Video (14) 5 Chướng Ngại Tâm – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

5 Chướng Ngại Tâm – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Ngày 18/05/2007 tại Như Lai Thiền Viện California.

Hôm qua, Sư Cả giảng về 2 loại thiền, Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát. Jhāna thiền là sự chú tâm liên tục và hoàn toàn vào đối tượng quán sát.

Có 2 loại phân chia các chi thiền. Loại thứ nhất chia thành 6 chi thiền, loại thứ nhì chia làm 5 chi thiền. 6 chi thiền gồm: tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỉ (pīti), lạc (sukha), xả (upekkhā), nhất điểm tâm (ekaggatā). Theo cách chia thứ nhì 5 tầng thiền thì lạc và xả có thể được xem là cảm giác. Nếu kết hợp lạc (sukha), xả (upekkhā) thành 1 chi thiền gọi chung là xả (upekkhā). Do đó, theo cách chia thành 5 chi thiền: tầm tứ hỉ xả và nhất tâm.

Sư Cả không rõ các chữ tầm, tứ, lạc và xả được dịch sang Anh ngữ như tầm là thought (ý nghĩ), tứ là reflection (hồi tưởng), lạc là happiness (hạnh phúc) và xả là equanimity (quân bình) có thật sự tương đương với nguyên ngữ gốc Pali hay không.

Có thể chúng sát nghĩa với lý thuyết, nhưng không sát nghĩa trong thực hành. Tuy nhiên, đối với hành giả có kinh nghiệm thiền, thì ý nghĩa của các chi thiền này rất rõ ràng.

Hôm qua, Sư Cả đã dùng thí dụ trạng thái tâm của người chơi đánh đáo, hay bắn bi. Khi người này đánh trúng mục tiêu, với mục đích cho các hành giả cảm nhận được ý nghĩa cụ thể của 2 chi thiền hỉ, lạc. Với thí dụ này, nhằm mục đích cho các hành giả cảm nhận được ý nghĩa cụ thể của 2 chi thiền hỉ, lạc.

Hôm nay, Sư Cả sẽ đề cập nhiều đến 2 chi thiền tầm và tứ. Cũng như cho những thí dụ cụ thể về 2 chi thiền này để giúp các hành giả dễ hiểu.

Thí dụ, khi dùng nĩa để lấy 1 miếng khoai tây. Trước nhất có sự nhắm đến miếng khoai tây, và sự cố gắng đưa nĩa hướng về miếng khoai tây, và cắm vào miếng khoai tây. Trong việc lấy miếng khoai tây, sự nhắm về miếng khoai tây tức là tầm, cố gắng đưa nĩa đến miếng khoai tây là tấn, sự đụng nĩa vào miếng khoai tây là tứ. Nếu không có tâm hướng đến miếng khoai tây, hành giả có thể đưa nĩa về chỗ khác. Hay nếu có nhắm hướng đến miếng khoai tây, nhưng không có gắng đưa nĩa đến, chỉ đưa nửa vời thì cũng không đưa được nĩa đến miếng khoai tây. Và nếu có nhắm đến, cố gắng đưa nĩa đến nhưng không đụng, không ghim vào miếng khoai tây thì cũng không thể lấy được miếng khoai tây. Do đó, cần có sự nhắm đến, tức là tầm, và sự cố gắng đưa đến, tức là tấn, và sự đụng, ghim vào tức là tứ. Đó là ý nghĩa của 3 chi thiền tầm, tấn và tứ. 

Các chướng ngại tâm gây ô nhiễm cho tâm. 

Trong thiền tập có 5 loại chướng ngại gây ô nhiễm cho tâm.  Thứ nhất là ái dục, thứ nhì sân hận, thứ 3 dã dượi buồn ngủ, thứ 4 hối hận, bất an, và thứ 5 là hoài nghi. 

Các chướng ngại tâm này gây ô nhiễm cho tâm, làm cản trở không cho các chi thiền phát triển, và che khuất không cho hành giả thấy sự thật. Cho dù sự hiểu biết có hình thành, nhưng cũng rất yếu ớt vì bị ảnh hưởng của các chướng ngại tâm. Các chướng ngại tâm cũng cản trở không cho các nghiệp thiện thành tựu. Nhằm mục đích chế ngự được các chướng ngại tâm, cần phát triển các tâm có sức mạnh đối kháng và áp đảo được các chướng ngại tâm này. 

Ái dục kāmacchanda là sự ham muốn ăn ngon, thấy vật đẹp, ngửi mùi thơm… Ái dục sinh khởi nơi tâm, khi tâm không được kiểm soát, tâm phóng chạy theo đuổi những đối tượng thuộc ngũ dục do đó không có sự định tâm. Nếu có sự định tâm, định hay nhất tâm, tâm không còn phóng chạy, tâm định tĩnh. Do đó, nhất tâm ekaggatā hay samādhi khắc phục được ái dục. Bao lâu mà sự định tâm được duy trì, ái dục không thể sinh khởi nơi tâm hành giả.

Sân hận là sự giận dữ, phẫn nộ, bất mãn hay mang các ý tưởng hãm hại, ác ý. Hỷ là trạng thái tâm hoan hỉ, vui vẻ đối nghịch lại sân hận.

Dã dượi, buồn ngủ là trạng thái co rút, đông cứng của tâm. Giống như bơ bị cứng lại dưới nhiệt độ thấp. Dã dượi, dễ duôi không muốn cố gắng thina, sự buông xuôi, thụ động, tiêu cực chỉ muốn sự dễ dàng, thoải mái trong sự tu tập. Khuynh hướng muốn hưởng thủ cảm giác ngủ nghỉ middhasukha. Muốn cho tâm mở mang, linh hoạt, tỉnh táo, năng động cần phải phát triển yếu tố tầm vitakka -tâm đối nghịch dã dượi, buồn ngủ. 

Bất an, hối hận làm cho tâm khó chịu, không thỏa mái. Lạc giúp tâm hạnh phúc, an vui. Do đó lạc đối nghịch với hối hận, bất an. 

Hoài nghi là trạng thái không hiểu rõ đề mục. Trạng thái phân vân, không hiểu rõ ràng. Phân vân vì nằm ngoài sự hiểu biết. Khi tâm được giữ yên và chà sát đề mục, yếu tố tứ hình thành giúp hành giả thấy đề mục hiển lộ rõ ràng, nên không còn phân vân, hoài nghi. Do đó tứ vicāra đối nghịch với hoài nghi. 

Hành giả phải cố gắng phát triển cho được 5 chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm để chế ngự lại 5 chướng ngại tâm: ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, bất an, hối hận và hoài nghi.

Khi phát triển được 5 thiền chi này, hành giả tiếp tục làm tăng trưởng sức mạnh của các thiền chi để có khả năng chế ngự được các bất thiện tâm khác. 

5 chướng ngại tâm cũng ảnh hưởng đến thân, khẩu, ý. Nếu buông lung, để mặc 5 chướng ngại tâm này thao túng, hành giả được xem là người bại trận. 

Ái dục làm cho hành giả có sự cư xử sai trái. Sân hận làm cho hành giả có ác ý nên ganh ghét. Dã dượi buồn ngủ làm cho hành giả dễ duôii, buông thả chỉ thích sự dễ dãi, ham hưởng thụ cảm giác ngủ nghỉ. Dã dượi buồn ngủ là kẻ thù gần nhất và đã theo đuổi hành giả từ vô lượng kiếp. Dã dượi buồn ngủ thường gây khó khăn nhiều nhất cho hành giả sơ cơ. Làm cản trở cho sự tu tập tiến bộ. Để tâm buông lung theo suy nghĩ về quá khứ, làm cho hành giả hối tiếc, bất an. Và nếu hành giả không tự tin, không có niềm tin, hành giả sẽ hoài nghi. 

5 chướng ngại tâm làm cản trở cho việc tu tập làm trong sạch hóa tâm, và làm cho thân, khẩu, ý trở nên tốt đẹp, dễ mến. 5 chướng ngại tâm này đã làm cho đời người xuống dốc, khốn khổ. Nếu không tu tập để đào luyện các thiện tậm, tạo được các sức mạnh cho tâm thì hành giả phí phạm cả 1 cuộc đời. Do vậy, hành giả cần phải cố gắng tu tập để phát triển sức mạnh cho tâm, giúp chế ngự được 5 loại chướng ngại tâm. Hành giả hướng tâm đến đề mục bằng nỗ lực tinh cần, bắt kịp đề mục để thiết lập chi thiền tầm và chế ngự được phiền não. Giống như người lính đánh trận, nếu lơ là cẩu thả, không dè dặt, cẩn thận sẽ dễ mất mạng. Hành giả như người lính đánh trận, đang đánh với kẻ thù phiền não. Hành giả phải giữ chánh niệm liên tục, tu tập liên tục, tăng cường các sức mạnh tâm linh để khắc phục phiền não. Tu tập nhuần nhuyễn sẽ giúp hành giả chiến thắng được phiền não vốn đã theo đuổi hành giả từ vô lượng kiếp.

Tầm được phiên dịch theo Anh ngữ là thought, suy nghĩ. Tứ được phiên dịch theo Anh ngữ là reflection, là hồi tưởng. Cũng có phần đúng. Hành giả suy nghĩ hay hồi tưởng chuyện đời, hay suy nghĩ về chuyện khoa học kỹ thuật, hay suy nghĩ về quá khứ, vị lại. Điều này có thể đúng theo ngoài đời. Nhưng với sự tu tập, suy nghĩ là điều không cần thiết, không thực tế trong lúc hành thiền. Thực tế ở đây là hành giả phải có sự chánh niệm, tỉnh giác về những gì đang xảy ra trong hiện tại. Suy nghĩ về quá khứ, tương lai là điều không có thật, nó chỉ là tục đế khái niệm, không phải là chân đế, là những gì đang xảy ra trong hiện tại. Đó là những hiện tại đã xảy ra trong quá khứ, hay thuộc về tương lai chưa thật sự xảy ra. Tất cả các hiện tượng này không thể nào quán xét ở hiện tại, vì chúng không hiện hữu. Hành Thiền Minh Sát là để thấy thật sự hành giả là ai. Trong mỗi cá nhân đều có danh và sắc, hay tâm và vật chất. Tâm và vật chất liên hệ nhau qua nhân quả, các hiện tượng tâm và vật chất sinh khởi liên tục như dòng nước tuôn chảy, trong từng khoảng khắc, dòng nước cũ chảy qua, dòng nước mới chảy đến. Dòng nước mới thay thế dòng nước cũ trong từng khoảnh khắc. Cùng thế ấy, luồng tâm vật chất tuôn chảy không ngừng, hết tâm vật chất cũ, đến tâm vật chất mới. Tâm vật chất mới thay thế tâm vật chất cũ. Do đó, nếu muốn phân biệt được tâm và vật chất, hành giả phải ghi nhận ngay lúc hiện tượng mới sinh khởi. Hành giả cần phải có sự ghi nhận kịp thời mà không suy nghĩ, không phân tích. Ghi nhận kịp thời đề mục đang xảy ra trong thời điểm hiện tại làm cho hành giả có sự tin chắc vào đề mục. Quá khứ đã qua, tương chưa xảy đến, chỉ có sự vật xảy ra ngay trong hiện tại là có thật, là cụ thể nhất. Hành giả có sự tin chắc ở sự hiện hữu của đề mục. Thí dụ như trong trường hợp quán sát hiện tượng trời chớp, nếu không trông thấy kịp lúc ánh chớp vừa xuất hiện, ánh chớp đã mất. Hành giả không thấy cụ thể ánh chớp mà chỉ là sự tưởng tưởng về ánh chớp, mà không thật sự thấy ánh chớp như nó là. Do đó, muốn thấy cụ thể ánh chớp như nó là, hành giả phải thấy kịp thời, ghi nhận ánh chớp kịp thời ngay lúc ánh chớp xuất hiện, để hành giả thấy sự thật về ánh chớp. Sự thật là ánh chớp làm sáng bầu trời đen, thấy được độ sáng, thấy được hình dáng của lằn chớp, thấy được từ đầu đến cuối của cả lằn chớp, và cuối cùng sự đụng nổ ở cuối hiện tượng tạo thành tiếng sấm. Tất cả những gì hành giả hiểu biết về ánh chớp là sự thật. Tương tự như vậy, Đức Phật dạy rằng, muốn biết sự thật đúng như nó là, hành giả phải có chánh niệm ghi nhận kịp thời khi đề mục xuất hiện. Do đó, hành giả phải vận dụng nỗ lực tinh cần, hướng tâm đến đề mục, đưa tâm đến đề mục sao cho tâm ghi nhận được đề mục một cách hiệu quả. Các hiện tượng đã xảy ra 1 năm, 1 tháng, 1 giờ, hay cả 1 giây vừa qua, nếu hành giả không ghi nhận quán sát kịp thời thì chúng đã đi vào quá khứ. Cho dù hành giả có khả năng hình dung lại đi nữa, cũng không phải thấy được trọn vẹn hiện tượng, và có thể là tưởng tưởng, có thể sai lầm. 

Cũng như đối với các hiện tượng chưa xảy ra trong tương lai, chỉ là tưởng tượng hay hình dung, không thể coi là sự thật. Chỉ có sự ghi nhận, quán sát kịp thời hiện tượng đang sinh khởi ở thời điểm hiện tại mới là sự thật. Đây là nội dung của câu bhūtaṃ bhūtato passati với ý nghĩa hành giả phải quán sát sự việc như nó là.

Do đó Đức Phật dạy hành giả phải ghi nhận quán sát sự vật kịp thời ngay thời điểm hiện tại, vì đó là điều có thật. Lời dạy rất thực tế. Nếu hành giả tập đúng như được chỉ dẫn, hành giả sẽ thấy lời dạy của Đức Phật rất thực tế. Ngài dạy phải quán sát kịp thời sự vật xảy ra ngay trong hiện tại. Các hành giả ở đây có được cơ hội đến đây tu tập, cầu mong các hành giả dùng được hết thì giờ cho việc tu tập. Cầu mong hành giả luôn luôn tu tập ngoại trừ lúc ngủ nghỉ. Cầu mong hành giả tu tập tinh cần và liên tục. Cầu mong hành giả giữ được tâm liên tục trên đề mục để cho sự quán sát đề mục được hiệu quả.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời