TRÍCH LỤC TRONG PAPAÑCAPASŪTANĪYA

Bảy nguyên tắc trọng yếu làm cho phát sanh thiền định và trí tuệ phổ thông đến tất cả hạng hành giả.

Bảy nguyên tắc đó là: nguyên tắc sửa chữa tính hay quên, nguyên tắc sửa chữa tính ngu độn, nguyên tắc sửa chữa tính lười biếng, nguyên tắc sửa chữa tâm buồn bực, nguyên tắc sửa chữa sự không hài lòng, nguyên tắc sửa chữa tâm không kiên cố, nguyên tắc sửa chữa tính không trung dung.[34]

Bảy điều: hay quên, ngu độn, lười biếng, buồn bực, không hài lòng, không kiên tâm, tính không trung dung, toàn là tội lỗi nặng nề, như sự quên mình, nếu có trong người nào, người đó hằng bị thất bại nhiều điều lợi ích, nhất là sự học hành không được tiến hóa, vì học chặng đầu rồi quên chặng chót, khi thi cử, không nhớ được bài học thi rớt. Vậy những nguyên tắc sửa chữa các điều đó toàn là pháp rất quan trọng.

1.      Nguyên tắc sửa chữa tính hay quên

  • Phải biết mình trong mỗi sát na: đứng, đi, ngồi, nằm, ăn, uống, làm, nói, suy tính, không cho tâm phóng túng, là trong khi đứng, phải nhớ “ta đứng, ta đứng”, vừa biết mình, không buông thả, rồi mới khởi làm công việc mà mình cần dùng tiếp theo. Khi mình đi, hoặc ngồi, nằm, ăn, uống, làm, nói, nghỉ, cũng phải có sự biết mình, như đã giải trong lúc mình đứng.
  • Phải xa người hay quên, vì sẽ làm cho mình phải quên theo.
  • Chỉ nên gần người có tâm ghi nhớ nhiều, vì sẽ làm cho mình ghi nhớ chơn chánh theo, nghĩa là người đó sẽ giúp đỡ, nhắc nhở mình trong lúc mình quên, hoặc khi mình thấy người có sự ghi nhớ chơn chánh, mình tự hổ thầm, rồi cố gắng, cho mình ghi nhớ thêm lên.
  • Phải chú tâm trong sự ghi nhớ, là dạy mình thường thường rằng: “Ta phải tự hóa cho thành người ghi nhớ bền chắc”.

Khi đã hành đủ bốn điều đó rồi, sẽ có tâm ghi nhớ kiên cố, không quên mình trong điều mà mình đã làm rồi, hoặc nói rồi và học rồi.

2.      Nguyên tắc sửa chữa tánh ngu độn

  • Phải chú tâm học hỏi những điều mà mình không rõ, không vừa lòng.
  • Phải gìn giữ sự sạch sẽ cho chơn chánh, đừng để thân thể, y phục, vật dụng và chỗ ở dơ bẩn.
  • Phải tu hành 5 pháp: đức tin, tinh tấn, trí nhớ, thiền định, trí tuệ cho đồng, đừng cho hơn kém nhau.
  • Phải xa người dốt nát là người không có sự từng trải, vì sẽ làm cho mình ngu dốt theo.
  • Phải gần người thông minh, có nhiều kinh nghiệm, vì sẽ làm cho mình có khiếu thông minh theo.
  • Phải chú tâm trong khi tiếp xúc các nhân quả, là khi gặp gỡ cái chi, mà mình chưa hiểu rõ gốc ngọn, phải tìm nghĩ cho biết, đừng bỏ qua.
  • Phải chú tâm trong pháp làm cho mình phát sanh trí tuệ – bất cứ là điều chi – phải tìm hiểu cho thấu. Thí dụ như sự nhúm lửa: mỗi khi nhúm lửa, phải nghĩ xét rằng: làm thế nào cho lửa mau cháy, xét cho đến khi hiểu rõ, vừa lòng, trong sự nhúm lửa đó cho được.

Khi đã hành theo 7 nhân đó rồi, mình sẽ sửa được tính ngu ngốc, trở nên thông minh, chắc thật.

3.      Nguyên tắc sửa chữa tính lười biếng

  • Phải tưởng đến tội của tính lười biếng rằng: “Sự lười biếng là điều không tốt, nó chỉ làm cho người thấp hèn thôi”.
  • Phải nhớ đến đức của sự siêng năng rằng: “Sự cần lao hằng làm cho người được tốt đẹp, được yên vui, được tiến hóa mãi mãi”.
  • Phải xét đến sự hành trình của con người rằng: “Con đường đi để tìm sự hiểu biết chơn lý, sự an vui, sự tiến hóa, không phải dễ dàng đâu – kẻ lười biếng không có thể đi theo được, chắc thật”. Khi đã xét thấy như thế rồi, phải tự hóa rằng: “Ta phải cần mẫn, ta phải bền chí, kiên tâm, không nên ngã lòng, thối chuyển”.
  • Phải tôn trọng đối với thực phẩm mà mình dùng, nghĩa là trong mỗi sát na thọ thực, phải xét rằng: thực phẩm này không phải để cho người nhác nhớn dùng đâu, vì là vật có lên theo sự siêng năng của người, như cơm mà người được dùng hằng nhờ kẻ nông phu làm ra, xiết bao cực nhọc. Khi đã nghĩ như thế rồi, phải nhớ tự hóa rằng: “Ta phải siêng năng, không nên bơ thờ, hờ hững đâu”.
  • Phải nhớ đến tài sản mà mình đã được từ sự tinh tấn là của cải về đời và phần đạo rằng: “Nếu ta lười biếng thì không bao giờ ta được của thế gian và xuất thế, chắc thật”.
  • Phải nghĩ đến lời thầy chỉ bảo sự hiểu biết cho ta rằng: “Những bậc đó đều là hạng thông rõ chơn chánh, toàn là người mong mỏi cho ta trở nên tốt lành, không muốn cho ta thấp hèn đâu”.
  • Phải tưởng rằng: “Ta là loài người, cao thượng hơn cầm thú, ta không nên lời biếng, không nên làm cho thất lợi, như cầm thú đâu”.
  • Phải nhớ đến bậu bạn tinh tấn, đã được thông minh, tốt lành, yên vui tiến hóa rằng: họ toàn là người siêng năng cả.
  • Phải xa người biếng nhác, gần kẻ siêng năng.
  • Phải chăm chú trong sự cần mẫn, vừa lòng trong sự khó nhọc, phải gớm ghê tính cẩu thả, lười biếng, như nhòm gớm vật dơ bẩn vậy.

Khi đã hành theo 10 điều đó rồi, sẽ diệt trừ được tính lười biếng. Nếu giáo hóa kẻ khác, nhất là con cháu cho trở thành người cần mẫn, cũng phải huấn luyện theo 10 pháp đó, nhưng phải từng trải trong sự giáo hóa, là đừng bắt buộc ngay, phải dùng phương tiện dạy bằng lời hỏi dần dần, như hỏi trong khi dùng cơm, hoặc sau lúc đã ăn rồi, rằng: “Này! Thực phẩm mà ta dùng đây là của người nhác nhớn, hay của kẻ siêng năng làm ra?” Nếu chúng nó nói chưa vừa ý, thì nên giải cho chúng nó nghe, rồi hỏi nữa coi chúng nó sẽ đáp thế nào? Nếu đáp không trúng cũng đừng nói, cố gắng hỏi nữa cho đến khi chúng nó trả lời trúng rằng là của người khéo léo làm ra, rồi sẽ hỏi nữa: “Các con nên siêng năng hay biếng nhác?” Nếu chúng nó nói: “Phải là người chăm chú”, rồi mình chờ xem coi chúng nó siêng thật hay chăng?

4.      Nguyên tắc sửa chữa tâm buồn bực

  • Phải nghĩ đến điều lành của mình và của kẻ khác mà mình nhận rằng: ta đã làm việc phải như vậy, trong khi đó … cần nhớ đến sự hành vi chơn chánh của mình, hoặc những điều mà mình đã giúp đỡ kẻ khác, như đã cho vật này, món kia đến người. Hãy nhớ đến điều tốt của người mà chính mình kính mến, như cha mẹ, thầy tổ, rằng: các bậc đó, đều có làm việc lành để dành rất nhiều.
  • Phải nghĩ đến việc lành của kẻ khác rằng: họ được tốt, được vui do đức tính nào, đức tính đó ta cũng có vậy. Điều này ám chỉ rằng: tưởng đến người lành là để làm cho ta được vui thích. Ta phải điều tra tính tốt của người đó trước, rồi xét đến ta rằng: ta có đức tính đó như họ chăng? Nếu thấy ta được tốt như người rồi đem so sánh người với ta.
  • Phải tưởng đến đức của Niết-bàn rằng: Niết-bàn không có sự buồn rầu, khổ não đâu, chỉ có sự vui thôi.
  • Không nên gặp người khổ não. Phải gần kẻ thường được yên vui, vì sẽ làm cho mình được vui theo.
  • Chỉ phải nhớ đến vấn đề an vui mà mình đã nghe từ nơi kinh hoặc từ kẻ khác, hoặc chuyện làm cho mình đã được vui thích.
  • Phải chú tâm trong sự vui thích, cho đến khi tâm hằng được thơ thới, ám chỉ rằng: trong điều này dạy phải tập luyện cho mình được vui, lìa khổ.

Khi đã hành theo 6 điều đó rồi, sự phiền muộn, buồn rầu, bất bình trong lúc bịnh họa, hoặc trong cơn đói kém, hoặc khi chi lìa nhân vật trìu mến sẽ tiêu tan. Tâm càng an vui thì làm việc chi cũng sẽ được như nguyện.

5.      Nguyên tắc sửa chữa sự không hài lòng

  • Phải dùng những thực phẩm vừa với thân thể của mình, nghĩa là thực phẩm không làm cho khó chịu, không làm cho yếu sức và không nên ăn quá độ.
  • Phải tìm ngụ trong nơi có khí hậu vừa với đặc tính của mình (nóng, ấm, lạnh cho hợp với tứ đại của mình).
  • Phải tìm oai nghi an vui, là mình hạp với oai nghi nào nhiều, thì dùng oai nghi đó cho vừa.
  • Phải giữ tâm bậc trung, đừng tham, sân, trong khi mình hoặc người có khổ, nguy hay vui, tiến. Phải nhớ nghĩ đến cái nghiệp là trọng rằng: đây là cái nghiệp của mình, của người.
  • Nên xa người dữ hay làm khó, làm khổ kẻ khác. Phải gần người lành, có tâm yên lặng.
  • Phải chú tâm trong đường an tĩnh thân và tâm, là phải tu tập cho đến khi tâm yên lặng.

Khi đã hành theo 6 pháp đó rồi, thân tâm sẽ được yên vui.

6.      Nguyên tắc sửa chữa tâm không kiên cố

  • Phải giữ sự sạch sẽ cả bên ngoài và bên trong, nghĩa là làm cho thân thể, y phục, vật dụng, chỗ ở, cho sạch sẽ đồng nhau.
  • Phải hành 5 đức tánh này cho có trong mình: đức tin, tinh tấn, trí nhớ hay niệm, thiền định, trí tuệ. Cho đồng, đừng cho hơn kém nhau.
  • Phải có khiếu thông minh trong sự phân biệt những cái mà mình thấy, đừng bỏ qua.
  • Phải chú tâm cho bền chắc, cho vui thích và kềm tâm cho vừa, đừng để thái quá, phóng túng, nghĩa là nếu tâm thối chuyển thì tìm cho thấu nguyên nhân làm cho tâm lui sụt, khi đã thấy, phải diệt trừ ngay. Phải nhớ nghĩ điều làm cho tâm kiên cố – về phương pháp cho tâm vui thích cũng vậy.
  • Nếu thấy tâm an trú chơn chánh, phải giữ tâm trung lập, đừng cho trồi sụt.
  • Phải xa người phóng túng, gần bậc an tỉnh, làm việc phải cho đúng đắn.
  • Phải nghĩ đến những việc mà mình định sẽ làm, rồi hành cho đến khi đạt mục đích, nhưng phải ở trong đường đạo đức.
  • Phải chú tâm cho vững chắc luôn luôn.

Khi đã hành theo 8 điều đó rồi, mình sẽ có tâm kiến cố, thật.

7.      Nguyên tắc sửa chữa không trung dung

  • Khi mình hay người gặp khổ, được vui, phải nghĩ rằng: Đây là do nghiệp dữ hoặc nghiệp lành của mình và của người; hoặc xét rằng không phải chúng sanh, người, chịu khổ, được vui đâu, chỉ là tứ đại thôi.
  • Phải tưởng rằng: “Không có ai là chủ của cái chi cả, chỉ là cái để dùng trong chút lát thôi”; hoặc nghĩ rằng: “Tất cả cái đó toàn là cái tạm thời thôi, không lâu dài đâu”.
  • Xa người hay dính mắc (gặp đâu ưa thích đó).
  • Chỉ nên gần người có tâm trung lập trong các sự vật, nhất là bậc không có tâm thiên vị vì thương, vì ghét.
  • Phải chú tâm bậc trung. Phải luyện tập cho đến khi phát sanh tâm vô ký chơn chánh.

Khi đã hành theo 5 nguyên tắc đó rồi, sẽ sửa chữa cái tâm không vô ký cho trở nên trung dung được.

Xin nhắc lại rằng: nếu người mình không lầm lạc, không ngu ngốc, không lười biếng, không buồn lòng, không hài lòng, không kiên cố, không trung dung, thì rất cao quý, làm việc chi hằng được như nguyện, không sai.

Nhân đó, xin hành giả hãy tinh tấn hành cho được, theo 7 nguyên tắc đã giải đây, hầu đạt được mục đích giải thoát không sai.

‒ Dứt pháp trích lục ‒

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app