Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sakya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở phía dưới gió (nói rằng): - “Bạch Thế Tôn, người nữ có mùi thối.” Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Các tỳ khưu ni hãy áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước” rồi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpatī Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc làm sạch sẽ bằng nước đến các tỳ khưu ni.” Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ (nghĩ rằng): “Việc làm sạch sẽ bằng nước đã được đức Thế Tôn cho phép” rồi trong khi áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu nên đã gây ra vết thương ở chỗ đường tiểu. Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu ni lại áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni trong khi áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước nên áp dụng tối đa hai lóng tay; vượt quá giới hạn ấy thì phạm tội pācittiya.”
Việc làm sạch sẽ bằng nước nghĩa là việc rửa ráy chỗ đường tiểu được đề cập đến.
Trong khi áp dụng: trong khi rửa.
Nên áp dụng tối đa hai lóng tay: nên áp dụng tối đa hai khớp ở hai ngón tay.
Vượt quá giới hạn ấy: trong khi ưng thuận sự xúc chạm, vị ni vượt quá cho dù khoảng cách mảnh bằng sợi tóc thì phạm tội pācittiya.
Khi hơn hai lóng tay, nhận biết là đã hơn, vị ni áp dụng thì phạm tội pācittiya. Khi hơn hai lóng tay, có sự hoài nghi, vị ni áp dụng thì phạm tội pācittiya. Khi hơn hai lóng tay, (lầm) tưởng là kém, vị ni áp dụng thì phạm tội pācittiya.
Khi kém hai lóng tay, (lầm) tưởng là đã hơn, phạm tội dukkaṭa. Khi kém hai lóng tay, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi kém hai lóng tay, nhận biết là kém thì vô tội.
Vị ni áp dụng tối đa hai lóng tay, vị ni áp dụng tối đa kém hai lóng tay, vì nguyên nhân bệnh, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ năm.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada