Ðiểm tranh luận: Tất cả nghiệp đều cho quả (vipaka).

Lời chú giải: Quan niệm này cũng của phái Māhasanghikas, căn cứ vào đoạn kinh đã được trích dẫn ở trên. Mặc dù Ðức Thế tôn đã thuyết giảng tác ý là nghiệp (Kamma) ở đây chỉ có sở hữu tư hợp với tâm thiện hay tâm bất thiện mới có cho quả, còn sở hữu tư hợp với tâm vô ký thì không cho quả. Ðoạn kinh được dẫn chứng không đưa đến một kết luận nào, bởi vì phái này chỉ dựa trên những kinh nghiệm về quả trong đời sống bình thường mà không đưa ra đến những duyên cần thiết.

(1) Theravadins: - Có phải Ngài bao hàm rằng tất cả sở hữu tư đều cho quả? Nếu Ngài từ khước thì luận điểm của Ngài đưa ra không có hiệu lực một cách tổng quát được. Nếu Ngài bao hàm rằng sở hữu tư cho quả, thì Ngài cũng phải chấp nhận đối với điều này: Sở hữu tư vô ký quả thiện cho quả thiện, sở hữu tư thành dị thục quả thiện đưa đến quả thiện, dù cho nhũng sở hữu tư như vậy được thực hiện với bất cứ người nào trong ba cõi...(1)  Tất cả những điều này Ngài phải từ khước.

(2) Có phải Ngài không quan niệm rằng Tư quả và tư hạnh được gọi là pháp vô ký, mà theo Ngài thì chúng có khả năng cho quả. Nhưng thực sự thì khả năng cho quả ấy không thể nào có được đối với những sở hữu tư như vậy. Do đó, trong trường hợp nào, mà quan niệm của Ngài có thể áp dụng tổng quát được?

(3) Nhưng nếu tôi sai lầm, có phải Ðức Thế tôn đã từng tuyên bố: "Này chư Tỳ kheo ta tuyên bố rằng các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ (kết quả) thời không có chấm dứt, dầu kết quả ấy sanh khởi ngay trong thời hiện tại hay trong đời sau." (2) . Như vậy, chắc chắn tất cả nghiệp đều cho quả.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada