Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị quan đại thần nọ sắp sửa đi xa đã phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nhắn rằng): - “Các đại đức hãy đi đến. Tôi sẽ dâng y của mùa (an cư) mưa.” Các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Y của mùa (an cư) mưa đã được đức Thế Tôn cho phép đến các vị đã trải qua mùa (an cư) mưa” rồi trong lúc ngần ngại đã không đi đến. Khi ấy, vị quan đại thần ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các đại đức khi được tôi phái sứ giả đến mời lại không đi đến? Bởi vì tôi đi việc quân đội, việc sống khó biết, việc chết khó hay.” Các tỳ khưu đã nghe được vị quan đại thần ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, Ta cho phép thọ lãnh y đặc biệt rồi để riêng.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Y đặc biệt đã được đức Thế Tôn cho phép thọ lãnh rồi để riêng.” Các vị ấy sau khi thọ lãnh y đặc biệt rồi đã để vượt quá thời hạn về y. Các y ấy được buộc thành đống treo ở sào máng y. Đại đức Ānanda trong khi đi dạo quanh các trú xá đã nhìn thấy các y ấy được buộc thành đống treo ở sào máng y, sau khi nhìn thấy đã nói với các tỳ khưu rằng: - “Này các đại đức, các y đã được buộc thành đống treo ở sào máng y là của vị nào vậy?” - “Này đại đức, là các y đặc biệt của chúng tôi.” - “Này các đại đức, vậy các y này đã được để riêng bao lâu rồi?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã kể lại cho đại đức Ānanda về việc (y) đã được để riêng như thế nào. Đại đức Ānanda phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu sau khi thọ lãnh y đặc biệt lại để vượt quá thời hạn về y?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)―
- “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu sau khi thọ lãnh y đặc biệt lại để vượt quá thời hạn về y, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy sau khi thọ lãnh y đặc biệt lại để vượt quá thời hạn về y vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Khi còn mười ngày là đến ngày rằm Kattika của ba tháng,[12] trường hợp vị tỳ khưu có y đặc biệt phát sanh, vị tỳ khưu nghĩ rằng là (y) đặc biệt rồi nên thọ lãnh, sau khi thọ lãnh nên để riêng cho đến hết thời hạn về y. Nếu để riêng vượt quá hạn ấy thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.”
Khi còn mười ngày là đến: mười ngày là sẽ đến lễ Pavāraṇā.
Ngày rằm Kattika của ba tháng: lễ Pavāraṇā là Kattika được nói đến.
Y đặc biệt nghĩa là người có ý định đi vào quân đội, hoặc có ý định đi xa, hoặc là bị bệnh, hoặc là mang thai, hoặc là người không có niềm tin đã được sanh khởi niềm tin, hoặc là người không mộ đạo đã được sanh khởi lòng mộ đạo. Nếu người ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Các đại đức hãy đi đến. Tôi sẽ dâng y của mùa (an cư) mưa.” Y này gọi là y đặc biệt.
Vị tỳ khưu nghĩ rằng là (y) đặc biệt rồi nên thọ lãnh, sau khi thọ lãnh nên để riêng cho đến hết thời hạn về y: Sau khi ghi nhận rằng: “Đây là y đặc biệt.” rồi nên để riêng.
Thời hạn về y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì một tháng cuối của mùa mưa. Khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng.[13]
Nếu để riêng vượt quá hạn ấy: khi Kaṭhina không được thành tựu, vị vượt qua ngày cuối cùng của mùa mưa thì phạm vào nissaggiya. Khi Kaṭhina được thành tựu, vị vượt qua ngày hết hiệu lực Kaṭhina thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy ―(như trên)― “Bạch các ngài, y đặc biệt này của tôi đã vượt quá thời hạn về y, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”
Y đặc biệt, nhận biết là y đặc biệt, vị để vượt quá thời hạn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Y đặc biệt, có sự hoài nghi, vị để vượt quá thời hạn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Y đặc biệt, (lầm) tưởng không phải là y đặc biệt, vị để vượt quá thời hạn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi chưa chú nguyện để dùng riêng, (lầm) tưởng là đã chú nguyện để dùng riêng, ... Khi chưa chú nguyện để dùng chung, (lầm) tưởng là đã chú nguyện để dùng chung, ... Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã phân phát, ... Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, ... Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, ... Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, ... Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, vị để vượt quá thời hạn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya.
Y phạm vào nissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa. Không phải là y đặc biệt, (lầm) tưởng là y đặc biệt, phạm tội dukkaṭa. Không phải là y đặc biệt, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải là y đặc biệt, nhận biết không phải là y đặc biệt thì vô tội.
Trong thời hạn (về y), vị chú nguyện để dùng riêng, vị chú nguyện để dùng chung, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (những người khác) cướp rồi lấy đi, (các vị khác) lấy đi do sự thân thiết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về y đặc biệt.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada