Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại. Bhaddā Kāpilānī cũng là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại và được xem là nổi bật. Dân chúng (nghĩ rằng): “Ni sư Bhaddā Kāpilānī là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại và được xem là nổi bật” nên thăm viếng Bhaddā Kāpilānī trước tiên sau đó mới thăm viếng tỳ khưu ni Thullanandā. Tỳ khưu ni Thullanandā có bản chất ganh tỵ (nghĩ rằng): “Nghe nói các cô này ít ham muốn, tự biết đủ, tách ly, không tụ hội thì cũng chính các cô này sống có nhiều sự giao hảo có nhiều sự khuếch trương” rồi đi tới lui, rồi đứng lại, rồi ngồi xuống, rồi nằm xuống, rồi đọc tụng, rồi bảo đọc tụng, rồi học bài ở phía trước Bhaddā Kāpilānī.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Thullanandā lại cố ý quấy rầy ni sư Bhaddā Kāpilānī?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā cố ý quấy rầy Bhaddā Kāpilānī, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại cố ý quấy rầy Bhaddā Kāpilānī vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào cố ý quấy rầy vị tỳ khưu ni thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Vị tỳ khưu ni: là vị tỳ khưu ni khác.
Cố ý: sự vi phạm trong khi biết, trong khi có ý định, sau khi đã suy nghĩ, sau khi đã khẳng định.
Quấy rầy: Vị ni (nghĩ rằng): “Do việc này sự không thoải mái sẽ có cho người này ” không hỏi ý rồi đi tới lui, hoặc đứng lại, hoặc ngồi xuống, hoặc nằm xuống, hoặc đọc tụng, hoặc bảo đọc tụng, hoặc học bài ở phía trước thì phạm tội pācittiya.
Người nữ đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị ni cố ý quấy rầy thì phạm tội pācittiya. Người nữ đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị ni cố ý quấy rầy thì phạm tội pācittiya. Người nữ đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị ni cố ý quấy rầy thì phạm tội pācittiya.
Vị ni cố ý quấy rầy người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.
Không có ý định quấy rầy, sau khi đã hỏi ý rồi đi tới lui hoặc đứng lại hoặc ngồi xuống hoặc nằm xuống hoặc đọc tụng hoặc bảo đọc tụng hoặc học bài ở phía trước, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ ba.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada