Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có vị quan đại thần tên là Ārohanta đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người vợ cũ của vị ấy cũng đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu ni. Vào lúc bấy giờ, vị tỳ khưu ấy nhận phần phân phát bữa ăn khi có sự hiện diện của tỳ khưu ni ấy. Sau đó, trong lúc vị tỳ khưu ấy đang thọ thực, vị tỳ khưu ni ấy đã đứng gần với nước uống và quạt rồi nói chuyện thế tục là nói về chuyện đùa giỡn lúc còn tại gia.[1] Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã xua đuổi vị tỳ khưu ni ấy (nói rằng): - “Này sư tỷ, chớ làm như thế. Điều ấy không được phép.” - “Trước đây, ông đã làm tôi như vầy và như vầy. Bây giờ, chỉ chừng ấy ông lại không chịu.” Rồi đã đổ tô nước uống lên đầu và đã dùng quạt đánh.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu ni lại đánh tỳ khưu?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni đánh vị tỳ khưu, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại đánh tỳ khưu vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Trong khi vị tỳ khưu đang thọ thực, vị tỳ khưu ni nào đứng gần với nước uống hoặc với quạt thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
(Đối với) vị tỳ khưu: (đối với) người nam đã tu lên bậc trên.
Đang thọ thực: đang thọ thực loại vật thực mềm nào đó thuộc về năm loại vật thực mềm.
Nước uống nghĩa là bất cứ loại nước uống nào.
Quạt nghĩa là bất cứ loại quạt nào.
Đứng gần: vị ni đứng trong khoảng tầm tay thì phạm tội pācittiya.
Người nam đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị ni đứng gần với nước và quạt thì phạm tội pācittiya. Người nam đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị ni đứng gần với nước và quạt thì phạm tội pācittiya. Người nam đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị ni đứng gần với nước và quạt thì phạm tội pācittiya.
Vị ni sau khi rời xa khỏi tầm tay rồi đứng thì phạm tội dukkaṭa. Trong lúc (vị tỳ khưu) đang nhai vật thực cứng, vị ni đứng gần thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni đứng gần người nam chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa. Người nam chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nam chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nam chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.
Vị ni dâng, vị ni bảo (người khác) dâng, vị ni ra lệnh cho người (nữ) chưa tu lên bậc trên, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ sáu.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada