Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Các bản kinh đọc

Thậm chí điều gì đó cao thượng như tâm từ cũng là vô thường.

Nhìn thấy tự tánh thay đổi của nó có thể là một nền tảng để nghiên cứu và thể nhập.

Chiều nay, tôi nghĩ mình sẽ dành thời gian cho vài bài kinh đọc về tâm từ và cho mọi người sự tiến hành thực sự – tôi đã nói dông dài đủ lâu rồi. Có vài bài kinh đọc thú vị vì nội dung chưa quen thuộc lắm với mọi người hoặc là tiến hành điều gì quen thuộc và thử tiến hành dưới một ánh sáng mới. Có vài bài kinh đọc có thể là sự ứng dụng tâm từ cho cuộc sống hàng ngày.

Bài đầu tiên tôi nghĩ sẽ đọc là bài mà tôi vừa nhắc đến. Đó là một dịp Đức Phật đến thăm ba vị tăng, một trong số đó là Tôn giả A Nậu Lâu Đà – một vị tăng rất thành tựu và cũng là anh họ của Đức Phật.

Đức Phật đang lúc rời đi, một tình huống không được đề cập trong bài kinh. Một chúng tăng đang trong tình trạng không hòa hợp. Thật ra, có một sự phân chia trong tăng chúng. Đức Phật đã cố gắng can thiệp và họ “khuyến khích Đức Thế Tôn sống trong sự hòa bình”: “Chúng con sẽ giải quyết chuyện này”, có nghĩa là, “Chúng con sẽ giải quyết nó tận chân tơ kẽ tóc. Xin Thế Tôn đừng can dự vào chuyện của chúng con”. Ngài đã từ bỏ họ, tự mình rời khỏi nơi đó và Ngài tình cờ gặp ba vị tăng đang sống cùng với nhau trên một mảng rừng. Đức Phật ngồi xuống, và chư tăng đảnh lễ Ngài.

“Này A Nậu Lâu Đà, ta hy vọng rằng tất cả các ông đang sống trong sự hòa hợp, với sự tương kính nhau, không có tranh chấp, hòa hợp với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng ánh mắt tử tế”. “Dạ chắc chắn như vậy thưa Đức Thế Tôn, chúng con đang sống trong sự hòa hợp, với sự tương kính nhau, không có tranh chấp, hòa hợp với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng ánh mắt tử tế”. “Nhưng này, A Nậu Lâu Đà, bằng cách nào các ông sống được như thế?” – “Bạch Đức Thế Tôn, để sống được như thế, con nghĩ như vầy: ‘Đây là điều lợi ích cho con, đây là điều lợi ích lớn lao cho con, rằng con đang được chung sống với những người bạn tu đồng phạm hạnh như thế trong đời sống trong sạch này’. Con khởi lên từ thân nghiệp trước mặt và sau lưng, từ khẩu nghiệp trước mặt và sau lưng, từ ý nghiệp trước mặt và sau lưng. Con quán tưởng rằng: ‘Tại sao con lại không nên bỏ sang một bên điều con muốn làm và làm điều các vị đại đức kia muốn làm. Chúng con khác nhau về thân, bạch Thế Tôn, nhưng giống như đồng một tâm”. Đại đức Nandiya (Nan Đề Dạ) và đại đức Kimbila (Kim Tỳ La) mỗi người cũng đều nói như vậy: “Bạch Thế Tôn, đó là cách chúng con đang sống chung với nhau, chúng con đang sống trong sự hòa hợp, với sự tương kính nhau, không có tranh chấp, hòa hợp với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng ánh mắt tử tế”.

(Kinh Trung Bộ 128)

Đó là một sự mô tả thú vị về điều có thể diễn ra trong cõi người. Có một bài pháp khác mà Đức Phật cố gắng thuyết phục chư tăng ở Kosambi, các vị tăng đã được nhắc đến trong bài pháp trước, đã có tranh chấp với nhau và tạo ra mâu thuẫn. Đức Phật quở trách các vị này và sau đó Ngài chỉ ra cách chung sống với nhau một cách phù hợp và thiện xảo hơn.

“Này, chư vị Tỳ-kheo, khi các ông tranh chấp và cãi vã và ở sâu trong những sự tranh chấp, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi, khi đó các ông không duy trì được những hành vi của tâm từ thân hành, khẩu hành và ý hành trước mặt lẫn sau lưng đối với những người bạn tu đồng phạm hạnh trong đời sống trong sạch này.

“Này những kẻ mê mờ kia, những điều các ông có thể biết, những điều các ông có thể nhìn thấy, là các ông đang tranh chấp và cãi vã và ở sâu trong những sự tranh chấp, đang đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi? Rằng các ông không tự thông cảm cho nhau, không chấp nhận thông cảm cho nhau, không tự hòa giải với nhau, không chấp nhận hòa giải với nhau? Này những kẻ mê mờ kia, điều đó sẽ dẫn đến sự phương hại và khổ đau cho các ông trong một thời gian dài”. Sau đó, Đức Thế Tôn vì đó mà nói với các vị Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái và tương kính và đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, đưa đến hòa hợp và đưa đến nhất trí. Thế nào là sáu?

[1] Ở đây, một vị Tỳ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng trong đời sống trong sạch. Đây là một nguyên tắc của sự hòa hợp, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp và nhất trí.

[2] Lại nữa, một vị Tỳ-kheo an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng trong đời sống trong sạch. Đây cũng là một nguyên tắc của sự hòa hợp, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính và đưa đến nhất trí.

[3] Lại nữa, một vị Tỳ-kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng trong đời sống trong sạch. Đây cũng là một nguyên tắc của sự hòa hợp, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính và đưa đến nhất trí.

[4] Lại nữa, một vị Tỳ-kheo, sử dụng những tài vật chung với các vị đồng phạm hạnh có giới đức trong đời sống trong sạch; không giành trước, người này san sẻ bất cứ tài vật nào nhận được đúng với Pháp và đã thâu nhận được theo cách đúng với Pháp, thậm chí chỉ những tài vật trong bình bát của vị ấy. Đây cũng là một nguyên tắc của sự hòa hợp, tạo thành tương kính, tạo thành tương ái và đưa đến nhất trí.

[5] Lại nữa, một vị Tỳ-kheo sống với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng trong đời sống trong sạch, các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến sự tập trung. Đây cũng là một nguyên tắc của sự hòa hợp tạo thành tương ái, tạo thành tương kính và đưa đến nhất trí.

[6] Lại nữa, một vị Tỳ-kheo sống với các vị phạm hành đồng tu trước mặt và sau lưng trong đời sống trong sạch, các tri kiến thuộc về bậc thánh và có khả năng hướng thượng, và dẫn dắt người thực hành chân chính đến sự diệt tận khổ đau. Đây cũng là một nguyên tắc của sự hòa hợp tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp và đưa đến nhất trí.

(Kinh Trung Bộ 48)9

Sáu phẩm chất tạo ra sự hòa hợp khi cùng chung sống với nhau xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trong các bài kinh này: tâm từ trong thân hành, ý hành và khẩu hành; chia sẻ sự cúng dường; đạo đức cùng chung và tri kiến cùng chung. Cũng có ngữ “giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến sự tập trung”.

Những đức hạnh này cũng được nói đến trong đặc tính khu biệt của người bước vào dòng chảy của Pháp: bậc thánh Nhập lưu. Điều thú vị là cách mà Đức Phật hầu như thường mô tả nhất với bậc thánh Nhập lưu là không phải bằng những sự thiền tập chói lọi hay trí tuệ sắc sảo của họ mà bằng những phẩm chất về niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng và giới đức được thiết lập một cách tốt đẹp. Giới đức đó không bị chấp trước, không bị chấp thủ, không bị dính mắc. Điều này được tán thán bởi bậc trí và đưa đến sự tập trung.

Giới đức lắng định. Có một sự điềm tĩnh. Giới đức không chỉ “kiểm soát bạn một cách thiện xảo” mà còn cho phép bạn được thiết lập trong phẩm chất của sự không hối tiếc và sự an lành, để bạn có thể tập trung một cách dễ dàng. Đó là một yếu tố của sự phát triển thiền tập. Bài kinh tiếp theo cũng đến từ Kinh Trung Bộ. Đó là một bài kinh nổi tiếng, Kinh Ví dụ cái cưa.

Có một sự dẫn dắt đến ví dụ này. Nhân duyên dẫn đến lời dạy này là có một vị Tỳ-kheo xung đột với những vị Tỳ-kheo khác và không chịu chấp nhận lời khuyên răn một cách đàng hoàng. Sự việc này được Đức Phật chú ý đến, vì thế Ngài đã gọi vị tăng đó đến và ban lời giáo huấn. Ngài cũng nhân chuyện này giáo huấn cho tất cả chư tăng đang có mặt – một tình huống thường xảy ra, không chỉ có trong thời của Đức Phật. Tôi thực hiện điều này suốt: một tình huống phát sinh và đó là dịp tốt để được sử dụng như một ví dụ về việc áp dụng Pháp cho tăng chúng.

“Cũng vậy chư Tỳ-kheo, ở đây, một vị Tỳ-kheo hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa trong khi chưa bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm. Nhưng chỉ khi nào bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa thì khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa. Ta không gọi một Tỳ-kheo là dễ nói, khi vị ấy dễ nói về các vật dụng như y áo, thức ăn, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, khi vị ấy thành tựu được tánh dễ nói. Vì sao vậy?

– Vì vị Tỳ-kheo ấy khi không được các vật dụng như y áo, thức ăn, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, không còn là dễ nói, không còn thành tựu tánh dễ nói. Nhưng khi vị Tỳ-kheo nào tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, sùng kính Pháp trở thành dễ nói, thành tựu tánh dễ nói, vị ấy ta mới gọi là dễ nói. Do vậy, này các Tỳ-kheo, các ông nên vì thế mà rèn luyện: ‘Vì chúng ta tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, sùng kính Pháp chúng ta sẽ trở thành dễ nói, thành tựu tánh dễ nói’. Chư Tỳ-kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà người khác sử dụng khi họ nói với các ông: lời nói của họ có thể đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm… Ở đây, chư Tỳ-kheo [bất luận người đó nói như thế nào], các ông cũng nên vì thế mà rèn luyện: ‘Chúng ta sẽ giữ tâm không biến nhiễm và chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ; và bắt đầu với người này, chúng ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý’. Chư Tỳ-kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, giả có một người đến, cầm xẻng và thúng và nói: ‘Tôi sẽ làm cho đất lớn này không phải là đất nữa’. Người này đào chỗ này chỗ kia, rải đất chỗ này chỗ kia, nhổ nước miếng chỗ này chỗ kia, đi tiểu chỗ này chỗ kia, nói: ‘Ngươi trở thành không phải là đất, ngươi trở thành không phải là đất!’. Chư Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho đất lớn này trở thành không phải đất chăng?” – Bạch Thế Tôn, không”. “Vì sao như thế? – Vì đất lớn này thâm sâu và vô lượng; không dễ gì khiến cho đất lớn này trở thành không phải là đất. Thậm chí người này chỉ thu gặt cho mình sự mệt mỏi và thất vọng.

“Cũng vậy, này chư Tỳ-kheo, có năm loại ngôn ngữ… Chư Tỳ-kheo, ở đây, các ông nên vì thế mà rèn luyện: ‘Chúng ta sẽ giữ tâm không biến nhiễm… và bắt đầu với người này, chúng ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm tương tự như đất lớn, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý’. Chư Tỳ-kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, giả như một người đến, cầm màu sơn, màu vàng nghệ, màu chàm hay màu đỏ son và nói: ‘Tôi sẽ vẽ những bức tranh và làm cho những bức tranh này hiển hiện trong hư không’. Chư Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người này có thể vẽ những bức tranh và làm cho những bức tranh này hiển hiện trong hư không được không? – Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao vậy? – Bạch Thế Tôn, hư không là vô sắc và không thể biểu đạt được; không dễ gì vẽ được các bức tranh nơi đó hay làm cho chúng hiển hiện nơi đó. Thậm chí người này chỉ thu gặt cho mình sự mệt mỏi và thất vọng.

“Cũng vậy, này chư Tỳ-kheo, có năm loại ngôn ngữ… Ở đây, này chư Tỳ-kheo, các ông nên vì thế mà rèn luyện: ‘Tâm chúng ta sẽ không bị biến nhiễm… và bắt đầu với người này, chúng ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm tương tự như hư không, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý’. Chư Tỳ- kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, giả như một người đến, cầm một bó cỏ khô đang cháy và nói: ‘Ta với bó cỏ khô đang cháy này sẽ hâm nóng và đun sôi sông Hằng này’. Chư Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy, với bó cỏ khô đang cháy có thể hâm nóng và đun sôi sông Hằng được không? – “Bạch Thế Tôn, không”. “Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì sông Hằng thâm sâu và vô lượng; không dễ gì với bó cỏ khô đang cháy có thể hâm nóng và đun sôi sông Hằng được. Thậm chí người này chỉ thu gặt cho mình sự mệt mỏi và thất vọng.

“Cũng vậy, này chư Tỳ-kheo, có năm loại ngôn ngữ… Ở đây, chư Tỳ-kheo, khi nói với người khác, các ông nên vì thế mà rèn luyện: ‘Tâm của chúng ta sẽ giữ không biến nhiễm… và bắt đầu từ người này, chúng ta sẽ sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm tương tự như sông Hằng, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý’. Chư Tỳ-kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, giả như một cái bị bằng da mèo, đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyến, như bông, không còn tiếng xì tiếng xọp, và một người đến, cầm gậy hay cầm mẻ sành và nói: ‘Có một cái bị bằng da mèo, đã được thuộc chín… không còn tiếng xì, tiếng xọp. Ta sẽ lấy cái gậy hay với cái mẻ sành làm cho cái bị bằng da mèo này phát ra tiếng xì, phát ra tiếng xọp’. Chư Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người này có thể với cái gậy hay với cái mẻ sành làm cho cái bị đó phát ra tiếng xì, tiếng xọp được không?” – “Bạch Thế Tôn, không”. “Vì sao vậy? Vì cái bị bằng da mèo này đã được thuộc chín… không phát ra tiếng xì, tiếng xọp được; không dễ gì làm cho nó phát ra tiếng xì, phát ra tiếng xọp với cái gậy hay với cái mẻ sành. Thậm chí người này chỉ thu gặt cho mình sự mệt mỏi và thất vọng.

“Cũng vậy, chư Tỳ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà những người khác có thể sử dụng khi họ nói với các ông: lời nói của họ có thể đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm… Ở đây, chư Tỳ-kheo, [bất luận người đó nói như thế nào], các ông cũng nên vì thế mà rèn luyện: ‘Chúng ta sẽ giữ tâm không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn vì lợi ích của họ, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống biến mãn người này với tâm câu hữu với từ; và bắt đầu với người này là đối tượng, chúng ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm tương tự như cái túi da bị thuộc, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý’. Chư Tỳ-kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, thậm chí nếu như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân, người này khởi ý sân ác, do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của ta. Ở đây, chư Tỳ-kheo, các ông vì thế mà nên rèn luyện: ‘Chúng ta sẽ giữ tâm không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ; và bắt đầu với người này, chúng ta sẽ sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý’. Chư Tỳ-kheo, đó là cách mà các ông nên rèn luyện.

“Chư Tỳ-kheo, nếu các ông luôn luôn suy tư lời dạy ví dụ cái cưa này thì các ông có thấy loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo mà các ông không thể kham nhẫn được chăng?” – “Bạch Thế Tôn, không”. Chư Tỳ-kheo, do vậy, các ông nên không ngừng suy tư lời dạy về ví dụ cái cưa này. Điều đó sẽ đưa đến lợi ích và hạnh phúc dài lâu cho các ông”.

Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Đức Thế Tôn dạy.

(Kinh Trung Bộ 21)10

Điều này đặt ra tiêu chuẩn khá cao, có phải vậy không? Bạn nghĩ rằng, “Làm sao có thể khi người nào đó đang công kích bạn mà bạn lại không tăng khởi bất kỳ sự tức giận hay ác ý nào?”. Điều này là có thể nếu bạn bước lùi lại và quan sát nó từ góc độ của một trái tim rộng mở từ tâm và với niềm tin tưởng vào Pháp, biết được rằng vì tất cả chúng sanh là chủ nhân của những tạo tác của mình, là người thừa tự những tạo tác của mình, được sinh ra bởi những tạo tác của mình, và có liên quan đến những tạo tác của mình. Kết quả của sự tức giận, ác ý hay bất kỳ dạng thức nào của bạo lực cũng là một sự tái sanh không may mắn. Thiết lập một cách tốt đẹp trong tâm từ là một nhân để tạo ra một quả là những hoàn cảnh vô cùng may mắn. Về lâu về dài, thật xứng đáng rèn luyện bản thân để sự lựa chọn không phải là sân giận, ác ý hay sự bực tức.

Do vậy, đó chính là những bài kinh cho sự ứng dụng tâm từ trong cuộc sống thường nhật. Cũng có một bài pháp thú vị về sự ứng dụng của tâm từ như một nền tảng cho sự hiểu biết sâu sắc. Đó là bài pháp của ngài A Nan Đà. Tôn giả A Nan Đà thật sự định nghĩa nhiều điều nền tảng cho sự hiểu biết sâu sắc về các tầng thiền định, bốn tâm vô lượng và chứng đắc ba tầng thiền vô sắc, nhưng tôi chỉ sẽ đề cập đến cách mà ngài mô tả tâm từ.

Lại nữa, một vị Tỳ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng như vậy với phương thứ hai, cũng như vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư; cũng như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới; cũng như về cho chính mình; vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không đối nghịch, không ác ý. Vị ấy suy tư và được biết: “Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Nếu vị ấy do vững trú ở đó, đoạn trừ được các lậu hoặc. Nhưng nếu không đoạn trừ được các lậu hoặc thì khi đó vì niềm vui thích đối với Pháp, niềm vui thích đối với Pháp đó, cùng sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử vị này thoát sanh về cõi Tịnh độ và ngay đó chứng đạt vô dư Niết-bàn mà không quay trở về thế giới đó nữa.

“Đây là pháp độc nhất được tuyên bố bởi Đức Thế Tôn… Nếu Tỳ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.

(Kinh Trung Bộ 52)11

Thậm chí điều cao thượng như tâm từ cũng vô thường. Nhìn thấy tự tánh thay đổi của nó có thể là một nền tảng để nghiên cứu và thể nhập.

9,10,11 Phần dịch nghĩa này có tham khảo bản dịch Kinh Trung Bộ của Hòa thượng Thích Minh Châu.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app