Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong khi trú ngụ hai ba đêm trong binh đội các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi đến nơi tập trận, nơi đóng quân, nơi dàn binh, đội chủ lực. Có vị tỳ khưu nọ thuộc nhóm Lục Sư sau khi đi đến nơi tập trận đã bị trúng mũi tên. Dân chúng đã chế giễu vị tỳ khưu ấy rằng: - “Thưa ngài, chắc hẳn đã là trận chiến cừ khôi? Ngài chiếm được bao nhiêu mục tiêu?” Trong khi bị những người ấy chế giễu, vị tỳ khưu ấy đã xấu hổ.
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đi đến để xem nơi tập trận? Chúng tôi không có lợi nhuận, chúng tôi thu nhập khó khăn, chúng tôi vì lý do nuôi mạng, vì nguyên nhân vợ con mà phải đi đến nơi tập trận.” Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi để xem nơi tập trận?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi đi để xem nơi tập trận, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại đi để xem nơi tập trận vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Nếu trong khi trú ngụ ở binh đội hai ba đêm vị tỳ khưu đi đến nơi tập trận, hoặc nơi đóng quân, hoặc nơi dàn binh, hoặc đội chủ lực thì phạm tội pācittiya.”
Nếu vị tỳ khưu trong khi trú ngụ ở binh đội hai ba đêm: trong khi trú ngụ hai ba đêm.
Nơi tập trận nghĩa là nơi nào chiến trận được nhìn thấy.
Nơi đóng quân nghĩa là chừng này tượng binh, chừng này kỵ binh, chừng này xa binh, chừng này bộ binh.
Nơi dàn binh nghĩa là các tượng binh hãy từ nơi này; các kỵ binh hãy từ nơi này; các xa binh hãy từ nơi này; các bộ binh hãy từ nơi này.
Đội chủ lực nghĩa là đội tượng binh chủ lực, đội kỵ binh chủ lực, đội xa binh chủ lực, đội bộ binh chủ lực. Đội tượng binh chủ lực ít nhất là ba con voi, đội kỵ binh chủ lực ít nhất là ba con ngựa, đội xa binh chủ lực ít nhất là ba xe, đội bộ binh chủ lực ít nhất là bốn người đàn ông có vũ khí ở tay.
Vị đi để xem thì phạm tội dukkaṭa. Đứng ở nơi ấy nhìn thì phạm tội pācittiya. Sau khi rời khỏi khu vực lân cận của việc nhìn, vị lại nhìn nữa thì phạm tội pācittiya.
Vị đi để xem mỗi một (loại binh chủng) thì phạm tội dukkaṭa. Đứng ở nơi ấy nhìn thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi rời khỏi khu vực lân cận của việc nhìn, vị lại nhìn nữa thì phạm tộidukkaṭa.
Vị đứng ở trong tu viện nhìn thấy, sự tập trận di chuyển đến và được nhìn thấy ở chỗ đứng hoặc ở chỗ ngồi hoặc ở chỗ nằm của vị tỳ khưu, vị nhìn thấy khi đi ngược chiều, khi có việc cần phải làm vị đi rồi nhìn thấy, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về nơi tập trận.
Phẩm Đạo Sĩ Lõa Thể là thứ năm.
--ooOoo--
Tóm lược phẩm này
Vị đạo sĩ lõa thể, việc đuổi đi, có cặp vợ chồng, nơi kín đáo hai chuyện, và vị có bữa trai phạn, dược phẩm, bị động binh, (trú ngụ) nơi binh đội, nơi tập trận.
--ooOoo--
[1] Khi có cơn khát vị thọ dụng vật dùng hết đêm để chận đứng cơn khát; khi có bệnh sanh khởi, vị thọ dụng vật dùng trong bảy ngày hoặc vật dùng suốt đời để làm giảm nhẹ cơn bệnh thì vô tội (VinA. iv, 831).
[2] Thịt của mười loài thú vị tỳ khưu không được phép thọ thực được đề cập ở Mahāvagga – Đại Phẩm gồm có: thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt hổ, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói (TTPV tập 05, chương VI, trang 37-40).
[3] Bốn loại vật dơ có tính quan trọng (cattāri mahāvikatāni) là: phân (gūthaṃ), nước tiểu (muttaṃ), tro (chārikaṃ), và đất sét (mattikaṃ) được sử dụng trong trường hợp bị rắn cắn (Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 5, chương VI, trang 17).
[4] Chum (doṇa) là đơn vị đo thể tích, 1 doṇa = 4 āḷhaka. Để dễ hình dung, sức chứa của bình bát cỡ lớn là ½ āḷhaka, vậy số lượng bơ lỏng được yêu cầu là 8 lần bình bát cỡ lớn (ND).
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada