Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã thỉnh mời đại đức Upananda con trai dòng Sakya với bữa trai phạn và cũng đã thỉnh mời các vị tỳ khưu khác với bữa trai phạn. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya thường đi giao thiệp với các gia đình trước bữa ăn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này: - “Này các đạo hữu, hãy dâng bữa trai phạn.” - “Thưa các ngài, xin hãy chờ đến khi ngài đại đức Upananda đến.” Đến lần thứ nhì, ―(như trên)― Đến lần thứ ba, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này: - “Này các đạo hữu, hãy dâng bữa trai phạn trước khi thời giờ đi quá.” - “Thưa các ngài, chúng tôi đã làm bữa trai phạn vì nguyên nhân là ngài đại đức Upananda. Thưa các ngài, xin hãy chờ đến khi ngài đại đức Upananda đến.”
Sau đó, đại đức Upananda con trai dòng Sakya sau khi đi giao thiệp với các gia đình trước bữa ăn đã đi đến trễ. Các tỳ khưu đã không thọ thực được như ý. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn?” ―(như trên)― “Này Upananda, nghe nói ngươi khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn thì phạm tội pācittiya.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của tỳ khưu Upananda con trai dòng Sakya đã cho người đem lại vật thực loại cứng nhằm dâng đến hội chúng (dặn dò) rằng: “Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.” Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đi vào làng để khất thực. Khi ấy, những người ấy sau khi đi đến tu viện đã hỏi các vị tỳ khưu rằng: - “Thưa các ngài, ngài đại đức Upananda ở đâu vậy?” - “Này các đạo hữu, đại đức Upananda con trai dòng Sakya này đã đi vào làng để khất thực.” - “Thưa các ngài, vật thực loại cứng này (được dặn dò rằng): ‘Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.’” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, như vậy thì sau khi thọ lãnh các ngươi hãy để riêng ra cho đến khi Upananda trở về.”
Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sakya (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn” nên đã đi giao thiệp với các gia đình sau bữa ăn rồi về lại trong ngày. Món vật thực cứng đã bị bỏ đi. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya lại đi thăm viếng các gia đình sau bữa ăn?” ―(như trên)― “Này Upananda, nghe nói ngươi đi thăm viếng các gia đình sau bữa ăn, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại đi thăm viếng các gia đình sau bữa ăn vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, nhằm thời hạn dâng y các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đi giao thiệp với các gia đình. Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép đi giao thiệp với các gia đình trong thời hạn dâng y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trong thời hạn dâng y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu làm công việc may y. Và có nhu cầu về kim, chỉ, dao nhỏ. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đi giao thiệp với các gia đình. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép đi giao thiệp với các gia đình trong lúc may y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đi giao thiệp với các gia đình. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (vị tỳ khưu) có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện được đi giao thiệp với các gia đình. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn, chưa có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Đã được thỉnh mời nghĩa là đã được thỉnh mời với bất cứ loại vật thực nào thuộc về năm loại vật thực.
Có bữa trai phạn nghĩa là đã được thỉnh mời với món gì thì bữa trai phạn là với món đó.
Vị tỳ khưu hiện diện nghĩa là có thể có sự thông báo để đi vào (làng).
Vị tỳ khưu không hiện diện nghĩa là không thể có sự thông báo để đi vào (làng).
Trước bữa ăn nghĩa là đã được thỉnh mời với món gì thì còn chưa thọ thực món đó.
Sau bữa ăn nghĩa là đã được thỉnh mời với món gì thì (món đó) đã được thọ thực cho dầu vào lúc rạng đông.
Gia đình nghĩa là có bốn loại gia đình: gia đình Sát-đế-lỵ, gia đình Bà-la-môn, gia đình thương buôn, và gia đình hạng cùng đinh.
Đi thăm viếng các gia đình: Vị đang bước vào khu vực lân cận ngôi nhà của người khác thì phạm tội dukkaṭa. Vị vượt qua ngưỡng cửa bước thứ nhất thì phạm tội dukkaṭa. Vị vượt qua ngưỡng cửa bước thứ nhì thì phạm tội pācittiya.
Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có nguyên cớ.
Trong thời hạn dâng y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì tháng cuối cùng của mùa mưa, khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng.
Trong lúc may y nghĩa là trong lúc y đang được may.
Đã được thỉnh mời, nhận biết là đã được thỉnh mời, vị không thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Đã được thỉnh mời, có sự nghi ngờ, vị không thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Đã được thỉnh mời, (lầm) tưởng là không được thỉnh mời, vị không thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi thăm viếng các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ.
Không được thỉnh mời, (lầm) tưởng là đã được thỉnh mời, phạm tội dukkaṭa. Không được thỉnh mời, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không được thỉnh mời, nhận biết là không được thỉnh mời thì vô tội.
Khi có duyên cớ, sau khi thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện rồi đi vào (làng), không có vị tỳ khưu hiện diện rồi đi vào (làng) không thông báo, đường đi ngang qua ngôi nhà của người khác, đường đi ngang qua khu vực lân cận ngôi nhà (của người khác), vị đi đến tu viện ở giữa làng, vị đi đến chỗ ngụ của các tỳ khưu ni, vị đi đến chỗ ngủ của các tu sĩ ngoại đạo, vị đi trở về, vị đi đến nhà thí thực, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về đi thăm viếng là thứ sáu.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada