Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya là vị thường tới lui với gia đình nọ và là vị nhận bữa ăn thường kỳ. Khi nào gia đình ấy có được vật thực loại cứng hoặc loại mềm, phần chia trong số đó được để dành cho đại đức Upananda con trai dòng Sakya. Vào lúc bấy giờ, gia đình ấy có được miếng thịt nhằm lúc chiều tối. Trong số đó, phần chia của đại đức Upananda con trai dòng Sakya được để dành lại. Đến canh cuối của đêm, đứa bé trai của gia đình ấy thức dậy khóc lóc rằng: - “Hãy cho con thịt.” Khi ấy, người đàn ông ấy đã nói với người vợ điều này: - “Hãy cho đứa bé phần chia của ngài đại đức. Sau khi mua phần khác tôi sẽ dâng ngài.” Rồi đã cho đứa bé phần thịt ấy.
Sau đó vào buổi sáng, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã mặc y, cầm y bát đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, người đàn ông ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Upananda con trai dòng Sakya rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, người đàn ông ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này: - “Thưa ngài, hôm qua lúc chiều tối có được miếng thịt. Trong số đó, phần chia của ngài đại đức đã được để dành. Thưa ngài, vào canh cuối của đêm, đứa bé trai này đã thức dậy khóc lóc rằng: ‘Hãy cho con thịt.’ Phần chia của ngài đại đức đã được cho đến đứa bé. Thưa ngài, với một đồng tiền thì vật gì hãy được mang lại?”[3] - “Này đạo hữu, đồng tiền đã được ta từ bỏ.” - “Thưa ngài, đúng vậy. Đã được từ bỏ.” - “Này đạo hữu, hãy trao cho ta chính đồng tiền ấy.”
Khi ấy, người đàn ông ấy đã trao đồng tiền cho đại đức Upananda con trai dòng Sakya rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Chúng tôi nhận lãnh vàng bạc như thế nào thì các Sa-môn Thích tử này thọ lãnh vàng bạc y như thế.” Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya lại thọ lãnh vàng bạc?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này Upananda, nghe nói ngươi thọ lãnh vàng bạc, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại thọ lãnh vàng bạc vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào nhận lấy hoặc bảo nhận lấy hoặc ưng thuận vàng bạc đã được mang đến thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Vàng nghĩa là màu da của bậc Đạo Sư được nói đến.
Bạc nghĩa là đồng tiền kahāpaṇa, tiền māsaka bằng đồng, tiền māsaka bằng gỗ, tiền māsakabằng nhựa cánh kiến, những vật nào dùng trong việc buôn bán.
Nhận lấy: bản thân cầm lấy thì phạm vào nissaggiya pācittiya.
Bảo nhận lấy: bảo người khác cầm lấy thì phạm vào nissaggiya pācittiya.
Hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến: Đối với (vàng bạc) đã được mang đến (nói rằng): “Vật này hãy là của ngài,” vị ưng thuận thì phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: Vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, tôi đã thọ lãnh vàng bạc, vật này nên được tôi xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực. Nếu có người phụ việc chùa hoặc nam cư sĩ đi đến nơi ấy thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy nhận biết vật này.” Nếu người ấy nói rằng: “Với vật này, hãy để cho vật gì được mang lại?” Không nên nói rằng: “Hãy mang lại vật này hoặc vật này.” Nên đề cập đến vật được phép là bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía. Nếu người ấy sau khi dùng (vàng bạc) ấy trao đổi và đem lại vật được phép thì tất cả nên thọ dụng trừ ra vị đã thọ lãnh vàng bạc. Nếu điều ấy có thể đạt được như vậy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không thể đạt được thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy quăng bỏ vật này.” Nếu người ấy quăng bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (người ấy) không quăng bỏ thì nên chỉ định vị quăng bỏ vàng bạc là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, là vị biết vật đã được quăng bỏ hoặc chưa được quăng bỏ. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu nên được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quăng bỏ vàng bạc. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy sau khi đã không làm dấu hiệu rồi nên ném đi. Nếu sau khi đã làm dấu hiệu rồi ném đi thì phạm tội dukkaṭa. Vàng bạc, nhận biết là vàng bạc, vị thọ lãnh vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Vàng bạc, có sự hoài nghi, vị thọ lãnh vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Vàng bạc, (lầm) tưởng không phải là vàng bạc, vị thọ lãnh vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Không phải là vàng bạc, (lầm) tưởng là vàng bạc, phạm tội dukkaṭa. Không phải là vàng bạc, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải là vàng bạc, nhận biết không phải là vàng bạc thì vô tội.
Sau khi nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy ở trong khuôn viên tu viện hoặc ở trong chỗ ngụ, vị giữ lại (nghĩ rằng): “Là của ai, người ấy sẽ mang đi,” vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về vàng bạc.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada