Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm 

Hỏi và đáp

Chúng ta bắt đầu phần Hỏi và Đáp.  Có lẽ sẽ có rất nhiều câu hỏi.

Điều này luôn được hoan nghênh.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ nói về thiền định – thiền quán (samatha-vipassanā) và giải thích sự khác biệt giữa sự định tĩnh và xả?

Đáp: Samatha-vipassanā (thiền định – thiền quán) thật ra là sự phân chia mang tính luận trong đó, Samatha là nói về sự định tĩnh, vipassanā là nói về sự hiểu biết sâu sắc. Điều này có căn cứ từ kinh điển, ở một chừng mực nhất định nào đó nhưng vì các phẩm luận cố gắng hệ thống hóa những lời dạy và phương pháp thực hành của Đức Phật nên có sự phân chia về mặt ý nghĩa và thực hành này. Samatha bao gồm sự thực hành về sự tập trung và khinh an. Còn sự thực hành của vipassanā lại là những kỹ thuật nhìn thấy bên trong sự vật.

         Tôi có khuynh hướng thiên về truyền thống sớm nhất của đạo Phật. Bản thân Đức Phật không hướng đến tách bạch sự khác biệt giữa hai sự thực hành thiền định và thiền quán. Thầy của tôi, Thiền sư Ajahn Chah cũng vậy – ngài không dạy theo cách có sự phân biệt to lớn giữa hai sự thực hành này. Ngài thường nói, “Thiền định và thiền quán giống như một trái xoài còn xanh và một trái xoài chín. Cùng là xoài nhưng đó là một phần của quá trình chín dần”.

         Các khía cạnh của sự tập trung – định tâm, nhất tâm để tạo ra sự an định – là một phần của quá trình chín dần của quả xoài xanh. Các khía cạnh của sự thực hành như sự quán chiếu, xem xét và suy ngẫm là cùng thuộc về một tổng thể của sự thực hành và rèn luyện. Chúng phụ thuộc lẫn nhau. Sự thành thạo trong cả hai khía cạnh của sự rèn luyện này được đòi hỏi để tâm, con tim của chúng ta được “chín” trong sự buông bỏ và giải thoát.

         Có một sự khác biệt giữa sự định tĩnh và xả. Sự định tĩnh thường được sử dụng để dịch cho từ samatha (sự an định hay sự bình yên vĩnh hằng của tâm). Đây chính là kết quả của sự tập trung và thực hành sự tập trung.

         Xả, thiên nhiều hơn về sắc thái trong ý nghĩa rằng, đầu tiên đó là một tâm vô lượng, một phần trong tổng thể của bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả). Đây là những trạng thái tâm cao quý và cao thượng dẫn đến trạng thái tỉnh thức rất tinh khiết của tâm. Xả cũng còn là một yếu tố của sự giác ngộ. Thất Giác chi hay Thất Bồ-đề phần (Bảy yếu tố của sự giác ngộ) theo lời dạy của Đức Phật là chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, tâm hỷ, tâm khinh an, chánh định và tâm xả. Xả cũng là yếu tố của trí tuệ trong ý nghĩa tâm trở nên rất ổn định, kiên cố, không lay chuyển vì sự hằng hữu có liên quan đến cả cảm xúc và trí tuệ. Do vậy, xả thiên về sắc thái của tâm. Thiền định chỉ là sự định tâm, sự bình yên của tâm, một sự bình yên hằng hữu.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ giải thích quá trình lâm chung. Điều gì xảy đến với chúng ta khi chúng ta chết đi hay khi cơ thể chúng ta ngừng hoạt động? Sự tái sanh diễn ra nhanh như thế nào? Có bất kỳ điều gì vào những phút giây cuối cùng ấy ảnh hưởng đến cách chúng ta tái sanh như: những suy nghĩ của chúng ta, môi trường xung quanh chúng ta và cách chúng ta được chăm sóc, những xúc cảm trưởng thành hay chưa thật sự trưởng thành của chúng ta,…?

Đáp: Một trong những điều tốt đẹp cần lưu tâm đến là khi nghĩ về quá trình lâm chung, chúng ta thường tưởng rằng, “Tôi đang ở đó, trên chiếc giường ở nhà mình, được vây quanh bởi gia đình và những người mình yêu thương và sau đó tôi chú tâm một cách chánh niệm đến quá trình lâm chung”. Trên thực tế, những điều bất trắc mà chúng ta không lường đến xảy ra nhiều hơn, như khi đang lái xe ngoài đường vào ban đêm đột nhiên những chiếc đèn pha lao thẳng vào bạn và “Ôi, trời ơi!”. Đó chính là quá trình của sự lâm chung. Hoặc đó là điều hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của bạn: bạn được xe đưa đến bệnh viện vì lý do nào đó, và sau đó người bạn được gắn đầy các ống dẫn truyền y tế và bạn ngạc nhiên, “À, cách mọi việc đang diễn ra không phải điều tôi mong muốn”.

         Chúng ta lý tưởng hóa về cách mình nghĩ mình sẽ chết. Cái chết có thể đến nhanh, đến chậm, đến như sự ước định của chúng ta, cái chết cũng có thể đến không như ước định của chúng ta – thường là như vậy, đó là điều xảy ra trên thực tế. Vì vậy, chuẩn bị cho cái chết là sự quán chiếu và xem xét cần được thực hiện mỗi ngày. Một trong những bài tụng trong quyển kinh tụng được gọi là Abhiṇhapaccavekkhana, Kinh Quán tưởng nhật hành: những điều cần được quán chiếu lặp đi lặp lại mỗi ngày. Đức Phật nói rằng chúng ta nên quán chiếu những điều đó mỗi ngày.

         “Bản chất của tôi là phải già đi; Tôi không thể ở ngoài quy luật của sự già đi. Bản chất của tôi là phải mang bệnh tật; Tôi không thể ở ngoài quy luật của bệnh tật. Bản chất của tôi là phải chết đi; Tôi không thể ở ngoài quy luật của sự chết. Tất cả những thứ gì của tôi, người tôi yêu quý và cảm giác hài lòng sẽ trở nên khác đi, sẽ trở nên cách biệt với tôi. Tôi là chủ nhân của nghiệp của mình, là người thừa tự nghiệp của mình, được sinh ra bởi nghiệp của mình, nằm trong giềng mối với nghiệp của mình, luôn chịu sự thúc đẩy của nghiệp. Dù là nghiệp gì do tôi tạo tác, tốt đẹp hay xấu ác thì chính tôi cũng là người thừa tự của nó”.

         Quán tưởng về sự già đi, bệnh tật, cái chết, vô thường, ly biệt và rằng chúng ta là chủ nhân của nghiệp mình tạo tác chính là sự chuẩn bị cho quá trình chết đi. Điều cực kỳ quan trọng là cần thử thách những sự suy tưởng, ảo tưởng về khả năng kiểm soát và giả định về việc mình sẽ sống bao lâu. Nếu đã thực hành được một thời gian, chúng ta sẽ hiểu ra rằng mình sẽ phải chết đi vào một thời điểm nào đó, nhưng thường là “trong tương lai xa xôi”. Sự chết diễn ra theo rất nhiều cách khác nhau.

         Chuyện gì xảy đến với chúng ta khi chúng ta mạng chung? Khi chúng ta chết đi, có sự phân rã của cơ thể vật lý, của những quá trình giúp duy trì sự sống, ở một mức độ nhất định nào đó là sự phân rã của tâm chúng ta. Không phải theo ý nghĩa rằng “chúng ta rơi rụng từng phần và trở nên điên đảo”, nhưng có sự tan rã của cái mà chúng ta quan niệm là “tâm của tôi và những suy nghĩ của tôi”. Chúng ta đã chống đỡ điều đó trong cả một đời sống và nhận định bằng những suy nghĩ, ký ức và sự suy tưởng. Nó bắt đầu sáng tỏ ra.

         Nếu những gì bạn đã làm là dành cả cuộc đời để đồng hóa mình với những suy nghĩ, cảm xúc, suy tưởng và ký ức; sau đó sẽ có sự hoang mang vì những thứ này sáng tỏ ra chỉ là điều tự nhiên mà thôi. Những sự quán tưởng trong thời kinh tụng buổi sáng bao gồm, “Thân là vô thường, các cảm thọ là vô thường, tưởng uẩn là vô thường, hành uẩn là vô thường, thức uẩn là vô thường; thân là vô ngã, các cảm thọ là vô ngã, hành uẩn là vô ngã, thức uẩn là vô ngã”. Đây là những sự quán tưởng vô cùng quan trọng cần thâm nhập và tiếp thu để chúng ta không đồng hóa và xây dựng ngôi nhà của cái ngã trong những hiện tượng vô thường, vô ngã – vốn là thói quen của chúng sanh.

         Sự tái sanh nói chung diễn ra khá nhanh. Theo truyền thống kinh điển Nguyên thủy, đó là sự tái sanh ngay lập tức. Các luận điểm của học thuyết bắt nguồn sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Các trường phái Phật học khác, như những người theo Phật giáo Nguyên thủy, họ cũng có những luận điểm đặc biệt về sự tái sanh, một trong số đó là sự tái sanh ngay tức thời này. Cũng có nền tảng kinh điển cho điều đó nhưng tôi nghĩ một trong những điều tuyệt vời về kinh điển Nguyên thủy là những người theo trường phái này đã cố gắng gìn giữ mọi thứ. Họ là nhân tố mang tính bảo tồn.

         Vì vậy trong khuôn khổ kinh văn, bạn cũng có thể tìm thấy những luận điểm mâu thuẫn với điều đó. Antarābhava – trạng thái thân trung ấm, trung hữu là trạng thái mà Đức Phật nói đến. Cũng có một bài pháp Đức Phật so sánh trạng thái thân trung ấm với một ngọn lửa đang bị gió thổi. Ngọn gió lấy đi ngọn lửa và đẩy nó đến một nơi nào đó khác, có thể gần hoặc có thể xa. Đức Phật so sánh điều đó với ham muốn, mức độ của tham ái – taṇhā và sự đồng hóa – điều thúc đẩy tâm đi đến sự tái sanh.

         Nói chung, tôi không nghĩ rằng sự tái sanh “vừa vặn và gọn ghẽ” như trong quan điểm của truyền thống Nguyên thủy – sự tái sanh ngay lập tức, hay sự tái sanh “vừa vặn và gọn ghẽ” như cách nghĩ của người Tây Tạng, sự tái sanh diễn ra trong 49 ngày, hay sự tái sanh là như vầy, như vầy hay như vầy. Tôi cho rằng không có bất cứ gì “vừa vặn và gọn ghẽ” cả. Nhưng có những quá trình mà thông qua đó sự tái sanh được khởi phát. Sự tái sanh được khởi phát bởi sự đồng hóa, sự dính mắc, trạng thái của tâm và mức độ sáng rõ, bình tĩnh bên trong tâm.

         Đó là lý do vì sao trong truyền thống Phật giáo Thái Lan luôn có sự nhấn mạnh đến việc chúng ta có thể cùng “tham gia” với người đang dần chết đi: hỗ trợ họ, chắc chắn rằng họ cảm thấy thoải mái và cảm nhận được sự dễ chịu trên cả ba phương diện là thể chất, cảm xúc và tâm linh. Cố gắng nhắc nhớ họ bằng cách tụng kinh, nói chuyện với họ, thiền định xung quanh họ, rải phát tâm từ xung quanh giường bệnh – đây là những cách hỗ trợ và tạo ra một trạng thái tâm lành thiện ở người sắp thân hoại mạng chung. Điều này thật sự có tác dụng khi tâm ở trạng thái lành thiện và trong sạch.

         Những sự quá độ đó cũng là thời điểm của cơ hội, của sự buông bỏ sâu sắc. “Đúng vậy, tôi đã nghe nói đến điều này. ‘Bản chất của tôi là phải chết đi’. Tôi đã nghe nói đến điều này rồi”. Điều quan trọng là sau đó có thể chuyển đến trạng thái buông bỏ khi tâm được an tĩnh. Đây là điều khả dĩ. Đó là lý do vì sao sự trợ duyên này có mặt và được khuyến khích như một nét văn hóa.

         Trong tất cả các nền văn hóa, đều có xu hướng tắm rửa thân thể – một nghi thức cho cả người còn sống lẫn người đã chết để họ có thể thực hiện sự quá độ trong sự bình yên và buông xả. Điều này là quan trọng.

         Cũng có nhiều người đã hình thành những thói quen không mấy thiện xảo trong quãng đời nhân sinh của mình. Một trong những vị tăng trước đây trong tăng đoàn của Thiền sư Ajahn Chah đã hỏi ngài về cách đối diện với cái chết và sự chết, nên xử lý như thế nào để giúp họ có được cơ hội tái sanh về cõi lành. Thiền sư Ajahn Chah có một chiếc gậy bên cạnh mình, thúc vào ngực vị tăng kia, gõ lên người, đẩy ông ấy trên mặt đất và nói “Buddho, Buddho”. Thiền sư Ajahn Chah nói rằng ngay thời điểm lâm chung người ta có thể bị đau đớn và rất khó khăn; và nếu người đó chưa hề có sự thực hành từ trước thì thật sự không dễ dàng chút nào. Do đó, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho sự chết của mình trong suốt quãng thời gian còn sống. Ngài Dalai Lama khi được hỏi sự thực tập tâm linh nền tảng của mình là gì, ngài đã trả lời rằng, “Tôi thực hành sự chết”.

Hỏi: Tôi là người Hoa Kỳ và tôi mang nhiều mặc cảm tội lỗi, tôi không hiểu được cách để hồi đáp với chính bản thân rằng mình không tội lỗi khi tôi gây ra điều tai hại, dù tôi hoàn toàn không cố ý. Sư có thể hướng dẫn từng bước “quá trình tâm lý với sự định hướng vô tội” của người đã từng phương hại hoặc gây ra điều bất lợi cho người khác? Tôi đang nghĩ đến vị tăng đã tố cáo sai sự thật về ngài Xá Lợi Phất. Nếu đó là tôi, tôi sẽ thực tế hơn, tôi sẽ phải rời khỏi tăng đoàn để thoát khỏi sự hổ thẹn và khó xử.

Đáp: Cách trả lời của Đức Phật là vô cùng thiết yếu khi vị tăng kia thú nhận tội lỗi của mình – “Con đã tố cáo sai sự thật về ngài Xá Lợi Phất” – và sau đó xin được tha thứ. Đức Phật đã nói, “Nhận ra được lỗi lầm của mình là lỗi lầm, hành động phi thiện xảo của mình là phi thiện xảo và mong muốn được cải đổi: đó chính là sự tăng trưởng trong Giới Luật của bậc thánh”. Bản thân sự việc đó là điều khác biệt. Khi nhận thức được rằng tất cả chúng ta đều mắc lỗi lầm, dù là cố ý hay vô tình, chúng ta có cơ hội “tái thiết” bản thân mình trong sự thiện xảo, đúng đắn, tương thích với sự thật.

         Không một ai là không mắc lỗi lầm. Sự ăn năn, từ góc nhìn Phật học, đó là “Tôi thật sự đã không thành công với điều đó và đó là điều phi thiện xảo” và có sự thúc đẩy để thay đổi. Trong ngữ thoại Pali, có từ hiri- ottappa – nghĩa là tàm quý: hiri (tàm) là ý thức về sự cắn rứt lương tâm hay biết hổ thẹn với hành vi đã làm trong quá khứ; ottappa (quý) là sự quan ngại về những hành động sai trái trong tương lai. Thật thú vị khi diễn đạt ý nghĩa này trong tiếng Anh vì những người phiên dịch đầu tiên nhất đã sử dụng ngữ xấu hổ và sợ làm điều sai trái để biểu đạt cho tâm tàm quý; và những gì xuất hiện trong tâm chúng ta là những trạng thái nặng nề, tiêu cực; trong khi đó trong ngôn ngữ Pali, đây thật sự là những trạng thái tâm lành thiện vì trạng thái tâm của chúng ta được phân loại một cách rõ ràng.

         Trong tiếng Pali, có được sở hữu tàm quý được gọi là kusala – thiện. Nội hàm của thiện hay trạng thái tâm thiện lành là ý niệm về sự an lành, trong sạch và sáng suốt. Đó là có được sự sáng rõ để nhận diện rằng, “Điều đó thật sự không thích đáng và không tương thích với cách mà bản thân tôi mong muốn, vì thế sẽ tốt hơn khi tôi bước lùi lại”, hơn là suy nghĩ rằng “Ôi, trời ạ, tôi đã làm ra điều này và không biết người ta sẽ nghĩ về tôi như thế nào đây? Tôi không thể nào chường mặt ra ở đây nữa”. Điều đó cứ xoay mãi xung quanh cái “tôi”: tôi và những rắc rối tôi đã tạo ra, tôi và những điều tệ hại tôi đã gây ra. Bản thân suy nghĩ này cũng là một bất ổn.

         Nhận diện được điều gì đó không thiện xảo là phẩm chất rất thiện lành, mang tính bảo hộ. Ngoài ra, trong tiếng Pali, khi phẩm chất về sự cắn rứt lương tâm hay sự quan ngại đối với việc làm sai trái được mô tả, trạng thái tâm nền tảng – tâm tàm là một trong những sự tôn trọng dành cho chính chúng ta, trong ý thức rằng chúng ta không muốn làm điều gì đó không đúng đắn hoặc không phù hợp với các giá trị và những chủ ý sâu thẳm nhất. Sở hữu tịnh hảo quý khởi lên sự tôn trọng dành cho người khác bởi vì chúng ta nhận thức được rằng là con người, chúng ta đều cùng ở trên một con thuyền, là đối tượng của sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta có sự pha trộn của những phẩm chất thiện và bất thiện. Đây chính là sự tôn trọng căn bản dành cho những chúng sanh khác và vì vậy, chúng ta không muốn phương hại đến bất cứ một ai khác. Cả hai phẩm hạnh này, tàm và quý đều được củng cố bởi sự tôn trọng cơ bản nói trên.

         Cảm giác tội lỗi không cho người ta sự tôn trọng thích đáng. Chúng làm suy yếu đi những phẩm chất thiện lành của chúng ta. Thật thú vị khi quán tưởng đến câu nói của Đức Phật, rằng nhận diện được các hành vi phi thiện xảo của mình chính là một dấu hiệu của sự tăng trưởng trong giáo pháp và sự rèn luyện của bậc thánh. Các hành vi luôn có giá trị biểu đạt mạnh mẽ hơn sự suy tưởng của cá nhân.

         Điều này có xu hướng chi phối nhận thức của chúng ta về bản thân mình: sự suy tưởng về tính cách cá nhân, hơn là sự suy ngẫm về những chủ ý và các hành vi mà chúng ta dựa vào. Chúng ta làm gì theo thói quen? Chúng ta đưa ra các quyết định như thế nào? Rất ít hành giả thiền Phật giáo có dính líu đến trộm cắp, thiếu trung thực, gây tổn hại và bạo lực; điều này khá hiếm hoi. Nhưng sự suy tưởng của chúng ta không tương thích với những hành động thật sự mà thường thì nó bị cuốn đi bởi cảm giác tội lỗi.

         Vì thế, quan trọng là có thể tách biệt điều đó ra, nghĩa là “À, thật sự tôi cam kết luôn chánh trực, cam kết với điều tốt đẹp. Tôi sẽ lùi lại từ những điều phi thiện xảo”. Bên cạnh đó, bất kỳ ai cũng có thể gây ra sai phạm và không thành công với mục tiêu của mình. Mỗi người có cơ hội nhận diện được điều này và tái thiết lập bản thân trong sự nhận diện điều gì là thiện xảo.

         Có vài sự ghi chép trong kinh văn mà chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Phật thật sự cũng đã ở trong trạng thái hoang mang. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật phải khổ sở với tội lỗi và sự đấu tranh. Có sự thiên về “Nó không có tác dụng! Tôi sẽ thử cách khác vậy”. Một trong những điều rất hữu ích cần làm khi nhận ra rằng chúng ta đã không thành công là xin được tha thứ và tìm kiếm sự hòa giải. Điều này không khó làm và nó thật sự mang lại giá trị chữa lành hiệu quả.

Hỏi: Mong sư mô tả các tầng thiền định (jhāna) và sư có dạy cách thực hành thiền định trong khóa tu này không, thưa sư?

Đáp: Đó là phạm vi khá rộng. Các tầng thiền định là các trạng thái bên trong của sự ổn định, điềm tĩnh – là nền tảng cho các trạng thái sáng rõ của nhận thức. Đây là những trạng thái tâm mà Đức Phật khuyến khích chúng ta vì chúng giúp dẫn đến sự hoạt động mạnh mẽ và sự sáng rõ trong tâm, cho phép chúng ta nhìn thấy đúng thực tướng của các pháp. Chúng là công cụ vô cùng thiện xảo.

         Tôi có xu hướng hành theo những lời dạy của Thiền sư Ajahn Chah. Ngài mô tả các tầng thiền định của tâm như một quá trình buông bỏ. Ở mức độ mà bạn sẵn lòng buông bỏ, tâm được định một cách bền vững và kiên cố. Tôi nghĩ điều này rất hữu ích bởi vì đôi khi sẽ có nhiều tham muốn được phát khởi mong đạt được các tầng thiền định và so sánh bản thân mình với những người đạt được các tầng thiền định khác. Có thể bạn thật sự đạt được các trạng thái định, nhưng sau đó sự so sánh xuất hiện và tiến triển; nó cứ tiếp tục và tiếp tục. Hãy nhận diện rằng các trạng thái tinh tế của tâm thức được chắt lọc dễ dàng tiếp cận và đánh giá nhất khi chúng ta có thể duy trì sự buông bỏ đối với các khía cạnh gây chướng ngại của tâm. Khi chúng ta duy trì sự thực hành này, tâm chúng ta sẽ được định.

Hỏi: Khi có nhiều sự đau đớn trên thân thì thật khó mà duy trì được sự chánh tinh tấn. Tuy vậy, đôi lúc bằng sự kiên trì chịu đựng thì cơn đau giảm dần. Mong sư hoan hỷ nói về chánh tinh tấn cũng như mối liên hệ giữa chánh tinh tấn và định (samādhi)?

Đáp: Thật tốt để làm mới ký ức của chúng ta khi làm rõ chánh tinh tấn thật sự là gì. Khi nói về chánh tinh tấn, chúng ta dùng từ “nỗ lực”, và tất nhiên nỗ lực là hành động, là sự đấu tranh: thoát ra khỏi đó và dồn hết năng lượng cho sự chuyên cần và chăm chỉ, đôi khi là điều tốt.

         Nhưng Đức Phật định nghĩa chánh tinh tấn là nỗ lực để giảm thiểu những trạng thái tâm bất thiện khởi sanh. Nỗ lực để ngăn chặn những trạng thái tâm bất thiện chưa khởi sanh cũng là chánh tinh tấn. Nỗ lực để đạt được trạng thái tâm lành thiện chưa được khởi sanh cũng là chánh tinh tấn. Và nỗ lực để duy trì các trạng thái tâm lành thiện đã khởi sanh cũng là chánh tinh tấn.

         Điều này nghe có vẻ hơi “rối rắm” một chút, nhưng đó là sự mô tả rõ ràng, một khi bạn đưa tâm của mình đến trạng thái đó; khi Đức Phật định nghĩa chánh tinh tấn, đó là tất cả những gì về trạng thái tâm đích thực. Chánh tinh tấn không phải sự chăm chỉ chúng ta biểu lộ ra bên ngoài hay chúng ta thúc ép mình nhiều như thế nào. Đó chính là sự thâm nhập vào phẩm chất của tâm mình – thiện hay bất thiện – và chúng ta có sự liên hệ thế nào với các trạng thái tâm bất thiện hay phi thiện xảo: chúng ta có đang ủng hộ chúng, tuân theo chúng hay làm chúng nghiêm trọng hơn, làm suy yếu sự thiện lành.

         Tương tự với các trạng thái thiện lành: làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích các trạng thái tâm thiện lành đó, các trạng thái sáng rõ của tâm? Làm sao chúng ta có thể duy trì chúng mà không cần phải kiểm soát chặt chẽ, đóng chặt hay lo lắng? Sự lo lắng đó, về bản chất là một trạng thái tâm bất thiện.

         Để đối trị với cơn đau, điều hữu ích là nên để tâm và quan sát sự khác biệt giữa cảm thọ của thân và những phát sinh trong tâm xung quanh chỗ đau. Các cảm thọ về thân thường “nói với chúng ta” điều gì đó như là, “Tôi mệt mỏi. Tôi muốn thoát ra khỏi chỗ này”. Nơi nào đó trên phần thân bị áp lực và cơn đau là sự cảnh báo, sự cố gắng cần đến sự chú tâm của chúng ta. Có nhiều mức độ đối với các cảm thọ của thân: một số có thể chịu đựng được, một số thì không nhất thiết phải chịu đựng và cần được điều chỉnh, xử lý hoặc cải thiện theo cách nào đó.

         Ở cấp độ của tâm, cái gì là phản ứng, cái gì được gia cố vào, mức độ của sợ hãi hay ác cảm là gì? Cơn đau có thể rất đe dọa. Cơn đau cũng rất hữu ích. Nó hoàn toàn làm chúng ta chú tâm. Có một sự tương lân ở nơi đó, vì thế chúng ta thậm chí có thể sử dụng cơn đau đó để thử thách tâm mình và những sự giả thuyết có mặt trong tâm, mang sự cần kíp nhất định vào trong sự thực hành của mình.

         Thường không chỉ có phản ứng đơn lẻ. Chúng ta cần được cân bằng. Chúng ta cần xem xét đâu là tiếng kêu chân thật của sự đau đớn cần được lưu tâm và đâu là cái chúng ta chỉ cần kiên nhẫn, chịu đựng cơn đau và chỉ hướng chuyển sự tập trung về tâm mà thôi. Đôi khi nhờ cơn đau chúng ta có thể hướng chuyển sự chú tâm vào cảm giác vật lý của cơn đau một cách thật đơn giản. Đôi khi chúng ta có thể hòa vào cơn đau và tâm của chúng ta có thể vô cùng bình yên. Chúng ta có thể ở bên trong cảm thọ đó và phát hiện ra rằng tâm của chúng ta trở nên rất mát mẻ và sáng rõ.

         Có nhiều cách phản ứng khác nhau. Đây là khía cạnh rất thú vị của sự thực hành. Khi có thân, chúng ta sẽ luôn trải nghiệm một dạng đau đớn nào đó. Chúng ta có thể học được rất nhiều điều như: chúng ta mong muốn nhiều như thế nào, chúng ta thúc đẩy nhiều như thế nào, chúng ta lo lắng hay sợ hãi nhiều như thế nào thông qua việc quan sát những phản ứng của chúng ta trước cơn đau. Đây là điều rất tự nhiên. Có cảm giác đau là một phần tự nhiên trong hành trạng của thân và điều quan trọng là cần học cách xử lý các cơn đau một cách thật thiện xảo.

         Tôi nghĩ một trong những điều chính yếu là có được sự tự tin rằng mình có thể xử lý các cơn đau và tin rằng có một điểm mốc mà ở đó cách thức xử lý cơn đau phù hợp chính là đẩy lùi, thả lỏng hay làm điều gì đó với cơn đau. Có lúc, chúng ta chỉ có thể đi vào cơn đau mà thôi. Nhiều năm đầu trong cuộc đời tu sĩ, đau đớn, bệnh tật, chấn thương là những điều xảy đến khá liên tục với tôi khi hành thiền và tôi nhận ra rằng điều đó có lợi cho tôi.

Hỏi: Mong sư giải thích: Tâm từ là gì? Đâu là sự trải nghiệm của thân và tâm khi tôi cảm nhận được tâm từ dành cho bản thân và cho người khác?

Đáp: Tôi nghĩ ai cũng sẽ có sự trải nghiệm này theo những cách khác nhau. Không có một phương cách mang tính công thức nào khi bạn trải nghiệm tâm từ. Có một tham số chung ở “cứ địa” của tâm từ chính là an trú bản thân mình trong vô sân.

         Đôi khi văn hóa phương Tây nhìn nhận mọi thứ theo hướng lý tưởng hóa. Chúng ta rất giỏi xây dựng những hình mẫu: vậy sự biểu hiện hoàn hảo của tâm từ là gì, theo một cách lý tưởng nhất? Đó có phải là những gì chúng ta nỗ lực để có được và chúng ta tự mình điên tiết lên khi làm điều này.

         Tôi nghĩ sẽ có ích khi chúng ta bắt đầu với một nền tảng ít mang tính lý tưởng hơn: đó là an trú trong vô sân. Hãy ở trong trạng thái vắng mặt của sự sân giận và ác ý. Nhận diện rằng, chúng ta có điều gì đó khá xác thực để xử lý. Có sự trải nghiệm và nhận diện bởi vì không phải lúc nào chúng ta cũng an trú trong sự vô sân, phải không? Chúng ta không dành thời gian cả đời người của mình trong sự ác ý và hằn hộc với cả thế giới này.

         Kế đó, chúng ta thiết lập trên đó một ý niệm tích cực hơn. Khi được dịch sang tiếng Thái, ý niệm tích cực đó được biểu đạt là ước muốn tốt đẹp cho bản thân mình và cho người khác. Chúng ta sẽ nhận diện được điều chúng ta trân quý, điều người khác trân quý: đó là ý niệm về sự an lành. Tôi nghĩ rằng đây là sự nhận biết rất có ích của tâm từ.

         Đôi khi, tiếng Anh bị lấp đầy bởi yếu tố văn hóa: “Làm sao tôi có thể yêu thương chính mình và hết thảy các loài hữu tình? Tôi không yêu thương tất cả mọi người”. Đôi khi, bạn thậm chí không thích họ nhưng bạn vẫn có thể ước nguyện những điều tốt lành cho họ. Bạn có thể thiết lập ước nguyện đó vì sự an lành cho chính mình và cho người khác. Bạn thậm chí không cần thích người khác làm như vậy. Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy tiếp cận theo cách thực tế và hiện thực.

         Có khi sử dụng những từ ngữ về tâm từ không quen thuộc với mình lại tốt cho sự thực hành này. Ngài Bhante Guṇaratana sử dụng cách chơi chữ như: sự thân thiện đáng yêu hay sự thân thiện đáng trân quý. Chúng ta không nên lúc nào cũng chỉ sử dụng duy nhất một từ ngữ giống nhau mà hãy cố gắng biểu đạt nó bằng một cảm xúc đặc biệt. Ngay trong nội tại của chúng ta, bên trong tâm, có sự ấm áp, sự thoáng đãng, không đố kỵ, có quan tâm đến sự an lành cho người khác.

         Và tất nhiên, sẽ có được sự thư giãn về thân sau đó. Sân giận, ác ý và ganh đua – đây là những trạng thái có liên quan đến các cảm xúc bất an và cột chặt bên trong thân của bạn. Xét về thân, với tâm từ chúng ta sẽ cảm nhận được cảm giác dễ chịu, khoảng khoác và an định. Trong tâm của chúng ta cũng sẽ có một cảm giác thông thoáng giống như vậy. Sẽ có không gian cho chính bạn và cho người khác.

         Vì thế, đây là một số điều cần quán tưởng. Tôi thích những câu hỏi này. Tôi luôn không biết chắc rằng điều gì sẽ diễn ra khi mọi người đặt câu hỏi. Và tôi cảm thấy thật thú vị với điều này.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app