Ðiểm tranh luận: Có trung hữu.
Theo chú giải: Các tông phái như Pubbaseliyas và Sammitiyas khi nhận thức danh từ "Trung bang bất hoàn" (1) (bậc Bất lai chứng đắc quả A-la-hán nửa đời trước rồi nhập Niết bàn ở Tịnh cư thiên) nên cho rằng có một tầng trung gian nơi mà chúng sanh chờ đợi (để đi thọ sanh trong kiếp kế tiếp) trong một tuần hay lâu hơn. Lập luận minh bạch của phái Theravadins căn cứ trên lời dạy của Ðức Phật, chỉ có ba cõi để đi tái sanh là Dục Giới, Sắc giới, và Vô sắc giới.(2)
(1) Th: - Nếu có Trung hữu, Ngài phải định danh trung hữu chính là Dục hữu, hay Sắc hữu, hay Vô Sắc hữu? Ðiều này Ngài từ khước...
(2) Ngài cũng từ khước rằng có trạng thái Trung hữu ở giữa Dục hữu và Sắc hữu, hay ở giữa Sắc hữu và Vô Sắc hữu...
(3) Thật ra, Ngài chấp nhận không có một pháp nào như vậy cả, do đó, làm thế nào Ngài có thể duy trì quan niệm của Ngài được?
(4) Có phải Trung hữu là nơi sanh thứ năm, hữu thứ sáu, là chỗ thức trợ thứ tám hay là cõi cư trú của chúng sanh thứ mười? Có phải Trung hữu là Hữu, là Sanh, là chỗ thức trụ, là tự báo thân? Có nghiệp nào dẫn dắt đến Trung hữu không? Có chúng sanh nào tái sanh vào Trung Hữu không? Có phải chúng sanh sanh, già, bệnh, chết từ nơi ấy và tái sanh cũng từ chỗ ấy không? Có phải có ngũ uẩn hiện hữu nơi Trung hữu không? Tất cả điều này Ngài từ khước. Vì vậy, làm thế nào Ngài có thể duy trì quan niệm của Ngài được?
(5 - 7) Ngài công nhận rằng một trong những vấn đề này đều áp dụng được đối với một trong ba cõi đã được kể trên, sự khác nhau duy nhất ở hai cõi đầu - Dục giới và Sắc giới - là có ngũ uẩn hữu, còn chúng sanh ở cõi Vô sắc thì chỉ có Tứ uẩn hữu (vì không có Sắc uẩn). Như vậy, nếu có Trung hữu thì Ngài phải xác định một vài hay tất cả những vấn đề này (ở phần 4) về Trung hữu. Nhưng Ngài cho rằng vấn đề này Ngài không thể xác định được...
(8) Ngài cũng từ khước rằng có Trung hữu cho tất cả chúng sanh. Như vậy, từ đây quan điểm của Ngài không có giá trị tổng quát được.
(9 - 11) Ðối với chúng sanh nào Ngài từ khước có Trung hữu? Có phải đối với chúng sanh tạo Vô gián nghiệp không? (3) Nếu Ngài đồng ý thì khi suy rộng ra quan điểm của Ngài không hữu lý hay là có phải đối với chúng sanh không tạo nghiệp vô gián thì Ngài xác nhận có Trung hữu? Ngài đồng ý như vậy. Do đó, Ngài phải từ khước Trung hữu đối với chúng sanh ngược lại.
Ngài cũng từ khước Trung hữu đối với chúng sanh tái sanh ở địa ngục, ở cõi vô tưởng và ở cõi trời vô sắc. Do đó, quan niệm của Ngài không có giá trị tổng quát. Tuy nhiên, Ngài lại duy trì rằng có Trung hữu đối với chúng sanh không tạo nghiệp vô gián, chúng sanh không tái sanh vào địa ngục, cũng như không phải chúng sanh ở cõi vô tưởng và cõi vô sắc.
(12) P. S.: - Nhưng có phải không có chúng sanh "Trung bang bất hoàn" hay sao? Nếu có phải chăng chúng tôi không hữu lý?
(13) Th: - Phải thừa nhận có chúng sanh "Trung bang bất hoàn" nhưng có chúng sanh "Sanh bang bất hoàn" không? Ngài thừa nhận có. Nhưng nếu thừa nhận rằng có chúng sanh "Sanh bang bất hoàn" thì có phải cũng có "Sanh bang hữu" chăng? Có chúng sanh "Hữu hành bang bất hoàn" thì có phải cũng có "Hữu hành hữu chăng?" Có chúng sanh "Thượng lưu bang bất hoàn" thì có phải cũng có "Thượng lưu hữu" chăng? Nếu Ngài khước từ, Ngài phải phủ nhận quan điểm của Ngài.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada