Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống y như chúng ta đi dạo với vợ, các Sa-môn Thích tử này cũng đi dạo với các tỳ khưu ni y như thế.”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni?” ―(như trên)―
- “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni, có đúng không vậy?”
- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni ngay cả (đi) từ làng này sang làng khác[12] thì phạm tội pācittiya.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, nhiều tỳ khưu và tỳ khưu ni đi đường xa từ thành Sāketa đến thành Sāvatthī. Khi ấy, các tỳ khưu ni ấy sau khi nhìn thấy các tỳ khưu ấy đã nói điều này: - “Chúng tôi sẽ cùng đi với các ngài đại đức.” - “Này các sư tỷ, không được phép hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni. Hoặc là các chị hãy đi trước hoặc là chúng tôi sẽ đi trước.” - “Thưa các ngài, các ngài đại đức là những người cao quý. Chính các ngài đại đức hãy đi trước.”
Sau đó, các tỳ khưu ni ấy trong khi đi sau ở giữa đường đã bị bọn đạo tặc cướp bóc còn bị làm ô uế nữa. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến thành Sāvatthī và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép trên con đường cần phải đi chung với đoàn xe, được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng, sau khi hẹn trước được đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào sau khi hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni ngay cả (đi) từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: con đường cần phải đi chung với đoàn xe, được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.
Với: cùng chung.
Sau khi hẹn trước: Vị hẹn trước rằng: “Này sư tỷ, chúng ta hãy đi. Thưa ngài, chúng ta hãy đi. Thưa ngài, chúng ta hãy đi. Này sư tỷ, chúng ta hãy đi. Hôm nay hoặc hôm qua hoặc ngày mai chúng ta hãy đi” thì phạm tội dukkaṭa.
Ngay cả từ làng này sang làng khác: Ở ngôi làng trong khoảng cách đi được của con gà trống thì phạm tội pācittiya theo mỗi một khoảng giữa của các ngôi làng. Không phải trong làng, ở trong rừng, thì phạm tội pācittiya theo từng khoảng cách nửa do-tuần.[13]
Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.
Con đường cần phải đi chung với đoàn xe nghĩa là con đường không có đoàn xe không thể đi được.
Có sự nguy hiểm nghĩa là trên con đường ấy chỗ cắm trại của bọn cướp được thấy, chỗ ăn được thấy, chỗ đứng được thấy, chỗ ngồi được thấy, chỗ nằm được thấy.
Có sự kinh hoàng nghĩa là trên con đường ấy dân chúng bị giết bởi bọn cướp được thấy, bị cướp giật được thấy, bị đánh đập được thấy. Sau khi đi đến chỗ có sự kinh hoàng, khi nhìn thấy không có sự kinh hoàng thì nên giải tán (nói rằng): ‘Này các sư tỷ, hãy đi đi.’
Khi đã hẹn trước, nhận biết là đã hẹn trước, vị đi chung đường xa ngay cả từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Khi đã hẹn trước, có sự hoài nghi, vị đi chung đường xa ngay cả từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Khi đã hẹn trước, (lầm) tưởng là không hẹn trước, vị đi chung đường xa ngay cả từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ.
Vị tỳ khưu hẹn trước còn vị tỳ khưu ni không hẹn trước, thì phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, (lầm) tưởng là đã hẹn trước, phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, nhận biết là không hẹn trước thì vô tội.
Khi có duyên cớ, các vị sau khi không hẹn trước rồi đi, vị tỳ khưu ni hẹn trước còn vị tỳ khưu không hẹn trước, các vị đi ngoài giờ hẹn ước, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về việc hẹn trước là thứ bảy.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada