Có bảy pháp có nhiều tác dụng, có bảy pháp cần phải tu tập, có bảy pháp cần phải biến tri, có bảy pháp cần phải đoạn trừ, có bảy pháp chịu phần tai hại, có bảy pháp đưa đến thù thắng, có bảy pháp rất khó thể nhập, có bảy pháp cần được sanh khởi, có bảy pháp cần được thắng tri, có bảy pháp cần được tác chứng.

I) Thế nào là bảy pháp, có nhiều tác dụng? Bảy tài sản: Tín tài, giới tài, tàm tài, quí tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Ðó là bảy pháp có nhiều tác dụng.

Ii) Thế nào là bảy pháp cần tu tập? Bảy giác chi: Niệm Giác chi, Trạch pháp Giác chi, Tinh tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh an Giác chi, Ðịnh Giác chi, Xả Giác chi. Ðó là bảy pháp cần phải tu tập.

Iii) Thế nào là bảy pháp cần phải biến tri? Bảy thức trú. Này các Hiền giả, có các loại hữu tình, thân sai biệt và tưởng sai biệt, như loài Người, một số chư Thiên và một số thuộc đọa xứ. Ðó là loại thức trú thứ nhất. Này các Hiền giả, có những loài hữu tình thân sai biệt nhưng tưởng đồng loại, như các vị Phạm Chúng thiên vừa mới sanh lần đầu tiên (hay do tu sơ thiền). Ðó là loại thức trú thứ hai. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình, thân đồng loại, nhưng tưởng sai biệt, như chư Quang Âm thiên. Ðó là loại thức trú thứ ba. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình thân đồng loại và tưởng đồng loại, như chư Thiên Biến Tịnh thiên. Ðó là loại thức trú thứ tư. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình, vượt khỏi mọi tưởng về sắc, điều phục mọi tưởng về sân, không tác ý đến các tưởng sai biệt, chứng Không vô biên xứ: “Hư không là vô biên”. Ðó là loại thức trú thứ năm. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình, vượt khỏi hoàn toàn hư không vô biên xứ, chứng thức vô biên xứ: “Thức là vô biên”. Ðó là loại thức trú thứ sáu. Này các Hiền giả có những loại hữu tình vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, chứng Vô sở hữu xứ: “Không có vật gì cả”. Ðó là loại thức trú thứ bảy.

Ðó là bảy pháp cần được biến tri.

Iv) Thế nào là bảy pháp cần đưc đoạn trừ? Bảy tùy miên: Tham dục tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên. Ðó là bảy pháp cần phải đoạn trừ.

V) Thế nào là bảy pháp chịu phần tai hại? Bảy phi diệu pháp. Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo bất tín, vô tàm, vô quý, thiểu văn, giải đãi, thất niệm, ác tuệ. Như vậy là bảy pháp chịu phần tai hại.

Vi) Thế nào là bảy pháp hướng đến thù thắng? Bảy diệu pháp. Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo có lòng tin, có tàm, có quý, đa văn, tinh cần, niệm hiện tiền, có trí tuệ. Như vậy là bảy pháp hướng đến thù thắng.

Vii) Thế nào là bảy pháp rất khó thể nhập? Bảy thượng nhân pháp. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tri pháp, tri nghĩa, tri ngã, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nhân. Như vậy là bảy pháp rất khó thể nhập.

Viii) Thế nào là bảy pháp cần phải sanh khởi? Bảy tướng: Vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tưởng, quá hoạn tưởng, đoạn trừ tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng. Như vậy là bảy pháp cần phải sanh khởi.

Ix) Thế nào là bảy pháp cần phải thắng tri? Bảy thù diệu sự. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tha thiết hành trì học pháp và khát vọng hành trì học pháp trong tương lai; tha thiết quán pháp và khát vọng quán pháp trong tương lai; tha thiết điều phục các dục vọng và khát vọng điều phục các dục vọng trong tương lai; tha thiết sống an tịnh và khát vọng sống an tịnh trong tương lai; tha thiết sống tinh tấn và khát vọng sống tinh tấn trong tương lai; tha thiết quán sát tự niệm và khát vọng quán sát tự niệm trong tương lai; tha thiết với kiến giải và khát vọng hiểu biết sở kiến trong tương lai.

Như vậy là bảy pháp cần phải thắng tri.

X) Thế nào là bảy pháp cần được tác chứng? Bảy lậu tận lực. Này các Hiền giả, ở đây, vị lậu tận Tỷ kheo, chánh quán như chân tánh vô thường của tất cả pháp hữu vi với chánh tuệ. Này các Hiền giả, vị Lậu tận, Tỷ kheo chánh quán như chân với chánh tuệ tánh vô thường của tất cả pháp hữu vi, chánh quán ấy là sức mạnh của vị Lậu tận Tỷ kheo ấy. Nhờ sức mạnh ấy, vị Lậu tận Tỷ kheo biết được sự diệt tận các lậu hoặc: “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Lậu tận Tỷ kheo, chánh quán như chân với chánh tuệ các dục vọng như lửa than hừng … “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Này các Hiền giả, lại nữa, vị Lậu tận Tỷ kheo tâm hướng xuất ly, tâm thiên xuất ly, tâm nặng về xuất ly, tâm lấy xuất ly làm mục đích, tâm hoan hỷ ly dục, đoạn trừ hoàn toàn mọi lậu hoặc trú. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo … “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Này các Hiền giả, lại nữa, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, bốn niệm an trú được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo … “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Này các Hiền giả, lại nữa, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, năm căn được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo … “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Này các Hiền giả, lại nữa đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, Bảy Giác chi đã được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo … “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Này các Hiền giả, lại nữa, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, Bát Thánh đạo đã được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, Bát Thánh đạo đã được tu tập, khéo tu tập, như vậy là sức mạnh của vị Lậu tận Tỷ kheo. Nhờ sức mạnh ấy, vị Lậu tận Tỷ kheo biết được: “Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận”.

Như vậy là bảy pháp cần được tu chứng. Như vậy bảy mươi pháp này là chơn, thực như thị, không phải không như thị, không phải sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada