Trao Tự Do Cho Người Khác, Để Học Về Nhân Quả Cho Chính Mình

14/01/2020 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam

Vốn chỉ có nhân và quả mà thôi. Bất kỳ hành động nào qua thân hay ý đều gieo nhân; và bất kỳ hiện tượng nào xảy ra trên thân và tâm đều là quả do nhân ấy. Cả nhân và quả này không phải là điều gì hay ai đó, mà chỉ là Bản chất Vô-thường-luôn-đổi-mới. Cả hai yếu tố nhân và quả không là ai đó hay cái gì đó, không là tôi hay bạn, không phải của tôi hoặc của bạn, chẳng là chúng sinh lẫn phi chúng sinh, không là giới tính nam hay giới tính nữ, chỉ là Bản chất Vô-thường-luôn-đổi-mới. Có thể chúng ta sẽ chấp nhận những luận điểm như vầy. Hay có thể chúng ta sẽ hiểu được những lý lẽ này. Việc chấp nhận hay không chấp nhận, cũng như việc hiểu hay không hiểu về lý thuyết trên, thì không quan trọng. Điều quan trọng thực sự là hay biết về Bản chất Vô-thường của hành động chấp nhận hay không chấp nhận và hiểu hay không hiểu. 

Để quán chiếu lý Vô-thường trong từng khoảnh khắc hiện tại của việc hiểu hay không hiểu, chúng ta phải có khả năng tập trung vào từng khoảnh khắc hiện tại của việc hiểu hay không hiểu về Bản chất Vô-thường. Sau khi chúng ta đã có thể hay biết Bản chất Vô-thường trong từng khoảnh khắc hiện tại của việc hiểu và biết hay sự không hiểu và không biết, chúng ta nên tập trung vào tâm chánh niệm có mặt trong từng giây phút hiện tại. Giữ tâm chánh niệm trên cùng một đối tượng thì chưa đủ. Chúng ta nên hướng chánh niệm vào những đối tượng vi tế hơn. Sự có mặt hay thiếu vắng tâm chánh niệm trong khoảnh khắc hiện tại chính là đề mục vi tế và khó nắm bắt nhất. Ngay cả khi chúng ta có thể chú tâm vào một đối tượng hay không thì cũng không quan trọng bằng là việc chỉ-làm hay chỉ-không-làm-mà-thôi, chỉ-kinh-nghiệm hay chỉ-không-kinh-nghiệm-mà-thôi. 

Kiến thức mà chúng ta có được thì hạn hẹp, chúng sẽ bao hàm việc hiểu hay không hiểu do việc vận dụng trí thông minh hạn hẹp. Liễu tri về Sự thật này thì quan trọng hơn sự hiểu hay không hiểu tri thức. Kiến văn qua đọc hiểu hoặc lắng nghe thì chưa đủ. Chúng ta nên cố gắng quán xét qua kinh nghiệm thực hành.

Thật là khó khăn để vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Tôi đã phải học hỏi từ trải nghiệm của một tu sĩ. Là một tân tỳ-khưu, đã có nhiều thứ tôi không thể hiểu, nên cũng có nhiều việc tôi không có khả năng thực hiện hay giải quyết. Thế nhưng, tôi biết cách giữ tâm an ổn và thuần tịnh. Đó chính là thiền tập. Tôi đã hướng dẫn hội chúng hành thiền. Lúc đầu, tôi chỉ có thể dạy thiền. Tôi chưa thể giảng giải về Pháp học và luật tỳ-khưu, bởi vì tôi chỉ học cho sự hiểu biết của chính mình, chứ không phải để dạy ai khác, vì vậy mà tôi đã không nhớ được các chi tiết. Có lẽ, tôi chỉ nhớ phần trọng tâm trong tạng luật hay điểm chính trong lời dạy của Đức Phật. Ngoài ra, tôi am tường về tình hình giáo dục và kinh tế thông qua kinh nghiệm cá nhân, nhưng tôi chưa lập gia đình, chưa có vợ, sinh con như đời sống của một người tại gia; do vậy, tôi đã không biết cách giải quyết vấn đề giữa vợ và chồng. Dẫu rằng tôi quan tâm đến dược phẩm nhưng tôi đã không thành thạo như một bác sĩ, song tôi đã phải liên hệ với nhiều người trong xã hội với như là một người thầy dạy thiền. 

Là một tu sĩ, tôi đã trở thành người dẫn dắt cho hàng cư sĩ không chỉ về thiền học mà còn trong hầu hết mọi khía cạnh. Phật tử nương tựa nơi chư tăng và tu nữ, nên họ nương tựa vào tôi. Vậy nên, tôi không tránh khỏi việc đưa ra quyết định cho cả vấn đề mà tôi không hiểu. Cách thức đi đến quyết định cũng đơn giản, chỉ cần chú trọng vào quyết định của người khác. Tuy nhiên, nhiều quyết định sai lầm hoặc kết quả xấu cũng xảy ra… Vì tôi là một tu sĩ nên tôi không gặp vấn nạn về kinh doanh, cuộc sống gia đình, giáo dục, chính trị… Đó là lý do tại sao tôi có thể học hỏi, bởi vì tôi tự do. Tôi không thể quyết định trong vai trò như một cư sĩ. Nếu đóng vai trò như một người bệnh hay bậc cha mẹ, tôi sẽ không thể ra quyết định một cách tự do như thế này. 

Ngoài ra, tôi có thể tự do học hỏi, không như cách của người tại gia. Chẳng cần phải học một cách chủ động, tôi được thỉnh mời trai tăng và giảng Pháp tại tư gia. Với vị thế là một tu sĩ, tôi không giống như người cư sĩ, đó là lý do mà Phật tử thường mở lòng với chư Tăng và Tu nữ. Họ có thể không mở lòng với những người cư sĩ khác nhưng họ sẽ chia sẻ cùng chúng tôi. Qua đó, tôi có thể tích lũy kinh nghiệm. Họ chia sẻ về câu chuyện của mình, họ đã làm gì, họ đang làm gì dẫn đến sự việc đã xảy ra. Đây là lời dạy dành cho tôi về việc ra quyết định và kết quả phát sinh từ đó. Tôi phải liên tục học như vậy nên tôi không có thời gian để trau dồi Pháp học. Tôi bận rộn giải quyết các vấn đề và bệnh tật cho người cư sĩ. Tôi không nhất thiết phải can thiệp vào các tình huống của họ, nhưng hầu hết mọi người thì tuyệt vọng và vô gia cư. Họ chẳng biết làm gì cả. Bản thân họ không thể tự giải quyết cho mình; bác sĩ, quan tòa, chính phủ cũng bất lực trong nhiều trường hợp. Vì vậy, tôi quyết tâm tập trung hướng dẫn và tương trợ các tình huống khó khăn. 

Mặt khác, tôi đang giải quyết những trở ngại về thiền tập. Thiền sinh cũng gặp vấn đề tương tự. Họ đang hành thiền nhưng hầu như thiền sinh đều gặp khó khăn. Họ không thể tìm thấy con đường Trung Đạo và khắc phục lỗi lầm truyền thống. Đó là lý do vì sao tôi làm thiện phước cả về hỗ trợ hành thiền lẫn công tác từ thiện. Từ năm 2002, tôi đã phải kham nhẫn thực hiện như vậy. Hướng dẫn thiền, đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi… là như nhau. Lúc đó, tôi chỉ mới là một hành giả. Tôi không có nhiều cơ hội để làm. Tôi đã quyết định trở thành tu sĩ và tôi cũng thực hiện việc dạy dỗ. Về bản thân, tôi chỉ cần đưa ra vài quyết định như vậy thôi. Đó là lý do tại sao tôi thiện xảo về các quyết định. 

Nhưng tôi lại đứng trước các câu hỏi xoay quanh thiền sinh cùng các mối quan hệ của họ. Bởi, họ cũng gặp mâu thuẫn xã hội nên tôi chọn giải quyết chúng. Do đó, tôi phải hiểu về vấn đề giữa vợ và chồng, trong nội vi gia đình và giữa bạn bè với nhau. Tôi không cần vội vàng, tôi tìm hiểu một cách từ tốn. Người ta cho rằng tôi không tiếp tục việc học nhưng tôi lại có thể học toàn thời gian. Đây là cách học thực tế chứ không dừng ở việc đọc hiểu và suy ngẫm mà qua đào tạo thực nghiệm. Với cách thức này, tôi có thể thấu hiểu nguyên cớ từ các quyết định sai lầm bên cạnh một vài điều đúng đắn. Đó là lý do tại sao tôi quyết tâm thành lập nhiều trường thiền khi tôi trở về lại thiền viện (Thanlyin Thabarwa Nature Center) ở Yangon (Miến Điện). Như vậy, tôi có thể nhận thiền sinh và cho phép họ trú ngụ tại các trung tâm (thuộc Thabarwa), rồi họ được thực hành như sở nguyện.

Con người trong xã hội thì không được tự do và họ không có nhiều cơ hội để làm theo ý mình. Do đó, họ cần tự do. Bởi vì sự kiểm soát chặt chẽ, hầu hết người dân, bao gồm cả tôi nữa, không phát huy được khả năng của bản thân. Họ có thể hiểu biết nhiều nhưng chỉ nhờ vào học vấn, chứ không phải kinh nghiệm thực tiễn. Không riêng gì họ, bản thân tôi cũng cần sự tự do. Đó là lý do tại sao tôi mở các trung tâm Thabarwa và cho họ cơ hội để thực hiện. Nếu tôi quản thúc mọi thứ ở trung tâm như cách thức truyền thống thì mọi người không được tự do, rồi thì họ không dám làm gì cả. Có điều dễ hiểu lầm là: Nếu chúng ta chú trọng vào giới luật, người ta sẽ bám chấp định kiến rằng: “Trung tâm này thật nghiêm khắc với nhiều luật lệ quá!” Nếu họ tuân thủ kỷ luật thì họ lại khước từ tự do và ngược lại. Nếu họ ủng hộ tự do thì họ đâm ra chối từ luật lệ. Đây là bản tính của con người. Phần lớn người đời là như vậy, nên vì không muốn đánh mất tự do, tôi không nhấn mạnh vào kỷ luật. 

Người ta biết đến Trung tâm Thabarwa như một nơi chốn tự do và thế là, ngày càng có nhiều người đến và nương tựa nơi đây, họ cư xử và hoạt động theo ý mình. Một vài người có thể nghĩ rằng họ tự do sinh hoạt nơi đây cho dù là làm lành hay xấu ác. Điều này là một tà kiến mà khó có thể thông giải. Nếu tôi luận giải thì họ có thể chuyển hướng sang sai biệt khác. Ở những trú xứ khác, người ta không được phép phạm lỗi ngay cả một điều nhỏ. Và thế là, họ sẽ muốn rời bỏ nơi đó. Bởi vì, việc tránh lỗi nhỏ nhặt thì chẳng dễ dàng. Theo quan kiến nhân gian, nơi đây có đầy rẫy lỗi lầm và hiềm khích lẫn nhau. Thật là khó khăn để chỉnh đốn sai lầm nhưng tôi cố gắng sửa chữa. Điều này là khả thi và cần thời gian lâu dài.

Bởi vì, tôi đang làm việc với nhiều người nên tôi có một cơ hội thay đổi tâm thức của họ. Do đó, tôi phải nhấn mạnh vào Định luật Tự nhiên. Nếu tôi làm việc chơn chánh thì tôi sẽ nhận quả lành. Nếu tôi gieo điều xấu ác thì chắc chắn là tôi sẽ gặp quả trầm luân. Chỉ có hành động hiện tại và quá khứ của chúng ta là nhân tạo ra quả thiện và quả bất thiện mà thôi. Đây là Định luật Tự nhiên. Cho nên, tôi phải dựa vào định luật đó. Tôi chú trọng tránh mắc lỗi lầm để chỉnh sửa sai lầm của chính mình và để hành thiện. Tôi tạo cơ hội làm thiện phước cho mọi người nhưng nếu họ không muốn làm thì tôi chẳng để tâm và tự mình thực hiện. Trao tự do là nguyên nhân và nhận về tự do là kết quả. Do nhờ trao đi sự tự do làm điều thiện lành cho rất nhiều người, ngay cả khi họ không thể làm, tôi vẫn nhận về khả năng hành thiện. Tôi được trao rất nhiều cơ hội từ người khác và đó chính là cách học trực nghiệm từ nhân – quả. Đó là lý do mà tôi liên tục sử dụng phương pháp này. 

Theo cách nghĩ của người đời, tôi phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho cư dân của trung tâm này. Thực ra, tôi không đại diện cho bất cứ ai cả, tôi chỉ hướng dẫn họ phương pháp đúng đắn, điều cần làm và điều họ muốn làm. Tôi nhận lãnh phần giảng giải cách làm phước thiện, điều mà tôi đang làm. Hầu như là người ta không lãnh hội được điều mà tôi giải thích, họ đang nắm giữ vào tà kiến. Đó là lý do tại sao ngay cả khi tôi giới thiệu về các trung tâm Thabarwa và về tôn chỉ của việc hành thiện, họ có thể chấp vào sự hiểu biết cá nhân cũng như không chấp nhận nó ngay lúc đó. Do vậy, bản thân tôi tiếp tục làm phước thiện và tôi cũng thiện chí mời gọi mọi người cùng làm. 

Tương tự chuyến hoằng pháp đến Việt Nam cũng vậy, tôi đến Việt Nam để hướng dẫn khóa tu 9 ngày. Mục đích của chuyến đi là rõ ràng. Vậy nên, những người tháp tùng phải làm phước thiện cùng với cơ hội tham quan nơi đây. Thông điệp đơn giản và rành mạch nên thành viên đoàn có thể hiểu điều phải làm và không được làm. Nếu người đó tuân thủ thì họ sẽ được điều lợi lạc. Nếu không, người ấy sẽ nhận bất như ý. Nhân và quả này rất hiệu nghiệm. Tôi không chịu trách nhiệm về mọi thứ cho họ. 

Theo đó, tôi làm thiện pháp toàn thời gian không chỉ khi đi hoằng pháp mà còn tại các trung tâm Thabarwa. Thế nên, cư dân tại các trung tâm Thabarwa cũng bận rộn để hành thiện mọi lúc. Một vài người có lẽ không làm hoặc có người chẳng hiểu lời dạy, đó là tự nhiên. Chúng ta không thể chối bỏ những lỗi lầm của việc làm bất thiện, cho nên chúng ta chỉ cần giảng dạy đâu là đúng đắn, cái gì là sai trái. Cùng với đó, họ sẽ chỉ ra cho chúng ta về kết quả xấu, và thế thì điều chúng ta cần làm là học hỏi từ sự phản ứng (nhân-quả) của họ. Thế là đủ rồi. Đó là lý do tại sao phương cách này thực sự hiệu quả. Chúng ta không cần phải chú trọng nhiều vào kỷ luật.

Không có quá nhiều quy định ở các trung tâm Thabarwa nhưng tôi cố gắng tập trung hoàn toàn vào lý Nhân-quả hay quy luật Tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận và hiểu bằng kinh nghiệm dưới góc độ của luật Tự nhiên. Ngày càng có nhiều người tin tưởng vào lý thuyết này. Đó là lý do tại sao học thuyết là đúng đắn. Việc tin tưởng vững chắc vào lý lẽ này trở nên mạnh mẽ tại các trung tâm Thabarwa. Theo đó, nó dần trở nên hữu dụng. Lúc đầu, niềm tin còn ít ỏi nên phương cách chưa phát huy tác dụng, nhưng sau một thời gian nó lại trở nên rất hữu ích.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app