. Còn thiền Vipassana mục đích là để đoạn tận các phiền não và phát huy trí tuệ thật sự, tức là trí tuệ thiền quán hay trí tuệ minh sát.

Như vậy qua bài kinh này mình sẽ hiểu rõ và mình không còn lầm lẫn giữa phương pháp tu thiền định và phương pháp tu thiền quán. Tất cả hành giả của chúng ta đang theo tu học và thực hành theo Kinh Tứ Niệm Xứ và phương pháp này được  hiểu là phương pháp thiền quán minh sát hay còn gọi là thiền Vipassana. 

Điều kiện thứ nhất là Đức Phật yêu cầu và chỉ dạy cho các tùy theo cũng như tất cả những hành giả tu tập là mình phải có giới trong sạch. Trong đạo tràng này, chúng ta đã thọ 8 giới hay còn gọi là tám giới Bát quan trai, như vậy mình phải giữ giới cho trong sạch, để tâm của mình được trong sạch theo những giới mình đã thọ

Điều thứ hai là mình phải có chánh kiến – sự hiểu biết đúng đắn về nhân quả và nghiệp báo.

Khi mình làm điều bất thiện thì mình sẽ chịu quả đau khổ. Và khi mình làm những điều thiện thì quả đem đến là sự an lành và hạnh phúc.

Sau khi thực hiện và đầy đủ hai điều kiện là giới trong sạch và có chánh kiến về nghiệp quả, nhân quả thì bắt đầu thực tập thiền Tứ niệm xứ và mình sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trong việc tu tập.

  • Và này tỳ kheo các ông phải gột sạch, và trong sạch hoàn tất 2 pháp cơ bản về các thiện pháp. Thế nào là hai pháp cơ bản, đó là phải khéo giữ giới trong sạch và có tri kiến tránh trực.

 Và tiếp theo Đức Phật dạy 

  • “Này tỳ kheo, khi nào ông được giới trong sạch và ông có Chánh kiến, chánh trực thì ông hãy cứ thực hành thiền theo phương pháp Tứ Niệm Xứ và thực hành tu tập bốn Niệm xứ đó là gì?  Ở đây này tỳ kheo,  ông hãy chú tâm quán thân trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục những tham ô ở đời, để loại trừ khổ thân và khổ tâm. Và tất cả khi ghi nhận quán sát trên các cảm thọ, thì hãy ghi nhận, hay biết, chánh niệm, tỉnh giác và một cách tinh tấn dũng mãnh để ghi nhận các cảm thọ khởi lên trên thân hoặc trên tâm của mình.

Các cảm thọ vui, các cảm thọ an lạc, các cảm thọ bất như ý – tức là những cảm thọ khổ và các cảm thọ không khổ, không lạc – tức là trung tánh thì hãy ghi nhận và chánh niệm một cách tỉnh giác với sự tinh tấn, hãy hay biết và ghi nhận nó. 

  • “Và vị tỳ kheo hãy quán sát những gì đang khởi lên trong tâm của ông, khi tâm ông khởi lên những điều gì ông biết rõ, như thật với chánh niệm. Hãy ghi nhận và quán sát nó, như là khi tâm ông có khởi tham ái, tham dục, những mong muốn thì hãy biết Tâm mình đang có tham dục, tham ái, đang có những mong muốn. Khi Tâm khởi lên sân hận, bực bội, khó chịu, không hài lòng, bất như ý thì ông hãy ghi nhận với chánh niệm tỉnh giác và biết rằng tâm đang khởi lên sự sân hận, bực bội, khó chịu, không hài lòng, bất như ý. Và khi tâm mình không rõ ràng, mê mờ hay bất cứ những trạng thái tâm nào khởi lên trong mình, hãy ghi nhận với chánh niệm tỉnh giác, đó là hành giả đang ghi nhận quán tâm trên tâm. 

Và vị tỳ kheo cũng như tất cả hành giả hãy quán pháp trên các pháp, nghĩa là trong lúc hành thiền hay trong sinh hoạt hãy chánh niệm tỉnh giác khi nghe âm thanh, khi xúc chạm hoặc khi nói những suy nghĩ, tâm lo tính, hoặc khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tức là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm nóng lạnh, êm ái và ý suy nghĩ hoặc là tư duy, v.v…hãy ghi nhận và hay biết với sự tỉnh giác, với sự chánh niệm. Đó là vị hành giả đang thực hành ghi nhận chánh niệm quán pháp trên các pháp.

Vị tỳ kheo cũng như những hành giả khi đã có giới trong sạch, khi đã có chánh kiến, tin nhân quả và nghiệp báo; khi đã tu tập tinh tấn dũng mãnh trên Tứ niệm xứ, quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, vị ấy với sự nỗ lực tinh tấn, vị ấy sẽ tiến bộ và đạt nhiều lợi lạc trong việc tu tập

Khi chúng ta hành thiền như tất cả những hành giả đang thực tập thiền tại đây, với phương pháp hành thiền của Đức Phật đã dạy, đó là Tứ niệm xứ. Khi ngồi thì đề mục chính mà chúng ta hướng tâm ghi nhận quán sát với chánh niệm tỉnh giác đó là sự phồng và xẹp. Khi tâm của chúng ta hướng vào sự phồng và xẹp thì tâm nằm trên đề mục với sự tinh tấn một cách liên tục, ghi nhận đề mục và tâm lúc này nằm trên đề mục mà không phóng đi đây đó cũng như tâm không bung khỏi đề mục, như vậy mình đã có sự định tâm, tức là chánh định. Ghi nhận một cách liên tục như vậy là chúng ta đã có chánh tinh tấn. 

Hay biết về mục phồng xẹp một cách rõ ràng với tính chất đang sanh khởi và đoạn tận, sự phồng xẹp sanh diệt, như vậy là chúng ta có chánh niệm. 

Khi đi kinh thành chúng ta ghi nhận quán sát một cách kỹ lưỡng với sự tỉnh giác khi bước phải bước trái, khi dở, khi đạp, khi dở bước đạp trên từng bước chân của mình, với sự chánh niệm ghi nhận một cách liên tục và tâm của chúng ta định trên đề mục.

Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng cố gắng chánh niệm một cách liên tục càng nhiều càng tốt để tâm mình hay biết và tỉnh giác với những gì mình đang làm, như là khi mở cửa, đóng cửa, khi mặc áo, khi đứng lên ngồi xuống, khi uống nước, khi dùng nhà vệ sinh, v.v… Tất cả những sinh hoạt trong cuộc sống mình luôn chánh niệm tỉnh giác, hay biết mình đang làm gì để tâm luôn ghi nhận và có sự tỉnh giác. 

Như vậy chúng ta những hành giả đang thực tập theo lời dạy của Đức Phật, theo phương pháp thiền quán Vipassana, chúng ta ghi nhận những gì khởi sanh, những gì vận hành, ghi nhận những gì trên thân của mình là quán thân trên thân, ngoài ra, chúng ta cũng ghi nhận tất cả những cảm thọ khởi sanh trên thân và tâm mình trong lúc ngồi thiền.

Khi cảm thọ vui, mình biết mình ghi nhận với chánh niệm, những cảm thọ đau, nhức, tê hành giả ghi nhận với sự tỉnh giác, chánh niệm những cảm thọ khởi lên, hoặc là vui, vừa ý, an lạc hoặc là cảm thọ không vừa ý, không an lạc, hoặc cảm thọ khổ hoặc là cảm thọ trung tánh, không khổ, không lạc. Mình ghi nhận và hay biết những cảm thọ trong thân và tâm mình, đó là ghi nhận quán sát thọ trên thọ. 

Và hành giả cũng ghi nhận những tâm khởi lên trong mình, tâm có khởi bực bội, tâm ghi nhớ hoặc là tâm nhớ lại chuyện quá khứ, tâm nghĩ tưởng về tương lai, tâm phóng tâm, tâm suy nghĩ, tâm tính toán, v.v.. tất cả những tâm khởi lên trong mình. Vị hành giả cũng phải ghi nhận và hay biết với chánh niệm tỉnh giác khi nó khởi lên.

Và vị ấy cũng ghi nhận các pháp khởi lên trên mình qua sáu giác quan, các pháp khởi lên trong tâm mình và vị ấy cũng luôn hay biết với chánh niệm tỉnh giác, đó là quán pháp trên pháp.

Khi tâm của mình nằm trên đối tượng, quán sát đối tượng một cách chánh niệm tỉnh giác, thì nhờ sự chánh niệm, nhờ có sức định và sự tinh tấn liên tục ghi nhận, vị ấy sẽ loại trừ những ô nhiễm của tâm, những trạng thái tâm tham, những trạng thái tâm sân, những tâm si mê, nghi ngờ, tà kiến, ngã mạn, tự cao, v.v…những ô nhiễm tâm được loại trừ dần trong tâm của mình. 

Hành giả cố gắng chánh niệm trong một giây thì vị ấy đã loại trừ được tâm ô nhiễm một giây, chánh niệm được một phút vị ấy loại trừ được những phiền não, những ô nhiễm tâm được một phút, chánh niệm được 10 phút, một giờ thì vị ấy loại trừ được những tâm ô nhiễm trong 10 phút, trong một giờ.

Nhiều ngày hành thiền vị ấy loại trừ những ô nhiễm tâm, những phiền não. Những ô nhiễm những phiền não đó đem lại sự đau khổ cho mình. Càng thực tập vị ấy càng loại trừ đi những ô nhiễm đó trong tâm và cuộc sống của vị ấy sẽ trở nên trong sạch, an lạc vì loại trừ ra khỏi tâm mình những phiền não, những ô nhiễm – những kilesa, những lậu hoặc làm cho mình phải đau khổ. Vị ấy có cuộc sống an lạc, vị ấy có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.

Tùy thuộc vào công phu, tùy thuộc vào thời gian tu tập và sự quyết tâm, vị ấy có thể đạt được nhiều hay ít tùy thuộc vào sự tu tập của mình và sự nỗ lực cũng như quyết tâm. 

Và Đức Phật dạy rằng những Tỳ kheo, những người Tỳ kheo ni, Sa-di, những hành giả đang thực hành nếu đoạn tận hoàn toàn những ô nhiễm thì vị ấy sẽ giải thoát hoàn toàn trong mình và vị ấy là những vị thánh nhơn A La Hán, sau khi đã đoạn tận các lậu hoặc, ô nhiễm – kilesa, vị ấy sẽ là những bậc A La Hán.

Và do đó khi hành thiền thì tất cả những hành giả hãy cố gắng chấp nhận tất cả những gì khởi lên, chấp nhận những cảm giác an lạc, những cảm giác nhẹ nhàng và cũng chấp nhận những cảm giác, những suy nghĩ, những cảm thọ không hài lòng, ví dụ như đau, cứng, tê hoặc là những trạng thái tâm suy nghĩ, phóng tâm.

Tất cả những gì thích hay không thích trong lúc hành thiền, những đối tượng hoặc là những trạng thái, những cảm thọ, những đối tượng khởi lên hoặc là mình thích hoặc mình không thích mình đều phải chấp nhận và chỉ có một việc ghi nhận, hay biết với sự chánh niệm tỉnh giác, không có sự chọn lựa, cũng không có sự dính mắc. Những cảm giác nhẹ nhàng, sự định tâm, những cảm giác thích thú trong lúc hành thiền, những sự êm dịu mình cũng không khởi lên sự dính mắc, bám víu và thích thú trong đó, hoặc là những cảm giác khó chịu, tê, cứng, nóng thì cũng không khởi lên sự bực bội. Nhờ sự chấp nhận tất cả những gì đang khởi lên nơi thân và tâm của mình trong lúc tu tập, nhờ chấp nhận và luôn chánh niệm với sự tinh tấn, với sự dũng mãnh, vị ấy sẽ tiến bộ trong việc hành thiền của mình.

Còn ngược lại, vị ấy không chấp nhận những gì không hài lòng, vị ấy sẽ khó chịu và tâm sẽ bực bội, những gì thích thú vị ấy sẽ nắm giữ, tâm dính mắc và tâm tham khởi lên. Như vậy vị ấy không thể tiến bộ trong việc hành thiền, những cảm thọ, những suy nghĩ hoặc là những kết quả, những gì đang tu tập hãy chấp nhận nó như nó đang xảy ra và chỉ một việc dõng mãnh tinh tấn nhìn và ghi nhận với chánh niệm tỉnh giác, thì như vậy vị ấy có thái độ tu tập đúng đắn và sẽ tiến bộ trong việc hành thiền của mình. 

Khi vị ấy hành thiền thật sự có sự tiến bộ thì vị ấy sẽ ghi nhận phồng và xẹp, thở vào bụng phồng ra, thở ra bụng xẹp xuống, tức là vị ấy ghi nhận tâm với chánh niệm tỉnh giác, với sự hay biết một cách tỉnh thức, khi phồng lên xẹp xuống và ghi nhận một cách liên tục với sự tinh tấn, vị ấy biết rõ sự khác nhau của phồng và xẹp, mỗi hơi thở ra vào, sự phồng lên xẹp xuống cũng thay đổi và sanh diệt một cách liên tục. 

Và khi đi kinh hành vị ấy cũng cảm nhận được từng bước chân của mình với những cảm thọ khác nhau, sự sanh diệt của các cảm thọ trên bước chân của mình và hay biết sự đến và đi, tất cả trên sự ghi nhận của phồng xẹp cũng như ghi nhận các cảm thọ đến đi, những bước chân khi đi kinh hành. Vị ấy thấy rằng với sự chánh niệm liên tục, vị ấy sẽ thấy được thân tâm này thay đổi liên tục. Những cảm thọ đến và đi, những cảm thọ thay đổi lúc vui, lúc buồn, lúc hoan hỷ, lúc an lạc, lúc hạnh phúc, lúc đau khổ, lúc phiền não và những hình ảnh đến và đi, những suy nghĩ đến và đi, những âm thanh đến và đi. Tâm vị ấy cũng vậy, lúc suy nghĩ việc này, lúc suy nghĩ việc khác, nó đến và nó đi, nó sanh diệt liên tục, nó thay đổi liên tục, mang tính là vô thường, sanh diệt, không có gì là bền vững, không có gì là chắc chắn. 

Những cảm thọ cũng vậy, cũng sanh diệt và thay đổi liên tục, khi hiểu biết với chánh kiến về thân và tâm này, với sự tu tập, chấp nhận và vị ấy nỗ lực tinh tấn trong việc hành thiền thì vị ấy sẽ thấy được và có tuệ giác phát sanh. Hiểu rõ được sự thật của các pháp. Hiểu rõ được với trí tuệ là tất cả các pháp mang tính vô thường, thay đổi, sanh diệt, mang tính bất toại nguyện, mang tính khổ đau và tất cả các pháp, kể cả thân và tâm của mình nhưng mình không thể điều khiển theo ý của mình.

Vị ấy thấy được tính vô ngã trong các pháp, vị ấy đã thấy được thân tâm này với trí tuệ, tu tập với trí tuệ minh sát, do thấy được vị ấy không còn đau khổ, vì ấy không còn tham ái, không còn ô nhiễm và tâm vị ấy trở nên an lạc và giải thoát.

Nhờ tu tập Tứ niệm xứ, nhờ thực hành một cách tinh tấn với chánh niệm, vị ấy đã nhận ra sự thật với trí tuệ về thân và tâm của mình, trước khi tu tập vị ấy có thể chấp cái thân này, chấp cái tâm này, thân này là đẹp đẽ, chấp thân này là vững vàng, là bền bỉ, là thường hằng.

Chấp thân tâm này là tôi, là ta với cái ngã mạn, với tà kiến, với sự chấp thủ thân tâm, phiền não, vị ấy sẽ có những phiền não, những khó chịu, tham lam, sân hận và tà kiến khởi lên.

Sau khi đã thấy với trí tuệ về thân tâm, vị ấy không còn những tham ái, không còn những ô nhiễm và dần dần vị ấy được an lạc. 

Đức Phật sau khi đã giải thích và hướng dẫn cho vị Tỳ kheo phương pháp để tu tập theo Tứ niệm xứ, quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên pháp. Vị Tỳ kheo sau khi lắng nghe lời dạy của Đức Phật, vị ấy đã vào trong rừng, ngồi dưới gốc cây và tinh tấn tu tập và cuối cùng đã thành tựu Thánh đạo A La Hán, giải thoát mọi ô nhiễm, phiền não trong tâm, vị ấy không còn sanh tử luân hồi nữa, thoát khỏi mọi phiền não, và vị ấy trở thành bậc thánh A La Hán.

Tất cả chúng ta, những hành giả đang tu tập trong khóa thiền, chúng ta cũng phải cố gắng nỗ lực tinh tấn tu tập theo phương pháp Tứ niệm xứ, con đường chư Phật và các thánh đệ tử đã đi. Chúng ta hãy cố gắng tinh tấn dũng mãnh và thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật. Hãy có niềm tin trong giáo pháp của Ngài, lời dạy của đức Phật và nhờ có thực hành theo phương pháp tu tập Tứ niệm xứ chúng ta sẽ thoát khỏi mọi phiền não ô nhiễm trong tâm mình, sẽ thoát khỏi mọi đau khổ và chúng ta sẽ được giải thoát. 

Nếu một ngày chúng ta tu chưa có tiến bộ, chưa loại trừ những ô nhiễm trong tâm thì chúng ta tu hai ngày, ba ngài. Khóa thiền 3 ngày mãn chúng ta không dừng lại mà tiếp tục hằng ngày tu tập và tiếp tục nỗ lực tinh tấn cho đến ngày chúng ta loại trừ tất cả những ô nhiễm phiền não, đau khổ.

Và ngài chúc tất cả những hành giả đang thực hành trong khóa thiền 3 ngày tại đây hãy nỗ lực và tinh tấn trong việc tu tập thiền để giải thoát mọi ô nhiễm, giải thoát mọi khổ đau và ngài kính chúc tất cả hành giả tinh tấn tu tập sớm ngày giác ngộ giải thoát.

Ngài kết thúc bài pháp thoại hôm nay

(Bản text do Đinh Huế đánh máy)

 

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA NĂM 2016 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app