Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Hướng dẫn hành thiền tâm từ

Khi chúng ta có thể thiết lập ước muốn về sự an lành,

tâm từ này đặt nền tảng cho những phẩm chất

của lòng bi mẫn, tùy hỷ và xả.

Khi chúng ta tu tập sự hành thiền về tâm từ này, một sự đa dạng các mô thức có thể được sử dụng. Một vài trong số đó có thể khá phức tạp và một số khác thì khá đơn giản. Điều quan trọng nhất là nhận diện được cách nó vận hành, nó tác động thế nào đến chúng ta. Cái nào cộng hưởng và giúp mang vào trong bản thể cảm thọ và sự tri nhận về tâm từ, sự hứng thú trong ước nguyện cho sự an lành cho bản thân và những người khác?

Như một sự thiền tập, việc sử dụng các từ và các ngữ là cách hiệu quả để thiết lập sự chánh niệm hay những sự quán tưởng. Chúng ta có thể sử dụng một ngữ để gieo hạt giống đó bên trong tâm và con tim. Vì bản chất của tâm là bắt theo các dòng suy nghĩ khác nhau và thường là với những câu chuyện (không chỉ là những câu ngắn, nho nhỏ ở chỗ này chỗ kia), chúng ta sử dụng các ngữ đó để giúp theo dõi tâm. “Ồ, đúng rồi, tôi đang hành thiền tâm từ”.

Vì thế, sử dụng các ngữ đó, có lẽ từ bài pháp của Đức Phật về tâm từ – “Tôi mong được ở trong sự hân hoan và trong sự bảo hộ, mong cho tất cả chúng sanh đều được dễ chịu” hay “Tôi mong được an lành, hạnh phúc và bình yên” – là một cách theo dõi tâm và nhắc nhở tâm về điều nó đang định làm. Vì thế, đó thật sự là thiền tập; đó là cách chúng ta rèn luyện tâm.

Ở Thái Lan, một trong những phương pháp hay kỹ thuật thiền tập phổ biến nhất là sử dụng từ “Buddho”- tên của Đức Phật. Niệm “bud-” khi hơi thở vào và niệm “-dho” khi hơi thở ra: chỉ một từ đơn giản đó. Nếu muốn, bạn có thể sử dụng từ “mettā”: niệm “met-” khi hơi thở vào và niệm “-tā” khi hơi thở ra. Sử dụng từ ngữ đó để theo dõi tâm. Hòa vào trong cảm thọ, các trường nghĩa của tâm từ mà bạn quán tưởng đến. Điều này giúp cho tâm hướng sự chú ý và năng lượng của nó đến với trạng thái cảm xúc dễ chịu về ước nguyện tốt đẹp.

Trong thực hành thiền, tâm từ có chức năng vô cùng hữu ích trong việc cung cấp “độ ẩm cảm xúc”. Nếu bạn nghĩ, “Anicca (vô thường), dukkha (khổ), anattā (vô ngã), anicca, dukkha, anattā, anicca, dukkha, anattā” thì sau một lúc nó trở nên khá khô khan. “Vô thường, bất như ý, vô ngã, vô thường, bất như ý, vô ngã” là vô cùng đúng. Tuy nhiên, tâm phải được chuẩn bị và cần được cân bằng. Thiền tâm từ có thể là một nền tảng rất hữu dụng để cung cấp ý niệm về độ ẩm, về sự ấm áp và sự sáng rõ cho tâm.

Ngược lại thì cũng đúng. Nếu bạn thật sự nhìn thấy sự vô thường, bất như ý và vô ngã – một trong những dấu chỉ chắc chắn rằng sự hiểu biết sâu sắc là một điều đúng đắn, là ý niệm về sự tử tế phổ quát và ước nguyện tốt đẹp khởi sanh. Bạn nghĩ rằng, “À, mọi người đều ở trên cùng một con thuyền”. Sau đó, có ý thức về sự quan tâm, phản hồi tự nhiên của con tim đối với một sự hiểu biết sâu sắc.

Thường thường, chúng ta không bắt đầu bằng những sự hiểu biết sâu sắc. Cũng tốt khi chúng ta rải một chút ít tâm từ để bôi trơn những sự hiểu biết sâu sắc và con tim để nó sẵn sàng, chín muồi và có thể hồi đáp. Ngoài ra, khi chúng ta tiếp tục trong sự thực hành tâm linh đặc biệt này, hoàn toàn là tự nhiên để trở nên quen thuộc hay thân quen với cấu trúc đặc biệt của sự quán tưởng, điều nghiên và sự thực hành mà chúng ta đang tiến hành. Do đó, có được sự thực hành mang tính hỗ trợ giúp tạo ra một nền tảng rộng lớn cho sự thực hành và sự hiểu biết sâu sắc được chín muồi. Nó cho chúng ta năng lượng để thực hành.

Hôm nay tôi muốn giới thiệu như một sự hành thiền, bài tụng Rải tâm từ – tất cả đều dành cho bốn tâm vô lượng – brahmavihāra. Gần như một nửa bài tụng là đặc biệt nói riêng về tâm từ. Tôi nghĩ điều này khá phù hợp trong bố cục đó, rằng tâm từ thật sự là cửa ngõ đi vào các vô lượng tâm còn lại. Khi chúng ta có thể thiết lập ước muốn về sự an lành, tâm từ này tạo nền tảng cho các phẩm chất của lòng bi mẫn, tùy hỷ và xả. Cố gắng thiết lập tâm xả hay tâm hỷ dựa trên chính nó là không dễ dàng chút nào, nhưng tâm từ là một cửa ngõ thích hợp dẫn vào những sự vĩnh hằng cao quý này.

Bài tụng bắt đầu bằng một phát ngôn rất trực tiếp: trong tiếng Pali, Ahaṃ sukhito homi, nghĩa là “Tôi mong được hạnh phúc”. Tất nhiên, nếu bạn đang tụng “Tôi mong được hạnh phúc”, nó rớt xuống và hơi ngang. Trong khi đó, nếu bạn bắt đầu bài tụng “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành” thì tụng nghe hay.

“Tôi mong được hạnh phúc” là câu dịch vô cùng chính xác từ Ahaṃ sukhito homi, nhưng tôi nghĩ cũng phù hợp để thêm vào một chút thi điệu, để dễ dàng tụng hơn: “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành”. Với tôi, tụng đọc câu kinh này trong nhiều thập kỷ cho đến giờ, đó là điều diễn ra khi tôi nghĩ về những từ ngữ này. Khi tôi sử dụng nó như một sự thiền tập, nó xuất hiện như một bài tụng. Là một khó khăn cho tôi nếu chỉ phát nó ra một cách thuần túy.

Đây là một bài tụng vô cùng đẹp đẽ. Thiết lập ước muốn rằng: “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành, tôi mong được cứ ngụ trong niềm hạnh phúc, tôi mong được cứ ngụ trong tất thảy những điều vui thú và hứng khởi”. Ước muốn điều chuyển sự chú tâm về cho bản thân. Đó là phương thức tu dưỡng tâm từ vô cùng cổ điển: điều chuyển sự chú tâm đi vào bên trong và thiết lập cảm thọ thật mạnh mẽ về những ước muốn tốt đẹp cho bản thân.

Trong các kinh điển có ghi lại một sự trao đổi rất dễ thương giữa vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạc Lợi. Ông là vua xứ Kiều Tất La trong thành Xá Vệ, nơi Đức Phật dành hầu hết thời gian cho mùa an cư của mình ở vườn Kỳ Hoàn và nơi khác trong vùng. Vì thế, Đức Phật rất thân quen với vua Ba Tư Nặc. Hoàng hậu Mạc Lợi là một Phật tử thuần thành và có sự thực hành vững chãi. Vua Ba Tư Nặc có sự thâm tín ở Đức Phật, nhưng chưa bao giờ có sự đề cập nào về bất cứ mức độ giải thoát nào nhà vua đạt được.

Một lần nọ, trong cung điện, vua Ba Tư Nặc hỏi hoàng hậu rằng, “Ai là người ái khanh yêu thương nhiều nhất?” – Hoàng hậu Mạc Lợi đáp, “Thưa đức vua, thần thiếp yêu thương bản thân mình nhiều nhất”. “Hừm”, nhà vua thầm nghĩ. Ông luôn sủng ái bà nhất. Nhà vua hết mực yêu thương và quý trọng bà, vì thế phải có điều gì đó đằng sau câu trả lời này.

Vua Ba Tư Nặc đến gặp Đức Phật và thuật lại cho Đức Phật nghe cuộc đối thoại giữa mình và hoàng hậu Mạc Lợi. Đức Phật nói, “Đó chính xác là những gì mà thái độ của mỗi người nên có và đó là biểu hiện của nó trong thực tế. Chỉ khi nào chúng ta yêu thương và trân quý chính bản thân mình một cách trọn vẹn thì chúng ta mới có thể thật sự quan tâm và yêu thương người khác. Chúng ta cần có nền tảng đó” (Kinh Tương Ưng Bộ 3.8). Đây không phải là sự ám ảnh vị kỷ với cái “tôi”. Trên thực tế, chúng ta thật sự cần yêu thương chính bản thân mình.

Nếu tôi ăn gì đó, không ai khác được no cả. Chúng ta đã liên hệ với chính bản thân chúng ta, trước hết ở cấp độ tế bào. Vì thế, ở cấp độ cảm xúc, chúng ta cần “tham gia” vào bản thân mình theo những cách phù hợp và thiện xảo. Khi chúng ta chăm sóc cho bản thân mình, tham gia vào sự an lành của mình thì đó mới là lúc chúng ta có thể là một nơi nương tựa và mới có thể có mặt ở đó vì người khác được. Là con người, chúng ta không quá khác biệt nhau, dù chúng ta có tất cả giả định về sự độc nhất đầy thu hút của mỗi người. Chúng ta không quá khác nhau, vì thế khi chúng ta hòa vào và thấu hiểu bản thân mình, chúng ta có thể thật sự có mặt vì người khác. Đó là sự ám ảnh phi thiện xảo với chính bản thân mình, làm cô lập chúng ta khỏi người khác.

Do đó, hãy thiết lập ý niệm “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành”. Hãy thu nhận điều đó vào và mở rộng con tim đến ước nguyện chân thành, “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành và giải thoát khỏi sự phiền não”. Trong ngôn ngữ Pali, ngữ này là niddukkho homi, không có khổ đau, dukkha. Avero homi là “trong sự giải thoát khỏi thù nghịch”. Vera là xung đột và cũng là những điều hận thù – những điều hận thù, xung đột và oan trái trói buộc chúng ta lại với nhau một cách trớ trêu. Trong tiếng Thái, có một ngữ mà chúng ta nói khi có điều gì đó bất ổn xảy ra. Trong tiếng Anh, chúng ta nói, “Ôi trời đất quỷ thần ơi!”. Trong tiếng Thái, đó là “Wain gam” nghĩa là “Ồ, đây là oan trái và nghiệp”. Hãy thiết lập ước muốn, “Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự thù nghịch”, trong sự giải thoát khỏi bất cứ sự xung đột nào.

“Abyāpajjho homi”: sự giải thoát khỏi ác ý. Abyāpajjho là ác ý, sân giận, bực tức và ác cảm. “Tôi mong được giải thoát khỏi sự ác ý”. Anīgho homi: trong sự giải thoát khỏi điều bất an, lo lắng hay sợ hãi. Hãy thiết lập ước muốn đó, “Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự bất an”.

Sukhī attānaṃ pariharāmi: attā là tôi, tự ngã. “Tôi mong được hạnh phúc và tôi mong duy trì được sự an lành bên trong bản thân mình”. Hãy kéo sự chú tâm đến ước muốn cho sự giải thoát khỏi điều ưu phiền, thù nghịch, ác ý và bất an cũng như ước muốn duy trì được sự an lành. Hãy thiết lập bản thân bạn thật vững chắc trong sự an lành. Khi bạn phát triển sự thực tập này như một sự thiền tập, bằng việc thực hành những ngữ này, bạn có thể lặp đi lặp lại nó nhiều lần cho đến khi cảm thấy nó vững chắc và bạn cảm thấy cố kết chặt chẽ trong sự an lành.

Sau đó, để cho nó mở rộng thêm một chút nữa: không được điều hướng về cho bản thân bạn, nhưng lan tỏa hơn một chút: “Mong cho tất cả mọi người được cứ ngụ trong sự an lành”. Trong tiếng Pali, ngữ Sabbe sattā sukhitā hontu có nghĩa là: “Mong cho tất cả chúng sanh đều được cứ ngụ trong sự an lành; mong cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc”. Sau đó, tiến đến những sự quán tưởng hay những khát vọng tương tự như thế. Sabbe sattā averā hontu: “Mong cho tất cả chúng sanh đều được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi thù nghịch, ác ý và bất an”. Những cảm thọ của sợ hãi, lo lắng, bất an là một phần không chỉ của con người mà còn là hiện trạng phổ quát của sự ham sống dù đó là một con người, một động vật hữu nhũ hay một con côn trùng. Miễn là bạn có sự ham sống, bạn đang bảo vệ nó. Mỗi thể sống đều muốn thoát khỏi sự đau đớn cũng như bất kỳ mối đe dọa nào.

Tất nhiên, sẽ luôn có một mối đe dọa nào đó. Sống trong rừng rậm, các động vật liên tục phải đối diện với nguy hiểm. Tu viện Abhayagiri nằm trong rừng và có nhiều động vật ở đó. Hươu nai, đặc biệt là những con cái, chúng không có bất cứ công cụ gây hấn về thể chất nào rõ ràng nhưng chúng có đôi tai to và chúng đang lắng nghe. Chúng có đôi mắt to và chúng đang dòm ngó bất cứ gì có thể đe dọa chúng. Có sự bất an ở đó. Đó là bản chất của việc được sinh ra với một thân vật lý: chúng ta có thể bị tổn thương. Chúng ta có thể bị ám ảnh bởi điều này và tự bao vây chính mình bằng sự bất an.

Có một quyển sách của tác giả Robert Sapolsky, có tựa đề Why Zebras Don’t Get Ulcers (Tại sao ngựa vằn không có khối u). Nếu có sự đe dọa và một con sư tử đến tấn công, ngựa vằn sẽ lấy hết sức bình sinh mà thoát ra khỏi nơi đó. Chúng có thể bị vồ hay chứng kiến bạn bè bị sư tử vồ, nhưng sau khi điều đó kết thúc, ngựa vằn lại gặm cỏ ở ngay nơi đó. Trái lại, con người thì liên tục hoạch định về mối đe dọa tiếp theo do mình suy tưởng, điều đó có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Và kết quả là chúng ta bị các khối u. Đó là một sự hồi đáp phục vụ tốt cho chúng ta trong một số hoàn cảnh nhất định nhưng khi nó được áp dụng trên mọi lĩnh vực thì nó không thật sự phục vụ cho chúng ta tốt như vậy. Cứ ngụ trong sự bất an là vô cùng không thoải mái.

Trên mặt giấy tôi phổ biến cho các bạn về sự chia sẻ tâm từ, có một công thức rất tương đồng với một chút thay đổi tốt đẹp. Nhưng nó sử dụng cùng những cấu trúc đó và rất cổ điển. Nó nằm trong một bộ luận có từ rất sớm, Luận Đạo Vô Ngại Giải – Paṭisambhidāmagga, có niên đại rất lâu trong kinh tạng Pali. Đây là các công thức dành cho một trong những cách tu dưỡng tâm từ: phát triển sự giải thoát khỏi sự thù nghịch, giải thoát khỏi sự ác ý, giải thoát khỏi sự bất an và kế đến là ước muốn được hạnh phúc. Để khi chúng ta tu dưỡng theo sự trích dẫn và quán tưởng này, chúng ta tu dưỡng cảm thọ “Tôi mong được an lành, hạnh phúc và bình yên. Và chính khi tôi mong được an lành, hạnh phúc và bình yên, tôi cũng mong cho tất thảy chúng sanh đều được an lành, hạnh phúc và bình yên”.

Đây là sự nhận diện rằng, ước muốn đó không chỉ được tách biệt hay được đặt trọng tâm duy nhất cho bản thân mình. “Cũng giống như cách tôi ước muốn có được an lành, hạnh phúc và bình yên cho bản thân mình, mong cho tất cả chúng sanh đều được trải nghiệm điều đó. Tôi mong được giải thoát khỏi sự oán thù, mong cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát khỏi sự oán thù. Tôi mong được giải thoát khỏi bất kỳ sự khổ đau nào. Và khi tôi mong được giải thoát khỏi bất kỳ sự đau khổ nào, mong cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát khỏi bất kỳ sự khổ đau nào. Tôi mong được sống trong bình yên và hạnh phúc. Và khi tôi mong được sống trong bình yên và hạnh phúc, mong cho tất cả chúng sanh đều được sống trong bình yên, hạnh phúc”.

Đây là các ngữ và các cấu trúc hữu ích. Thật hữu ích khi am hiểu tiếng Pali, ngôn ngữ của kinh điển, vì đôi khi tiếng Anh của chúng ta có sự ùn ứ của những sự liên hệ và các mô thức của thói quen tác động đến những suy nghĩ và tác động đến các phản ứng của chúng ta. Khi chúng ta nghiên cứu sâu về Phật giáo, ngôn ngữ Pali và không chỉ những ngữ này, có thể đều rất hữu ích.

Chức năng duy nhất mà ngôn ngữ Pali đã đảm đương trong khoảng hơn 2.300 năm qua là duy trì những bài pháp của Đức Phật. Đó là một ngôn ngữ mang tính kỹ thuật và Đức Phật có lẽ đã nói theo cách rất giống như vậy – vẫn còn nhiều tranh cãi về điều này. Pali là một phương ngữ cổ của vùng trung Ấn, được sử dụng để viết nên kinh điển Phật giáo. Vì thế thậm chí nếu nó không chính xác với những gì Đức Phật đã thuyết giảng vào thời đó thì nó cũng sẽ rất, rất gần với những điều đó. Và chức năng của nó là để truyền trao lời Phật dạy, kinh điển và những bài thuyết giảng. Đó là ngôn ngữ mang tính kỹ thuật dùng để phục vụ cho những đề mục tâm linh.

Như tôi đã nhiều lần đề cập trong mấy ngày qua, “thiện” (kusala) và “bất thiện” (akusala) là các thuật từ mang tính kỹ thuật chỉ cho một trạng thái đặc biệt của tâm là thiện lành, thiện xảo và mang lại lợi ích; và đối lập lại là bất thiện, phi thiện xảo và không mang lại lợi ích. Chúng có những tham số đặc biệt. Tham ái là tham muốn cụ thể có nguồn gốc từ tham, sân, si và không nhận diện được đúng bản chất của các pháp. Khi Đức Phật nói tham ái là nguồn gốc của khổ đau, Ngài không nói tham muốn, như một thuật từ chung chung, là nguồn gốc của khổ đau. Mà đó là một dạng thức cụ thể của tham muốn. Vì thế, đôi khi thật hữu ích, như một sự thực tập, để tự mình làm quen với một vài trong số những thuật từ cơ bản. Sau đó mọi thứ bắt đầu được gợi mở.

Khi bạn tu dưỡng phẩm chất của tâm từ một cách có ý thức, hãy mang sự chú tâm đến “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành”, cố gắng thiết lập ước muốn đó một cách vững chắc và rõ ràng đến cho chính bạn, bên trong tâm. Nhưng nó không chỉ tác động đến bạn; nó còn chuyển hóa bạn và thông qua việc chuyển hóa bạn, nó còn có tác dụng đối với thế giới và con người xung quanh bạn. Sau một tuần thực hành và rèn luyện tâm từ, hãy quay trở về nhà hay nơi làm việc và ghi chú lại bất kỳ điều gì mà bạn nhận thấy khác biệt ở đó. Hay ai đó sẽ nói một cách thiếu tin tưởng rằng, “Bạn đã quay trở về sau một tuần thực hành và rèn luyện tâm từ rồi đó ư?”.

Có một câu chuyện được kể trong Thanh Tịnh Đạo Luận – Visuddhimagga, một bản luận về một người đàn ông đến từ Ấn Độ. Người này nghe nói về nước Tích Lan và biết được có nhiều người hành thiền ở đó. Đó là khoảng gần 1.000 năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Những sự thay đổi lớn đã diễn ra tại Ấn Độ vào thời điểm đó và Phật giáo đang hưng thịnh ở Tích Lan. Người đàn ông này có ý định xuất gia; vì thế ông từ bỏ việc làm ăn kinh doanh của mình, cắt ly gia đình, đi đến Tích Lan và xuất gia. Ông ấy yêu thích thiền tâm từ, vì thế ông học cách thực hành thiền và đến sống ở một nơi có nhiều hành giả đang thực tập thiền tâm từ.

Ông sống trong một cái cốc đặc biệt trong rừng sâu, được bao bọc bởi những lùm cây xinh đẹp. Ông rất chuyên cần trong việc tu tập thiền tâm từ và thực hành một cách chăm chỉ trong bốn hay năm tháng. Sau đó có một ước nguyện xuất hiện trong tâm của ông ấy, “Có lẽ tôi sẽ đến ở một tu viện khác và thực hành cùng với một vị thầy nào đó”.

Với sự hình thành ước nguyện đó, ông nghe được những tiếng thổn thức bên ngoài nơi ở của mình. Vì thế, ông bước ra ngoài và thấy một vị thần sống trên một cây to gần đó. Ông ta hỏi vị thần có việc chi không và vị thần ấy nói, “Ông vừa có ý nghĩ rằng ông muốn rời khỏi nơi này và điều này làm ta buồn. Trong lúc ông ở đây, thực hành tâm từ, ta hạnh phúc và tất cả các chúng sanh xung quanh nơi đây cũng đều được hạnh phúc. Nếu ông bỏ đi, tất cả các vị thần và phi nhơn khác sẽ hơn thua và cự cãi trở lại, giống như họ đã từng trước đây. Trong lúc ông ở đây thực hành, mọi thứ đều bình yên”.

Do đó, vị thầy ấy đã ở lại lâu hơn và tiếp tục với sự thực hành của mình. Trong truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, điều này xảy ra ba lần. Cuối cùng, vị này từ bỏ quyết tâm đi đến nơi khác và ở lại đó và đạt được sự giác ngộ, giống như kết thúc của nhiều câu chuyện khác.

Ai đó có thể nói rằng đây chỉ là một câu chuyện nhạt nhẽo từ kinh điển nhưng tôi cũng có biết một vị tăng, với điều tương tự đã xảy ra. Vị tăng ấy thật sự là biểu trưng của lòng từ. Ngài vẫn còn tại thế – tên của ngài là Ajahn Gunha, và ngài là cháu của Thiền sư Ajahn Chah. Hiện giờ, ngài đã bước vào tuổi 60, khỏe mạnh. Ngài đã có được nhiều sự giác ngộ quan trọng khi chỉ mới là một vị tăng trẻ, ngài thực hành một cách chuyên cần, và phẩm chất của tâm từ là một đặc trưng nổi bật của ngài.

Ngài đã một mình chu du khắp nơi trước khi trú tu trong tu viện. Nơi đó dọc biên giới Burma, một khu vực có nhiều cánh rừng trải rộng nhưng cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc bạo loạn. Ngài đang băng qua một khu rừng khi đi ngang một doanh trại lớn của những người bạo động. Ngay lập tức, họ vây lấy ngài, chĩa vũ khí và cố gắng tra vấn ngài: “Làm thế nào ông ta có thể đi vào trong đó?”. Họ nghĩ rằng ngài chính là gián điệp của chính phủ bởi vì toàn bộ khu vực xung quanh doanh trại của họ đều được chôn mìn và ngài đã có thể đi băng qua những bãi mai phục mìn. Họ bắt giữ ngài trong một thời gian dài và tiếp tục chất vấn ngài. Nhưng sự thật là, khi họ nhận ra rằng ngài đã nói đúng sự thật và thật sự ngài đã băng ngang qua những bãi chôn mìn mà không bị nổ, họ đã đối đãi nồng hậu với ngài, chăm sóc và cung cấp vật thực cho ngài.

Sau một thời gian, họ bị thuyết phục rằng ngài là một nhà sư chân chính và rằng họ nên để cho ngài đi. Họ đã tháp tùng ngài, tận mắt chứng kiến ngài băng qua những bãi mìn và thả cho ngài đi. Sau đó, họ quay trở lại doanh trại và nhận ra rằng: “Tại sao chúng ta lại để cho ông ấy đi? Thật tốt khi có một vị tăng ở đây. Mọi người đang sống một cách hòa hợp và vui vẻ. Ông ấy chính là sự hiện diện tuyệt vời cho chúng ta”. Vì thế họ đã đuổi theo và mời ngài quay trở lại. Họ sẽ chăm sóc ngài trong mùa an cư. Ngài đã có lời hứa an cư ở một nơi khác nhưng đã bày tỏ sự cảm kích trước lời đề nghị của họ. Vì thế, đó chính là sự có mặt của tâm từ. “Trong lúc có ông ấy ở đây, mọi thứ đều tốt đẹp”.

Do vậy, chúng ta hãy dành ra chút thời gian để chỉ ngồi và sử dụng các ngữ, các cấu trúc đặc biệt này. Hãy thiết lập sự dễ chịu, tỉnh thức và thoải mái trong tư thế ngồi. Hãy để cho việc hít thở được tự nhiên, dễ chịu. Hãy thư giãn bất kỳ sự căng thẳng nào. Hãy để cho hơi thở đi vào rất, rất rõ ràng, không có bất kỳ sự cản trở nào. Hãy để cho hơi thở đi ra không có sự cản trở, không kiểm soát, chỉ cảm thấy thật thoải mái và dễ chịu.

Khi bạn cảm thấy dễ chịu về mặt cơ thể, sự chú tâm và chánh niệm có mặt. Sau đó, thiết lập ước muốn, “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành”. Hãy để cho hơi thở đi vào và đi ra. Hãy để cho con tim cộng hưởng với ước muốn chân thành đó, “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành. Tôi mong được cứ ngụ trong niềm hạnh phúc. Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi điều phiền não”. Hãy để cho điều đó cộng hưởng khắp thân và tâm của bạn. “Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi khổ đau và điều gây khó chịu – khổ đau về mặt tinh thần, thể chất hay bất cứ khổ đau nào”. Hãy thiết lập ước muốn đó cho chính bạn, yêu thương chính bản thân mình với ước muốn chân thành cho sự giải thoát khỏi bất cứ điều gì là phiền não, cản trở.

Hãy để cho ước muốn đó là một nguồn năng lượng bên trong thân và tâm. Hãy để cho nguồn năng lượng đó lưu chảy khắp nơi và quyện ngấm toàn thân, tâm: ước muốn chân thành đó cho niềm hạnh phúc, cho sự giải thoát khỏi khổ đau.

“Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi điều thù nghịch”. Hãy để cho tâm buông xả và phóng thích bất kỳ ý định thù hận, ác cảm hay tiêu cực nào đối với chính bạn hay đối với người khác bởi vì người đầu tiên bị phương hại khi bạn hình thành một chủ ý của sự thù hận hay ác cảm chính là bạn. Hãy phóng thích và buông xả bất kỳ sự tiêu cực có chủ ý nào hay hãy mong ước rõ ràng: “Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi điều thù nghịch. Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự ác ý”. Một lần nữa, không thiết lập bất kỳ sự đố kỵ hay xung đột nào, hãy buông tất cả chúng xuống và hướng chuyển đến ước muốn, cảm nhận và khát khao về sự an lành cho chính bạn.

“Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự bất an”. Hãy nhận diện xu hướng không thể tránh khỏi đối với sợ hãi, lo lắng, bất an; nhưng hãy thiết lập chủ ý: “Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi bất kỳ sự bất an nào”. Nhận diện rằng sẽ là một thế giới rất khác biệt cho bạn và những người xung quanh bạn nếu có được sự giải thoát khỏi bất an và sợ hãi.

“Tôi mong luôn duy trì được sự an lành bên trong tôi”. Quay trở lại với ước muốn, khát khao cho sự ổn định của sự an lành, ý niệm bền vững về niềm hạnh phúc có mặt khi tâm chúng ta không bị đắm chìm bởi những thói quen tiêu cực của tâm. Hãy nhận diện rằng đây là điều thật sự khả dĩ. Đó là một khát khao cao quý để thiết lập cho chính mình. Nó đang giữ lấy chính bạn, yêu thương chính bạn một cách đúng đắn.

Hãy để cho những khát khao và sự quán tưởng này, tâm từ này quyện ngấm và lan tỏa trong thân và tâm. Khi điều đó được thiết lập mỗi lúc một mạnh mẽ hơn và cảm thấy ổn định, hãy để sự tập trung được mở rộng hơn. Hãy mở rộng sự tập trung để nó bao trùm mọi thứ chung quanh bạn, bao gồm tất cả những người khác. “Mong cho tất cả chúng sanh đều được cứ ngụ trong sự an lành. Mong cho mọi người đều được cứ ngụ trong sự an lành. Mong cho mọi người đều được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi điều thù nghịch”.

Chúng ta không thể bắt ép cả thế giới và tất cả mọi người sống theo cách đó, nhưng chúng ta có thể có niềm khát khao đó. Chúng ta có thể tri nhận được điều lợi ích. Hãy giữ nó trong tim. “Mong cho mọi người đều được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự ác ý”. Chúng ta có thể thấy rằng khổ sở và đau đớn phát sanh từ sự ác ý; vì thế hãy phát triển ước muốn thật chân thành về lòng bi mẫn, sự thân thiện và sự quan tâm. Hãy ước nguyện rằng tất cả chúng sanh đều được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự ác ý.

Hãy để cho tâm cởi mở và được mở rộng ra, mong ước có được sự an toàn và bảo hộ. “Mong mọi người đều được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự bất an”.

“Mong cho mọi chúng sanh đều duy trì được sự an lành bên trong họ”. Khi chúng ta có thể thiết lập chủ ý này mà không có sự phân chia trong tâm, chúng ta ngừng chia cắt bất cứ một ai thành “chúng tôi” và “họ”, nhóm của tôi và nhóm kia. Hãy phát triển ước muốn và khát khao rộng mở ấy, rằng mỗi người có thể duy trì được sự an lành bên trong anh ấy hay bên trong cô ấy. Điều này cho phép tâm phá vỡ những rào cản về cách chúng ta thường xuyên so sánh và phân chia, và đau khổ vì điều đó.

Sự tu dưỡng theo những ngữ này và hòa vào trong các cảm thọ sanh khởi là hữu ích cho sự tu dưỡng trạng thái của tâm từ và chúng cũng cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc về cách mà tâm hoạt động: cách chúng ta yêu thương hay bỏ qua chính bản thân mình, cách chúng ta nhìn về người khác, cách chúng ta so sánh, cách chúng ta phán xét. Trong thiền tâm từ, khi chúng ta để cho con tim cứ ngụ trong sự tử tế và an lành thì không có sự phán xét hoặc so sánh.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app