1) Một thời Tôn giả Kàmabhù trú ở Macchikàsanda, tại rừng Ambàtaka.

2) Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn giả Kàmabhù; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Kàmabhù rồi ngồi xuống một bên.

3) Tôn giả Kàmabhù nói với gia chủ Citta đang ngồi một bên:

-- Này Gia chủ, lời này được nói đến:

Bộ phận được tinh thuần,
Mái trần che mầu trắng,
Chỉ có một bánh xe,
Cỗ xe liên tục chạy.
Hãy xem vị đang đến,
Không vi phạm lỗi lầm,
Chặt đt được dòng nước,
Không còn bị trói buộc.

Này Gia chủ, lời nói vắn tắt này, ý nghĩa phải được hiểu như thế nào một cách rộng rãi?

-- Bạch Thượng tọa, có phải lời nói này được Thế Tôn nói đến?

-- Ðúng vậy, này Gia chủ.

-- Vậy hãy chờ một lát, bạch Thượng tọa, con sẽ nghĩ đến ý nghĩa.

4) Rồi cư sĩ Citta, sau khi im lặng một lát, thưa với Tôn giả Kàmabhù:

-- "Bộ phận được tinh thuần", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với các giới luật. "Mái trần che màu trắng", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với giải thoát. "Một bánh xe", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với niệm. "Liên tục chạy", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với đi tới đi lui. "Cỗ xe", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại tạo thành này, do cha mẹ sanh ra, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, bị biến hoại, bị tiêu mòn, bị tiêu hủy, bị hủy diệt. Tham, bạch Thượng tọa, là một lỗi lầm. Sân là một lỗi lầm. Si là một lỗi lầm. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng được đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không có thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc được gọi là không vi phạm lỗi lầm. "Vị đang đến", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với vị A-la-hán. "Dòng nước", bạch Thượng tọa, là đồng nghĩa với khát ái. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khát ái ấy được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không có thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc được gọi là chặt đứt được dòng nước.

Tham, bạch Thượng tọa, là trói buộc. Sân là trói buộc. Si là trói buộc. Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, chúng được đoạn tận, chặt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc được gọi là không bị trói buộc.

5) Như vậy, bạch Thượng tọa, lời nói này được Thế Tôn nói đến:

Bộ phận được tinh thuần,
Mái trần che mầu trắng,
Chỉ có một bánh xe,
Cỗ xe liên tục chạy.
Hãy xem vị đang đến,
Không vi phạm lỗi lầm,
Chặt đt được dòng nước,
Không còn bị trói buộc.

Bạch Thượng tọa, lời nói vắn tắt này, ý nghĩa cần phải được hiểu rộng là như vậy.

6) --Lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ!

Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục lời dạy thâm sâu của đức Phật.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada