Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư (nói rằng): - “Này các đại đức, điều học đã được đức Thế Tôn quy định rằng: ‘Không được cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi.’ Và các ngươi chưa đủ hai mươi tuổi đã được tu lên bậc trên, không lẽ các ngươi là người chưa được tu lên bậc trên?” Các vị ấy khóc lóc. Các tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này các đại đức, vì sao các vị khóc lóc vậy?” - “Thưa các đại đức, các tỳ khưu nhóm Lục Sư này cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi chúng tôi.”
Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi các tỳ khưu?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi các tỳ khưu, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi các tỳ khưu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi vị tỳ khưu (nghĩ rằng): ‘Như thế sẽ làm cho vị này không được thoải mái dầu chỉ trong chốc lát,’ sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác thì phạm tội pācittiya.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Ở nơi vị tỳ khưu: ở nơi vị tỳ khưu khác.
Cố ý: sự vi phạm trong khi biết, trong khi có ý định, sau khi đã suy nghĩ, sau khi đã khẳng định.
Gợi lên nỗi nghi hoặc: Vị gợi lên nỗi nghi hoặc (nói rằng): ‘Ta nghĩ rằng ngươi chưa đủ hai mươi tuổi mà đã được tu lên bậc trên, ta nghĩ rằng ngươi đã thọ thực lúc sái thời, ta nghĩ rằng ngươi đã uống men say, ta nghĩ rằng ngươi đã ngồi với người nữ ở chỗ kín đáo’ thì phạm tộipācittiya.
Sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác: không có bất cứ nguyên nhân nào khác để gợi lên nỗi nghi hoặc.
Vị đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc thì phạm tộipācittiya. Vị đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc thì phạm tộipācittiya. Vị đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc thì phạm tội pācittiya.
Vị cố ý gợi lên nỗi nghi hoặc ở nơi người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa. Người chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.
Vị không có ý định gợi lên nỗi nghi hoặc rồi nói rằng: ‘Ta nghĩ rằng ngươi chưa đủ hai mươi tuổi mà đã được tu lên bậc trên, ta nghĩ rằng ngươi đã thọ thực lúc sái thời, ta nghĩ rằng ngươi đã uống men say, ta nghĩ rằng ngươi đã ngồi với người nữ ở chỗ kín đáo. Này ngươi hãy biết lấy, ngươi chớ có nghi hoặc về sau này,’ vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về cố ý là thứ bảy.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada