Ðiểm tranh luận: Ngài có tướng hảo (32 tướng tốt) là một vị Bồ-tát.

Theo chú giải: Quan niệm của phái Uttarāpathakas, bắt nguồn từ sự hiểu lầm ý nghĩa của đoạn kinh "... Người có tướng tốt của một vị đại trượng phu, có hai con đường mở ra ..." (1)

(1-5) Theravadins: - Với quan niệm của Ngài, Ngài cũng phải thừa nhận rằng người nào:

(a) có một phần tướng hảo, một phần ba tướng hảo, hay một phần hai tướng hảo là vị Bồ Tát một phần, là vị Bồ Tát một phần ba, hay phân nửa là Bồ Tát. Ðiều này Ngài từ chối.

(b) Và một vị Chuyển Luân Thánh Vương - Người cũng có những tướng tốt - là một vị Bồ - Tát, và cách tu tập, phẩm hạnh, cách giảng pháp, thuyết pháp của vị bồ tát như thế nào thì vị Chuyển Luân Thánh Vương cũng như vậy;

(c) Khi vị Chuyển Luân Thánh Vương sanh ra, Chư thiên bồng ra trước rồi với đến nhân loại bồng ra sau giống như vị Bồ Tát khi mới giáng sinh.

(d) Tứ Ðại Thiên Vương bồng vị Chuyển Luân Thánh Vương đến trước mặt Hoàng Hậu, tâu rằng: "Hạnh phúc thay, tâu Hoàng Hậu, bà đã sanh ra một bậc phi thường ", cũng giống như Tứ đại Thiên vương đã bồng vị Bồ tát.

(e) Có hai vòi nước lạnh và ấm từ trên hư không, tắm cả đứa bé và bà mẹ cũng xảy ra giống như trong ngày sanh của vị Bồ tát.

(f) Khi vị Chuyển Luân Thánh Vương sanh ra, đứng lên, mặt hướng về phía Bắc, bước đi bảy bước, mỗi bước có hoa sen trắng nâng đỡ, Ngài nhìn xung quanh cất giọng sang sảng tuyên bố " Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Ðây là kiếp sống cuối cùng của Ta và ta sẽ không còn tái sanh trong tương lai nữa ".

(g) Có những hiện tượng trong ngày sanh như ánh sáng lạ thường, hào quang rực rỡ và trái đất rung chuyển;

(h) trên thân thể, hào quang tỏa sáng một sải tay đều khắp chung quanh;

(i) Mẹ của Bồ tát và mẹ của Chuyển Luân Thánh Vương đều thấy đại mộng (2).

Tất cả những điều kể trên Ngài đều từ chối.

(6) Uttarāpathakas: - Nhưng nếu Ngài bác bỏ quan điểm của chúng tôi, có phải Ðức Thế tôn đã từng thuyết: "Này các vị Tỳ kheo, tướng tốt của Bậc đại trượng phu có 32 cách và bậc này chỉ có hai con đường mở ra mà không có con đường nào khác. Nếu sống đời sống gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển Luân Thánh Vương, trị vì bốn Châu thiên hạ bằng chánh pháp. Vị này có bảy báu: Xa báu, Tượng báu, Mã báu, như ý ngọc báu, Ngọc nữ báu, Tướng quân báu, và cư sĩ báu. Vị này có cả ngàn Thái tử anh hùng, dũng cảm, đủ sức chinh phục địa cầu mà không dùng đến hình phạt đạo binh, chỉ bằng chinh pháp. Nếu xuất gia tu hành, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng giác, đoạn trừ những phiền não ràng buộc trong đời "? (1)

Như vậy, có phải quan niệm của chúng tôi không hữu lý?



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada