Ðiểm tranh luận: Dục giới chỉ có nghĩa là ngũ dục lạc.
Theo chú giải: Luận điểm này được mở rộng để chỉnh đốn lại ý nghĩa của chữ "Kāmadhatu" đã bị phái Pubbaseliyas hiểu trong nghĩa hạn hẹp. Họ không phân biệt được ý nghĩa của hai từ "Kāmadhatū " (cõi dục giới) và "Kāmagunā" (dục lạc).
Ý nghĩa của chữ "Kāmadhatū" được hiểu theo nhiều cách:
- Vatthukāma, đối tượng của ngũ dục.
- Kilesakāma, phiền não hay các dục của thế gian
- Kāmabhava, mười một cảnh giới từ địa ngục đến sáu cõi trời dục giới.
Trong từ thứ nhất, Kāma có nghĩa là đối tượng của ái dục; trong từ thứ hai, Kama có hai nghĩa là đối tượng của ái dục và lòng ái dục; và trong nghĩa sau cùng, Kāma có ba nghĩa là đối tượng của ái dục, lòng ái dục và nơi mà có đối tượng của ái dục hiện hữu - Còn Dhātu luôn có nghĩa là khu vực, tự nó hiện hữu mà không bị sự chi phối của một tự ngã nào.
(1) Theravadins: - Có phải Ngài thừa nhận sự mong mỏi, lòng hoan hỉ và sự vui thích những ái dục đều bị ràng buộc bỏi ngũ dục hay sao? Như vậy làm thế nào Ngài có thể duy trì rằng dục hữu chỉ đơn thuần là dục lạc?
(2) Có phải Ngài cho rằng ngũ thức của nhân loại không liên hệ rộng rãi với dục hữu, với năm ngoại cảnh tương ứng và ý thức không? Ngài đáp "không" (có nghĩa là dục giới chỉ có nghĩa là ngũ dục lạc) nhưng Ngài hãy suy nghĩ lại... Bây giờ, Ngài lại đồng ý và cho rằng ý thức không phải là dục hữu (vì siêu thế hay các tầng thiền cũng có ý thức). Nhưng có phải Ðức Thế tôn đã từng tuyên bố rằng "Ngũ dục lạc trong đời này với ý thức là sáu, ai nhàm chán, yểm ly dục lạc, người đó thoát khỏi sầu bi"? (1) Từ đây không thể nói rằng dục hữu không bao gồm ý thức.
(3) Lại nữa, Ngài có thể cho rằng ngũ dục thuộc hữu, thuộc chỗ chúng sanh nương ở, thuộc chỗ sanh ra, thuộc chỗ trụ của thức, thuộc tự báo thân không? Có nghiệp nào dẫn dắt chúng sanh tái sanh vào ngũ dục lạc không? Có chúng sanh nào sanh, già, bệnh, chết, và tái sanh vào ngũ dục lạc không? Có phải có ngũ uẩn trong ngũ dục lạc không? Có phải ngũ uẩn hữu trong ngũ dục lạc không? Có phải Ðức Phật toàn giác, Ðức Phật Ðộc Giác, hai vị đại Ðệ tử ra đời trong Ngũ dục lạc?
(4) Tất cả những điều này Ngài có thể khẳng định chỉ có ở cõi dục giới mà không có trong ngũ dục lạc.
(5) P: - Nhưng có phải Ðức Thế tôn đã từng thuyết rằng "Này các Tỳ kheo, có năm thứ dục lạc. Thế nào là năm? Những đối tượng: sắc, thinh, hương, vị, xúc khả ái, khả ý, khả hỷ, khả lạc, tương ứng với dục và hấp dẫn được nhận thức bằng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Ðây là ngũ dục lạc"?(1)
Từ đây, chắc chắn dục giới chỉ có ngũ dục lạc mà thôi.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada