Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã ra lệnh cho người giữ công viên rằng: - “Này khanh, hãy đi và làm sạch sẽ công viên. Chúng ta sẽ đi đến công viên.” - “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi người giữ công viên nghe lệnh đức vua Pasenadi xứ Kosala, trong lúc làm sạch sẽ công viên đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang ngồi ở gốc cây nọ, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đức vua Pasenadi xứ Kosala, sau khi đến đã tâu với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này: - “Tâu bệ hạ, công viên đã được sạch sẽ. Tuy nhiên, đức Thế Tôn đang ngồi ở đó.” - “Này khanh, hãy vậy đi. Chúng ta sẽ thăm viếng đức Thế Tôn.”
Sau đó, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến công viên và đã đi đến gần đức Thế Tôn. Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ đang ngồi thăm viếng đức Thế Tôn. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy nam cư sĩ ấy đang ngồi thăm viếng đức Thế Tôn, sau khi nhìn thấy đã hoảng sợ đứng lại. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Theo như việc người đàn ông này thăm viếng đức Thế Tôn thì không phải là kẻ ác” nên đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, nam cư sĩ ấy do sự tôn kính đức Thế Tôn đã không cúi lạy đức vua Pasenadi xứ Kosala cũng không đứng dậy chào. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã không được hài lòng (nghĩ rằng): “Tại sao người đàn ông này lại không cúi lạy cũng không đứng dậy chào khi ta đi đến?” Khi ấy, đức Thế Tôn nhận biết đức vua Pasenadi xứ Kosala không được hài lòng của nên đã nói với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này: - “Tâu đại vương, vị nam cư sĩ này là vị nghe nhiều, kinh điển đã được truyền thừa, đã lìa khỏi tham ái trong các dục.”
Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Nam cư sĩ này quả không phải là thấp thỏi. Đức Thế Tôn còn khen ngợi người này” rồi đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: - “Này nam cư sĩ, khanh có thể nói lên điều có lợi ích.” - “Tâu bệ hạ, rất đúng.” Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Pasenadi xứ Kosala bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala đang ngự ở tầng trên của tòa lâu đài. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy nam cư sĩ ấy tay cầm dù đang đi ở trên đường, sau khi nhìn thấy đã ra lệnh mời đến rồi đã nói điều này: - “Này nam cư sĩ, nghe nói khanh nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa. Này nam cư sĩ, tốt thay khanh hãy nói Pháp cho các cung phi của trẫm.” - “Tâu bệ hạ, điều thần biết được là cũng nhờ vào các ngài đại đức. Chính các ngài đại đức sẽ nói Pháp cho các cung phi của bệ hạ.” Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala (nghĩ rằng): “Nam cư sĩ đã nói đúng” nên đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn hãy chỉ thị một vị tỳ khưu là vị sẽ nói Pháp cho các cung phi của trẫm.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, ―(như trên)― cho đức vua Pasenadi xứ Kosala bằng bài Pháp thoại. ―(như trên)― hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, như thế thì ngươi hãy nói Pháp cho các cung phi của đức vua.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi vào lần này lần khác và đã nói Pháp cho các cung phi của đức vua. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Ānanda đã mặc y cầm y bát đi đến chỗ ngụ của đức vua Pasenadi xứ Kosala. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala đang nằm cùng với hoàng hậu Mallikā. Hoàng hậu Mallikā đã nhìn thấy đại đức Ānanda từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã vội vàng đứng lên. Tấm vải choàng màu vàng của hoàng hậu đã rơi xuống. Khi ấy, đại đức Ānanda ngay tại chỗ đó đã quay lại, đi trở về tu viện, và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.
Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Ānanda khi chưa được báo tin trước lại đi vào hậu cung của đức vua?” ―(như trên)― “Này Ānanda, nghe nói ngươi khi chưa được báo tin trước lại đi vào hậu cung của đức vua, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này Ānanda, vì sao ngươi khi chưa được báo tin trước lại đi vào hậu cung của đức vua vậy? Này Ānanda, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
Này các tỳ khưu, đây là mười điều nguy hiểm trong việc đi vào hậu cung của đức vua. Thế nào là mười? Này các tỳ khưu, trường hợp đức vua đang nằm với hoàng hậu. Vị tỳ khưu đi vào nơi ấy. Hoặc là khi nhìn thấy vị tỳ khưu hoàng hậu nở nụ cười, hoặc là khi nhìn thấy hoàng hậu vị tỳ khưu nở nụ cười. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Rõ ràng giữa những người này đã xảy ra chuyện, hoặc họ sẽ làm ra chuyện.” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ nhất trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, đức vua có nhiều phận sự có nhiều công việc cần phải làm, sau khi đi đến với người đàn bà nào đó rồi không nhớ. Do việc ấy, cô ấy mang thai. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ nhì trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, trong hậu cung của đức vua có vật báu nào đó bị mất trộm. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ ba trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, trong hậu cung của đức vua các chuyện nội vụ đang được giữ kín lại bị tiết lộ ra bên ngoài. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ tư trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, trong hậu cung của đức vua, hoặc là con âm mưu giết cha hoặc là cha âm mưu giết con. Họ khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ năm trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, đức vua đưa người có địa vị thấp lên địa vị cao. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ sáu trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, đức vua đưa người có địa vị cao xuống địa vị thấp. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ bảy trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, đức vua điều động quân đội không đúng thời. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ tám trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, đức vua điều động quân đội đúng thời, giữa đường lại quay trở về. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ chín trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, hậu cung của đức vua là đông đúc với những voi, đông đúc với những ngựa, đông đúc với những xe, các sắc thinh hương vị xúc đều gợi lên sự đắm nhiễm không thích hợp cho vị xuất gia. Này các tỳ khưu, đây là điều nguy hiểm thứ mười trong việc đi vào hậu cung của đức vua. Này các tỳ khưu, đây là mười điều nguy hiểm trong việc đi vào hậu cung của đức vua.
Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách đại đức Ānanda bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, về sự khó khăn trong việc ăn uống, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào khi chưa được báo tin trước mà vượt qua ngưỡng cửa (phòng ngủ) của đức vua dòng Sát-đế-lỵ đã được đội lên vương miện trong lúc đức vua chưa đi khỏi trong lúc vật báu (hoàng hậu) chưa lui ra thì phạm tội pācittiya.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Dòng Sát-đế-lỵ nghĩa là hậu duệ thuần khiết được khéo sanh ra từ cả hai bên là từ dòng bên mẹ và từ dòng bên cha cho đến bảy thế hệ tổ tiên, không bị gièm pha, không bị chỉ trích khi nói về nguồn gốc.
Đã được đội lên vương miện: đã được đăng quang với lễ phong vương của dòng Sát-đế-lỵ.
Trong lúc đức vua chưa đi khỏi: đức vua chưa ra khỏi phòng ngủ.
Trong lúc vật báu (hoàng hậu) chưa lui ra: hoàng hậu chưa ra khỏi phòng ngủ, hoặc cả hai chưa ra khỏi.
Chưa được báo tin trước: chưa được thỉnh mời (đi vào).
Ngưỡng cửa nghĩa là ngạch cửa của phòng ngủ được đề cập đến.
Phòng ngủ nghĩa là bất cứ nơi nào được quy định là chỗ nằm của đức vua, thậm chí chỉ được bao quanh bằng khung màn che.
Vượt qua ngưỡng cửa: vị vượt qua ngạch cửa bước thứ nhất thì phạm tội dukkaṭa. Vượt qua bước thứ nhì thì phạm tội pācittiya.
Khi chưa được báo tin, nhận biết là chưa được báo tin, vị vượt qua ngưỡng cửa thì phạm tộipācittiya. Khi chưa được báo tin, có sự hoài nghi, vị vượt qua ngưỡng cửa thì phạm tộipācittiya. Khi chưa được báo tin, (lầm) tưởng là đã được báo tin, vị vượt qua ngưỡng cửa thì phạm tội pācittiya.
Khi đã được báo tin, (lầm) tưởng là chưa được báo tin, phạm tội dukkaṭa. Khi đã được báo tin, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi đã được báo tin, nhận biết là đã được báo tin thì vô tội.
Khi đã được báo tin, (đức vua) không phải là dòng Sát-đế-lỵ, chưa được đăng quang với lễ phong vương của dòng Sát-đế-lỵ, hoặc là đức vua đã ra khỏi phòng ngủ, hoặc là hoàng hậu đã ra khỏi phòng ngủ, hoặc cả hai đã ra khỏi phòng ngủ, không phải ở trong phòng ngủ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về hậu cung của đức vua là thứ nhất.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada