1) ...
2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.
3) Và con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi.
4) Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :
-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến đoạn tận khát ái?
5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.
6-11) ... trạch pháp giác chi... tinh tấn giác chi... hỷ giác chi... khinh an giác chi... định giác chi...
12) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.
13) Như vậy, này Udàyi, do khát ái đoạn tận nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada