Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā sử dụng y nội trợ không chịu xả bỏ; các vị ni khác đến thời kỳ không có được (để sử dụng). Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Thullanandā lại sử dụng y nội trợ không chịu xả bỏ?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā sử dụng y nội trợ không chịu xả bỏ, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại sử dụng y nội trợ không chịu xả bỏ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào sử dụng y nội trợ không chịu xả bỏ thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Y nội trợ nghĩa là vật đã được bố thí (nói rằng): “Các tỳ khưu ni đến thời kỳ hãy sử dụng.”
Sử dụng không chịu xả bỏ: vị ni sau khi sử dụng hai ba đêm, sau khi giặt vào ngày thứ tư, vẫn sử dụng không chịu xả bỏ cho vị tỳ khưu ni, hoặc cô ni tu tập sự, hoặc vị sa di ni thì phạm tội pācittiya.
Khi chưa xả bỏ, nhận biết là chưa xả bỏ, vị ni sử dụng thì phạm tội pācittiya. Khi chưa xả bỏ, có sự hoài nghi, vị ni sử dụng thì phạm tội pācittiya. Khi chưa xả bỏ, (lầm) tưởng là đã xả bỏ, vị ni sử dụng thì phạm tội pācittiya.
Khi đã xả bỏ, (lầm) tưởng là chưa xả bỏ, phạm tội dukkaṭa. Khi đã xả bỏ, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi đã xả bỏ, nhận biết là đã xả bỏ thì vô tội.
Sau khi đã xả bỏ rồi sử dụng, vị ni sử dụng khi đến phiên lần nữa, không có các tỳ khưu ni khác đến thời kỳ, vị ni có y bị cướp đoạt, vị ni có y bị hư hỏng, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ bảy.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada