Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trưởng lão giáo giới các tỳ khưu ni theo phiên. Vào lúc bấy giờ là phiên của đại đức Cūḷapanthaka giáo giới các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Bây giờ ngày hôm nay sự giáo giới sẽ là không có hiệu quả. Bây giờ ngài đại đức Cūḷapanthaka sẽ nói đi nói lại chính lời cảm hứng ấy.”
Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp đại đức Cūḷapanthaka, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Cūḷapanthaka rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Cūḷapanthaka đã nói với các tỳ khưu ni ấy đang ngồi một bên điều này:
- “Này các sư tỷ, các vị đã đến đầy đủ chưa?”
- “Thưa ngài, chúng tôi đã đến đầy đủ.”
- “Này các sư tỷ, tám Trọng Pháp có được thực hành không?”
- “Thưa ngài, có được thực hành.”
- “Này các sư tỷ, đây là lời giáo giới.” Sau khi ban lời trên, vị ấy đã đọc đi đọc lại bài cảm hứng này:
Đối với vị hiền trí có tăng thượng tâm, không bị xao lãng, đang rèn luyện trong các đạo lộ trí tuệ, an tịnh, luôn có niệm, các sự sầu muộn không hiện hữu ở vị như thế ấy.”[10]
Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Không phải chúng tôi đã nói rằng: ‘Bây giờ ngày hôm nay sự giáo giới sẽ là không có hiệu quả. Bây giờ ngài đại đức Cūḷapanthaka sẽ nói đi nói lại chính lời cảm hứng ấy’ hay sao?” Đại đức Cūḷapanthaka đã nghe được lời nói trao đổi này của các tỳ khưu ni ấy. Khi ấy, đại đức Cūḷapanthaka đã bay lên không trung rồi đi kinh hành trong không trung trên bầu trời, rồi đứng lại, rồi ngồi xuống, rồi nằm xuống, rồi biến thành khói, rồi cháy rực lên, rồi biến mất. Vị ấy nói lên chính bài cảm hứng ấy và nhiều Phật ngôn khác.
Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Thưa ngài, thật là kỳ diệu! Thưa ngài, thật là phi thường! Quả thật từ trước đến nay, sự giáo giới cho chúng tôi trước đây không được hiệu quả như vầy, như là (sự giáo giới) của ngài đại đức Cūḷapanthaka!”
Sau đó, đại đức Cūḷapanthaka đã giáo giới các tỳ khưu ni ấy cho đến khi trời tối hẳn mới giải tán (nói rằng): - “Này các sư tỷ, hãy đi về.” Khi ấy, cửa thành đã đóng nên các tỳ khưu ni ấy đã trú lại bên ngoài thành đến sáng sớm mới đi vào thành phố. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các tỳ khưu ni này không còn Phạm hạnh; họ đã ở lại với các tỳ khưu trong tu viện bây giờ mới đi vào thành phố.”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Cūḷapanthaka lại giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn?” ―(như trên)― “Này Cūḷapanthaka, nghe nói ngươi giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn, có đúng không vậy?”
- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này Cūḷapanthaka, vì sao ngươi lại giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn vậy? Này Cūḷapanthaka, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Dầu đã được chỉ định, nếu vị tỳ khưu giáo giới tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn thì phạm tội pācittiya.”
Đã được chỉ định nghĩa là đã được chỉ định bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư.
Khi mặt trời đã lặn: khi mặt trời đã đi xuống ở bên dưới.
Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.
Giáo giới: vị giáo giới với tám Trọng Pháp hoặc với pháp khác thì phạm tội pācittiya.
Khi (mặt trời) đã lặn, nhận biết là đã lặn, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Khi (mặt trời) đã lặn, có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Khi (mặt trời) đã lặn, (lầm tưởng) là chưa lặn, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.
Vị giáo giới cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa. Khi (mặt trời) chưa lặn, (lầm tưởng) là đã lặn, phạm tội dukkaṭa. Khi (mặt trời) chưa lặn, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi (mặt trời) chưa lặn, nhận biết là chưa lặn thì vô tội.
Vị đang ban cho phần đọc tụng, vị đang ban cho phần giải thích,vị nhắc lại khi được nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy nhắc lại,’ vị hỏi câu hỏi, vị giảng giải khi được hỏi câu hỏi, các tỳ khưu ni lắng nghe vị đang nói vì lợi ích của người khác, vị (giáo giới) cho cô ni tu tập sự, (vị giáo giới) cho sa di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về (mặt trời) đã lặn là thứ nhì.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada