Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Andhakavinda cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Vào lúc bấy giờ, dân chúng trong xứ sở cho người chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi lần lượt nối đuôi theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): “Khi nào chúng tôi đến phiên, khi ấy chúng tôi sẽ thực hiện bữa trai phạn” và số lượng người ăn thức ăn còn thừa là năm trăm người.
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Andhakavindaṃ. Khi ấy, có người Bà-la-môn nọ không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hơn hai tháng nay, ta đã theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): ‘Khi nào ta đến phiên, khi ấy ta sẽ thực hiện bữa trai phạn,’ và phiên của ta không được thành tựu. Mà ta thì đơn chiếc, và nhiều công việc gia đình đã bị ta bỏ bê. Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn, món gì ở nhà ăn không có thì ta nên chuẩn bị món đó?” Sau đó, người Bà-la-môn ấy trong khi nhìn xem ở nhà ăn đã không thấy hai món là cháo và mật viên.
Khi ấy, người Bà-la-môn ấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này: - “Thưa ngài Ānanda, ở đây tôi không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: ‘Hơn hai tháng nay, ta đã theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): -Khi nào ta đến phiên, khi ấy ta sẽ thực hiện bữa trai phạn,- và phiên của ta không được thành tựu. Mà ta thì đơn chiếc, và nhiều công việc gia đình đã bị ta bỏ bê. Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn, món gì ở nhà ăn không có thì ta nên chuẩn bị món đó?’ Thưa ngài Ānanda, trong khi nhìn xem ở nhà ăn tôi đây đã không thấy hai món là cháo và mật viên. Thưa ngài Ānanda, nếu tôi chuẩn bị sẵn sàng cháo và mật viên thì Ngài Gotama có thọ nhận của tôi hay không?” - “Này ông Bà-la-môn, như thế thì tôi sẽ hỏi đức Thế Tôn.”
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn. - “Này Ānanda, như vậy thì bảo ông ta hãy chuẩn bị sẵn sàng.” - “Này ông Bà-la-môn, như vậy thì ông hãy chuẩn bị sẵn sàng.” Sau đó, khi trải qua đêm ấy người Bà-la-môn ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng nhiều cháo và mật viên rồi đem dâng đến đức Thế Tôn: - “Bạch Ngài Gotama, xin hãy thọ lãnh cháo và mật viên của tôi.” - “Này Bà-la-môn, như thế thì hãy dâng đến các vị tỳ khưu.” Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh. - “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh, hãy thọ dụng.”
Khi ấy, người Bà-la-môn ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với nhiều cháo và mật viên. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa, bàn tay đã rời khỏi bình bát, người Bà-la-môn ấy đã ngồi xuống một bên. Khi người Bà-la-môn ấy đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã nói với người Bà-la-môn ấy điều này: - “Này Bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo. Mười điều ấy là gì? Trong khi bố thí cháo (người ấy) bố thí tuổi thọ, bố thí sắc đẹp, bố thí sự an lạc, bố thí sức mạnh, bố thí sự sáng suốt, những người đã húp cháo dứt hẳn cơn đói, chận đứng cơn khát, điều hòa gió, làm sạch bàng quang, và làm tiêu hóa phần (vật thực) còn lại chưa tiêu. Này Bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo.”
“Người nào bố thí cháo một cách trân trọng và hợp thời đến các vị đã được thu thúc, (sống nhờ) vật thực được bố thí bởi những kẻ khác, (người ấy) cho đến vị này mười điều lợi ích là: tuổi thọ, và sắc đẹp, sự an vui, và sức mạnh.
Nhờ đó sự sáng suốt được sanh khởi cho vị này, khiến xua đi cơn đói cơn khát, (điều hòa) gió, làm trong sạch bàng quang, làm tiêu hóa vật đã được ăn vào. Dược phẩm này đã được ngợi khen bởi đấng Thiện Thệ.
Chính vì điều ấy, người tầm cầu sự an vui đang ước nguyện về các sự an lạc thuộc cõi trời hoặc đang ước muốn về sự phồn vinh của nhân loại nên thường xuyên bố thí cháo thật đầy đủ.”
Khi ấy, sau khi nói lời tùy hỷ đến người Bà-la-môn ấy bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cháo và mật viên.”
Dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn cho phép cháo và mật viên đến các tỳ khưu.” Vào buổi sáng sớm, họ đã chuẩn bị sẵn sàng cháo đặc và mật viên. Các tỳ khưu vào buổi sáng sớm được thỏa mãn với cháo đặc và mật viên nên không thọ thực được như ý ở chỗ thọ thực.
Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được vị quan đại thần nọ mới có đức tin thỉnh mời vào ngày hôm sau. Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên chuẩn bị sẵn sàng một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt cho một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, rồi sẽ dâng đến cứ mỗi một vị tỳ khưu là mỗi một đĩa thịt?” Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: - “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của vị quan đại thần mới có đức tin ấy, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phục vụ các tỳ khưu ở trong nhà ăn. Các tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đạo hữu, hãy dâng chút ít thôi.” - “Thưa các ngài, chớ có thọ lãnh chỉ chút ít thôi (vì nghĩ rằng): ‘Vị quan đại thần này mới có đức tin.’ Tôi đã chuẩn bị nhiều vật thực loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt, tôi sẽ dâng đến mỗi một vị tỳ khưu là mỗi một đĩa thịt. Thưa các ngài, xin hãy thọ lãnh theo như ước muốn.” - “Này đạo hữu, không phải vì lý do ấy mà chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít; tuy nhiên vào sáng sớm chúng tôi đã được bồi bổ với cháo đặc và mật viên rồi, cho nên chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít.”
Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các đại đức đã được tôi thỉnh mời lại thọ dụng cháo đặc của người khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?” Rồi trở nên giận dữ, không hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): - “Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.”
Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã ngồi xuống một bên. Khi vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị quan đại thần mới có đức tin ấy bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi lên nỗi phân vân, đã khởi lên sự ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Là việc ta đã trở nên giận dữ, không hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.’ Ta đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là vô phước?”
Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, ở đây khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, con đã khởi lên nỗi phân vân, đã khởi lên sự ân hận: ‘Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Là việc ta đã trở nên giận dữ, không hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): -Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.- Ta đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là vô phước?’ Bạch ngài, con đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là vô phước?” - “Này đạo hữu, kể từ lúc ngươi thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu cho ngày hôm sau, từ lúc ấy ngươi đã tạo ra được nhiều phước báu. Kể từ lúc mỗi một miếng cơm của ngươi được mỗi một vị tỳ khưu thọ lãnh, từ lúc ấy ngươi đã tạo ra được nhiều phước báu. Các cõi trời đã được thành tựu cho ngươi rồi.”
Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy (nghĩ rằng): “Nghe nói ta có được điều lợi ích! Nghe nói ta đã đạt được điều tốt! Nghe nói ta đã tạo ra được nhiều phước báu! Nghe nói các cõi trời đã được thành tựu cho ta!” nên mừng rỡ phấn chấn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác; vị nào thọ dụng thì nên được hành xử theo Pháp” (liên quan đến tội pācittiya 33).
Sau đó, khi đã ngự tại Andhakavinda theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Vào lúc bấy giờ, Belaṭṭha Kaccāna đang đi đường xa từ thành Rājagaha đến Andhakavinda cùng với năm trăm xe hàng toàn bộ đều chất đầy các hũ mật đường. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy Belaṭṭha Kaccāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã rời đường lộ và ngồi xuống ở gốc cây nọ.
Sau đó, Belaṭṭha Kaccāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, Belaṭṭha Kaccāna đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, con muốn dâng đến mỗi một vị tỳ khưu một hũ mật đường.” - “Này Kaccāna, như vậy thì ngươi hãy mang lại chỉ một hũ mật đường thôi.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy chỉ một hũ mật đường rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đứcThế Tôn điều này: - “Bạch ngài, hũ mật đường đã được mang lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy dâng mật đường đến các vị tỳ khưu.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi dâng mật đường đến các vị tỳ khưu rồi đã nói đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, mật đường đã được dâng đến các vị tỳ khưu, và nhiều mật đường này còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy dâng mật đường đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi dâng mật đường đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn rồi đã nói đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, mật đường đã được dâng đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn, và nhiều mật đường này còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường. Một số các vị tỳ khưu đã chứa đầy các bình bát, đã chứa đầy các túi lọc nước và luôn cả các túi xách.
Rồi Belaṭṭha Kaccāna sau khi đã làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường rồi đã nói đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, các vị tỳ khưu đã được thỏa mãn với nhiều mật đường, và nhiều mật đường này còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy cho mật đường đến những người ăn vật thực còn thừa.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi đã cho mật đường đến những người ăn vật thực còn thừa rồi đã nói đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, mật đường đã được cho đến những người ăn vật thực còn thừa, và nhiều mật đường này còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy cho mật đường đến những người ăn vật thực còn thừa theo như ước muốn.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi đã cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- “Bạch ngài, mật đường đã được cho đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn, và nhiều mật đường này còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường. Một số người ăn thức ăn còn thừa đã chứa đầy các lọ, các bình, đã chứa đầy các giỏ, và dùng luôn cả phần y ở phía trước (đã được buộc lại).
Rồi Belaṭṭha Kaccāna sau khi đã làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường rồi đã nói đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, những người ăn thức ăn còn thừa đã được thỏa mãn với nhiều mật đường, và nhiều mật đường này còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?” - “Này Kaccāna, ta không thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người mà đường này khi được người ấy ăn vào có thể đem lại sự tiêu hóa tốt đẹp, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Này Kaccāna, chính vì điều ấy ngươi hãy đổ bỏ đường ấy ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi Belaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã đổ mật đường ấy xuống nước không có sinh vật. Khi ấy, mật đường ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói. Cũng giống như lưỡi cày đã được nung đỏ trọn ngày khi được bỏ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói; tương tợ như thế, mật đường ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói.
Khi ấy, Belaṭṭha Kaccāna trở nên hoảng hốt, lông dựng đứng lên, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi Belaṭṭha Kaccāna đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến Belaṭṭha Kaccāna. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được Belaṭṭha Kaccāna có tâm đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến Belaṭṭha Kaccāna: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, Belaṭṭha Kaccāna đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi ấy trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Rājagaha mật đường được dồi dào. Các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Mật đường đã được đức Thế Tôn cho phép đến chính vị bị bệnh, không cho đối với vị không bị bệnh,” trong lúc ngần ngại không thọ dụng mật đường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép mật đường đối với vị bị bệnh và nước (có pha) mật đường đối với vị không bị bệnh.”
Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Pāṭaligāma[6] cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Pāṭaligāma. Các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Pāṭaligāma.” Sau đó, các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đã ngồi xuống một bên. Khi các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời (trú tại) nhà nghỉ trọ cùng với hội chúng Tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.
Khi ấy, các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã trải thảm toàn bộ nhà nghỉ trọ với thảm trải, cho sắp đặt các chỗ ngồi, cho bố trí lu nước, cho treo lên cây đèn dầu, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, nhà nghỉ trọ đã trải thảm toàn bộ với thảm trải, các chỗ ngồi đã được cho sắp đặt, lu nước đã được cho bố trí, cây đèn dầu đã được treo lên. Bạch ngài, bây giờ là thời điểm của việc gì xin đức Thế Tôn hãy suy tính về việc ấy.” Sau đó, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã rửa sạch hai bàn chân rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ cột nhà ở chính giữa, mặt nhìn về hướng đông. Hội chúng tỳ khưu cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía tây, mặt nhìn về hướng đông, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía đông, mặt nhìn về hướng tây, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma rằng: - “Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Năm điều ấy là gì?” Này các cư sĩ, ở đây kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới gánh chịu sự mất mát lớn về tài sản do nguyên nhân xao lãng. Đây là điều tai hại thứ nhất của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn xấu xa của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới lan rộng. Đây là điều tai hại thứ nhì của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể những người Bà-la-môn, dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các Sa-môn, kẻ ấy đi vào thiếu sự tự chủ và trở nên bối rối. Đây là điều tai hại thứ ba của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới bị mê muội khi từ trần. Đây là điều tai hại thứ tư của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Đây là điều tai hại thứ năm của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Năm điều ấy là gì? Này các cư sĩ, người giữ giới có sự thành tựu về giới thành tựu khối lượng tài sản lớn do nguyên nhân không xao lãng. Đây là điều lợi ích thứ nhất của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn tốt đẹp của người giữ giới có sự thành tựu về giới lan rộng. Đây là điều lợi ích thứ nhì của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể những người Bà-la-môn, dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các Sa-môn, người ấy đi vào có sự tự chủ và không có bối rối. Đây là điều lợi ích thứ ba của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới không bị mê muội khi từ trần. Đây là điều lợi ích thứ tư của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn an vui, cõi trời, cõi người. Đây là điều lợi ích thứ năm của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới.”
Sau đó, khi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma bằng bài Pháp thoại đến tận đêm khuya, đức Thế Tôn đã giải tán (bảo rằng): - “Này các cư sĩ, đêm đã khuya. Bây giờ là thời điểm của việc gì thì các ngươi hãy suy tính về việc ấy.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi các cư sĩ ở tại Pāṭaligāma ra đi không lâu, đức Thế Tôn đã đi vào ngôi nhà trống vắng.
Vào lúc bấy giờ, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, cho xây thành lũy ở Pāṭaligāma để ngăn cản người Vajji. Và đức Thế Tôn, sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt xa loài người đã nhìn thấy nhiều vị trời đang chiếm giữ các khu vực ở Pāṭaligāma. Các vị trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực lớn ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực trung bình ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực kém ở khu vực đó cho xây các dinh thự.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, những ai là người cho xây thành lũy ở Pāṭaligāma vậy?” - “Bạch ngài, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, cho xây thành lũy ở Pāṭaligāma để ngăn cản các người Vajji.” - “Này Ānanda, cũng giống như là đã thỉnh ý với chư Thiên ở cõi Tāvatiṃsa, này Ānanda, tương tợ như thế Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã cho xây thành lũy ở Pāṭaligāma để ngăn cản người Vajji. Này Ānanda, ở đây sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt trên loài người ta đã nhìn thấy nhiều vị trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong Pāṭaligāma. Các vị trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực lớn ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực trung bình ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực kém ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Này Ānanda, cho đến tận lãnh thổ của những người Ariyan và đến tận con đường của những nhà thương buôn, Pāṭaliputta này sẽ trở thành thành phố hàng đầu, là nơi bốc dở các loại hàng hóa. Này Ānanada, thành Pāṭaliputta sẽ xảy ra ba tai họa hoặc do lửa, hoặc do nước, hoặc do sự chia hai từ trong nội bộ.”
Sau đó, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng một bên. Khi đã đứng một bên, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Xin ngài Gotama hãy nhận lời chúng tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, sau khi hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn, đã ra đi.
Sau đó, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: - “Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến nơi phân phối thức ăn của Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Khi ấy, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, hai vị quan đại thần đã ngồi xuống một bên. Khi Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã ngồi xuống một bên, Đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ đến hai vị quan đại thần bằng những lời kệ này:
Ở tại khu vực nào, chỗ trú ngụ được sắp đặt cho các bậc có bản chất sáng suốt, tại nơi ấy sau khi dâng thức ăn đến các vị có giới, thu thúc, hành Phạm hạnh -
Nên tỏ sự kính trọng đến chư Thiên đã ngụ ở nơi ấy. Chư Thiên ấy, được cúng dường, sẽ cúng dường người ấy, được tôn kính, sẽ tôn kính người ấy.
Do đó, chư Thiên thương mến người ấy, như người mẹ thương xót đứa con trai ruột thịt. Được chư Thiên thương mến, người ấy sẽ luôn luôn gặp được các điều tốt lành.”
Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ đến Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Vào lúc bấy giờ, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã đi theo phía sau đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy sẽ có tên là Cửa thành Gotama, và băng qua sông Gaṅgā bằng bến tàu nào thì bến tàu ấy sẽ có tên là Bến tàu Gotama.” Sau đó, cửa thành nào mà đức Thế Tôn đã đi ra, cửa thành ấy đã có tên là Cửa thành Gotama. Rồi đức Thế Tôn đã đi đến sông Gaṅgā. Vào lúc bấy giờ, sông Gaṅgā luôn tràn đầy, mấp mé bờ khiến chim quạ có thể uống nước. Dân chúng, một số đi kiếm thuyền, một số đi kiếm xuồng, một số buộc thành chiếc bè với ước muốn đi từ bờ này sang bờ kia.
Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những người ấy, một số đang đi kiếm thuyền, một số đang đi kiếm xuồng, một số đang buộc thành chiếc bè với ước muốn đi từ bờ này sang bờ kia. Sau khi nhìn thấy, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại bờ bên này của sông Gaṅgā và hiện ra đứng ở bờ bên kia cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, khi đã biết sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người băng qua biển cả ao hồ, sau khi xây dựng cây cầu vượt qua các hồ nhỏ. (Trong khi) người còn đang buộc chiếc bè nhỏ thì các bậc trí đã vượt qua (bờ kia).”
Sau đó, đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma. Tại nơi ấy, đức Thế Tôn ngụ tại Koṭigāma. Ở đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, do sự không giác ngộ, không thấu triệt được bốn Chân Lý Cao Thượng, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm. Bốn điều ấy là gì? Này các tỳ khưu, do sự không giác ngộ, không thấu triệt được Chân Lý Cao Thượng của Khổ, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài ... thăm thẳm. Do sự không giác ngộ, không thấu triệt được Chân Lý Cao Thượng của Nguồn Gốc Sanh Khởi của Khổ, ―(như trên)― Chân Lý Cao Thượng của Sự Chấm Dứt của Khổ, ―(như trên)― Chân Lý Cao Thượng của Sự Thực Hành đưa đến Sự Chấm Dứt của Khổ, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm. Này các tỳ khưu, Chân Lý Cao Thượng của Khổ này đây đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Nguồn Gốc Sanh Khởi của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Sự Chấm Dứt của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Sự Thực Hành đưa đến Sự Chấm Dứt của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, (thì) nỗi khao khát về sự tái sanh đã được cắt đứt, lối đưa đến sự tái sanh đã cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.”
“Do không nhìn thấy đúng theo bản thể của bốn Chân Lý Cao Thượng, nên bị luân hồi dài thăm thẳm trong những lần tái sanh kiếp này kiếp khác.
Khi những điều này đây đã được nhìn thấy thì lối dẫn đi tái sanh không còn, nguồn sanh khổ đã đoạn, giờ đây không còn tái sanh nữa.”
Nàng kỹ nữ Ambapālī đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma.” Khi ấy, nàng kỹ nữ Ambapālī đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe lộng lẫy, sau đó rời khỏi thành Vesāli với những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đã đi bằng cỗ xe hết khoảng đường dành cho xe, nàng đã xuống xe rồi làm người bộ hành đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi nàng đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nàng kỹ nữ Ambapālī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, nàng kỹ nữ Ambapālī đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng Tỳ khưu nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai của con.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nàng kỹ nữ Ambapālī hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Các vị dòng dõi Licchavi ở Vesāli đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma.” Khi ấy, các vị dòng dõi Licchavi ở Vesāli đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi thành Vesāli với những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Một số các vị dòng dõi Licchavi chuộng màu xanh, có vẻ bên ngoài màu xanh, y phục màu xanh, đồ trang sức màu xanh. Một số các vị dòng dõi Licchavi chuộng màu vàng, có vẻ bên ngoài màu vàng, y phục màu vàng, đồ trang sức màu vàng. Một số các vị dòng dõi Licchavi chuộng màu đỏ, có vẻ bên ngoài màu đỏ, y phục màu đỏ, đồ trang sức màu đỏ. Một số các vị dòng dõi Licchavi chuộng màu trắng, có vẻ bên ngoài màu trắng, y phục màu trắng, đồ trang sức màu trắng.
Khi ấy, nàng kỹ nữ Ambapālī di chuyển đối đầu gọng xe với gọng xe, càng xe với càng xe, bánh xe với bánh xe, trục bánh xe với trục bánh xe của các vương tử rất trẻ tuổi dòng Licchavi. Khi ấy, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã nói với nàng kỹ nữ Ambapālī điều này: - “Này nàng Ambapālī, vì sao nàng lại di chuyển đối đầu gọng xe với gọng xe, càng xe với càng xe, bánh xe với bánh xe, trục bánh xe với trục bánh xe của các vương tử rất trẻ tuổi dòng Licchavi của chúng tôi vậy?” - “Này các cậu công tử, chính là vì tôi đã thỉnh mời được hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” - “Này nàng Ambapālī, hãy nhường lại cho chúng tôi bữa thọ trai ấy với giá một trăm ngàn.” - “Này các cậu công tử, cho dù các cậu chịu nhường lại thành Vesāli luôn cả dân cư cho tôi, tôi cũng không chịu nhường lại bữa thọ trai.”
Khi ấy, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã búng ngón tay (nói rằng): - “Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi! Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi!”
Sau đó, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị dòng dõi Licchavi ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chư Thiên ở cõi Tāvatiṃsa chưa được các tỳ khưu nhìn thấy trước đây. Này các tỳ khưu, hãy nhìn tập thể các vị dòng dõi Licchavi. Này các tỳ khưu, hãy nhìn tập thể các vị dòng dõi Licchavi. Này các tỳ khưu, hãy so sánh tập thể các vị dòng dõi Licchavi với tập thể chư Thiên cõi Tāvatiṃsa.”
Khi ấy, sau khi đã đi bằng cỗ xe hết khoảng đường dành cho xe, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã xuống xe rồi làm người bộ hành đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi họ đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị dòng dõi Licchavi ấy bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã nói đã với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai của chúng tôi.” - “Này các vị Licchavi, ta đã nhận lời nàng kỹ nữ Ambapālī về bữa thọ trai vào ngày mai rồi.” Khi ấy, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã búng ngón tay (nói rằng): - “Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi! Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi!” Sau đó, khi đã được hoan hỷ và thỏa mãn với lời nói của đức Thế Tôn, các vị dòng dõi Licchavi ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi đã ngự tại Koṭigāma như ý thích, đức Thế Tôn đã đi đến Nātikā. Tại nơi ấy ở Nātikā, đức Thế Tôn ngự tại Giñjakāvasatha (căn nhà bằng gạch). Sau đó, khi trải qua đêm ấy nàng kỹ nữ Ambapālī đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm trong khu vườn của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: - “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ dâng cúng vật thực của nàng kỹ nữ Ambapālī, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Sau đó, nàng kỹ nữ Ambapālī đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, nàng đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nàng kỹ nữ Ambapālī đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, con xin dâng khu Ambavana (vườn xoài) này đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu.” Đức Thế Tôn đã thọ nhận khu vườn.
Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nàng kỹ nữ Ambapālī bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến Mahāvana. Tại nơi ấy ở Vesāli, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra.
Tụng phẩm Licchavi là thứ ba.
--ooOoo--
[6] Pāṭaligāma là một làng (gāma) thuộc xứ Magadha, nay là thành phố Patna, Ấn Độ (ND).
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada