Vào lúc bấy giờ, các vị dòng dõi Licchavi rất nổi tiếng đã tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán Giáo Pháp, tán thán Hội Chúng bằng nhiều phương thức.
Vào lúc bấy giờ, tướng quân Sīha là đệ tử của Nigaṇṭha đã ngồi xuống ở tập thể ấy. Khi ấy, tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính bởi vì các vị dòng dõi Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán Giáo Pháp, tán thán Hội Chúng bằng nhiều phương thức như thế; có lẽ ta nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy?”
Sau đó, tướng quân Sīha đã đi đến gặp Nigaṇṭha Nāṭaputta,[7] sau khi đến đã đảnh lễ Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta điều này: - “Thưa ngài, tôi muốn đi đến để diện kiến Sa-môn Gotama.” - “Này Sīha, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này Sīha, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.” Khi ấy, ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn của tướng quân Sīha đã được lắng dịu đi.
Đến lần thứ nhì, ―(như trên)― Đến lần thứ ba, các vị dòng dõi Licchavi rất nổi tiếng đã tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán Giáo Pháp, tán thán Hội Chúng bằng nhiều phương thức. Đến lần thứ ba tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính bởi vì các vị dòng dõi Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán Giáo Pháp, tán thán Hội Chúng bằng nhiều phương thức như thế. Những người Nigaṇṭha dầu có được hỏi ý kiến hay không được hỏi ý kiến thì sẽ làm được điều gì đối với ta? Có lẽ ta không cần hỏi ý kiến các Nigaṇṭha và nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy?”
Sau đó, vào lúc xế trưa tướng quân Sīha cùng với năm trăm cỗ xe đã rời thành Vesāli để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đã đi bằng cỗ xe hết khoảng đường dành cho xe, tướng quân Sīha đã xuống xe rồi làm người bộ hành đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, tôi được nghe rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’ Bạch ngài, những người nào đã nói như vầy: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy,’ bạch ngài, phải chăng những người ấy nói đúng về đức Thế Tôn, không gièm pha đức Thế Tôn với sự sai trái, và tuyên bố về pháp phù hợp với Pháp (của ngài) không? Và phải chăng bất cứ người nào sống theo pháp có lời nói hợp với giáo lý đều không phải là đối tượng để chê bai? Bạch ngài, chúng tôi thật tình không có ý lên án đức Thế Tôn.”
- “Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người cách ly, giảng về pháp cách ly, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thoát khỏi bào thai, giảng về pháp thoát khỏi bào thai, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, bởi vì ta giảng về không hành động của thân làm ác, của miệng nói ác, của ý nghĩ ác; ta giảng về không hành động của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, bởi vì ta giảng về hành động của thân làm thiện, của miệng nói thiện, của ý nghĩ thiện; ta giảng về hành động của các thiện pháp dưới nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, bởi vì ta giảng về sự đoạn diệt của luyến ái, của sân, của si; ta giảng về sự đoạn diệt của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, bởi vì ta ghê tởm với việc làm ác của thân, với lời nói ác của miệng, với suy nghĩ ác của ý; ta giảng pháp về điều ghê tởm trong sự tạo thành các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người cách ly, giảng về pháp cách ly, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, bởi vì ta giảng pháp về sự cách ly đối với luyến ái, đối với sân, đối với si; ta giảng pháp về sự cách ly đối với các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người cách ly, giảng về pháp cách ly, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, ta giảng về các pháp ác và bất thiện là việc làm ác của thân, lời nói ác của miệng, suy nghĩ ác của ý cần được thiêu đốt. Này Sīha, người nào có các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: ‘Người thiêu đốt.’ Này Sīha, các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt của Như Lai đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thoát khỏi bào thai, giảng về pháp thoát khỏi bào thai, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của người nào, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: ‘Người thoát khỏi bào thai.’ Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của Như Lai, tức là sự hiện hữu lần nữa và là sự tái sanh đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thoát khỏi bào thai, giảng về pháp thoát khỏi bào thai, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy’? Này Sīha, bởi vì ta là người tự tin, ta giảng về sự tự tin với sự tự tin tối thượng, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.’”
Khi được nói như thế, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
- “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét. Việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” - “Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi; bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: ‘Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét. Việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.’ Bạch ngài, bởi vì các ngoại đạo sau khi thâu nhận con làm đệ tử có thể vác cờ đi khắp cả Vesāli (rêu rao) rằng: ‘Tướng quân Sīha đã trở thành đệ tử của chúng tôi!’ thế mà đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: ‘Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét. Việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.’ Bạch ngài, lần thứ nhì con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
- “Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế đối với những người ấy ông nên suy nghĩ đến vật thực cần được bố thí khi họ đi đến.” - “Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: ‘Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế đối với những người ấy ông nên suy nghĩ đến vật thực cần được bố thí khi họ đi đến.’
Bạch ngài, con đã được nghe điều này, Sa-môn Gotama đã nói như vầy: ‘Vật bố thí chỉ nên dâng đến ta thôi, vật bố thí không nên dâng đến những người khác. Vật bố thí chỉ nên dâng đến các đệ tử của ta thôi, vật bố thí không nên dâng đến các đệ tử của những người khác. Đã dâng đến riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến những người khác thì không có quả báu lớn. Đã dâng đến các đệ tử của ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến các đệ tử của những người khác thì không có quả báu lớn,’ thế mà đức Thế Tôn lại khuyến khích con việc bố thí cho những người Nigaṇṭha. Bạch ngài, tuy nhiên trong trường hợp này chúng con sẽ biết thời điểm. Bạch ngài, lần thứ ba con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tướng quân Sīha có tâm đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Sīha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, tướng quân Sīha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, tướng quân Sīha đã ra lệnh cho người đàn ông nọ rằng: - “Này ngươi, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn.” Sau đó, khi trải qua đêm ấy tướng quân Sīha đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: - “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của tướng quân Sīha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Vào lúc bấy giờ, có nhiều người Nigaṇṭha, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama trong khi biết điều ấy, vẫn thọ dụng thịt đã được làm có liên quan (đến mình); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.”
Sau đó, có người đàn ông nọ đã đi đến gặp tướng quân Sīha, sau khi đến đã thì thầm vào tai của tướng quân Sīha rằng: - “Thưa tướng quân, ngài có biết không? Những người Nigaṇṭha ấy, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: ‘Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và đã làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama trong khi biết điều ấy, vẫn thọ dụng thịt đã được làm có liên quan (đến mình); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.’”
- “Ông bạn ơi, thôi đi! Đã từ lâu nay, các ngài đại đức ấy có ý muốn phỉ báng đức Phật, có ý muốn phỉ báng Giáo Pháp, có ý muốn phỉ báng Hội Chúng. Nhưng các ngài đại đức ấy không lượng sức, phí công, láo khoét, trong khi vu khống với điều không thật mà vẫn không làm tổn hại được đức Thế Tôn ấy. Và chúng tôi, cho dầu vì lý do sống còn, cũng không cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh.”
Sau đó, tướng quân Sīha đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, tướng quân Sīha đã ngồi xuống một bên. Khi tướng quân Sīha đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho tướng quân Sīha bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, trong khi biết thịt được làm (giết) có liên quan (đến bản thân) thì không nên thọ dụng; vị nào thọ dụng phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cá và thịt có được ba điều tuyệt đối thanh tịnh: không được thấy, không được nghe, không nghi ngờ.”[8]
Vào lúc bấy giờ, thành Vesāli có sự sung túc về vật thực, các vụ mùa tốt đẹp, vật thực kiếm được dễ dàng, sự sinh sống được dễ dàng bằng sự mót nhặt hoặc sự tốt bụng (của người khác).
Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được tích trữ ở bên trong (khuôn viên), đã được nấu ở bên trong (khuôn viên), đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng, đã được mọc ở hồ nước, phải chăng ngay cả hôm nay các tỳ khưu vẫn còn thọ dụng những thứ ấy?”
Sau đó vào lúc chiều tối, khi xuất khỏi thiền tịnh đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được tích trữ ở bên trong (khuôn viên), đã được nấu ở bên trong (khuôn viên), đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng, đã được mọc ở hồ nước, phải chăng ngay cả hôm nay các tỳ khưu vẫn còn thọ dụng những thứ ấy?” - “Bạch đức Thế Tôn, các vị vẫn thọ dụng.”
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được tích trữ ở bên trong (khuôn viên), đã được nấu ở bên trong (khuôn viên), đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng, đã được mọc ở hồ nước, kể từ hôm nay ta hủy bỏ những điều ấy. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật thực) đã được tích trữ ở bên trong (khuôn viên), đã được nấu ở bên trong (khuôn viên), đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng, đã được mọc ở hồ nước; vị nào thọ dụng thì nên được hành xử theo Pháp.”
Vào lúc bấy giờ, dân chúng trong xứ sở cho người chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi đánh xe quây thành vòng tròn ở phía bên ngoài cổng lớn của tu viện và chờ đợi (nghĩ rằng): “Khi nào chúng tôi nhận được phiên, chúng tôi sẽ thực hiện bữa trai phạn.” Và có đám mây đen lớn kéo đến.
Khi ấy, những người ấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này: - “Thưa ngài Ānanda, ở đây nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng đã được chất trong các xe hàng và chúng đang còn đó. Giờ có đám mây đen lớn kéo đến. Thưa ngài Ānanda, vậy chúng tôi nên thực hành như thế nào?”
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này Ānanda, như thế thì hội chúng hãy chỉ định trú xá ở ven rào là khu vực làm thành được phép; hãy tích trữ vật mà hội chúng mong muốn ở nơi ấy, (có thể) là trú xá, hoặc nhà một mái, hoặc tòa nhà dài, hoặc khu nhà lớn, hoặc hang động. Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là khu vực làm thành được phép. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, ngay tại chỗ đã được chỉ định là khu vực làm thành được phép, dân chúng nấu các loại cháo, nấu các món thức ăn, chuẩn bị các món xúp, băm các thứ thịt, chẻ những thanh củi.
Sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, đức Thế Tôn đã nghe tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ, tiếng kêu của những con quạ, sau khi nghe đã hỏi đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ ấy, tiếng kêu của những con quạ là gì vậy?” - “Bạch ngài, hiện nay dân chúng nấu các loại cháo, nấu các món thức ăn, chuẩn bị các món xúp, băm các thứ thịt, chẻ những thanh củi ngay tại chỗ đã được chỉ định là khu vực làm thành được phép; bạch Thế Tôn, đó chính là tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ, tiếng kêu của những con quạ.”
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên sử dụng khu vực làm thành được phép đã được chỉ định; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại khu vực làm thành được phép là loại do sự công bố, loại do sự ngẫu nhiên, và loại có liên quan gia chủ.”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Yasoja bị bệnh. Các dược phẩm thuộc về nhu cầu của vị ấy được mang đến. Các vị tỳ khưu đã tích trữ chúng ở bên ngoài (khuôn viên). Các con thú hoang đã ăn đi. Những kẻ trộm đã lấy đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép sử dụng khu vực làm thành được phép đã được chỉ định. Này các tỳ khưu, ta cho phép bốn loại khu vực làm thành được phép là loại do sự công bố, loại do sự ngẫu nhiên, loại có liên quan đến gia chủ, và loại đã được chỉ định.”
Tụng phẩm Sīha là thứ tư.
--ooOoo--
[7] Một trong sáu vị đứng đầu sáu nhóm ngoại đạo thời đó (ND).
[8] Nếu cá và thú ấy bị giết với sự xác định là sẽ làm thức ăn cho một cá nhân nào đó thọ dụng thì cá nhân người ấy không nên ăn (ND).
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada