Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Hỏi và Đáp

Hỏi: Trong câu chuyện về người xem chỉ tay, sư đã đề cập rằng Thiền sư Ajahn Chah vẫn còn nhiều sự tức giận, nhưng rằng ngài ấy chọn không hành xử trong sự tức giận. Phải chăng điều này có nghĩa là, chẳng hạn như, nếu có một vị tăng gây phiền phức, ngài Ajahn Chah vẫn sẽ trải qua sự phát khởi của tức giận nhưng vẫn có trí tuệ để gạt nó sang một bên và xem xét cần phải làm gì với cái tâm mát mẻ? Điều này nghe chừng giống như những gì mà Ram Dass13 đã nói về những sự nhiễm ô của mình: sau nhiều năm thực hành, họ hơi giống người bị loạn thần kinh mà ông ấy liên hệ tới theo một cách dễ chịu hơn.

Đáp: Những gì mà người xem chỉ tay đang quan sát chính là tính khí cơ bản, các xu hướng thuộc về nghiệp, các cấu trúc hiện có ở đó. Sự tức giận là một xu hướng đặc biệt mà ngài Ajahn Chah đã có, nhưng bằng khả năng nhìn thấy rõ ràng, ngài đã buông bỏ được xu hướng này. Sự tỉnh thức đã mang lại sự sáng rõ như thế để tâm không mảy may bị lôi kéo vào xu hướng này.

Có một tình huống thú vị mà một trong những vị tăng người phương Tây trải nghiệm với Thiền sư Ajahn Chah. Ngài Ajahn Jayasāro, là một vị tăng người Anh, đang tham gia và cùng ngồi thiền với Thiền sư Ajahn Chah, xoa bóp chân của mình. Một vị tăng đặc biệt bước vào, người này đã làm điều gì đó sai phạm, đã từng được nhắc nhở về việc này và đang tiến hành sám hối.

Thiền sư Ajahn Chah quát và quở mắng vị này, có vẻ giống như sự lóe lên của cơn tức giận. Đó là điều được biểu đạt. Ngài Ajahn Jayasāro, người đang xoa bóp chân của mình, nói rằng điều lạ thường là không hề có một sự căng tức nào trong thân của mình. Không có biểu hiện của một trạng thái nào hay bất kỳ sự hứng khởi nào. Thiền sư Ajahn Chah có lẽ đã nói với chính mình rằng, “Điều vị tăng này cần là hạ bên này xuống và nâng bên kia lên”.

Có một tình huống tương tự mà tôi từng trải nghiệm với ngài Ajahn Mahā Boowa, người nổi tiếng vì nhiều điều tốt đẹp. Trước tiên, ngài được xem là vị A-la-hán thời nay ở Thái Lan. Hiện giờ ngài ở vào giữa tuổi 90. Ngài được xem là vị chứng đắc cao trong thời gian dài và ngài cũng nổi tiếng vì các xu hướng nghiêm khắc của mình.

Tôi nhớ một lần đến thăm và lưu lại một thời gian với ngài. Lúc đó, tôi thực hành nhiều, tâm của tôi rất an định và sáng rõ. Tôi đang theo dõi ngài Ajahn Mahā Boowa nói một cách nghiêm khắc, lắng nghe những từ ngữ và quan sát các hành động của ngài. Nhưng tôi lại được bao phủ những cảm thọ của sự hỷ lạc và tâm từ mà tôi cảm nhận là ngài đang thật sự tỏa phát ra.

Bạn có thể kiểm soát được cơn giận, nhưng nó khác biệt với khi cơn giận không hề có mặt ở đó. Tất nhiên bạn luôn khá cẩn trọng khi ở quanh Thiền sư Ajahn Chah vì bạn không bao giờ biết ngài sẽ xuất hiện từ phía nào. Điều này không giống như ngài chỉ đang chơi đùa với bạn, mà giống như là ngài ấy luôn luôn phản hồi lại tình huống hay cá nhân nào đó và ngài sẽ không bị giới hạn theo một cách cố định nào cả: “Ồ, tôi được cho rằng phải là một vị tăng tốt đẹp có từ tâm”. Bạn không muốn chạm đến mặt trái của ngài vì ngài có thể rất trực tiếp và thẳng thừng.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ giải thích những nghĩa vụ của con cái trưởng thành đối với cha mẹ già. Và những nghĩa vụ của cha mẹ với đối con cái, theo lời dạy của Đức Phật.

Đáp: Đức Phật dạy rằng, một người nên chăm sóc cha mẹ mình và cố gắng quan tâm tới các nhu cầu của cha mẹ. Ở châu Á, nhìn chung, đó phần nhiều thuộc về tập quán văn hóa. Con cái chăm sóc cha mẹ của mình. Tất nhiên, cha mẹ có nghĩa vụ đối với con cái của mình cả về mặt tương trợ cũng như là hình mẫu cho con, cháu mình. Trong một thế giới lý tưởng, mọi thứ diễn ra như vậy.

Đức Phật cũng nói rằng món quà lớn lao nhất mà một người có thể trao tặng cho cha mẹ mình, và tôi nghĩ cũng tương tự như cha mẹ trao tặng cho con cái mình – đó là khuyến khích cha mẹ sống trong giới đức, trong sự rộng lượng và trong chánh kiến. Có nhiều giá trị vật chất mà một người có thể trao tặng cho cha mẹ mình và đó là một điều tuyệt vời có thể làm. Tuy nhiên, thậm chí còn lợi ích và hữu ích hơn nữa nếu người đó có thể khuyến khích cha mẹ mình thiết lập chính họ trong mức độ cao hơn của giới đức và sự rộng lượng, cũng như trong tất cả các khía cạnh của chánh kiến và sự nhận thức sâu sắc.

Hỏi: Trong một pháp thoại cách đây vài năm, sư đã nhắc đến trong một cuộc phỏng vấn với một tu sĩ Thiên Chúa giáo. Phản ánh 40 năm đời sống tu sĩ của mình, vị tu sĩ này đã nói gì đó như “Tôi ước gì mình đã tử tế hơn”. Phản ánh 35 năm trong sắc y người tu sĩ Phật giáo, sư có những bài học nào nổi bật không? Tôi không quan tâm đến những điều tiếc nuối, trừ sự hiểu biết trí tuệ mà sự tích lũy của nhiều năm thực hành đã khai mở, thưa sư.

Đáp: Điều này sẽ phụ thuộc vào thời khắc mà ý nghĩ đó xuất hiện. Quả là được khích lệ khi mọi người thật sự ghi nhớ những bài pháp thoại. Tôi đã quên mình từng nói như thế.

Một bài học mạnh mẽ trỗi dậy, ngẫu nhiên ngay trong lúc này chính là khía cạnh của sự nhẫn nại. Đây tất nhiên là điều mà Thiền sư Ajahn Chah lúc nào cũng nhấn mạnh. Với bản thân tôi, đó là bài học đi vào trong tâm mình: hãy cứ sẵn lòng nhẫn nại với mọi thứ.

Đôi khi chúng ta không nhận ra điều tốt đẹp mà mình đang tham gia vào. Những chuẩn mực và những điều kỳ vọng của chúng ta thường cao, và chúng ta phán xét chính bản thân mình theo những cách mà chúng phản ánh sự kỳ vọng đó. Chúng ta không đủ nhẫn nại để nhận diện điều tốt đẹp mà mình đang thật sự tiến hành. Điều quan trọng là có mặt với điều tốt đẹp nền tảng đó, đó là một tác nhân thúc đẩy trong tất cả những điều chúng ta làm.

Nói về tất cả những người đang trong khóa tu này, các bạn sẽ không hiện diện ở đây nếu các bạn không cam kết hướng đến một đời sống thiện lành và thiện xảo. Và sự cam kết đó thường lại là điều không được phản ánh. Thay vào đó, chúng ta nghĩ rằng, “Tôi phải làm điều này. Tôi phải làm điều kia. Tôi phải sống theo chuẩn mực này. Người thầy này đã nói thế này. Người thầy kia đã nói thế kia”. Nó cứ tiếp tục như thế.

Vì vậy hãy đủ nhẫn nại để gạt tất cả những điều đó sang một bên và nói rằng, “À, điều gì là thật sự quan trọng đối với tôi?”. Hãy cho phép điều đó đi vào trong con tim và nhận diện nó. Và một lần nữa, sự nhẫn nại không phải chỉ là sự chịu đựng kéo dài; mà đó là có khả năng hiện diện với sự trải nghiệm. Đó là cách mà chúng ta có liên quan đến sự nhẫn nại, vì thế chúng ta có thể tiếp nhận nó và hiện diện vì nó.

Hỏi: Có phải gửi tâm từ đến cho Ma vương là vô vọng không, thưa sư?

Đáp: À, Ma vương nhận chịu một sự kết tội xấu xa. Điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta liên hệ đến Ma vương. Ma vương là sự nhân cách hóa của tính khí. Trong sự che mờ của việc bị cám dỗ bởi các dục vọng trong thực tại, tâm từ có thể không phải là một công cụ phù hợp. Nhưng trong ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là đối tượng quan trọng nhất mà tâm từ cần được dành đến, trong ý nghĩa rằng tâm từ là ước nguyện cho sự an lành. Ma vương là hình mẫu thu nhỏ của tính khí, sự nhân cách hóa của sự xấu ác. Chẳng phải là có nhiều đau khổ sao? Những sự tích lũy thuộc về nghiệp đã không báo trước cho hắn ta.

Khi chúng ta đi theo những dục vọng và bị mắc kẹt vào sự nhận thức và ý kiến của mình, chúng ta thật sự đau khổ! Toàn bộ cấu trúc đó tự thân nó cứ lặp đi lặp lại: đây là những sự thúc đẩy của Ma vương. Đó là một đối tượng xứng đáng của tâm từ bởi vì có quá nhiều khổ đau ở nơi đó. Điều này giúp điều chuyển sự chú ý của chúng ta vượt thoát ra ngoài sự khổ đau.

Hỏi: Khi thiền tập có sự hướng dẫn của sư trong hai buổi trưa qua, tôi đã được thụ hưởng qua trạng thái vui sướng và hỷ lạc. Tôi phát hiện rằng những sự thiền tập vững vàng một cách đáng ngạc nhiên và đồng thời lúc đó tuôn chảy dòng năng lượng. Tôi nhận thấy rằng thật khó để vượt qua được niềm hỷ lạc nếu không có sự hướng dẫn bằng lời của sư. Sư có gợi ý gì không, thưa sư?

Đáp: Đó là một ký ức mang tính trải nghiệm. Thật tốt để nhớ rằng đã có thể trải qua sự hứng khởi của niềm vui sướng và hỷ lạc đó và có thể vững trú vào điều gì đó rất định tĩnh, nhưng vẫn sáng rõ và khoảng khoác. Vì thế, hãy hòa vào trong thân bởi vì thân ghi nhớ những điều này. Đi vào trong thân, vào trong nhịp điệu của hơi thở, các cảm thọ và những sự tri nhận về sự hỷ lạc, nhưng hãy để cho chính mình di chuyển vào bên trong sự an định và sáng rõ.

Hãy cố gắng kết nối với nó ở mức độ thể chất, đó là, với xu hướng của năng lượng, trạng thái vui sướng và hỷ lạc. Có thể có một mức độ của sự hứng khởi trỗi lên. Khi chúng ta đưa một hình ảnh đến sự hỷ lạc, nó trỗi lên. Vì thế hãy di chuyển năng lượng đi xuống và đi khắp thân, cho phép nó được ổn định. Đó là cách thiện xảo để “làm việc” với nó vì một khi nó trỗi lên, nó có thể tiếp dưỡng cho cái tâm đang chuyển động.

Hỏi: Thưa sư, những đặc trưng của tính cách của chúng ta là gì? Có phải tính cách là duyên hợp của nghiệp và gia đình, văn hóa và quốc tịch của chúng ta? Làm thế nào tôi học được cách không xem cái của tôi là sự thật và thực có?

Đáp: Đó là đau khổ: là cách chúng ta học cách buông bỏ nó và nhận diện những giới hạn, những khiếm khuyết và khổ đau có liên quan. Tất nhiên, tính cách là duyên hợp của tất cả những điều ấy: nghiệp quá khứ, nghiệp hiện tại, nghiệp gia đình, nghiệp về văn hóa, quốc tịch, giới tính, mọi thứ. Đó là tất cả những phần của tiến trình duyên khởi.

Nhưng tiếp đó hãy nhận diện bản chất vô thường, không ổn định và luôn thay đổi của nó. Bởi cái mà chúng ta gọi là tính cách của mình đôi khi biểu hiện thế này, đôi khi thế khác, phụ thuộc vào người đang có mặt cùng chúng ta và vào hoàn cảnh mà chúng ta đang ở trong đó. Điều đó không cố định và không phải không thể thay đổi. Nó bắt lấy và lựa chọn. Vì thế hãy học cách nhận diện điều đó, bằng cách nhìn thấy bản chất thay đổi, vô thường và bất định đó. Cái mà chúng ta nương chấp vào như cái của tôi và tôi – nó không hề cố định.

Anicca thường được dịch là “vô thường hoặc thay đổi”. Thiền sư Ajahn Chah sẽ có xu hướng dịch từ này là “bất định” hoặc “không chắc chắn”. Tôi nghĩ đó là một sự dịch chuyển quan trọng. Điều gì là vô thường hay thay đổi có xu hướng bị cụ thể hóa, trong khi “bất định” lại bị cụ thể hóa nhiều hơn: cách tôi cảm nhận; cách tôi trải nghiệm mọi thứ. Đó là một sự chuyển dịch quan trọng. Hãy mang nó trở vào trường chủ quan của “tôi trải nghiệm như thế nào với cái tôi tưởng là các trạng thái, các cảm thọ, các ấn tượng, các ý nghĩ, hay tính cách?”. Vì thế một người nhìn thấy đau khổ có liên quan xuất hiện một cách tất yếu cùng với những sự suy tưởng đó – gánh nặng mà tôi đang nói đến sáng nay, sự giới hạn của một con chó bị cột vào cái trụ.

Cũng như vậy, điều quan trọng là chúng ta không tiếp nhận nó một cách nghiêm trọng thái quá, rằng chúng ta có thể chế giễu chính bản thân mình và hành trạng con người của mình, bởi vì tiếp nhận tất cả những điều này một cách quá nghiêm trọng sẽ nhấn chìm chúng ta. Sau cùng đó lại là vô lý. Cuộc sống đôi khi là “Làm thế nào mà tôi lại bước vào xem vở kịch này của Samuel Beckett14 chứ?”.

Hỏi: Thưa sư, chỉ để làm sáng rõ sự lo lắng của tôi về tâm từ, có những cụm ngữ nào là ổn không ạ? Và chúng có thể được nói ra như một bài tụng không hay được nói ra với bất cứ tốc độ nào? Có phải như vậy thì sẽ hiệu quả hơn để đạt được sự tập trung sâu hơn không, thưa sư?

Đáp: Các ngữ phải có một ý nghĩa, cảm xúc nào đó đối với bạn. Ngữ đó có ý nghĩa với bạn không? Ngữ đó có cộng hưởng theo một cách nào đó hay không? Bởi vì điều thật sự quan trọng không nằm quá nhiều ở các ngữ, mà chính là cảm thọ khởi sanh lên, cảm thọ được khởi phát và được thiết lập bên trong con tim, tâm từ.

Khi bạn rèn luyện thiền tập như một sự thực hành, điều hữu ích là cần có một vài kỹ thuật, phương pháp, các ngữ và các bài tụng cho bạn cảm giác dễ chịu bởi vì bản chất của tâm là để được làm cho quen thuộc với bất cứ gì bạn đang tiến hành. Dù nó có tốt như thế nào, rồi bạn sẽ dần quen thuộc và nó sẽ dần mất đi hiệu lực, dù nhanh hay chậm. Đó chính là bản chất của tâm.

Hãy có cho mình một vài công cụ. Giống như khi bạn nhờ một người chủ hiệu đến nhà bạn cho công việc nào đó. Bạn muốn một người thợ điện đến để làm gì đó và người này đi đến mà không đem theo dụng cụ nào cả hay chỉ đem theo một cái tua-vít. Bạn sẽ không cảm thấy tự tin rằng công việc sẽ được hoàn thành. Ở đây cũng giống như vậy. Khi chúng ta thực hành và rèn luyện, hãy có một vài công cụ cùng với mình.

Hỏi: Thỉnh thoảng khi tập trung được, thân tôi lại dao động hay lại có những chuyển động tự phát ở vùng mặt. Đó có thể là những vùng co giật lớn hoặc nhỏ. Mong sư hoan hỷ giải thích điều này.

Đáp: Đây là điều phổ biến lý giải được. Đó là khi sự hòa hợp với thân khá hữu ích, và tâm từ thì rất tốt đẹp với việc cân bằng dạng năng lượng đó bên trong tổ hợp thân – tâm, cho phép nó được tháo gỡ và cởi mở ra. Trong khi nỗ lực để tập trung một cách quá mạnh mẽ hay thúc ép tâm để có sự chánh niệm sẽ có xu hướng làm trầm trọng thêm mọi thứ. Vì thế sự thực hành chánh niệm rộng thoáng và được đặt nền tảng trên thân cho phép dạng năng lượng đó trôi chảy khắp thân – tâm. Sau đó, tâm từ có tác dụng phụ trợ trong việc làm mềm mại ra, thay thế và làm cho ổn định. Đây là những sự thực hành tốt đẹp cần tiến hành.

Hỏi: Thưa sư, có phải sự tùy hỷ cũng giống như sự cảm ơn?

Đáp: Trong bài tụng, từ ngữ đó được dịch là tâm tùy hỷ, tiếng Pali là muditā, có nghĩa là niềm hỷ lạc được tán dương, là hỷ, là sự vui thích trong điều tốt đẹp và thành công của người khác. Vì thế, nó không hoàn toàn giống như sự cảm ơn. Một từ Pali khác đôi khi cũng được dịch là tùy hỷ, đó là pāmojja, sự hân hoan. Đó là cảm thọ an lành, một dạng niềm vui thích, một cảm giác của cảm thọ tốt đẹp về điều gì đó.

Thường thì các duyên khởi trong các chuỗi này có chút khác biệt: phản hồi về giới đức và cảm giác không hối tiếc, một cảm thọ của sự hân hoan khởi sanh. Phản hồi về sự thực đúng của những lời giáo huấn, sự hân hoan khởi sanh, hay đức tin hoặc sự tự tin. Sự cảm ơn thì thiên nhiều về lòng biết ơn, tiếng Pali chính là kataññutā. Cảm thọ của sự biết ơn, của sự trân quý và sự biết ơn có một phẩm chất khác. Vì thế từ hân hoan được sử dụng theo vài cách khác nhau.

Hỏi: Nhân đây, cái tên “Pasanno” có nghĩa là gì, thưa sư?

Đáp: Nghĩa nguyên thủy của nó là để chỉ cho người có đức tin, nhưng cũng để chỉ cho người có niềm hỷ lạc, một dạng đức tin hỷ lạc.

Hỏi: Kẻ thù gần gũi của tâm xả chính là thái độ xa lánh, tách biệt. Tôi đã nếm trải cả hai. Một cái thì quen thuộc hơn nhiều và sự khác biệt khá là hiển nhiên. Mong sư hoan hỷ đưa ra bất cứ mối liên hệ nào để xác định được sự tách biệt vi tế, mà nó không quá hiển nhiên, đặc biệt là với cái tâm đã được rèn luyện cho quen thuộc?

Đáp: Một trong những điều xuất hiện ngay tức thì lúc này – tôi đã đề cập đôi lần và tiếp đó đã xuất hiện trong bài Kinh Kālāma – là cách mà Đức Phật đã xác chứng là thiện lành hay bất thiện? Điều đó mang lại lợi ích hay không mang lại lợi ích? Vì thế có sự chuyển dịch ngay tức thì đến điều thiện.

Kẻ thù kề cận của tâm xả là thái độ xa lánh hay sự hờ hững. Sự hờ hững sẽ luôn bao gồm sự tiêu cực, sự u ám nhất định nào đó, hay một sự sân hận nhẹ. Đó đại loại như là: “Tôi không muốn dính líu tới điều này, hãy cút khỏi mắt tôi”.

Trong khi đó, xả – như một vô lượng tâm, là thiện: thiện lành và có liên quan tới ý nghĩa của sự an lành, sự sáng rõ và sự có mặt. Có xả trong ý nghĩa được cân bằng, nhưng đó không phải là loại trừ hay nương giữ sự tách biệt. Không cần phải như vậy. Với tâm xả, chúng ta hoàn toàn có thể hiện diện với bất cứ điều gì có mặt ở đó vì nó không phải điều đáng sợ. Nó không là điều gì đó gây kinh hãi. Thậm chí nó không lạ lẫm. Nó chỉ biểu hiện đúng với hành trạng của nó mà thôi. Chúng ta có thể nắm giữ điều gì đó trong một không gian rất thiện lành vì nó không đáng sợ hay đáng kinh hãi, và nó không khuấy động nên bất kỳ sự ác cảm hay tiêu cực nào. Nó chỉ biểu hiện đúng với hành trạng của nó mà thôi. Do vậy có một sự sáng rõ ở đó. Hãy hòa vào sự thiện lành và sự thiện lành sẽ làm ổn định mọi thứ một cách rất nhanh chóng.

Hỏi: Theo ý kiến của sư, vì sao sư nghĩ rằng Tôn giả Mục Kiền Liên được mô tả một cách thường xuyên nhất trong kinh văn theo cách hơi ngốc nghếch và cực kỳ thiếu thực tế; trong khi Tôn giả Xá Lợi Phất được mô tả là bậc có trí tuệ và thiện xảo? Cả hai vị tôn giả đều là những môn đồ xuất sắc của Đức Phật. Đây có phải là kết quả của việc dịch nghĩa hay là cách nhìn của các dịch giả, hay nó cũng là như vậy trong tiếng Pali?

Đáp: Thật ra, tôi nghĩ rằng nếu có ai đó bị rơi vào những tình huống bất công, không hề mong đợi thì đó chính là Tôn giả A Nan Đà vì thi thoảng ngài hay bị đổ oan. Nhưng bằng tất cả thần thông của mình, ngài Mục Kiền Liên có một phẩm chất đặc biệt. Đôi khi ngài cũng có liên quan đến việc dàn xếp một số bất ổn trong tăng đoàn. Ngài được tin tưởng, cũng như luôn chủ động trong việc giải quyết các vấn đề của tăng đoàn.

Tôi không quen thuộc lắm với các kinh điển Đại thừa. Rõ ràng, ngài Xá Lợi Phất thường là người chịu nhiều nỗi hàm oan trong các kinh điển Đại thừa. Tôi không chắc về cách Tôn giả Mục Kiền Liên xuất hiện trong các kinh Đại thừa.

Còn về Tôn giả A Nậu Lâu Đà, có một lời phê bình được truyền đi khi Tôn giả A Nan Đà nhờ Tôn giả A Nậu Lâu Đà giải quyết vấn đề gì đó và điều đó không được thực hiện (Kinh Tăng Chi Bộ 4:243). Đức Phật nói, “Tại sao ông lại đi nhờ A Nậu Lâu Đà? Ông biết ông ấy là người như thế nào mà. Ông ấy không quan tâm đến những vấn đề thực dụng”. Đó không phải là một sự chỉ trích. Tôn giả A Nậu Lâu Đà không phải là người phù hợp cho việc đó.

Tôi nghĩ một trong những điều đó được thể hiện trong kinh điển Pali, những môn đồ vĩ đại này xuất hiện một cách rất con người. Họ có những cá tính riêng. Họ là những cá nhân khác biệt.

Có một bài kinh vĩ đại nói về Tôn giả Xá Lợi Phất khi đang ngồi và thiền tập trong rừng và Tôn giả Mục Kiền Liên – người thạo thần thông, nhìn thấy cảnh tượng đang hiển lộ này, nơi có hai dạ xoa (Kinh Phật Tự Thuyết 4:4). Hai dạ xoa này đang bay lượn trên đầu và quan sát Tôn giả Xá Lợi Phất thiền định trong rừng. Đó là vào ngày trước ngày trăng rằm, và chư tăng đã cạo tóc rất đẹp.

Một dạ xoa nói, “Hãy nhìn cái đầu được cạo tóc thật đẹp kia. Ta chỉ muốn lấy cây gậy và đập vào đó”. Và dạ xoa kia nói, “Ta sẽ không làm như thế nếu ta là ngươi. Những người con trai của dòng họ Thích Ca này, đôi khi họ hơi đặc biệt. Hãy cẩn thận”. Dạ xoa kia lại nói, “Ta không biết – đó là một mục tiêu vĩ đại. Ta không nghĩ ta có thể kháng cự lại được”. Vì thế, dạ xoa kia tiến đến, lấy cây gậy ra và đánh lên đầu Tôn giả Xá Lợi Phất. Theo mô tả là dạ xoa đã thổi ngài một cái, với sức mạnh có thể làm nứt một ngọn núi.

Tôn giả Xá Lợi Phất không dịch chuyển. Tôn giả Mục Kiền Liên đã nhìn thấy cảnh tượng đó diễn ra. Ngài Xá Lợi Phất xả thiền, và ngài Mục Kiền Liên hỏi, “Hôm nay ông cảm thấy thế nào?”. Ngài Xá Lợi Phất nói, “Tốt đẹp. Nhưng hôm nay tôi hơi bị đau đầu”. Ngài Mục Kiền Liên nói, “Không nghi ngờ gì nữa, chính là những dạ xoa này”. Ngài liên hệ tới cảnh tượng ấy. “Điều này thì tuyệt vời. Những dạ xoa có thần thông này có thể thổi ngài Xá Lợi Phất, và tất cả những gì ngài Xá Lợi Phất nói là, ‘Tôi hơi bị đau đầu’”.

Sau đó ngài Xá Lợi Phất nói, “Điều thật sự gây ngạc nhiên cho tôi là ông có thể nhìn thấy những điều đang xảy ra lúc đó. Tôi không nhìn thấy được nhiều như một vị thần đất, dù chỉ là một dạ xoa, một vị thiên, hay bất cứ điều gì khác như thế”. Bài kinh kết thúc với việc hai vị tôn giả ngưỡng mộ các phẩm chất của nhau.

Hỏi: Thưa sư, đâu là những sự phân biệt cơ bản giữa truyền thống Nguyên thủy, Đại thừa và Kim Cang thừa?

Đáp: Không gây bối rối cho mọi người, truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, như sự dịch nghĩa từ cái tên của mình, có nghĩa là những lời dạy của các bậc trưởng thượng. Trọng tâm cơ bản của truyền thống này là sự nỗ lực duy trì truyền thống như nó vốn được truyền tục càng gần sát với sự tuyên thuyết vốn là những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Luôn luôn có một số sự bồi thêm và bổ sung thêm, nhưng đó là hương vị nguyên thủy.

Cũng thú vị khi ngài Dalai Lama thuyết giảng, một trong những điều mà ngài sẽ làm là cung mời chư tăng thuộc các truyền thống Đại thừa, Nguyên thủy và Kim Cang thừa để ban phúc lành trước khi bắt đầu thuyết giảng. Ngài ấy sẽ luôn luôn mời các vị thuộc truyền thống Nguyên thủy tụng kinh bằng tiếng Pali vì ngài nói rằng các kinh văn cổ xưa nhất được viết bằng tiếng Pali, và đây là những vị huynh trưởng trong cộng đồng Phật giáo. Ngài tỏ lòng tôn kính. Điều này rất đẹp đẽ.

Trong lịch sử Phật giáo, đã có nhiều trường phái. Khoảng 250 năm sau thời Đức Phật, vào khoảng triều đại A Dục vương, từng có khoảng 18 trường phái Phật giáo khác nhau. Tiếp theo đó, bắt đầu có phong trào Phật giáo Đại thừa, tái phục sinh và tái định nghĩa một số các nguyên tắc. Một trong những nguyên tắc chính yếu đặt trọng tâm vào lý tưởng Bồ-tát đạo.

Phật giáo Kim Cang thừa phát triển từ Phật giáo Đại thừa. Có một vài truyền thống Phật giáo Kim cang thừa. Thường thường, khi ai đó nói về các giáo đồ Phật giáo Kim Cang thừa, họ ngụ ý đến người Tây Tạng. Các trường phái Kim Cang thừa thường chiếm nhiều trong số các trường phái khác ở Tây Tạng và mang chúng đến Tây Tạng. Một trong những phẩm chất khu biệt của giáo đồ Kim Cang thừa là sự nhấn mạnh về đức tin, nghi lễ, nghi thức, sự linh nghiệm và việc sử dụng nó.

Đây chỉ là những nét thoáng qua. Tất nhiên, bên trong đó cũng còn có nhiều các trường phái nữa. Khi bạn nhìn vào Phật giáo, không có một truyền thống Nguyên thủy, không có một truyền thống Đại thừa và một truyền thống Kim Cang thừa đồng nhất và nguyên nhất. Một đất nước như Thái Lan được xem là vô cùng gần sát với truyền thống Nguyên thủy. Nhưng nếu bạn bắt đầu tìm hiểu và đào sâu vào lịch sử của học thuyết Phật giáo và Phật giáo đại chúng, một điều giống như một lời dạy theo truyền thống Đại thừa và kế đó một lời dạy khác lại giống như một nghi thức Mật tông. Vì vậy có một sự pha trộn và có sự giao thoa vẫn đang diễn ra trong cả thiên niên kỷ.

Hỏi: Nền văn hóa Hoa Kỳ có thể học tập gì từ nền văn hóa Thái Lan, thưa sư?

Đáp: Điều ngay tức thì xuất hiện trong đầu tôi, đó là một trong những điều đầu tiên nhất mà bạn có thể học tập khi bạn đến Thái Lan. Có một ngữ, mai pen rai. Đó sẽ thật sự là điều tốt đẹp để nền văn hóa Hoa Kỳ học tập. Nó có nghĩa là “đừng bận tâm”, như trong, “Bỏ qua đi, không đáng gì đâu”.

Mai pen rai, nghĩa đen là: “Nó không là gì cả”. Nó cho phép người ta định vị các khía cạnh gai góc của các mối quan hệ giữa con người với nhau. Mai pen rai. Đó là hành trạng của nó. Đừng bận tâm. Không đáng để trở nên buồn bực. Mai pen rai.

Tất nhiên, đất nước Thái Lan đã ngấm đẫm trong văn hóa Phật giáo trong một thời gian rất dài. Có một quyển sách được viết bởi tác giả Phra Payutto; tôi không nghĩ rằng quyển sách này đã được dịch sang tiếng Anh. Tác giả đã trải qua một vài năm ở Hoa Kỳ như một học giả thỉnh giảng tại Đại học Harvard và trường Swarthmore và tiếng Anh của ông rất tốt. Quyển sách ông viết nói về cái nhìn của Thái Lan về Hoa Kỳ và cái nhìn của Hoa Kỳ về Thái Lan – sự giao đổi, những điều mà mỗi đất nước có thể học hỏi ở nhau, với sự quan sát những điều khả dĩ.

Với tôi, đó là một trong những điều học tập được, trưởng thành ở nền văn hóa Bắc Mỹ và sinh sống tại Thái Lan 23 năm ở môi trường thôn quê không nói tiếng Anh và vì thế có thể được ngấm đẫm trong một nền văn hóa khác biệt. Điều đó rất hữu ích trong khả năng bước lùi lại từ sự hình thành nên nền văn hóa của tôi. Nó không giống như có một nền văn hóa hoàn hảo ở một nơi nào đó. Hành trạng con người không chỉ bằng cách như vậy. Bạn nghĩ, “À, nếu có một nền văn hóa được ngấm đẫm trong Phật giáo thì sẽ giải quyết được tất cả các bất ổn của thế giới”. Không, sẽ không thể như vậy. Có mặt con người ở nơi đó. Con người sẽ tạo ra đau khổ ở bất cứ nơi đâu họ đi tới.

13 Ram Dass: một nhà thuyết giảng tâm linh người Hoa Kỳ, sinh năm 1931.

14 Samuel Beckett (1906) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Ireland, nhận giải Nobel văn học năm 1969.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app