Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức thuyết giảng về Luật cho các tỳ khưu, ngợi khen về Luật, ngợi khen sự nghiên cứu về Luật, ngợi khen đại đức Upāli như thế này như thế khác. Các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức thuyết giảng về Luật, ngợi khen về Luật, ngợi khen về sự nghiên cứu Luật, ngợi khen đại đức Upāli như thế này như thế khác. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy học thông thạo về Luật từ đại đức Upāli.” Và các vị ấy gồm nhiều tỳ khưu trưởng lão, mới tu, và trung niên học thông thạo về Luật từ đại đức Upāli.
Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã bàn bạc điều này: “Này các đại đức, hiện nay nhiều vị tỳ khưu trưởng lão, mới tu, và trung niên học thông thạo về Luật từ đại đức Upāli. Nếu các vị này được thành tựu kiến thức về Luật, họ sẽ lôi và quay chúng ta theo cách thức như ý thích, vào thời điểm như ý thích, lâu mau như ý thích. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy chê bai Luật.” Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi đến gặp các tỳ khưu và nói như vầy: - “Được việc gì với các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng được đọc tụng này? Chúng chỉ đem lại sự ăn năn, sự bực bội, sự bối rối thôi!”
Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại chê bai Luật?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi chê bai Luật, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― “Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại chê bai Luật ? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng, vị tỳ khưu nào nói như vầy: ‘Được việc gì với các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng được đọc tụng này? Chúng chỉ đem lại sự ăn năn, sự bực bội, sự bối rối thôi!’ Khi có sự chê bai điều học thì phạm tội pācittiya.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng: trong khi đang đọc tụng, hoặc trong khi đang bảo (người khác) đọc tụng, hoặc trong khi đang học.
Nói như vầy: Vị chê bai Luật đến vị đã tu lên bậc trên rằng: “Được việc gì với các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng được đọc tụng này? Chúng chỉ đem lại sự ăn năn, sự bực bội, sự bối rối thôi! Những ai học thông thạo việc này các vị ấy có sự ăn năn, có sự bực bội, có sự bối rối. Những ai không học thông thạo việc này các vị ấy không có sự ăn năn, không có sự bực bội, không có sự bối rối. Phần này là không được đọc tụng, phần này là không được học tập, phần này là không được học thông thạo, phần này là không được duy trì, Luật hãy biến mất hay là các tỳ khưu này hãy là những người không được thành tựu kiến thức” thì phạm tộipācittiya.
Vị đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị chê bai Luật thì phạm tội pācittiya. Vị đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị chê bai Luật thì phạm tội pācittiya. Vị đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị chê bai Luật thì phạm tội pācittiya.
Vị chê bai Pháp khác thì phạm tội dukkaṭa. Vị chê bai Luật hoặc Pháp khác đến người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.
Người chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.
Vị không có ý định chê bai rồi nói rằng: “Này, đến khi nào ngươi học thông thạo về các bài Kinh hoặc các bài kệ hoặc Vi Diệu Pháp rồi sẽ học thông thạo về Luật sau,” vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về việc gây ra sự bối rối là thứ nhì.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada