Ðiểm tranh luận: Một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị A-la-hán.

Lời chú giải: Vì có một số đoạn kinh như "Này Chư Tỳ kheo, có hai pháp liên hệ đến sự hoại lìa của vị Tỳ kheo đang tu tập (1). Này Chư Tỳ kheo có năm pháp liên hệ đến sự hoại lìa thành sản của vị Tỳ kheo (2)" . Nên một vài bộ phái như Sammitiyas, Vajjputtiyas, Sabbattivadins và một vài bộ phái thuộc Mahāsanghikas cho rằng vị A-la-hán có thể lìa quả A-la-hán. Trong luận điểm này, phái Theravadins đã đặt ra những câu hỏi chất vấn để bẻ gãy những quan kiến sai lầm của các bộ phái.

I . - SỰ ÁP DỤNG CÁC LUẬN CHỨNG:

(1) Th: - Quan niệm của Ngài cho rằng một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị A-la-hán là đồng nghĩa với sự thừa nhận những điều sau đây: 1) Vị ấy có thể hoại lìa bất luận nơi nào; 2) bất luận thời nào; 3) tất cả các vị A-la-hán đều có khả năng hoại lìa quả vị A-la-hán; 4) Vị A-la-hán có khả năng hoại lìa không chỉ quả vị A-la-hán, mà còn có thể hoại lìa cả 4 quả của 4 đạo; 5) Giống như một bậc trưởng giả giàu sang, nếu mất đi một trong bốn ức tài vật, cũng vẫn được gọi là bậc trưởng giả, còn nếu mất đi cả bốn ức tài vật, thì người này, theo như Ngài, sẽ không được gọi là bậc trưởng giả nữa.

II.- LÝ LUẬN PHẢN ÐỐI BẰNG CÁCH SO SÁNH CÁC TẦNG THÁNH:

(6) Nếu một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị thì ba tầng thánh thấp hơn. - Bất lai, Nhất lai và Dự Lưu - cũng có khả năng hoại lìa và những quả tương ứng cũng hoại lìa như vậy.

(7) Nếu một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị, và chỉ còn giữ lại các quả thấp kế tiếp, thì trong sự hoại lìa tương tự có khả năng xảy ra đối với ba quả thấp và nếu vị Dự lưu bị hoại lìa quả Dự lưu thì chỉ còn là phàm phu.

(8) Nếu một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị, người được thừa nhận rằng đã đoạn tận phiền não nhiều hơn bất kỳ một vị Thánh hữu học nào, chắc chắn vị này cũng sẽ bị hoại lìa những quả hữu học tương đương. Tại sao lại từ chối khả năng hoại lìa đối với các vị Thánh hữu học, (9 - 13) mà lại chấp nhận điều đó chỉ với vị A-la-hán?

(14 - 20) Nếu một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị A-la-hán, người có sự chứng đạt cao thượng về Bát Thánh đạo, Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh cần, Tứ Thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi hơn các bậc hữu học, thì tại sao lại chối từ các bậc thánh hữu học có thể hoại lìa các quả hữu học?

(21 - 32) Tương tự, nếu Tứ Ðế: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo mà vị A-la-hán chứng ngộ cao thượng hơn ba quả hữu học, thì tại sao chỉ có quả vị A-la-hán bị hoại lìa?

(33) Ngài không thể tán thành vị A-la-hán, người đã đoạn tận Ái dục và tất cả các phiền não trói buộc khác, lại có thể hoại lìa quả vị A-la-hán, và trong khi đó vẫn từ chối rằng bậc Dự lưu, Người đã đoạn tận được Thân kiến, cũng có thể hoại lìa quả Dự lưu, cũng từ chối các bậc hữu học khác, những bậc đã đoạn tận được Hoài nghi, Giới cấm thủ, Ái, Sân và Si (trong thập ác nghiệp), những bậc mà không còn tái sanh vào bốn ác đạo lại có thể hoại lìa quả hữu học.

(34) Tương tự, Ngài lại từ chối rằng bậc Nhất lai, Người đã đoạn tận Thân kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ, Ái mạnh và sân thô lại có thể hoại lìa quả Nhất lai.

(35) Tương tự, Ngài lại từ chối rằng bậc Bất lai, Người đã đoạn tận Thân kiến, Hoài Nghi, Giới cấm thủ, Ái dục và Sân tế lại cũng có thể hoại lìa quả. Bất lai.

(36) Hoặc thừa nhận bậc Bất lai có thể hoại lìa quả vị, nhưng bậc Dự lưu thì không thể hoại lìa, hay.

(37) Bậc Nhất lai không thể hoại lìa.

(38) Tương tự, thừa nhận bậc Nhất lai có thể hoại lìa quả vị, nhưng bậc dự lưu thì không thể hoại lìa quả vị.

(39) Ngược lại, Ngài không thể nào quan niệm rằng bậc Dự lưu, người đã đoạn tận Thân kiến ... không thể lìa quả vị, trong khi đó, đối với bậc A-la-hán, người đã đoạn tận Ái dục và tất cả những phiền não, mà Ngài cho rằng bậc này có thể hoại lìa quả A-la-hán.

(40 - 44) Tương tự, có thể nào Ngài lại quan niệm chỉ có một loại nào đó trong Bốn tầng thánh không thể hoại lìa quả vị. Trong khi đó các bậc Thánh khác lại có thể hoại lìa quả vị của họ?

(45) Ngài chấp nhận tất cả, những phẩm hạnh trong sạch của một bậc A-la-hán: Người đã "Ðoạn tận Tham, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể tái sanh khởi trong tương lai" (1)  và cũng đoạn tận được tất cả những phiền não còn lại như: Sân, Si, Ngã mạn ...

(46) Người đã chứng ngộ đạo, Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh cần, Tứ Thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Giác chi.

(47) Người đã "Xa lìa tham, xa lìa Sân, xa lìa Si", "Người đã làm những việc cần làm, đặt gánh nặng xuống", "Chiến thắng tối thượng", "Cắt đứt sự ràng buộc trong các hữu", "Người đã được giải thoát bằng sự giác ngộ", "Người đã lấp sông, nhổ cừ, hạ cờ Ngã mạn", "Người đã thấu rõ Khổ đế, đoạn tận Tập đế, chứng ngộ Diệt đế, thành tựu Ðạo đế", "Người đã thấu rõ các pháp đáng thấu rõ, đoạn tận tất cả các pháp đáng đoạn tận, chứng ngộ các pháp đáng chứng ngộ, và trau dồi các pháp đáng trau dồi". Như vậy, làm thế nào Ngài có thể Ngài có thể cho rằng một bậc A-la-hán có thể hoại lìa quả A-la-hán?

(48) Theo như những lý lẽ biện luận của Ngài thì chỉ có "bậc A-la-hán thời giải thoát" thì hoại lìa quả A-la-hán, còn "bậc A-la-hán phi thời giải thoát(1) " thì không hoại lìa quả A-la-hán.

(49 - 51) Tôi xin hỏi lại, có phải bậc A-la-hán thời giải thoát, người đã đoạn tận tất cả phiền não, người đã thuần thục trong đạo giải thoát, người đã tỏ ngộ những pháp liên hệ với A-la-hán đạo, lại có thể hoại lìa quả vị A-la-hán không?

(52 - 54) Theo Ngài đã thừa nhận, bậc A-la-hán phi thời giải thoát, người đã tụ tập và tỏ ngộ những pháp nói trên, không hoại lìa quả A-la-hán. Nếu Ngài cũng thừa nhận như thế đối với bậc A-la-hán thời giải thoát, người mà có tất cả những phẩm hạnh, như bậc A-la-hán phi thời giải thoát thì bậc này không thể nào có sự hoại lìa quả vị A-la-hán được.

Như vậy, rất rõ ràng về chứng đạt của vị A-la-hán, dầu bằng cách chứng ngộ nào cũng không thể có sự hoại lìa quả.

(55) Ngài có thể dẫn chứng những vị A-la-hán nào đã hoại lìa quả vị A-la-hán không? Phải chăng là Ngài Sāriputta? Hay Ngài Moggallanā? Hay Ngài Kassapa? Hay Ngài Kaccayāha? Hay Ngài Kotthita? Hay Ngài Panthaka? Với tất cả những vị ấy, Ngài đều công nhận rằng không thể có sự hoại lìa quả vị A-la-hán. 

III. - CHỨNG MINH TỪ CÁC BÀI KINH:

(56) Ngài nói rằng một bậc A-la-hán có thể hoại lìa quả vị A-la-hán. Nhưng có phải Ðức Thế tôn đã từng thuyết.

"Bậc sa môn thuyết giảng.
Con đường cao và thấp
Nhưng đến bờ bên kia,
Không có hai con đường
Tuy vậy chớ nghĩ rằng,
Ðường này chỉ là một"? (2)

Có phải có bài kinh như vậy không? Như thế Ngài đã sai lầm.

(57) ... Lại nữa, có phải có sự đoạn tận phiền não luân hồi không? Có phải Ðức Thế tôn đã không từng thuyết rằng "Người nào đã đoạn tận Tham, làm xong những việc cần làm, không còn những phiền não luân hồi, cắt đứt những ràng buộc và không còn tái sinh"? (3)

(58) ... Lại nữa, luận điểm của Ngài bao hàm có sự làm lại những gì đã làm xong. Nhưng điều này không thể nào có đối với bậc A-la-hán được, vì có phải Ðức Thế tôn đã không từng thuyết rằng.

"Vị Tỳ kheo tâm tịnh
Ðược giải thoát chân chính.
Không chất chứa việc làm
Ðiều phải làm không có
Như một hòn đá tảng,
Không bị gió lay động.
ng vậy toàn bộ phận,
Sắc, Vị, Thanh, Hương, Xúc.
Pháp ái, bất khả ái
Không động người như vậy,
Tâm trí, không hệ lụy
Tùy quán sự hoại diệt." (4)

Vì vậy không có sự làm lại những gì đã làm xong.

(59) S.V. S. M.: - Theo Ngài, quan niệm của chúng tôi (4 tông phái) là sai lầm. Nhưng có phải Ðức Thế tôn đã từng thuyết rằng: "Này, chư Tỳ kheo có 5 pháp đưa đến sự thối đọa cho Tỳ kheo đã chứng thời giải thoát. Thế nào là năm? Ưa thích làm việc (về thân), ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ, không chế ngự các căn, không biết tiết lộ trong ăn uống". (1)

Vì vậy một vị A-la-hán có thể hoại lìa quả vị.

(60) Th: - Nhưng bậc A-la-hán có vui thích trong các pháp ấy không? Nếu Ngài phủ nhận, làm thế nào bậc ấy có thể hoại lìa quả vị được? Nếu Ngài đồng ý, Ngài phải công nhận bậc A-la-hán vẫn còn bị chi phối và ràng buộc bởi dục vọng thế gian. Ðiều này, tất nhiên Ngài từ khước.

(61) Nếu một bậc A-la-hán hoại lìa quả vị A-la-hán, như Ngài nói, bậc ấy vẫn còn bị chi phối với Tham hoặc Sân hoặc Tà kiến, với sự chí phối như vậy, nói xa hơn bậc A-la-hán vẫn còn bị tùy miên chi phối. Nếu tôi hỏi Ngài, bậc A-la-hán có còn chất chứa một trong bảy pháp tùy miên. (Ái dục, Sân hận, Ngã mạn, Tà kiến, Hoài nghi, Hữu ái, Vô minh) hay không? Dĩ nhiên Ngài phải từ chối.

(62) Hoặc nếu trong sự hoại lìa quả vị, theo Ngài, bậc ấy vẫn còn ái dục, tin tưởng có linh hồn, hoài nghi phạm giới cấm thủ.

(63) Thật ra, Ngài thừa nhận rằng một bậc A-la-hán không còn chất chứa, cũng không phá hủy, không đoạn tận cũng không buông bỏ, không buông thả, cũng không trói buộc, không phân tán cũng không kết tụ, mà chỉ là những hành đông không còn tạo nghiệp mà thôi.

Như vậy chắc chắn không thể nói rằng "Một bậc A-la-hán có thể hoại lìa quả A-la-hán được".(2)



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada