Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, ở không xa thành Sāvatthī có phường hội nọ sắp đặt sự thí thực tại phước xá. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư vào buổi sáng sau khi mặc y, cầm y bát, đi vào thành Sāvatthī để khất thực, khi không nhận được đồ ăn khất thực đã đi đến phước xá. Dân chúng (nói rằng): - “Lâu lắm các ngài đại đức mới đến,” họ đã phục vụ một cách trân trọng. Sau đó vào ngày thứ nhì, ―(như trên)― vào ngày thứ ba, các tỳ khưu nhóm Lục Sư vào buổi sáng sau khi mặc y, cầm y bát, đã đi vào thành Sāvatthī để khất thực, khi không nhận được đồ ăn khất thực đã đi đến phước xá và thọ thực. Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã khởi ý điều này: “Chúng ta sẽ làm điều gì đây, có nên đi về tu viện rồi ngày mai cũng sẽ trở lại chính nơi này?” Các vị tiếp tục trú ngụ tại chính nơi ấy và thọ dụng vật thực ở phước xá. Các ngoại đạo lánh xa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử cứ tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá? Vật thực ở phước xá được sắp đặt đâu có dành riêng cho các vị này; vật thực ở phước xá được sắp đặt dành cho tất cả!”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vật thực ở phước xá được thọ dụng một lần. Nếu vượt quá số ấy thì phạm tội pācittiya.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta trong khi đi đến thành Sāvatthī ở trong xứ sở Kosala đã ghé lại phước xá nọ. Dân chúng (nói rằng): - “Lâu lắm trưởng lão mới đến” rồi đã phục vụ một cách trân trọng. Sau đó, khi đại đức Sāriputta đã thọ thực xong, có cơn bệnh ngặt nghèo đã phát khởi. Đại đức đã không thể rời trú xá ấy ra đi. Sau đó vào ngày thứ nhì, những người ấy đã nói với đại đức Sāriputta điều này: - “Thưa ngài, xin hãy thọ thực.” Khi ấy, đại đức Sāriputta (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá,” trong lúc ngần ngại đã không thọ lãnh nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, đại đức Sāriputta đã đi đến thành Sāvatthī và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được tiếp tục cư trú và thọ thực ở phước xá. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu không bị bệnh được thọ dụng vật thực ở phước xá một lần. Nếu vượt quá số ấy thì phạm tội pācittiya.”
Không bị bệnh nghĩa là có thể lìa phước xá ấy ra đi.
Bệnh nghĩa là không thể lìa phước xá ấy ra đi.
Vật thực ở phước xá nghĩa là loại vật thực nào đó thuộc về năm loại vật thực được phân phát theo nhu cầu không chỉ định (người thọ) ở trong phòng, hoặc ở mái che, hoặc ở gốc cây, hoặc ở ngoài trời.
Vị tỳ khưu không bị bệnh nên thọ thực một lần, nếu (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ ăn’ rồi thọ lãnh vượt quá số lần ấy thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya.
Vị không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, thọ dụng vật thực ở phước xá vượt quá số lần ấy thì phạm tội pācittiya. Vị không bị bệnh, có sự hoài nghi, thọ dụng vật thực ở phước xá vượt quá số lần ấy thì phạm tội pācittiya. Vị không bị bệnh, (lầm) tưởng là có bệnh, thọ dụng vật thực ở phước xá vượt quá số lần ấy thì phạm tội pācittiya.
Vị bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa. Vị bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Vị bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.
Vị bị bệnh, vị không bị bệnh thọ thực một lần, vị thọ thực khi chuẩn bị ra đi hoặc khi vừa mới đến, các người chủ thỉnh và mời ăn, được sắp đặt dành riêng (cho vị ấy), được sắp đặt vừa đủ theo nhu cầu (được nhận lãnh từng chút từng chút), trừ ra năm loại vật thực (thọ dụng) tất cả (các thức khác) thì không phạm tội, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về vật thực ở phước xá là thứ nhất.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada