Có tám pháp có nhiều tác dụng, có tám pháp cần phải tu tập, có tám pháp cần phải biến tri, có tám pháp cần phải đoạn trừ, có tám pháp chịu phần tai hại, có tám pháp đưa đến thù thắng, có tám pháp rất khó thể nhập, có tám pháp cần được sanh khởi, có tám pháp cần được thắng tri, có tám pháp cần được tác chứng.

I) Thế nào là tám pháp có nhiều tác dụng? Có tám nhân, tám duyên đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được, đưa đến bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn nếu đã chứng được. Này các Hiền giả, ở đây, ai sống gần bậc Ðạo Sư, hoặc một vị đồng Phạm hạnh đáng tôn kính, nhờ vậy mà tàm quý được sắc sảo, ái lạc và cung kính được an trú. Như vậy là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được, đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn nếu đã chứng được.

Ai sống gần bậc Ðạo Sư, hoặc một vị đồng Phạm hạnh đáng tôn kính, nhờ vậy mà tàm quý được sắc sảo, ái lạc và cung kính được an trú. Người này thỉnh thoảng đến các vị ấy và đặt những câu hỏi: “Này Tôn giả, vấn đề này là thế nào? Vấn đề này nghĩa như thế nào?” Và các vị này đối với người ấy, nêu rõ những gì bị che khuất, phơi bày ra những gì bị giấu kín, và diệt trừ mọi nghi ngờ đối với những vấn đề đang còn nghi ngờ. Như vậy là nhân thứ hai, duyên thứ hai đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn nếu đã chứng được.

Sau khi đã nghe pháp, vị này được hai sự an tịnh, an tịnh về thân và an tịnh về tâm. Như vậy là nhân thứ ba, duyên thứ ba, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự giới bổn Pātimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong các học pháp. Như vậy là nhân thứ tư, duyên thứ tư, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo đa văn, ghi nhớ điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe. Với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, gìn giữ, ghi nhớ, nhờ lặp đi lặp lại, tâm ý suy tư, khéo thành đạt chánh trí. Như vậy là nhân thứ năm, duyên thứ năm, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, vững chắc, kiên trì đối với các thiện pháp. Như vậy là nhân thứ sáu, duyên thứ sáu, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo có chánh niệm, có chánh niệm tối thượng và phân tích rõ ràng ghi nhận, nhớ rõ điều làm đã lâu ngày, nói đã lâu ngày. Như vậy là nhân thứ bảy, là duyên thứ bảy, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được.

Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo sống quán sát sự sanh diệt của năm thủ uẩn: Ðây là sắc, đây là tập của sắc, đây là diệt của sắc. Ðây là thọ … Ðây là tưởng … Ðây là hành … Ðây là thức. Ðây là tập của thức, đây là diệt của thức. Như vậy là nhân thứ tám, duyên thứ tám, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được.

Như vậy là tám pháp có nhiều tác dụng.

Ii) Thế nào là tám pháp cần phải tu tập? Bát Thánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Ðây là tám pháp cần phải tu tập.

Iii) Thế nào là tám pháp cần phải biến tri? Tám thế pháp: Ðắc và không đắc, không có thanh danh và có thanh danh, chê và khen, lạc và khổ. Như vậy là tám pháp cần phải biến tri.

Iv) Thế nào tám pháp cần đưc đoạn trừ? Tám tà: Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Như vậy là tám pháp cần phải đoạn trừ.

V) Thế nào là tám pháp chịu phần tai hại? Tám giải đãi sự. Này các Hiền giả, ở đây có việc vị Tỷ kheo phải làm. Vị này nghĩ: “Có công việc ta sẽ phải làm. Nếu ta làm việc, thời thân ta sẽ mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được, như vậy là giải đãi sự thứ nhất.

Này các Hiền giả, lại nữa, một việc đã được vị Tỷ kheo làm. Vị này nghĩ: “Ta đã làm một công việc. Do ta làm một công việc nên thân ta mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn … như vậy là giải đãi sự thứ hai.

Này các Hiền giả, lại nữa, có con đường vị Tỷ kheo phải đi. Vị này nghĩ: “Khi ta đi con đường ấy, thân ta sẽ mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn … Như vậy là giải đãi sự thứ ba.

Này các Hiền giả, lại nữa, con đường vị Tỷ kheo đã đi. Vị này nghĩ: “Ta đã đi con đường, do ta đã đi con đường nên thân ta mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn … Như vậy là giải đãi sự thứ tư.

Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo đi khất thực ở làng hay tại đô thị không nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Vị ấy nghĩ: “Ta đi khất thực ở làng hay đô thị, không nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn. Thân này của ta bị mệt mỏi không lợi ích gì. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn. Như vậy là giải đãi sự thứ năm.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo, trong khi đi khất thực tại làng hay thị xã nhận được các đồ ăn loại cứng hay đố ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn. Vị ấy nghĩ: “Ta đi khất thức tại làng hay tại thị xã, nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Thân này của ta nặng nề, không làm được gì, như một nhóm đậu. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn … Như vậy là giải đãi sự thứ sáu.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo bị đau bệnh nhẹ. Vị này nghĩ: “Nay ta bị đau bệnh nhẹ, cần phải nằm nghỉ. Vậy ta nên nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn … Như vậy là giải đãi sự thứ bảy.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Vị ấy nghĩ: “Ta mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Thân này của ta yếu đuối, không làm được việc gì, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được. Như vậy là giải đãi sự thứ tám.

Như vậy là tám pháp chịu phần tai hại.

Vi) Thế nào là tám pháp hưng đến thù thắng? Tám tinh tấn sự. Này các Hiền giả, ở đây có việc vị Tỷ kheo phải làm, vị ấy nghĩ: “Có công việc, ta sẽ phải làm, nếu ta làm việc, thì không dễ gì ta có thể suy tư đến giáo pháp chư Phật. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để đạt được điều gì chưa đạt được, để thành tựu điều gì chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều gì chưa chứng ngộ được”. Và vị ấy tinh tấn để đạt được điều gì chưa đạt được, để thành tựu điều gì chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều gì chưa chứng ngộ được. Như vậy là tinh tấn sự thứ nhất.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo đã làm xong công việc, vị ấy nghĩ: “Ta đã làm xong công việc. Khi ta làm công việc, ta không thể suy tư đến giáo pháp của chư Phật. Vậy ta phải cố gắng tinh tấn … ” Vị ấy tinh tấn … Như vậy là tinh tấn sự thứ hai.

Này các Hiền giả, lại nữa, có con đường vị Tỷ kheo phải đi. Vị này nghĩ: “Ðây là con đường mà ta có thể sẽ phải đi. Khi ta đi con đường ấy, không dễ gì ta có thể suy tư đến giáo pháp của chư Phật. Vậy ta hãy cố gắng tinh … ” Vị ấy tinh tấn … Như vậy là tinh tấn sự thứ ba.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo đã đi con đường. Vị này nghĩ: “Ta đã đi con đường ấy. Khi ta đi con đường, ta không có thể suy tư đến giáo pháp của chư Phật. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn … ” Vị ấy tinh tấn … Như vậy là tinh tấn sự thứ tư.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị, không nhận được các loại đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn. Vị này nghĩ: “Ta trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị, không nhận được các loại đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Thân ta như vậy nhẹ nhàng có thể làm việc. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn … ” Và vị ấy tinh tấn … Như vậy là tinh tấn sự thứ năm.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị được các loại đồ ăn loại cứng hay loại đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Vị này nghĩ: “Ta trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị được các loại đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Như vậy thân ta mạnh, có thể làm việc, vậy Ta hãy cố gắng tinh tấn … ” Và vị ấy tinh tấn … Như vậy là tinh tấn sự thứ sáu.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo bị đau bệnh nhẹ. Vị ấy nghĩ: “Ta nay bị đau bệnh nhẹ, sự kiện này có thể xảy ra, bệnh này có thể trầm trọng hơn. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn … ” Và vị ấy tinh tấn … Như vậy là tinh tấn sự thứ bảy.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Vị ấy nghĩ: “Ta mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Sự kiện này có thể xảy ra, bệnh của ta có thể trở lại. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để đạt được điều gì chưa đạt được, thành tựu điều gì chưa thành tựu được, chứng ngộ điều gì chưa chứng ngộ được”. Và vị ấy tinh tấn để đạt được điều gì chưa đạt được, thành tựu điều gì chưa thành tựu được, và chứng ngộ điều gì chưa chứng ngộ được. Ðó là tinh tấn sự thứ tám.

Như vậy là tám pháp hướng đến thù thắng.

Vii) Thế nào là tám pháp rất khó thể nhập? Phạm hạnh trú, tám bất thời bất tiết. Này các Hiền giả, có Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Pháp được thuyết giảng, đưa đến an tịnh, hướng đến Niết bàn, tiến tới giác ngộ, được Thiện Thệ khai thị. Và người ấy sanh vào địa ngục. Ðó là Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết thứ nhất.

Này các Hiền giả, lại nữa, có Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Pháp được thuyết giảng, đưa đến an tịnh, hướng đến Niết bàn, tiến tới giác ngộ, được Thiện Thệ khai thị. Và người ấy sanh vào bàng sanh. Ðó là Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết thứ hai.

… sanh vào ngạ quỷ … bất thời bất tiết thứ ba.

… sanh vào hàng chư Thiên được thọ mạng lâu dài … bất thời bất tiết thứ tư.

… sanh vào các biên địa, giữa các loài mọi rợ vô trí, những chỗ mà các hàng Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ không có đất đứng. Ðó là Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết thứ năm.

Này các Hiền giả, lại nữa, có Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Pháp được thuyết giảng, đưa đến an tịnh, hướng đến Niết bàn, tiến tới giác ngộ, được Thiện Thệ khai thị. Và người ấy được sanh vào các trung quốc, nhưng lại theo tà kiến điên đảo: “Không có bố thí, không có cúng dường, không có cúng tế, không có quả báo các hành vi thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có các loài hóa sanh, không có các vị Sa môn, Bà la môn đã chứng đạt chơn chánh, đã thực thành chơn chánh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ thế giới này với thế giới sau và tuyên thuyết. Ðó là Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết thứ sáu.

Này các Hiền giả, lại nữa, Thế Tôn xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Pháp được thuyết giảng, đưa đến an tịnh, hướng đến Niết bàn, tiến đến giác ngộ, được Thiện Thệ khai thị. Và người ấy sinh vào tại các nước trung quốc, nhưng ác tuệ, ngu si, điếc, ngọng, không biết nghĩa lý được khéo nói hay vụng nói. Ðó là Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết thứ bảy.

Này các Hiền giả, lại nữa Thế Tôn xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, nhưng Pháp không được thuyết giảng, đưa đến an tịnh, hướng đến Niết bàn, tiến đến giác ngộ, được Thiện Thệ khai thị, và người ấy sanh vào tại các nước trung quốc nhưng có trí tuệ, không ngu si, không điếc ngọng, biết nghĩa lý được khéo nói hay vụng nói. Ðó là Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết thứ tám.

Như vậy là tám pháp rất khó thể nhập.

Viii) Thế nào là tám pháp cần được sanh khởi? Tám Ðại nhân tầm: Pháp này cho người thiểu dục, pháp này không phải cho người đa dục; pháp này cho người tri túc, pháp này không phải cho người không tri túc; pháp này cho người an tịnh độc cư, pháp này không phải cho người ưa tụ hội; pháp này cho người siêng năng tinh tấn, pháp này không phải cho người giải đãi; pháp này cho người có niệm hiền tiền, pháp này không phải cho người thất niệm; pháp này là cho người có định tâm, pháp này không phải cho người không có định tâm; pháp này cho người có trí tuệ, pháp này không phải cho người có ác tuệ; pháp này cho người không ưa thích lý luận, pháp này không phải cho người ưa thích lý luận. Như vậy là tám pháp cần được sanh khởi.

Ix) Thế nào là tám pháp cần được thắng tri? Tám thắng xứ. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ nhất.

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ hai.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ ba.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tư.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh—như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh—như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ năm.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng—như bông kaṇikāra màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng—như lụa Ba-la-nại cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ sáu.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ—như bông bandhujìvaka màu đỏ—như lụa Ba la nại cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ bảy.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng—như sao mai osadhi màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, như lụa Ba la nại cả hai mặt láng trơn màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tám.

Như vậy là tám pháp cần được thắng tri.

X) Thế nào là tám pháp cần được chứng ngộ? Tám giải thoát.

Tự mình có sắc, thấy các sắc; đó là giải thoát thứ nhất.

Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; đó là giải thoát thứ hai.

Quán tưởng sắc là tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy; đó là giải thoát thứ ba.

Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không suy tư đến những tưởng khác biệt, với suy tư “Hư không là vô biên” chứng và trú Không vô biên xứ; đó là giải thoát thứ tư.

Vượt khỏi hoàn toàn Hư không vô biên xứ, với suy tư “Thức là vô biên” chứng và trú Thức vô biên xứ; đó là giải thoát thứ năm.

Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư “không có vật gì” chứng và trú Vô sở hữu xứ; đó là giải thoát thứ sáu.

Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy.

Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng, đó là giải thoát thứ tám.

Như vậy là tám pháp cần được chứng ngộ.

Như vậy tám mươi pháp này là chơn, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada