Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. 

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, 

Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

 

Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống

 

Vi-diệu-pháp dịch từ chữ Pāḷi Abhidhamma.

* Abhidhamma = Abhi + dhamma

– Abhi nghĩa là Vi-diệu.

– Dhamma đó là paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp là pháp có thật-tánh rõ ràng, không phải là chế-định-pháp.

Abhidhamma nghĩa là Vi-diệu-pháp.

Trong Tam-Tạng (Tipiṭakapāḷi) có 3 tạng:

1- Vinayapiṭakapāḷi: Tạng-Luật Pāḷi.

2- Suttantapiṭakapāḷi: Tạng-Kinh Pāḷi.

3- Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng-Vi-diệu-pháp Pāḷi.

* Tạng Abhidhammapiṭaka: Tạng-Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ:

1- Bộ Dhammasaṅganīpāḷi: Bộ Pháp-hội-tụ.

2- Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích.

3- Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Pháp-phân-loại.

4- Bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ chúng-sinh chế-định. 

5- Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề.

6- Bộ Yamakapāḷi: Bộ Pháp-song-đối.

7- Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-duyên-hệ.

Tạng Abhidhammapiṭaka gồm có 7 bộ lớn này được Đức-Phật Gotama thuyết giảng trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên trong hạ thứ 7 của Đức-Phật, suốt ba tháng mùa mưa ở cõi người.

* Bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa) của Ngài trưởng-lão Anuruddha gồm có 9 chương:

1- Cittasaṅgaha: Tâm yếu-lược.

2- Cetasikasaṅgaha: Tâm-sở yếu-lược.

3- Pakiṇṇakasaṅgaha: Các pháp-chi yếu-lược.

4- Vīthisaṅgaha: Lộ-trình-tâm yếu-lược.

5- Vīthimuttasaṅgaha: Pháp ngoại lộ-trình-tâm yếu-lược.

6- Rūpasaṅgaha: Sắc-pháp yếu-lược.

7- Samuccayasaṅgaha: Pháp nhóm-tổng-hợp yếu-lược.

8- Paccayasaṅgaha: Pháp-duyên yếu-lược.

9- Kammaṭṭhānasaṅgaha: Pháp-hành thiền yếu-lược.

Chín chương tóm lược ý nghĩa cốt yếu của Tạng-Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ gom lại có 5 pháp chính là citta (tâm), cetasika (tâm-sở), rūpadhamma (sắc-pháp), Nibbāna (Niết-bàn) và paññattidhamma (chế-định-pháp).

Citta, cetasika, rūpadhamma, Nibbāna gồm 4 pháp gọi là paramatthadhamma: chân-nghĩa-pháp.

Paramatthadhamma nghĩa là gì?

* Paramatthadhamma: Parama+attha+dhamma.

– Parama: Thật-tánh chân-thật không biến thể theo thời gian và không gian.

– attha: Ý nghĩa sâu sắc.

– dhamma: Pháp có 4 là citta, cetasika, rūpa-dhamma, Nibbāna.

Paramatthadhamma là chân-nghĩa-pháp có 4 pháp là citta: tâm, cetasika: tâm-sở, rūpadham-ma: sắc-pháp, Nibbāna: Niết-bàn.

Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp là pháp có 3 tính chất:

* Chân-nghĩa-pháp có thật-tánh chân-thật không biến thể theo thời gian, không gian. Ví dụ: Tâm có trạng-thái biết đối-tượng, nhãn-thức-tâm có phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc, địa-đại có trạng-thái cứng hoặc mềm, v.v… trong thời quá-khứ, thời hiện-tại, thời vị-lai, tại nơi này, nơi khác vẫn không biến thể, vẫn có trạng-thái của nó như vậy.

* Chân-nghĩa-pháp là pháp vô cùng vi-diệu mà chỉ có các bậc thiện-trí có trí-tuệ thiền-tuệ mới thấy rõ, biết rõ thật-tánh của chân-nghĩa-pháp mà thôi.

* Chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là pháp làm nơi nương nhờ cho tất cả mọi chế-định-pháp (paññattidhamma) bằng ngôn-ngữ, ý-nghĩa để hiểu biết lẫn nhau.

Chân-nghĩa-pháp có 2 pháp:

* Saṅkhatadhamma: Pháp-hữu-vi đó là citta, cetasika, rūpa, là những pháp do 4 nhân-duyên cấu tạo là kamma: nghiệp, citta: tâm, utu: thời-tiết, āhāra: vật-thực.

* Asaṅkhatadhamma: Pháp-vô-vi đó là Nibbāna, là pháp không do nhân-duyên nào cấu tạo.

Citta: Tâm

Citta nghĩa là gì?

Định nghĩa Citta: Tâm

“Ārammaṇaṃ cintetīti cittaṃ.”

Trạng-thái biết đối-tượng gọi là tâm.

Ārammaṇa: Đối-tượng có 6 loại:

1- Rūpārammaṇa đó là đối-tượng sắc, các hình dáng.

2- Saddārammaṇa đó là đối-tượng thanh, các loại âm thanh.

3- Gandhārammaṇa đó là đối-tượng hương, các thứ mùi hương.

4- Rasārammaṇa đó là đối-tượng vị, các thứ vị.

5- Phoṭṭhabbārammaṇa đó là đối-tượng xúc (đất, lửa, gió), cứng mềm, nóng lạnh, phồng xẹp.

6- Dhammārammaṇa đó là đối-tượng pháp (tâm, tâm-sở, 5 tịnh-sắc, 16 sắc vi-tế, Niết-bàn, và chế-định-pháp).

Trong Chú-giải có những danh từ Pāḷi đồng nghĩa với citta như sau:

– Citta là trạng-thái biết đối-tượng.

– Mano là hướng đến đối-tượng.

– Hadaya là tích lũy bên trong tâm.

– Mānasa là trạng-thái hài lòng trong tâm.

– Manāyatana là āyatana liên kết.

– Manindriya là indriya chủ.

– Viññāṇa là trạng-thái biết đối-tượng.

– Viññāṇakkhandha là thức-uẩn.

– Manoviññāṇadhātu là tự-tánh biết đối-tượng.

Citta thuộc về chân-nghĩa-pháp, có 4 trạng-thái riêng biệt (visesalakkhaṇa) là lakkhaṇa: trạng-thái, rasa: phận sự, paccupaṭṭhāna: quả hiện hữu, padaṭṭhāna: nguyên-nhân gần phát sinh tâm.

1- Vijānanalakkhaṇaṃ có trạng-thái biết các đối-tượng.

2- Pubbaṅgamasasaṃ có phận sự dẫn đầu trong tất cả các pháp.

3- Sandhānapaccupaṭṭhānaṃ có sự sinh, sự diệt liên tục không ngừng là quả hiện hữu.

4- Nāmarūpapadaṭṭhānaṃ có sắc-pháp, danh-pháp là nhân-duyên gần phát sinh citta.

Tính chất của tâm (citta)

Tất cả các pháp đều do tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, thành tựu tất cả các pháp đều do tâm.

* Người nào có bất-thiện-tâm (akusalacitta), nếu khi thân hành điều ác, khẩu nói điều ác, ý nghĩ điều ác thì ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả khổ đối với người ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

* Người nào có đại-thiện-tâm (mahākusala-citta), nếu khi thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện thì đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả an-lạc đối với người ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Tính chất của tâm (citta) là rất huyền diệu như sau:

* Tâm huyền diệu bằng việc làm

Tất cả mọi công trình đồ sộ, mọi thứ máy móc hiện đại hiện hữu trong đời này được thành tựu đều do tâm tạo nên.

* Tâm huyền diệu tự tâm

Thật-tánh của tâm phân chia nhiều loại tâm như là bất-thiện-tâm, dục-giới thiện-tâm, dục-giới quả-tâm, dục-giới duy-tác-tâm, vô-nhân-tâm, sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới quả-tâm, sắc-giới duy-tác-tâm, vô-sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới quả-tâm, vô-sắc-giới duy-tác-tâm, siêu-tam-giới-tâm đó là 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

* Tâm huyền diệu do lưu trữ tất cả các nghiệp và mọi tật xấu

Mỗi chúng-sinh nào từ vô thủy trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, trải qua vô số kiếp, từ kiếp này sang kiếp kia, đã tạo tất cả mọi dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp), mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) dù nặng, dù nhẹ vẫn đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong mỗi tâm, không hề bị mất mát một mảy may nào cả. Mỗi kiếp dù cho thân thay đổi tùy theo nghiệp và quả của nghiệp, còn tâm vẫn sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, nên tất cả mọi dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp), mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) dù nhẹ dù nặng, và mọi tật xấu đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong mỗi tâm của mỗi chúng-sinh ấy.

Nếu nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả ngay trong kiếp hiện-tại.

Nếu nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla), và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, cứ tiếp tục như vậy, đối với tất cả mọi chúng-sinh cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Tâm huyền diệu do giữ gìn quả của nghiệp và phiền não

Mỗi chúng-sinh đã tạo mọi đại-thiện-nghiệp nào, mọi ác-nghiệp nào, dù nặng, dù nhẹ chắc chắn quả của nghiệp ấy không bao giờ bị mất, dù nghiệp nhẹ, dù nghiệp nặng đã trải qua thời gian lâu bao nhiêu kiếp đi nữa, mọi nghiệp ấy có cơ hội vẫn cho quả của nghiệp ấy.

* Tâm huyền diệu do lưu trữ các thói quen tự nhiên của mỗi chúng-sinh

Tâm khiến tạo công việc chuyên môn, nghề nghiệp, môn học, tài nghệ nào, v.v… đã trở thành thói quen được lưu trữ trong mỗi tâm sinh rồi diệt liên tục, tâm trước diệt chuyển sang tâm sau sinh, do năng lực của các pháp-duyên anantarapaccaya: liên-tục-duyên, samanantara-paccaya: liên-tục-năng-duyên, … cứ tiếp diễn như vậy từ kiếp này sang kiếp kia, từ kiếp quá-khứ đến kiếp hiện-tại.

* Tâm huyền diệu do biết các đối-tượng khác nhau

Mỗi tâm phát sinh chỉ biết một đối-tượng duy nhất mà thôi. Theo Chú-giải, tâm sinh rồi diệt vô cùng mau lẹ.

Ví dụ: Chỉ một lần búng đầu móng tay, tâm sinh rồi diệt 1.000 tỷ lần.

Cho nên, khi tâm biết đối-tượng sắc, khi biết đối-tượng thanh, v.v… thay đổi nhau trong 6 đối-tượng sắc, đối-tượng thanh, đối-tượng hương, đối-tượng vị, đối-tượng xúc, đối-tượng pháp tùy theo nhân-duyên của 6 lộ-trình-tâm.

Số lượng của citta

Citta chỉ có một trạng-thái là biết đối-tượng mà thôi, nên citta: tâm chỉ có một mà thôi, bởi vì khi nào mỗi tâm phát sinh, khi ấy tâm chỉ biết một đối-tượng ấy mà thôi.

Citta: Tâm có khả năng biết đối-tượng khác nhau do năng lực của các cetasika: tâm-sở đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm, làm cho citta có khả năng biết đối-tượng khác nhau.

Cho nên, phân chia citta theo 4 cõi-giới gồm có 89 tâm hoặc 121 tâm.

Bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi-diệu-pháp-yếu-nghĩa) của Ngài trưởng-lão Anuruddha có 9 chương.

* Chương cittasaṅgaha: Phần tâm-yếu-nghĩa: 89 hoặc 121 tâm phân chia theo 4 cõi-giới:

1- Dục-giới-tâm (kāmāvacaracitta) có 54 tâm, có 5 loại tâm:

– Bất-thiện-tâm (akusalacitta) có 12 tâm.

– Vô-nhân-tâm (ahetukacitta) có 18 tâm.

– Đại-thiện-tâm (mahākusalacitta) có 8 tâm.

– Đại-quả-tâm (mahāvipākacitta) có 8 tâm.

– Đại-duy-tác-tâm (mahākriyacitta) có 8 tâm.

2- Sắc-giới-tâm (Rūpāvacaracitta) có 15 tâm, có 3 loại tâm:

– Sắc-giới thiền thiện-tâm có 5 tâm.

– Sắc-giới thiền quả-tâm có 5 tâm.

– Sắc-giới thiền duy-tác-tâm có 5 tâm.

3- Vô-sắc-giới-tâm (Arūpāvacaracitta) có 12 tâm, có 3 loại tâm:

– Vô-sắc-giới thiền thiện-tâm có 4 tâm.

– Vô-sắc-giới thiền quả-tâm có 4 tâm.

– Vô-sắc-giới thiền duy-tác-tâm có 4 tâm.

4- Siêu-tam-giới-tâm (Lokuttaracitta) có 8 tâm hoặc 40 tâm, có 2 loại tâm:

– Siêu-tam-giới-thiện-tâm có 4 tâm hoặc 20 tâm gọi là 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm (Maggacitta).

– Siêu-tam-giới-quả-tâm có 4 tâm hoặc 20 tâm gọi là 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm (Phalacitta).

Quyển sách nhỏ “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” này chỉ giảng giải về 12 bất-thiện-tâm (akusalacitta) và 8 dục-giới thiện-tâm (kāmāvacarakusalacitta) gọi là 8 đại-thiện-tâm là chính, bởi vì 20 loại tâm này thường phát sinh trong cuộc sống hằng ngày đối với các hàng phàm-nhân, bắt đầu từ khi thức giấc, suốt ngày, cho đến ban đêm nằm ngủ say, không có mộng mị.

Tuy nhiên, giảng giải về 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) và 8 dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) này có liên quan đến các dục-giới-tâm khác như 18 vô-nhân-tâm, 8 dục-giới quả-tâm (đại-quả-tâm), 8 dục-giới duy-tác-tâm (đại-duy-tác-tâm). Như vậy gồm có tất cả 54 dục-giới-tâm mà thôi, không đề cập đến 15 sắc-giới-tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm và 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm. 

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app