Ðiểm tranh luận: Hư không là vô vi.

Theo chú giải: Hư không có ba hình thức; Sự hạn định, sự trừu tượng từ đối tượng và sự rỗng không. Hình thức đầu là hữu vi (vì có điều kiện vật chất mới nhận thức được), hai hình thức sau đơn thuần là những khái niệm trừu tượng. Nhưng một số tông phái như Uttarapattakas và Mahimsāsakas lại quan niệm hai hình thức sau vì chúng không là hữu vi nên là vô vi. Thực ra, hư không thuộc danh chế định vì thế không thể gọi là hữu vi hay vô vi được.

(1) Theravadins: - Nếu hư không là vô vi, như Ngài đã xác nhận, thì Ngài cũng phải xếp loại hư không với Niết bàn, hoặc Ngài phải xác nhận có hai loại vô vi cũng như có hai loại Niết bàn. Tất cả những điều này thì Ngài từ khước.

(2) Có thể có người nào tạo được hư không ở nơi phi hư không chăng? Như thế, thì người đó có thể làm hữu vi trở thành vô vi. Ngài từ khước điều này...Cũng vậy, đối với tiến trình ngược lại (làm phi hư không thành hư không, làm vô vi thành hữu vi).

(3) Lại nữa, nếu Ngài chấp nhận rằng chim bay trong hư không, mặt trời, mặt trăng và tinh tú có thể đi ngang qua hư không, bậc thần thông hóa hiện phép trong hư không, cánh tay hoặc bàn tay có thể lay động trong hư không, ném đá, đánh cầu, một người có thể chuyển động với thần lực, mũi tên được bắn trong hư không, Ngài phải thừa nhận như vậy với những chuyển động xuyên qua và ở trong vô vi - Ðiều này thì Ngài không thể thừa nhận được.

(4) Lại nữa, nếu người ta có thể bịt kín hư không khi người ta cất nhà, làm kho; người ta có thể nào bịt kín vô vi như vậy được không? Hay khi đào giếng, có phải phi hư không trở thành hư không chăng? Ngài đồng ý à? Thế thì có phải vô vi trở thành hữu vi? Hay là khi giếng trống, kho trống, nồi trống bị bịt lại thì có phải hư không biến mất đi chăng? Nếu như vậy, có phải vô vi cũng biến mất?

(5) V. M.: - Nếu sai lầm khi nói rằng hư không là vô vi, có phải hư không là hữu vi? Ngài từ khước. Do đó, hư không phải là vô vi vậy.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada