Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ khi đang đi đến thành Sāvatthī trong xứ Kosala, ở giữa đường có các lông cừu đã được phát sanh. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã dùng thượng y gói các lông cừu ấy lại thành gói rồi đi. Dân chúng sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đã chế giễu rằng: - “Thưa ngài, chúng được mua bao nhiêu? Lợi nhuận sẽ là bao nhiêu?” Trong khi bị những người ấy chế giễu, vị tỳ khưu ấy đã trở nên xấu hổ. Sau đó, khi đến thành Sāvatthī vị tỳ khưu ấy đã đứng thẳng người ném các lông cừu ấy xuống. Các tỳ khưu đã nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: - “Này đại đức, vì sao đại đức lại đứng thẳng người ném các lông cừu này xuống vậy?” - “Này các đại đức, như thế là vì nguyên nhân các lông cừu này mà tôi đã bị dân chúng chế giễu.” - “Này đại đức, thế đại đức đã mang những lông cừu này khoảng bao xa vậy?” - “Này các đại đức, hơn ba do-tuần.”[2] Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao vị tỳ khưu lại mang các lông cừu hơn ba do-tuần?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này tỳ khưu, nghe nói ngươi mang các lông cừu hơn ba do-tuần, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại mang các lông cừu hơn ba do-tuần vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu trong khi đi đường xa có các lông cừu được phát sanh, vị tỳ khưu mong muốn thì nên thọ lãnh. Sau khi thọ lãnh, nên dùng tay mang tối đa ba do-tuần khi không có người mang. Nếu mang vượt quá khoảng cách ấy cho dầu không có người mang vác thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.”
Vị tỳ khưu trong khi đi đường xa: là vị đang đi đường.
Các lông cừu được phát sanh: là được phát sanh từ hội chúng, hoặc từ nhóm, hoặc từ thân quyến, hoặc từ bạn bè, hoặc từ vật quăng bỏ, hoặc từ vật sở hữu của bản thân.
Mong muốn: với vị đang ước muốn.
Thì nên thọ lãnh, sau khi thọ lãnh thì nên dùng tay mang tối đa ba do-tuần: Nên dùng tay mang nhiều nhất ba do-tuần.
Khi không có người mang vác: không có người nào khác khuân vác: hoặc là người nữ, hoặc là người nam, hoặc là người tại gia, hoặc là vị xuất gia.
Nếu mang vượt quá khoảng cách ấy cho dầu không có người mang vác: Vượt quá ba do-tuần bước thứ nhất thì phạm tội dukkaṭa. Vượt quá ba do-tuần bước thứ nhì thì phạm vào nissaggiya pācittiya. Đứng trong khoảng ba do-tuần và làm rơi ngoài ba do-tuần thì phạm vàonissaggiya pācittiya. Sau khi để ở trên xe hoặc trong gói đồ của người khác mà họ không hay biết, vị vượt quá ba do-tuần thì (các lông cừu ấy) phạm vào nissaggiya, cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy ―(như trên)― “Bạch các ngài, các lông cừu này của tôi đã vượt quá ba do-tuần, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ các vật này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”
Hơn ba do-tuần, nhận biết là đã hơn, vị vượt qua thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Hơn ba do-tuần, có sự hoài nghi, vị vượt qua thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Hơn ba do-tuần, (lầm) tưởng là chưa hơn, vị vượt qua thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Khi chưa hơn ba do-tuần, (lầm) tưởng là đã hơn, phạm tội dukkaṭa. Khi chưa hơn ba do-tuần, có sự hoài nghi, phạm tộidukkaṭa. Khi chưa hơn ba do-tuần, nhận biết là chưa hơn thì vô tội.
Vị mang đi ba do-tuần, vị mang đi kém ba do-tuần, vị mang đi ba do-tuần rồi mang lui lại, sau khi đi ba do-tuần vị có ý định tìm trú xứ rồi mang hơn khoảng cách đó, vị nhận lại vật bị cướp rồi mang đi, vị nhận lại vật đã sám hối ưng xả (và được cho lại) rồi mang đi, vị bảo người khác mang, vị mang vật đã là thành phẩm, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về các lông cừu.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada