Các yếu tố của việc đích thân khởi tố
Khi ấy, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố nên áp dụng việc đích thân khởi tố khi có bao nhiêu yếu tố?”
- “Này Upāli, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố nên áp dụng việc đích thân khởi tố khi có năm yếu tố: Này Upāli, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố nên quán xét như sau: ‘Việc ta có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố này là đúng thời điểm để áp dụng việc đích thân khởi tố này hay không đúng (thời điểm)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Sái thời điểm để áp dụng việc đích thân khởi tố này, không phải đúng thời điểm.’ Này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Đúng thời điểm để áp dụng việc đích thân khởi tố này, không phải sái thời điểm;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Việc ta có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố này, nhưng việc đích thân khởi tố này là đúng đắn hay không (đúng đắn)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này là sai trái, không đúng đắn;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này là đúng đắn, không phải sai trái;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Việc ta có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố này, nhưng việc đích thân khởi tố này có đem lại sự lợi ích hay không (đem lại sự lợi ích)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này đem lại sự vô ích, không đem lại sự lợi ích;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này đem lại sự lợi ích, không phải đem lại sự vô ích;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Trong khi áp dụng việc đích thân khởi tố này, ta sẽ đạt được các tỳ khưu đồng quan điểm thân thiết ở trong phe theo đúng Pháp theo đúng Luật hay sẽ không (đạt được)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Trong khi áp dụng việc đích thân khởi tố này, ta sẽ không đạt được các tỳ khưu đồng quan điểm thân thiết ở trong phe theo đúng Pháp theo đúng Luật;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Trong khi áp dụng việc đích thân khởi tố này, ta sẽ đạt được các tỳ khưu đồng quan điểm thân thiết ở trong phe theo đúng Pháp, theo đúng Luật;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Khi việc đích thân khởi tố này của ta được áp dụng, do nguyên nhân ấy đối với hội chúng sẽ xảy ra sự tranh cãi, sự cãi cọ, sự xung đột, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân loại trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng hay sẽ không (xảy ra)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Khi việc đích thân khởi tố này của ta được áp dụng, do nguyên nhân ấy đối với hội chúng sẽ xảy ra sự tranh cãi, ―(như trên)― việc làm khác biệt trong hội chúng;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Khi việc đích thân khởi tố này của ta được áp dụng, do nguyên nhân ấy đối với hội chúng sẽ không xảy ra sự tranh cãi, ―(như trên)― việc làm khác biệt trong hội chúng;’ này Upāli, nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy. Này Upāli, việc đích thân khởi tố có năm yếu tố như thế được áp dụng sẽ không đem lại sự ân hận sau này.”
“Bạch ngài, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét bản thân bao nhiêu pháp rồi mới nên khiển trách vị khác?”
- “Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét bản thân năm pháp rồi mới nên khiển trách vị khác. Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: ‘Ta có sở hành về thân trong sạch không? Ta có sở hành về thân trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không có sở hành về thân trong sạch, không thành tựu sở hành về thân trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên rèn luyện điều liên quan đến thân;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có trường hợp khác nữa, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: ‘Ta có sở hành về khẩu trong sạch không? Ta có sở hành về khẩu trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không có sở hành về khẩu trong sạch, không thành tựu sở hành về khẩu trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên rèn luyện điều liên quan đến khẩu;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có trường hợp khác nữa, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: ‘Tâm từ của ta tức là tâm không ác cảm đối với các vị đồng Phạm hạnh có hiện khởi không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu tâm từ của vị tỳ khưu là tâm không ác cảm đối với các vị đồng Phạm hạnh không có hiện khởi, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên thể hiện tâm từ đến các vị đồng Phạm hạnh;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có trường hợp khác nữa, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: ‘Ta có phải là vị nghe nhiều, nắm giữ điều đã được nghe, tích lũy điều đã được nghe? Các pháp nào là tốt đẹp phần đầu, tốt đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các pháp có hình thức như thế được ta nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, dùng trí quán sát, dùng tri kiến phân tích không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không phải là vị nghe nhiều, không phải là vị nắm giữ điều đã nghe, không tích lũy điều đã nghe. Những Pháp nào có sự tốt đẹp phần đầu, tốt đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các pháp có hình thức như thế không được vị ấy nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, dùng trí quán sát, dùng tri kiến phân tích, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên học tập kinh điển;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có trường hợp khác nữa, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: ‘Hai bộ giới bổn Pātimokkha có được truyền lại đến ta một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo được áp dụng, khéo được xác định theo từng điều học hoặc từng từ ngữ không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu hai bộ giới bổn Pātimokkha không được truyền lại đến vị tỳ khưu một cách chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo được áp dụng, không khéo được xác định theo từng điều học hoặc từng từ ngữ, khi được hỏi như vầy: ‘Này đại đức, điều này đã được đức Thế Tôn nói ở đâu?’ mà không đáp được, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên học tập về Luật;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên quán xét bản thân năm pháp này rồi mới nên khiển trách vị khác.”
- “Bạch ngài, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên khơi dậy ở nội tâm bao nhiêu pháp rồi mới nên khiển trách vị khác?”
- “Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên khơi dậy ở nội tâm năm pháp rồi mới nên khiển trách vị khác: ‘Ta sẽ nói hợp thời, không phải sái thời; ta sẽ nói với sự thật, không phải với sự sai trái; ta sẽ nói với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ; ta sẽ nói có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích; ta sẽ nói với tâm từ, không phải với nội tâm có sân hận.’ Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên khơi dậy ở nội tâm năm pháp này rồi mới nên khiển trách vị khác.”
- “Bạch ngài, sự ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách không đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?”
- “Này Upāli, sự ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách không đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): ‘Đại đức khiển trách sái thời, không hợp thời, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với sự sai trái, không phải với sự thật, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách bằng cách thô lỗ, không phải với sự mềm mỏng, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách không liên hệ đến lợi ích, không phải có liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với nội tâm có sân hận, không phải với tâm từ, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài.’ Này Upāli, sự ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách không đúng Pháp với năm hình thức này. Lý do của điều ấy là gì? Là vì không có vị tỳ khưu nào khác có thể nghĩ đến là nên khiển trách với việc sai trái như thế.”
- “Bạch ngài, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển trách không đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?”
- “Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển trách không đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): ‘Đại đức bị khiển trách sái thời, không hợp thời, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách với sự sai trái, không phải với sự thật, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách bằng cách thô lỗ, không phải với sự mềm mỏng, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách không liên hệ đến lợi ích, không phải có liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách bởi nội tâm có sân hận, không phải bởi tâm từ, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài.’ Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển trách không đúng Pháp với năm hình thức này.”
- “Bạch ngài, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?”
- “Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): ‘Đại đức khiển trách hợp thời, không sái thời, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với sự thật, không phải với sự sai trái, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với tâm từ, không phải với nội tâm có sân hận, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài.’ Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách đúng Pháp với năm hình thức này. Lý do của điều ấy là gì? Là vì cũng có vị tỳ khưu khác sẽ nghĩ đến nên khiển trách với sự thật như thế.”
- “Bạch ngài, sự có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển trách đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?”
- “Này Upāli, sự có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển trách đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): ‘Đại đức bị khiển trách hợp thời, không sái thời, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách với sự thật, không phải với sự sai trái, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách bởi từ tâm, không phải bởi nội tâm có sân hận, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài.’ Này Upāli, sự có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển trách đúng Pháp với năm hình thức này.
- “Bạch ngài, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên tác ý nội tâm bao nhiêu pháp rồi mới nên khiển trách vị khác?”
- “Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên tác ý nội tâm năm pháp rồi mới nên khiển trách vị khác: ‘Lòng bi mẫn, sự tầm cầu lợi ích, lòng thương xót, sự thoát khỏi tội, sự tôn trọng Luật.’ Này Upāli, vị tỳ khưu khiển trách có ý muốn khiển trách vị khác nên tác ý nội tâm năm pháp này rồi mới nên khiển trách vị khác.”
- “Bạch ngài, vị tỳ khưu bị khiển trách nên an trú trong bao nhiêu pháp?”
- “Này Upāli, vị tỳ khưu bị khiển trách nên an trú trong hai pháp: chân thật và không nổi giận.”
Tụng phẩm thứ nhì.
Chương Đình Chỉ Giới Bổn Pātimokkha là thứ chín.
*****
Trong chương này có ba mươi sự việc.
Tóm lược chương này
Ngày lễ Uposatha, cho đến lần thứ ba vị ác tỳ khưu đã không đi ra, nhờ vị Moggallāna, đã bị lôi ra, điều kỳ diệu về Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Độ sâu, và sự học tập theo thứ lớp, có pháp ổn định, không vượt qua (điều học), xác chết, hội chúng loại trừ, và các dòng sông, từ bỏ (giai cấp).
Các dòng nước trôi chảy, các bậc Vô Dư Niết Bàn, và một vị là giải thoát, có nhiều (vật quý), Pháp và Luật cũng vậy, các chúng sanh (to lớn) và tám hạng Thánh Nhân.
Sau khi dùng biển cả làm ví dụ, Ngài đã phô bày đặc điểm về Giáo Pháp, vào ngày Uposatha, giới bổn Pātimokkha, ‘không ai biết về chúng ta!’
Họ ra tay (đình chỉ) trước, các vị phê phán, một, hai, ba, bốn, năm, sáu, và bảy, tám, và chín, và mười trường hợp (đình chỉ) này.
Về bốn phần là giới, hạnh kiểm, tri kiến, và nuôi mạng, các tội pārājika, và tội saṅghādisesa, tội pācittiya, tội pāṭidesanīya, ―
―(và) tội dukkaṭa là thuộc về năm phần, và sự hư hỏng về giới, hạnh kiểm, chưa làm và đã làm, là thuộc về sáu phần theo như đường lối.
Các tội pārājika, và tội saṅghādisesa, và tội pācittiya, tội pāṭidesanīya, luôn cả tội dukkaṭa, và tội dubbhāsita.
Sự hư về hỏng giới, hạnh kiểm, và sự hư hỏng về tri kiến, nuôi mạng, và các điều ấy là tám trong trường hợp đã làm và chưa làm. Với giới, hạnh kiểm, và tri kiến ấy, các điều này―
― trong trường hợp chưa làm, cũng như đã làm, và luôn cả đã làm và chưa làm, như vậy là chín cách đã được nói đến, đúng với sự thật, theo phương pháp.
Vị phạm tội pārājika, chưa được dứt điểm, vị đã xả bỏ (sự học tập), và tương tợ y như thê, vị phục tùng, vị bác bỏ, và sự thảo luận về việc bác bỏ ấy.
Và sự hư hỏng về giới, hạnh kiểm, giống như với sự hư hỏng về tri kiến do đã bị thấy bị nghe bị nghi ngờ, là mười trường hợp, nên biết rõ điều ấy.
Vị tỳ khưu thấy rõ vị tỳ khưu, hay là vị khác đã nói điều ấy, và vị trong sạch khai báo đến vị ấy, vị ấy đình chỉ giới bổn Pātimokkha.
(Hội chúng) giải tán vì nguy hiểm: từ đức vua, trộm cướp, hỏa hoạn, nước ngập, loài người, phi nhân, và thú dữ, rắn, mạng sống, Phạm hạnh.
Chỉ với một (sự nguy hiểm) nào đó của mười, và tại trú xứ ấy hoặc tại các trú xứ nào khác, đúng Pháp và luôn cả sai Pháp, nên biết theo đường lối như thế ấy.
(Năm yếu tố nên hành xử) là đúng thời điểm, đúng đắn, đem lại sự lợi ích, ta sẽ đạt được, sẽ xảy ra (hay không?), (nên quán xét sở hành) về thân, về khẩu, tâm từ, sự học nhiều, hai bộ giới bổn.
Nên khiển trách hợp thời, với sự thật, với sự mềm mỏng, có lợi ích, với tâm từ, có sự ân hận và không đúng Pháp, nên xua đi các lời nói như thế.
Lòng bi mẫn, sự (tầm cầu) lợi ích, lòng thương xót, sự thoát khỏi tội, sự tôn trọng (Luật) xua đi sự ân hận cho vị khiển trách đúng Pháp và cho vị bị khiển trách.
Cách hành xử của vị khiển trách đã được đấng Toàn Giác giảng giải, và bản thể về sự chân thật và luôn cả sự không sân hận là dành cho vị bị khiển trách.”
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada