Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Ngũ uẩn bị ảnh hưởng bởi sự chấp thủ

Vì ngũ uẩn là không thật và trống rỗng,

chúng ta cần rất cẩn trọng và lưu tâm đến chúng.

Tối qua trong suốt phần Hỏi và Đáp, có một câu hỏi về sự tham chiếu một bài kinh nói về “con đường và quả vị” và các giai đoạn của sự giải thoát: con đường của sự giải thoát và quả vị của sự giải thoát. Vì thế, tối qua tôi quay trở về và lục tìm vài quyển sách. Cũng có một câu hỏi đêm trước về việc trở thành một tu sĩ thì có gì vui thú, và tối qua tôi thấy vui.

Bài kinh mà mọi người nghe thấy được tham chiếu ở nhiều nơi khác nhau. Đức Phật nói một bài pháp về tám phẩm chất tuyệt vời và kỳ diệu của đại dương. Một phẩm chất được biết đến nhiều là đại dương chỉ có duy nhất một vị, vị mặn. Và cũng như đại dương có thuần một vị, vị mặn; Giới và Pháp cũng như vậy, là điều mà Đức Phật gọi là giáo pháp của Ngài, chỉ có duy nhất một vị: vị của giải thoát (Kinh Tăng Chi Bộ 8:19).

Phẩm chất thứ tám là: “Cũng giống như đại dương bao la là nơi dung chứa những chúng sanh to lớn, cũng như vậy Giới Pháp là nơi dung chứa những chúng sanh vĩ đại: bậc thánh Nhập lưu và người thực hành cho sự chứng ngộ của quả vị con đường nhập lưu; bậc thánh Nhất lai và người thực hành cho sự chứng ngộ quả vị của con đường Nhất lai; bậc thánh Bất lai và người thực hành cho quả vị của con đường Bất lai; bậc A-la-hán và người thực hành con đường của quả vị A-la-hán. Đây là phẩm chất thứ tám đáng kinh ngạc và gây sửng sốt của Giới Pháp vì đó mà các tu sĩ hứng khởi với nó” (Kinh Tăng Chi Bộ 8:19).

Khi tôi đang lang thang tìm kiếm, tôi tình cờ bắt gặp một bài kinh yêu thích mà tôi nghĩ sẽ đọc lên vào sáng nay, bài kinh này có liên quan đến các quả vị của sự chứng ngộ và đặc biệt là sự tiếp cận đầu tiên nhất vào sự chứng ngộ của con đường Nhập lưu.

Một thời, Thế Tôn ngồi giữa các Tỳ-kheo, tại Kapilavatthu, khu vườn cây Banyan. Rồi Tôn giả Mahānāma (Ma Ha Nam) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahānāma bạch Thế Tôn:

– Vị thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống               một cách sung mãn?

– Này Mahānāma, thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống     một cách sung mãn.

  • Ở đây, này Mahānāma, thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: “Ðây là Thế Tôn… Phật, Thế Tôn”. Khi nào, này Mahānāma, thánh đệ tử niệm Như Lai; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai. Và này Mahānāma, một thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahānāma, về vị thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật”.

  • Lại nữa, này Mahānāma, thánh đệ tử tùy niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu!”. Này Mahānāma, trong khi vị thánh đệ tử tùy niệm Pháp; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Pháp. Và này Mahānāma, thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahānāma, về vị thánh đệ tử này được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Pháp”.
  • Lại nữa, này Mahānāma, thánh đệ tử tùy niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Như lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời”. Này Mahānāma, trong khi thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối,… tâm được định tĩnh. Này Mahānāma, về vị thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Tăng”.
  • Lại nữa, này Mahānāma, thánh đệ tử tùy niệm các giới của mình: “Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định”. Này Mahānāma, trong khi thánh đệ tử tùy niệm giới; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối,… tâm được định tĩnh. Này Mahānāma, về vị thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm giới”.
  • Lại nữa, này các Tỳ-kheo, thánh đệ tử tự mình niệm thí của mình: “Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế, xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí”. Này Mahānāma, trong khi vị thánh đệ tử tùy niệm bố thí; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối,… tâm được định tĩnh. Này Mahānāma, về vị thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm bố thí”.

Lại nữa, này Mahānāma, thánh đệ tử tu tập tùy niệm thiên: “Có chư thiên bốn thiên vương, có chư thiên cõi trời Ba mươi ba, có chư thiên Yāma, có chư thiên Tusita (Ðâu-suất), có chư thiên Hóa lạc thiên, có chư thiên Tha hóa Tự tại, có chư thiên Phạm chúng, có chư thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với giới như vậy, chư thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với nghe pháp như vậy, chư thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với thí như vậy, chư thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta. Ðầy đủ với tuệ như vậy, chư thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng đầy đủ nơi ta”. Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư thiên ấy; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào chư thiên. Và này Mahānāma, thánh đệ tử với tâm chánh trực được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahānāma, về vị thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm thiên”.

Này Mahānāma, vị thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, vị ấy sống một cách sung mãn với nếp sống này.

Kinh Tăng Chi Bộ (6:10)8

Một trong những điều tôi muốn chỉ ra, đặc biệt là trong phương diện thiền tập, có nhiều sự quán tưởng khác nhau như những sự quán tưởng này, chúng ta có thể điều hướng sự chú ý của mình và sau đó có sự hân hoan được kết nối với Pháp, khởi sanh nhờ điều đó. Khi có sự hân hoan, sự tịnh lạc khởi sanh. Khi một người được nâng đỡ trong sự tịnh lạc, thân trở nên bình tĩnh. Người bình tĩnh trong thân cảm thấy hạnh phúc. Với người hạnh phúc, tâm người đó trở nên tập trung.

Đó thường là những biểu hiện tiến, lùi từ cách chúng ta tiếp cận sự thiền tập của mình. “Khi tôi đạt được định – samādhi, kế đó tôi sẽ được hạnh phúc”. Nỗ lực chính là tiến hành để tâm tuân theo ước muốn được định tĩnh và tập trung. Thay vào đó, chúng ta nên chú tâm tới những phẩm chất mang đến cảm giác của sự an lành, hân hoan, bình tĩnh và hạnh phúc. Sự tập trung phát sinh nhờ vào đó. Đó là cách để thiết lập sự an lành, cho phép tâm an định từ đó.

Ở một cấp độ nhất định, sự hân hoan được kết nối với Pháp cũng xuất phát từ sự kiến ngộ rõ ràng hơn cách mà những điều khác nhau này ăn khớp với nhau. Sự trở ngại trong tu dưỡng tâm từ là gì? Hầu như lúc nào cũng vậy, sẽ là cảm giác của cái ngã, ảnh hưởng đến ý thức và không chỉ ảnh hưởng đến ý thức, nó còn dần lộ rõ ra. Hãy quán tưởng rằng bản chất của cách mà chúng ta xây dựng một ý niệm về cái ngã là một gánh nặng và quán tưởng về nó trên phương diện Pháp, có liên quan tới ngũ uẩn.

Khi chúng ta tụng kinh sáng, chúng ta đi qua nhiều khía cạnh khác nhau của khổ đau. Sau đó bài tụng đúc kết lại rằng, “Tóm lại, năm trọng tâm của sự nắm giữ tâm là khổ”. Đây là sự nhận diện rằng năm thủ uẩn này pañcupādāna-kkhandhā (các uẩn của chúng sanh) bị ảnh hưởng bởi sự nắm giữ, sự thủ giữ và sự dính mắc. Sự đồng nhất với thân, cảm thọ, những sự suy tưởng, các hành uẩn và ý thức – thói quen của sự dính mắc và thủ giữ – là những gì bị bủa vây bởi khổ đau, bất như ý, không hài lòng từ trong nội tại và sau đó tràn chảy ra thành những dạng thức khác nhau của các trạng thái cảm xúc phiền não. Vì thế, hãy thâm nhập vào năm uẩn của mình.

Có một bài pháp (Kinh Tương Ưng Bộ 22:100) Đức Phật đưa ra hình ảnh con chó đang bị cột vào một cái trụ. Dù con chó đó có nằm xuống, đứng lên, ngồi hay đi bộ thì nó cũng bị cột vào cái trụ đó. Và Đức Phật nói rằng miễn là chúng ta bị vây bủa và bị cột dính vào ngũ uẩn – sự đồng nhất với thân, các cảm thọ, những sự suy tưởng, các hành uẩn và ý thức – thì cũng như vậy, dù chúng ta có đi, đứng lên, ngồi hay có nằm xuống thì chúng ta vẫn bị vây bủa bởi khổ đau, sự không hài lòng, bất như ý: khổ.

Quá trình đồng nhất đó với thân, các cảm thọ, những sự suy tưởng, các hành uẩn và ý thức – “Đây là của tôi, đây là tôi, đây là cái ngã của tôi” – là sự sản sinh ra khổ đau một cách tất yếu. Nó là sự thừa tự. Nó là nội tại. Nó không thể là bất cứ dạng thức nào khác.

Vì thế hãy nhận ra cách mà sự chấp thủ, dính mắc và đồng nhất tự chúng duy trì sự kết tụ và hình thành, thiết lập. Và sau đó nhận thức rằng có một cơ hội thoát khỏi sự chấp thủ, không dính mắc: “Tôi làm điều đó như thế nào? Làm thế nào tôi không chấp thủ mọi thứ mà tôi tưởng là cái ngã của mình?”.

Nếu bạn đã từng đi bộ một hành trình dài với quá nhiều đồ đạc, khi bạn mang túi đồ đó lên, bạn nghĩ, “Nó hơi nặng, nhưng vẫn ổn”. Nhưng bạn tiếp tục đi và túi đồ trở nên mỗi lúc một nặng hơn. Và bạn nói rằng, “À, lẽ ra mình không nên mang theo quá nhiều thứ thế này, nhưng có lẽ mình sẽ cần đến chúng”. Bạn cứ tiếp tục mang nó, và bạn nghĩ, “Mình phải bỏ đi một món nào đó”. Bạn buông bỏ nó vì bạn không thể mang nó theo được nữa.

Cũng giống như vậy với sự dính mắc và chấp thủ, khi bạn nhận thức rằng đây là một gánh nặng và bạn thật sự không muốn mang nó theo nữa. Bạn sẵn sàng đặt nó xuống, từ bỏ nó, vứt nó đi. Đó là tin tốt lành. Còn tin xấu là chúng ta thường phải đợi đến khi mình thật sự sẵn lòng thì mới chịu đặt nó xuống.

Đức Phật yêu cầu chúng ta quán tưởng và nghiên cứu các khía cạnh này của ngũ uẩn và sự trống rỗng của chúng, bản chất tạm bợ của chúng. Đức Phật đã từng ban một bài pháp (Kinh Tương Ưng Bộ 22:95) khi Ngài ở cạnh một dòng sông. Như thường diễn ra, có những bọt nước trên dòng sông và Đức Phật đã sử dụng đó như một ví dụ.

“Các vị có nhìn thấy những bọt nước trên sông đó không? Thân của chúng ta cũng giống như những bọt nước đó vậy”. Bọt nước đó là không thật, trống rỗng và rỗng không. Nếu bạn quán tưởng về bản chất của thân, nó dường như không thật. Khi chúng ta già đi và bệnh tật, chúng ta nhìn thấy thật sự không có gì ở đây. Tất cả những tế bào và các cơ quan khác cấu thành thân thật sự là không thật.

Điều này cũng đúng với cảm thọ. Ở châu Á, mùa gió mùa đem lại những trận mưa to, kéo dài, nặng hạt. Khi mưa rơi xuống, những bong bóng nước nhỏ xuất hiện. Cảm thọ cũng giống như các bong bóng nước này. Một bong bóng nước nhỏ hình thành và nó vỡ ra. Bong bóng nước khác hình thành và nó cũng vỡ ra. Đó chính xác giống như cảm thọ.

Thật tốt khi làm sáng tỏ rằng “cảm thọ” ám chỉ một cách chuyên biệt đến cảm thọ dễ chịu, đau đớn và trung tính. Đó là phẩm chất cơ bản của sự trải nghiệm, của cảm giác – không phải là những cảm thọ về mặt cảm xúc. Đây là đặc điểm chung cơ bản của bất kỳ dạng tiếp xúc nào: dễ chịu, đau đớn hay trung tính. Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp: luôn có một cảm thọ cơ bản có liên quan. Bởi vì những trải nghiệm đó đang khởi sanh và đang dừng lại, điểm chung cơ bản của cảm thọ là đang sanh khởi và đang dừng lại. Chúng là những bong bóng nước đang khởi sanh và đang vỡ ra, đang khởi sanh và đang vỡ ra. Chúng ta có xu hướng phản ứng và hồi đáp lại chúng bằng những sự yêu thích của mình, vì thế chúng ta kết thúc bằng việc phân tầng cảm thọ cơ bản rất đơn giản đó với những điều yêu thích, điều không yêu thích, điều mong muốn và điều không mong muốn. Nhưng nếu chúng ta phản ứng, chỉ có một cảm thọ cơ bản, khởi sanh và dừng lại.

Đức Phật so sánh tưởng uẩn với sự ảo vọng như trong mùa nóng ở Ấn Độ hay châu Mỹ, xuất hiện ngoài những mảng đồng bằng. Tôi đoán rằng khu Thung lũng Trung tâm (Central Valley) sẽ có đủ sức nóng để hình thành sự ảo vọng, những hình ảnh lấp loáng từ xa. Trông như có cái gì đó và sau đó khi bạn đến gần hơn, nó không là gì cả.

Tưởng cũng được cột chặt với ký ức, gắn nối ý nghĩa vào cho mọi thứ, điều mà chúng ta xây dựng nên thông qua ký ức: cách chúng ta đánh giá và gắn nối tầm quan trọng cho mọi thứ, cách chúng ta nắm giữ chúng thông qua bản chất của tưởng. Thật sự không có quá trình tư duy đang diễn tiến cùng với nó. Chúng ta suy tưởng điều gì đó theo một cách nhất định, bị ảnh hưởng bởi ký ức và cách chúng ta đã và đang suy tưởng nó theo thời gian.

Ngài Ajahn Amaro gần đây đã có buổi nói chuyện liên quan đến trải nghiệm của mình khi ngài là một vị tăng trẻ ở Anh quốc. Ngài đã thực hiện một hành trình dài từ tu viện của chúng tôi ở phía nam nước Anh đến một phân viện của tu viện gần tận biên giới Scotland. Ngài đã hoàn mãn mùa an cư thứ năm của mình, thời điểm mà chư tăng có cơ hội được trải nghiệm những điều mới mẻ. Ngài muốn thử đi bộ, như một tăng sĩ, ở Anh quốc và đi cùng với một người cư sĩ – người có thể hỗ trợ ngài khi cần thiết. Đây là lần đầu tiên trong cộng đồng của chúng tôi có người cố gắng đi một đoạn đường dài với tư cách là một vị tăng sĩ trì bình đi khất thực ở phương Tây và họ đã mất nhiều tháng cho chuyến đi đó.

Mùa xuân vừa rồi hai người họ đã cùng nhau đến thăm lại hành trình đó. Họ không thực hiện toàn bộ chuyến đi. Họ tiến hành một vài phần của chuyến đi để kỷ niệm 25 năm hành trình đi bộ lịch sử đó của mình.

Điều thật sự thú vị là hầu như mỗi nơi họ quay trở lại đều có gì đó đã dịch chuyển đi. Một ngọn đồi đã không còn; một ngôi nhà đã di dời. Nó đã từng rất sống động trong ký ức của ngài và ngài đã liên hệ đến nó rất nhiều lần; nhưng khi ngài thật sự quay lại, nó không còn giống như những gì ngài đã nhớ về nó hay như từng nói cho người ta nghe về nó. Nó đã khác.

Saññā aniccā: tưởng uẩn là vô thường. Tưởng không phải là chức năng máy móc vững chắc. Đó là sự chấp thủ uẩn upādāna-kkhandha (ngũ uẩn của chúng sanh bị ảnh hưởng bởi sự dính mắc và chấp thủ). Sự chấp thủ phát sanh do sự yêu thích hay không yêu thích, hay do dạng ảo tưởng nào đó. Nó không phải là hiển nhiên. Chúng ta thu nhặt những thứ hiển nhiên, nhưng chỉ những điều vi tế mới thật sự có thể tin tưởng được. Kế đó chúng ta thiết lập trên chúng và chúng trở thành thực tại của chúng ta.

Đó là tình cảnh không may của con người. Chúng ta sống trong một thế giới mà chúng ta đã và đang tạo ra và đó là chức năng của những ước muốn của chúng ta. Một lộ trình không được nhận thức là, “Ôi, giá mà tôi có thể chỉ xây dựng thế giới theo cách tôi mong muốn! Ồ, điều đó thật tuyệt vời!”. Nhưng thực tế của chân đế về khổ đau là khi ấy chúng ta phải sống trong thế giới đó.

Tưởng là một trong những điều nền tảng mà chúng ta xây dựng nên thế giới vì: sự đồng nhất của chúng ta với cái ngã – vị thế của tôi, niềm yêu thích của tôi, ý tưởng của tôi, lý tưởng của tôi, nỗi sợ hãi của tôi. Điều đó thật sự không được nghĩ thông suốt. Đó phần nhiều là một tầng sâu hơn của tâm, hơn là việc tư duy và lập kế hoạch, và nó bao phủ lên mọi thứ. Hãy quán tưởng bản chất của các uẩn này của chúng sanh. Quán tưởng bản chất của tưởng uẩn. Tưởng uẩn cũng giống như ảo vọng, dù đó có thể không phải là cách chúng ta hình thành nó một cách tự nhiên.

Đức Phật so sánh các hành uẩn như cây chuối. Một người đi vào rừng tìm kiếm loại gỗ cứng chắc và đốn hạ một cây chuối. Nếu bất kỳ ai đã từng nhìn thấy qua cây chuối, nó là nhiều tầng lớp của các bẹ hợp thành. Không có cái lõi bên trong cây chuối. Dường như có thể tin rằng: nó có đường kính 15 cm, 20 cm, 30 cm. Nhưng khi tách từng tầng bẹ ra, chúng ta có thể lột được toàn thân cây chuối và không có gì trong đó. Chỉ có lớp bẹ khác bên trong.

Vì thế bản chất của hành uẩn, các quá trình của sự suy nghĩ chỉ có những tầng lớp này nhưng không có cái lõi cứng chắc. Thật vô lý khi xem xét, “Suy nghĩ thật sự của tôi là gì?”. Nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta không thể sử dụng các suy nghĩ, các cảm xúc và lên kế hoạch; tất cả những điều này diễn ra bên trong các hành uẩn. Các hành uẩn có thể có liên quan đến sự ác ý, sự ác cảm, tham vọng, sự dính mắc, sự sợ hãi hay lo lắng. Chánh niệm cũng là một hành uẩn. Trí tuệ, tâm từ, tâm bi và tâm xả; tất cả đều là hành uẩn nhưng chúng hữu ích và cần có một kỹ năng để đạt được chúng, một kết quả mang lại lợi ích.

Vì thế, không phải là “Ồ, các hành uẩn là một cây chuối. Tôi đã thông rồi”. Không. Chúng ta thật sự phải biết cách sử dụng, hiểu và ứng dụng một cách thiện xảo quá trình suy nghĩ và không để bị mắc bẫy hay mắc kẹt bởi chúng. Chính khi chúng ta nhìn thấy điều này rõ ràng hơn, chúng ta phát triển một sự thận trọng nhất định với quá trình suy nghĩ.

Chúng ta phải sử dụng những suy nghĩ của tâm từ như một sự thực hành. Chúng ta có thể nhìn thấy những hành uẩn thiện lành này bắt đầu có được đà vượt lên trên sự bực tức, ác cảm hay quan điểm tiêu cực khởi sanh. Chúng ta thấy rằng nếu chúng ta buông xả điều đó – “Tôi biết điều này đang đi về đâu, tôi biết nơi mà nó sẽ kết thúc” – chúng ta sẽ hướng chuyển sự chú ý của mình đến tâm từ. Chúng ta sẽ hướng chuyển sự chú ý của mình đến ước nguyện tốt đẹp. Chúng ta có thể chống lại những sự thúc ép tiêu cực. Bằng cách nhìn thấy các uẩn là trống rỗng và rỗng không, chúng ta sẽ không chỉ đẩy lùi được chúng mà thôi. Vì chúng trống rỗng và rỗng không, chúng ta cần phải rất cẩn thận và lưu ý đến chúng.

Đức Phật yêu cầu chúng ta phản hồi trên ý thức. Ngài so sánh nó với một thuật sĩ hay chiêu trò của kẻ làm ảo thuật. Ở Ấn Độ, ngoài chợ hay trên các góc đường, có thể có người làm ảo thuật hay thuật sĩ – người làm các trò biến hóa. Thường có một đám đông nhỏ vây quanh người này và anh ta cũng kiếm được chút đỉnh tiền nhờ việc làm này. Ngày nay, cảnh tượng giống như vầy cũng vẫn còn, 2.500 năm sau. Nếu chúng ta hiểu được bản chất của chiêu trò của người làm ảo thuật, các kỹ thuật đằng sau đó, thì sẽ không có sự hứng khởi hay bị thu hút giống như lúc đầu nữa. Chúng ta không sẵn lòng bỏ tiền ra để xem lại chiêu trò đó.

Bản chất của ý thức rất giống như vậy. Chúng ta trải nghiệm những điều hỗn tạp này – tương tác với các giác quan – và biến chúng thành một kinh nghiệm. “Ồ, anh ta đã thật sự nói như thế”. Chúng ta hình thành ý thức về kinh nghiệm đã thật sự xảy ra đó, và chúng ta ghi nhớ nó theo một cách nào đó; nhưng thật ra, cũng có một tiến trình ở đằng sau ý thức. Chúng ta phải nhận diện được cái móc bị chôn giấu bên trong nó.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi ngũ uẩn, năm uẩn của chúng sanh. Nhưng chúng ta có thể được giải thoát không bị ảnh hưởng bởi việc chấp thủ vào các uẩn, và đó là phần quan trọng nhất vì chúng ta thật sự cần dựa vào ngũ uẩn của mình. Đó là cách chúng ta sống; đó là cách chúng ta thành tựu mọi thứ.

Đó là cách mà Đức Phật đã dạy – về ngũ uẩn. Nếu Ngài từng nói, “À, ngũ uẩn là như vậy”, và đã không làm gì hết, thì chúng ta sẽ bị mắc kẹt. Sau sự giác ngộ của mình, Đức Phật đã dành 45 năm mang theo ngũ uẩn của mình đi khắp nơi và hoằng pháp, thiết lập một hệ thống tôn giáo kéo dài đến tận ngày nay.

Sự quán tưởng về ngũ uẩn này là một phần thật sự quan trọng để hiểu rõ bản chất của cái ngã và sự dính mắc vào cái ngã, bản chất của sự chấp thủ, và kế đến là bản chất của sự buông bỏ, buông xả. Vì chúng ta có thể tham gia vào việc buông bỏ, một phần của sự phản hồi là ý niệm của tâm từ. Đó là một phản hồi tự nhiên khi thấy được Pháp, thấy ý nghĩa của việc không bị mắc bẫy bởi sự xuất hiện của những phản ứng đặc trưng.

Tôi nhớ ngài Ajahn Jumnien đã nói rằng, bất cứ khi nào ai đó đến gặp ngài và nói, “À, tôi đã đạt được điều đó. Tôi đã được Nhập lưu ngay lúc này. Không còn sự tái sanh vào cảnh giới thấp kém hơn với tôi nữa. Tôi thật sự hài lòng với sự thực hành của mình”; ngài thường sẽ tìm dịp nào đó để nói, “À, ông biết người này, người kia đang nói điều này về ông. Họ đang nói rằng ông như thế này, thế kia”. Sau đó ngài sẽ quan sát cách phản hồi của vị đó vì nếu có sự giận dữ, có suy nghĩ rằng, “Làm sao họ có thể nói như thế?” thì vị đó không phải là một bậc thánh Nhập lưu.

Ở đây, một lần nữa, nắm giữ vào “nhân dạng” là một trong những dấu hiệu phân biệt của sự tồn tại thế gian. Buông bỏ quá trình xác định “nhân dạng” đó là một trong những sự câu thúc bị bỏ lại khi một người hòa vào dòng chảy của Pháp.

Thiền sư Ajahn Chah đã làm điều tương tự khi có người tìm đến gặp ngài. Người đó đang nói về sự tăng trưởng tốt đẹp trong sự thực hành của mình, rằng người này thực hành vô cùng chăm chỉ và có sự tiến bộ vượt bậc và lúc này khá là tự tin rằng mình đang xuôi mái đến con đường tu tập quả vị A-la-hán. Ngài Ajahn Chah ậm ừ và nói, “Như thế thì tốt hơn là một con chó”. Đặc biệt là ở Thái Lan, khi bạn so sánh người nào đó với một con chó, điều đó là xấu. Người đó cực kỳ thất vọng. Ngài Ajahn không thể giúp gì nhưng nói, “Vậy là xong cho bậc thánh Nhập lưu”.

Vì thế tâm từ, sự nghiêng chuyển đến những ước nguyện tốt đẹp, là một phần mang tính mục tiêu của Pháp. Khi chúng ta tu dưỡng tâm từ, không phải là điều gì đó tách biệt khỏi sự thực hành Pháp, quán tưởng về Pháp. Chúng đan kết lại với nhau và tương trợ nhau. Chúng ta rèn luyện và mang tâm từ vào bên trong bản thể không chỉ giúp thiết lập những trạng thái thiện lành của ý thức và các trạng thái bình tĩnh của sự vững trú. Nó cũng đặt nền tảng cho sự hiểu biết sâu sắc vì đó là một công cụ hữu ích để tạo ra một sự bền vững và sáng rõ của tâm, cho phép chúng ta thấy được Pháp. Chúng ta quán tưởng và thâm nhập vào Pháp nhưng cũng thấy được rằng đây là một kết quả.

Chúng làm việc cùng nhau và đan kết cùng với nhau. Vì thế dành sự chú tâm đến các phẩm chất này là điều gì đó cho phép chúng ta đạt được niềm cảm hứng và niềm tin trong Pháp.

[8] Phần dịch nghĩa này có tham khảo bản dịch Kinh Tăng Chi Bộ của Hòa thượng Thích Minh Châu

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app