1) ...

2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả Gotama, thế giới có phải là thường còn?

-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Thế giới là thường còn..".

4-11)... (như trên)...

12) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

13) -- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, thời trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Tôn giả Gotama được hỏi như vậy, lại không trả lời: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?

14) -- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Họ quán thọ như là tự ngã... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

15) Như Lai, này Vaccha, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, hay sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc. Như Lai quán thọ không phải tự ngã... quán tưởng... quán các hành... quán thức không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có thức, hay thức không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong thức. Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

16) Rồi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Moggalàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Moggalàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

17) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta nói với Tôn giả Mahà Moggalàna:

-- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải thế giới là thường còn?

-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế giới là thường còn".

18-26)... (như trên)...

27) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

-- Này Vaccha, Thế Tôn không có trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

28) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Moggalàna, Sa-môn Gotama khi được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?

29) -- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Họ quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

30) Còn Như Lai, này Vaccha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, quán sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc. Như Lai quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức không phải là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không có trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

31) -- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Moggalàna! Vì rằng, giữa Ðạo sư và nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.

32) Thưa Tôn giả Moggalàna, nay tôi đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến tôi hỏi về ý nghĩa này. Sa-môn Gotama với những câu văn, với những lời văn đã trả lời về ý nghĩa này giống như Tôn giả Moggalàna. Thật vi diệu thay, Tôn giả Moggalàna! Thật hy hữu thay, Tôn giả Moggalàna! Vì rằng, giữa Ðạo sư và nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada