Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sakya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bảo các tỳ khưu ni giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu. Trong khi giặt, trong khi nhuộm, và trong khi chải các lông cừu, các tỳ khưu ni xao lãng việc đọc tụng, việc vấn hỏi, (việc tu tập) tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ. Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với bà Mahāpajāpatī Gotamī đang đứng một bên điều này: - “Này Gotamī, chắc hẳn các tỳ khưu ni sống không có xao lãng, tinh cần, và bản thân có nỗ lực?” - “Bạch ngài, sự không xao lãng của các tỳ khưu ni từ đâu có được khi các ngài đại đức nhóm Lục Sư bảo các tỳ khưu ni giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu? Trong khi giặt, trong khi nhuộm, và trong khi chải các lông cừu, các tỳ khưu ni xao lãng việc đọc tụng, việc vấn hỏi, (việc tu tập) tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpatī Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng: - “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi bảo các tỳ khưu ni giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” - “Này các tỳ khưu, là các nữ thân quyến của các ngươi hay không phải là các nữ thân quyến?” - “Bạch Thế Tôn, không phải là các nữ thân quyến.” - “Này những kẻ rồ dại, những người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng những người nữ không phải là thân quyến. Này những kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao các ngươi lại bảo các tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, hoặc bảo nhuộm, hoặc bảo chải các lông cừu thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
(Người nữ) Không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.
Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.
Vị chỉ thị rằng: “Hãy giặt” thì phạm tội dukkaṭa, (các lông cừu) đã được giặt thì phạm vào nissaggiya. Vị chỉ thị rằng: “Hãy nhuộm” thì phạm tội dukkaṭa, (các lông cừu) đã được nhuộm thì phạm vào nissaggiya. Vị chỉ thị rằng: “Hãy chải” thì phạm tội dukkaṭa, (các lông cừu) đã được chải thì phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: “Bạch các ngài, các lông cừu này của tôi đã được bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ (các lông cừu) này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”
Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội dukkaṭa với tội nissaggiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo chải các lông cừu thì phạm tội dukkaṭa với tội nissaggiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm, bảo chải các lông cừu thì phạm hai tội dukkaṭa với tội nissaggiya.
Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội nissaggiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo chải ―(như trên)― vị bảo nhuộm, bảo giặt các lông cừu thì phạm tội dukkaṭa với tội nissaggiya. ―(như trên)― vị bảo nhuộm, bảo chải, bảo giặt các lông cừu thì phạm hai tộidukkaṭa với tội nissaggiya.
Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo chải các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo chải, bảo giặt ―(như trên)― vị bảo chải, bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội dukkaṭa với tội nissaggiya. ―(như trên)― vị bảo chải, bảo giặt, bảo nhuộm các lông cừu thì phạm hai tội dukkaṭa với tội nissaggiya.
Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, ―(như trên)― Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, ―(như trên)― Vị bảo giặt các lông cừu của vị khác thì phạm tộidukkaṭa. Vị bảo cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng giặt thì phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.
Khi vị (tỳ khưu ni) là thân quyến đang giặt có vị (tỳ khưu ni) thứ nhì không phải là thân quyến (phụ giúp), vị (tỳ khưu ni) giặt khi chưa được nói, vị bảo giặt vật đã là thành phẩm chưa được sử dụng, (vị bảo) cô ni tu tập sự, (vị bảo) sa di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về việc bảo giặt lông cừu.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada